Tử tù có được quyền sinh con sau khi chết?

07:00 | 09/01/2014

5,754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau sự kiện người phụ nữ song sinh từ tinh trùng của người chồng quá cố, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu pháp luật có cho những tử tù một đặc ân được lưu lại tinh trùng trước khi thi hành án để có thể thụ tinh nhân tạo, sinh con về sau này?

Như PetroTimes đã thông tin, lần đầu tại Việt Nam hai bé sinh đôi chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chồng đã chết cách đây nhiều năm.

Đó là trường hợp của chị Hoàng Thị Kim Dung 33 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội. Chị Dung cho biết năm 2010 chồng chị đột ngột qua đời sau vụ tai nạn giao thông. Bằng niềm tin và giữ hẹn ước với chồng là sinh thêm người con trai nên chị mời bác sỹ đến lấy tinh trùng của chồng tại nhà xác để lưu lại.

Hai cháu bé Hồ Sĩ Hoàng Hải và bé Hồ Sĩ Hoàng Đức được sinh ra từ tinh trùng của người cha quá cố.

 

3 năm sau khi chị đã bảo vệ luận án tiến sỹ, chị Dung trở lại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để được các bác sĩ tiến hành tiêm thuốc kích trứng, sau đó lấy trứng thụ tinh với tinh trùng thành phôi chuyển vào tử cung chị. Một điều kỳ diệu xảy ra khi ca cấy ghép thành công và chị mang song thai. Đúng 9 tháng 10 ngày hai cháu Hồ Sĩ Hoàng Hải và bé Hồ Sĩ Hoàng Đức được chào đời trong sự ngỡ ngàng của cả ngành y học và tất cả mọi người.

Trao đổi với PetroTimes, Tiến sỹ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người trực tiếp thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đặc biệt cho biết: Đây là ca đặc biệt hy hữu, lần đầu tiên tại Việt Nam khi có trẻ được sinh ra nhờ từ tinh trùng được lấy từ người bố đã chết. Việc trữ lạnh mô khó hơn rất nhiều trữ tinh trùng. Chưa kể, trường hợp này bệnh nhân đã chết đã được 6 tiếng. Tỷ lệ thành công chỉ là khoảng 30%, còn một phần phải nhờ may mắn. Và điều kỳ diệu ấy đã xảy ra.

Kết quả xét nghiệm AND chứng minh hai cháu bé được sinh ra có cùng huyết thống với người cha.

Qua câu chuyện về chị Dung, bác sỹ Vệ cũng chia sẻ: “Trước đây cũng có những gia đình khi người thân gặp nạn, lâm bệnh đăng trong tình trạng hôn mê nhưng muốn lưu giữ lại tinh trùng của người đàn ông. Việc này y học ở Việt Nam hoàn toàn có thể làm được và chúng tôi cũng thực hiện thành công rất nhiều. Tại đây, có rất nhiều lứa tuổi gửi tinh trùng nếu có nhu cầu, thậm chí có những cụ ông 70 tuổi. Thường thì tinh trùng nếu bảo quản tốt có thể lưu trữ được trên 50 năm”.

Trước câu hỏi rất nhiều trường hợp nam tử tù sắp thi hành án, đặc biệt là những người trẻ hoặc mới lấy vợ muốn lưu lại tinh trùng, mô phôi tinh hoàn để cấy giống cho người vợ theo nguyện vọng của gia đình có được không, bác sỹ Lê Vương Văn Vệ cho biết: “Cái này phải tuân theo quy định của luật pháp. Theo như tôi được biết thì pháp luật và ngành y tế mới công nhận tử tù hiến tạng chứ chưa quy định việc cho tử tù hiến và bảo quản tinh trùng. Mà vấn đề này tôi nghĩ rất nhân văn đấy chứ, có lẽ Vụ pháp chế và Bộ Y tế và ngành Tư pháp cũng cần đưa ý kiến trên ra thảo luận và xem xét”.

Trên thực tế, vẫn có các tử tù đã lập gia đình nhưng chưa có con hoặc những người là con duy nhất của gia đình nhưng phạm tội. Như trường hợp của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa (26 tuổi). Nghĩa vốn là thành niên đẹp trai, có học thức, gia đình gia giáo. Ai cũng biết bản chất Nghĩa không phải là kẻ ác và không thuộc thành phần gia đình bất hảo.

Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ cho biết: “Nếu tử từ được lưu tinh trùng trước khi thi hành án thì việc thụ thai của người vợ hoàn toàn dễ dàng”

Cũng chẳng ai ngờ Nghĩa đã gây ra vụ án tàn ác. Bản án tử hình dành cho y cả xã hội đều đồng ý. Tuy nhiên, nếu gia đình Nghĩa muốn lưu lại tinh trùng, mô phôi tinh hoàn của con mình trước ngày ra pháp trường liệu có được pháp luật đồng ý hay không. Không chỉ thế, nhiều gia đình có con trai đang chờ thi hành án tử hình nhưng con họ mới lấy vợ và chưa sinh con liệu có được thực hiện nguyện vọng chính đáng đó không?

Trao đổi với PetroTimes, luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) dẫn Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/2/2003 quy định về sinh con theo phương pháp khoa học thì việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chỉ thực hiện với các cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ sống độc thân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Hoặc là người có nguyện vọng lưu giữ cá nhân có thể thực hiện việc gửi tinh trùng, với điều kiện người gửi tinh trùng phải trả chi phí lưu giữ, bảo quản theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người gửi tinh trùng bị chết, cơ sở lưu giữ tinh trùng phải hủy số tinh trùng của người đó. Việc cho tinh trùng, nhận tinh trùng phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện và bí mật (người nhận không được tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho). Pháp luật nghiêm cấm việc mang thai hộ.

Theo LS La Văn Thái, pháp luật không có quy định cấm tử tù gửi tinh trùng, tuy nhiên trong thời gian chờ thi hành án thì tử tù khó thực hiện được việc này vì quy định giam giữ người bị kết án tử rất nghiêm ngặt

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình tại Thông tư số 39/2012/TT-BCA của Bộ Công an ngày 4/7/2012, quy định rất nghiêm ngặt: “Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày. Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm; mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ".

Như vậy, theo luật sư Thái, pháp luật không có quy định cấm tử tù gửi tinh trùng, mô phôi tinh hoàn. Tuy nhiên, việc gửi tinh trùng, cho nhận tinh trùng phải đảm bảo các điều kiện và theo thủ tục nghiêm ngặt mà tử tù khó đáp ứng được.

“Tuy nhiên, với chính sách nhân đạo của pháp luật cho phép người nhà tử tù được nhận thi thể về an táng và sau đó tiến hành các thủ tục lấy mô phôi tinh hoàn thì hoàn toàn có cơ hội thụ tinh cho vợ thành công. Tất nhiên, cái này cần sự giúp đỡ rất nhiều của y học bởi trường hợp như của chị Dung sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết vẫn đang là hy hữu”, LS Thái nói thêm.

Thảo Phượng