Tàu ngầm "Trường Sa" đang "ngoài vòng pháp luật"?

07:00 | 04/04/2014

7,669 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện về tàu ngầm tự chế của ông Nguyễn Quốc Hòa vẫn còn đang rất “nóng” trong dư luận. Nhiều người đang chờ đợi khi nào ông Hòa sẽ được cấp phép để đưa tàu ngầm ra biển thử nghiệm như kế hoạch của ông. Ngay bản thân ông Hòa cũng khẳng định: Sẽ chỉ ra biển nếu có được giấy phép. Nhưng, một câu hỏi đặt ngược lại: Liệu ông Hòa có thể ra biển mà không cần giấy phép không?

>> Tàu ngầm "Trường Sa" chạy thử nghiệm ở hồ nước

>> Ai cấp phép cho tàu ngầm "Trường Sa" ra biển?

>> Gặp ông Hòa "tàu ngầm"

>> Tàu ngầm "quê lúa" chưa ra biển đã bị dọa bắt

Như Petrotimes đã thông tin, sau khi thử nghiệm tàu ngầm ở bể nhân tạo trong Cty để kiểm tra khả năng lặn, nổi, sáng 28.3 vừa qua, ông Hòa đã đưa tàu ngầm ra hồ của KCN Vĩnh Trà (thành phố Thái Bình) để tiến hành thử nghiệm chạy nổi.

Ông Hòa trao đổi với phóng viên và người dân sau buổi thử nghiệm

Sau khi kết thúc thành công buổi thử nghiệm, trả lời các phóng viên về việc khi nào đưa tàu ngầm ra biển, ông Hòa cho biết: Khi nào ra biển thì cần phải chờ sự cho phép của Chính phủ, Bộ quốc phòng. Đồng thời, ông Hòa tin rằng sẽ không có lý do gì để không cấp phép cho tàu ngầm tự chế ra biển, vì chiếc tàu ngầm này là trí tuệ của người Việt. Ông Hòa cũng khẳng định, ông sẽ gửi đề nghị cấp phép đến Chính phủ, Quốc hội, Bộ quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng để đề nghị được cấp phép ra biển.

Nhiều người cho rằng việc cấp phép cho tàu ngầm tự chế của ông Hòa là rất khó. Khó là bởi lẽ trước nay chưa có tiền lệ. Cơ quan nào sẽ cấp phép và cấp phép dựa vào văn bản pháp luật nào? Bởi lẽ tàu ngầm do công dân tự chế là một điều chưa có tiền lệ. Theo tìm hiểu của phóng viên: Tàu ngầm chưa có trong danh mục các phương tiện đăng kiểm; giấy phép lái tàu ngầm thì rõ ràng cũng… quá mới; Luật hàng hải cũng chưa đề cập đến phương tiện tàu ngầm tự chế…

Tuy nhiên, khi đứng trước những vấn đề rất khó như trên, một số người có tư duy phản biện lại cho rằng: Như vậy, nếu pháp luật chưa quy định đến, chưa cấm thì công dân được quyền làm? Bởi lẽ, theo nguyên tắc: Nếu như cơ quan công quyền, quan chức, công chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép, thì công dân được phép làm những gì luật không cấm.

Ông Hòa rời khỏi tàu ngầm sau khi kết thúc buổi thử nghiệm.

Ông Nguyễn Quốc Hòa là một công dân. Như vậy, theo nguyên tắc trên có thể suy ra: Trong khi luật chưa quy định về loại phương tiện tàu ngầm tự chế; chưa quy định về kiểm định phương tiện này; chưa có quy định cấp bằng lái cho phương tiện này; luật cũng không cấm một công dân đưa tàu ngầm ra biển thì ông Hòa hoàn toàn có thể chế tạo tàu ngầm, lái tàu ngầm (như ông đã làm), và đưa tàu ngầm ra biển?

Thực tế, trước đây, khi trả lời về việc đưa tàu ngầm ra biển thì gặp khó khăn gì, ông Hòa đã từng khẳng định: “Tôi chưa nhìn thấy khó khăn như thế nào cả. Vì tôi chưa thấy tài liệu văn bản nào cấm. Chạy trên sông thì chắc chắn là không được, còn chạy trên biển chưa thấy văn bản nào cấm; cũng chưa thấy văn bản nào cấm thử tàu ngầm ở ngoài biển”.

Nếu luật đã quy định mà ông Hòa không xin phép thì ông Hòa chắc chắn là phạm luật và sẽ bị xử phạt. Còn nếu luật chưa quy định, thì theo nguyên tắc công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm, ông Hòa sẽ không vi phạm pháp luật.

Vấn đề ở đây là, qua vụ việc ông Hòa chế tạo, thử nghiệm tàu ngầm này, sắp tới các nhà làm luật, hoặc là ra luật cấm hoàn toàn công dân tự làm tàu ngầm tự chế; hoặc là cần phải tiếp tục hoàn thiện luật để có thể chế tài được phương tiện là tàu ngầm tự chế (trừ khi các nhà làm luật cho rằng việc một công dân làm tàu ngầm tự chế là quá hy hữu, “trăm năm có một” nên không cần bổ sung luật). Nếu có luật cấm làm tàu ngầm tự chế thì ai làm đương nhiên sẽ phạm luật. Còn nếu không cấm làm tàu ngầm tự chế, mà có những quy định cụ thể về loại phương tiện này, thì người nào làm tàu ngầm tự chế mà không tuân thủ theo quy định pháp luật đã được đặt ra thì tất nhiên là sẽ vi phạm pháp luật, sẽ bị chế tài.

Còn hiện nay, nói cho chính xác, tàu ngầm và các hoạt động thử nghiệm ở của ông Hòa đang ở… ngoài vòng pháp luật.

Nhiều người sẽ lý luận rằng, có thể pháp luật không cấm tàu ngầm tự chế ra biển thử nghiệm và chạy, nhưng để đảm bảo an toàn cho các loại phương tiện đường thủy khác, cơ quan công quyền vẫn phải cấm tàu ngầm của ông Hòa ra biển (nếu không có giấy phép). Lo ngại an toàn cho các phương tiện khác là có lý, nhưng không thể vì cái có lý này mà làm điều vô lý là cấm tàu ngầm (bởi đã phân tích ở trên: công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm).

Ngược lại, thay vào đó, các cơ quan chức năng, để thực thi nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác, cần xây dựng các phương án để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên biển khác trong lúc tàu ngầm thử nghiệm.

Việc ông Hòa chế tạo tàu ngầm không chỉ là thử nghiệm về mặt khoa học, mà có lẽ còn là một thử nghiệm về mặt pháp luật, về phản ứng của các cơ quan công quyền trước một cái mới của cuộc sống mà pháp luật chưa đề cập đến!

>> Tàu ngầm "Trường Sa" chạy thử nghiệm ở hồ nước

>> Ai cấp phép cho tàu ngầm "Trường Sa" ra biển?

>> Gặp ông Hòa "tàu ngầm"

>> Tàu ngầm "quê lúa" chưa ra biển đã bị dọa bắt

Thục Quyên