Tử tù Hàn Đức Long tố bức cung, nhục hình như thế nào?

09:27 | 23/11/2013

20,019 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàn Đức Long khai: Trong các lần đi cung, bị cáo đều bị đánh bằng các hung khí là gậy lim dài 70cm bản rộng bằng 3 ngón tay (thước thợ xây) và cờ lê, bật lửa (đốt râu) và bút bi (đập, bẻ ngón tay)…

>> Từ "án oan 10 năm" đến kỳ án "nghi oan" của tử tù Hàn Đức Long

>> Hé lộ vài mối liên quan giữa "án oan 10 năm" và vụ Hàn Đức Long

 

Khác với ông Nguyễn Thanh Chấn trong vụ án oan 10 năm, việc bức cung, nhục hình chỉ được hé lộ sau khi ông được trả tự do. Với Hàn Đức Long, người đang mang án tử này đã từng lên tiếng về việc bị bức cung, nhục hình từ khi vụ án kết thúc quá trình điều tra từ năm 2006 cho đến nay.

Tức là đã 7 năm nay, người này liên tiếp kêu oan và tố bị ép cung, nhục hình.

Theo tư liệu mà PetroTimes có được: Ngay từ bản án hình sự sơ thẩm số 05/2007/HSST của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã thừa nhận việc Hàn Đức Long kêu oan và tố bị bức cung.

Ngày 27/2/2006, khi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang tống đạt bản cáo trạng số 44 cho Hàn Đức Long, bị cáo này đã có ý kiến là không thực hiện hành vi phạm tội như kết luận của cơ quan điều tra và bản cáo trạng của Viện Kiểm sát quy kết.

Long cho rằng, mình bị đánh đập, ép cung nên phải nhận tội.

Đến phiên tòa ngày 16/5 và 5/9/2006, Hàn Đức Long vẫn một mực kêu oan và tố cáo các điều tra viên đã thực hiện việc ép cung, nhục hình với mình.

Danh sách các điều tra viên bị tố ép cung gồm:

1 - Triệu Danh Tùng.

2 - Lê Danh Thu.

3 - Đào Văn Biên (ông Biên nay là Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bắc Giang - PC 45. Ông Biên cũng bị Nguyễn Thanh Chấn tố ép cung).

4 - Lê Quốc Nhường.

Hàn Đức Long tại phiên tòa.

 

Tại phiên tòa sơ thẩm, một tình tiết mới được hé lộ khi luật sư của Hàn Đức Long xuất trình tài liệu chứng minh rằng bị cáo bị bắt giữ từ ngày 18/10 chứ không phải ngày 19/10 như biên bản tiếp nhận người đầu thú của cơ quan điều tra lập. (Có nghĩa là: Sau 1 ngày bị bắt giữ ở cơ quan công an, Long mới viết giấy thú tội - chứ không phải Long đến cơ quan điều tra và thú tội ngay).

Cho đến phiên tòa xét xử tháng 1/2007, Hàn Đức Long vẫn khẳng định mình không có tội mà bị đánh đập, nhục hình, bị các điều tra viên mớm cung.

Long khai: Trong các lần đi cung, bị cáo đều bị đánh bằng các hung khí là gậy lim dài 70cm bản rộng bằng 3 ngón tay (thước thợ xây) và cờ lê, bật lửa (đốt râu) và bút bi (đập, bẻ ngón tay)…

Long cũng thừa nhận việc viết thư về cho vợ là Mai và một lá thư cho ông Báu - bác của nạn nhân Yến. Song tất cả các việc trên đều do các điều tra viên bắt ép viết theo nội dung họ đọc cho.

Các văn bản của cơ quan tố tụng Bắc Giang cho rằng, sơ đồ đường đi gây án là do Long tự vẽ. Trên thực tế, sơ đồ này được Long vẽ dưới sự giúp đỡ của điều tra viên Lê Quốc Nhường. Lý do được đưa ra là Long bị tật ở tay.

Trong bản cung ngày 24/1/2006 do Kiểm sát viên Nguyễn Thái Tạo và Nguyễn Xuân Hùng xét hỏi, có chữ viết của bị can ở cuối bản cung. Xem bản cung này, Hàn Đức Long đã cho rằng: Ai đó giả mạo chữ viết, chữ ký và bản cung đã bị đánh tráo.

Bản cung này được mang đi trưng cầu giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Bắc Giang, kết quả là: “Bản cung ngày 24/1/2006 là do ông Nguyễn Thái Tạo viết, phần viết bổ sung ở cuối bản cung là do chữ viết của Hàn Đức Long”.

PetroTimes được biết: Các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang sau đó đã phải mở cuộc điều tra, xác minh về việc Hàn Đức Long tố bị bức cung, mớm cung, nhục hình.

Để xác minh việc này, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang còn dùng biện pháp là hỏi số can phạm, phạm nhân cùng buồng giam với Hàn Đức Long. Công an Bắc Giang cho biết: Các can phạm này xác định không có việc Long bị bức cung, mớm cung hay nhục hình.

Cuối cùng, kết luận được Công an Bắc Giang đưa ra: “Việc Hàn Đức Long khai mình bị bức cung, nhục hình là không có căn cứ”.

Cùng với việc phủ nhận cáo cuộc bức cung, nhục hình, thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tuyên án tử hình với Hàn Đức Long, kèm theo đó là ngôn từ khá văn hoa ngay trong bản án: “Đỉnh cao của sự tha hóa về đạo đức lối sống...”

(Còn tiếp)

 

H.C.T