Khóc ở vùng “đất chết” (Kỳ 2)

06:13 | 01/10/2013

692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cõ lẽ, không ở đâu trên đất nước Việt Nam có số người mắc ung thư và chết đột ngột lại nhiều như ở thôn Cò Đồm (xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), cả thôn ấy có 73 hộ dân nhưng chỉ trong vòng vài năm trở lại đây đã có tới 20 người mất mạng vì ung thư. Đó là chưa kể đang có rất nhiều người ủ bệnh chờ đến ngày phát tác, nguồn nước của họ bị nhiễm độc một cách trầm trọng. Họ đang uống hóa chất theo mạch nước ngầm từng ngày mà không có cách gì thay đổi được.

>> Khóc ở vùng “đất chết” (Kỳ 1)

Bài 2: Bệnh tật và những hệ lụy tai ác

Nỗi đau từ mảnh đất chết

Bước chân vào khu vực nhà máy, cảm giác buồn nôn dội lên đến khó tả. Không khí như đặc xịt lại, dù đeo khẩu trang nhưng chúng tôi vẫn xây xẩm mặt mày. Chi chít quanh những ngôi nhà cấp 4 vốn là nhà xưởng của Công ty CP Nicotex Thành Thái khi trước là những hố mà người dân đã phát hiện và đào lên, còn nguyên đó là những thùng phuy hóa chất đã bắt đầu hoen gỉ và ngấm vào mạch nước.

Nhà bà Phạm Thị Mậu (63 tuổi, ở thôn Cò Đồm), bé ton hỏn nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn đồng mía. Lối đi vào nhà bà cỏ mọc um tùm, căn nhà vẹo vọ, ẩm mốc, thiếu hơi người. Một mình bà đang sống trong căn nhà ấy. Chồng bà, ông Đỗ Quốc Dân, chết vì ung thư gan năm 2006, năm ấy ông 49 tuổi. Đầu năm 2013, con trai bà là anh Đỗ Quốc Dũng (33 tuổi) cũng bỏ mạng vì căn bệnh ung thư quái ác. Anh bị ung thư phổi. Khi bệnh được phát hiện thì anh chỉ sống thêm được 3 tháng. Tất cả cũng chỉ vì họ quá nghèo. Quả thực nỗi đau của bà Mậu không thể vơi bởi anh Dũng là người con trai duy nhất của bà.

Bà Phạm Thị Mậu nghẹn ngào trong nước mắt kể về sự ra đi của hai người thân trong gia đình

Vợ anh Dũng, chị Phạm Thị Đào kể: Từ khi bố chồng mất vì căn bệnh ung thư, chị đã nghi ngờ cái nhà máy thuốc trừ sâu ở gần đó rồi và đến nay, chồng chị mới 33 tuổi cũng lại bỏ mạng vì căn bệnh ung thư đó thì chị không thể chịu nổi được nữa, chị phát rồ, phát dại. Chị khóc ròng mấy tháng trời rồi nghiến răng xin phép mẹ chồng ôm con về quê ngoại ở Bắc Ninh. Trước khi đi, chị tha thiết nói với mẹ chồng rằng: “Con đưa cháu về quê chứ ở đây nó uống nước độc chẳng mấy chốc bị ung thư mà chết, con chỉ còn có mỗi đứa con này. Bao giờ nước hết độc, đất đai sạch sẽ thì con đưa cháu về sống với mẹ”.

Từ một gia đình đầy đủ, bà Mậu bỗng chốc neo đơn. Mấy người hàng xóm ai cũng ái ngại cho gia cảnh của bà. Họ bảo rằng, mấy tháng nay rồi, từ khi con dâu bế cháu đi, bà Mậu như người mất hồn, nửa tỉnh nửa mê, cứ lẩn thẩn vào ra, miệng thì lẩm bẩm điều gì không ai rõ. Cũng may những người hàng xóm ở đây tốt bụng, họ cứ chạy qua chạy lại nhà bà Mậu vì sợ bà phẫn trí mà bỏ đi theo chồng con. Gặp chúng tôi, bà Mậu khóc ròng từ đầu đến cuối câu chuyện, nỗi đau lại hiển hiện trước mắt bà. Trong căn nhà lụp xụp ấy, một bên là bàn thờ của chồng, một bên là bàn thờ của con trai.

Thôn Cò Đồm chỉ cách nhà máy của Công ty CP Nicotex Thành Thái vài chục bước chân. Thôn này được mệnh danh là rốn nước của cả vùng, bởi là nơi trũng nhất nên tất cả độc tố ngấm trong mạch nước dồn tụ cả về đây. Ông Phạm Ngọc Châu - Bí thư thôn tay run run mở “sổ tử” rồi chỉ cho chúng tôi xem những ca đã chết vì căn bệnh ung thư trong vài năm trở lại đây. Ông nói: “Các chú tính xem, cả thôn này chỉ có 73 hộ dân với 360 khẩu mà vài năm trở lại đây thôi đã có tới 20 người chết vì bệnh ung thư. Đó mới chỉ là thống kê sơ qua những trường hợp có giấy chứng nhận của bệnh viện. Còn vô số những trường hợp không đi viện khám hoặc đang ủ bệnh. Ngay như chính tôi đây cũng không biết được rằng sức khỏe của mình như thế nào, có thể đang sống khỏe mạnh mà ngay ngày hôm sau đã phát bệnh mà nằm xuống”.

Ông Châu chỉ lối cho chúng tôi sang nhà chị Lương Thị Hợp (32 tuổi). Chị Hợp ba lần sinh con nhưng khiếp hãi thay, chẳng hiểu chị nhiễm chất độc trong người gì mà ba lần sinh thì hai lần chị Hợp đã ngất ngay trên bàn đẻ khi nhìn thấy hình hài đứa con dị dạng. Cả hai cháu bé cũng chỉ sống được vài giờ đồng hồ sau khi chào đời. Đứa con còn lại cũng oặt ẹo, hiện cháu đã lên 5 vậy mà một bên mắt của cháu cũng đang mờ dần, không hiểu lý do vì sao. Vợ chồng chị vốn nghèo, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tài sản đáng giá nhất là đứa con. Vậy mà...

Chuyện người dân quá hoang mang trước môi trường sống bị hủy hoại ghê gớm đã bỏ xứ mà đi không phải là chuyện lạ ở mảnh đất này. Dọc đường vào xóm, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhìn thấy những căn nhà cỏ đã mọc vào tận sân, cửa đóng im ỉm, có nhà đã bỏ hoang hàng chục năm nay. Nhà chị Phạm Thị Liên ở giữa thôn Cò Đốm, chị bỏ xứ hơn 4 năm nay. Chị gái của chị Liên là chị Phạm Thị Sáu chết năm 43 tuổi vì căn bệnh ung thư phổi, hai năm sau mẹ chị cũng chết vì căn bệnh ấy. Quá khiếp hãi, chị Liên đã ôm con gái bỏ đi biệt tích. Ở làng bây giờ, chẳng một ai biết chị đang ở đâu vì từ khi rời làng đi chưa một lần chị trở về.

Thôn Cao Khánh, xã Yên Lâm cũng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nguồn nước bị nhiễm độc nghiêm trọng. Thôn ấy có 159 hộ mà có tới hơn 30 người đã chết vì bệnh tật. Chúng tôi đã tìm đến cả những người đã từng làm việc tại nhà máy, tiếp xúc trực tiếp với hóa chất và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của họ cũng thật là khiếp hãi.

Hai đứa con chị Hương, người bị mù lòa người mắc bệnh bụng to

Nhà anh Ngô Ngọc Chi (50 tuổi, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa), cách khu vực chôn lấp hóa chất nằm trong khuôn viên Công ty CP Nicotex Thành Thái chỉ vài chục bước chân. Anh Chi đã từng làm công nhân bốc vác thuê hóa chất từ năm 2000. Anh kể: “Ngày ấy, dân ở đây nghèo lắm, cứ việc gì có tiền là làm thôi, chẳng kể đó là việc gì. Chúng tôi được người ta thuê bốc dỡ một xe tải có trọng lượng 10 tấn thùng phuy hóa chất và được trả công 60.000 đồng một xe. Tổ chúng tôi gồm 7 người, toàn là thanh niên trai tráng trong vùng. Hằng ngày cứ tầm 17giờ, từng hàng xe tải chở thùng phuy hóa chất tập kết về nhà máy, những ngày cao điểm lên đến vài chục xe. Thùng phuy chủ yếu là hóa chất để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, rất lỏng và dính”.

Có một lần anh Chi làm vỡ một thùng hóa chất và bị hóa chất phun vào mặt. Mùi hóa chất nồng nặc làm anh ngộp thở, ngất ngay tại chỗ. Người ta phải khiêng anh vào trạm xá, xịt nước lã để rửa, phải mất gần 4 giờ đồng hồ anh mới tỉnh. Sau đận ấy, mặt anh sùi lên từng mảng, tóc trên đầu rụng hết, môi sưng tấy, một bên mắt mờ dần, những hôm trời lạnh là những mảng da trên mặt đỏ tấy lên và ngứa rát. Do nuốt phải một lượng hóa chất nên vòm họng anh bị tổn thương nặng. Tiếng nói thay đổi khàn khàn, khó nghe. Anh kể: “Chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ bốc dỡ hóa chất từ xe xuống chứ không được giao đưa hóa chất đi chôn, nhưng chúng tôi cũng loáng thoáng biết được họ chôn chỗ nào, giờ nào, khối lượng bao nhiêu. Công việc chôn hóa chất dành cho những công nhân thân tín từ Thái Bình vào, mỗi lần chôn là một tốp và sau đó không ai còn nhìn thấy họ nữa. Giá mà tôi biết cái thứ hóa chất giết người ấy nó độc hại đến mức này thì có các vàng tôi cũng không làm. Chỉ thương cho những người dân sống quanh vùng hơn 20 năm qua phải chịu đựng những hệ lụy ghê gớm từ cái ổ hóa chất ấy”.

 Gần sát nhà anh Chi là nhà chị Trương Thị Hương (35 tuổi) cũng là một trong những nhân viên từng làm việc cho Công ty CP Nicotex Thành Thái. Chị Hương có 5 năm làm tại bộ phận đóng chai cho nhà máy. Bản thân chị cũng không ngờ được rằng, khi chị lấy chồng và sinh con, chẳng biết có phải hóa chất ngấm vào người chị không mà 2 đứa con do chị sinh ra, đứa nào cũng mang dị tật tai ác. Cháu Đỗ Công Thắng (8 tuổi, con chị Hương), người gầy nhẳng, một bên mắt mù hẳn. Từ lúc sinh ra thị lực của cháu đã rất yếu, đến năm 5 tuổi thì cháu hoàn toàn hỏng một bên mắt. Trí tuệ của Thắng cũng không được bình thường, đi học lúc nhớ lúc quên, nhiều lúc ngễnh ngãng, nói trước quên sau, trông đến tội. Đứa con thứ hai là cháu Đỗ Công Lợi (5 tuổi), cũng mắc một căn bệnh lạ. Gần đây, bụng cháu cứ chướng to lên, đau triền miên, hằng tháng gia đình phải đưa cháu đi bệnh viện hút dịch. Các bác sĩ cho biết, khả năng cháu bị ung thư là rất cao. Chồng chị, cũng vì không chịu được những đứa con bệnh tật đã bỏ đi biệt xứ. Chị  Hương phải gửi 2 con nhỏ cho bà ngoại để đi Malaysia làm nghề giúp việc không biết bao giờ mới trở về.

Còn không biết bao nhiêu số phận, bao nhiêu hoàn cảnh nữa ở mảnh đất này, người thì ung thư mà chết, người thì oặt ẹo sống lay lắt qua ngày, người thì ủ bệnh không biết bao giờ phát tác. Bao nhiêu năm qua, dù biết mười mươi những tai ương ấy cũng chỉ vì những ổ hóa chất dưới lòng đất ngấm vào nguồn nước gây nên nhưng người dân cũng chỉ biết than trời chứ chẳng biết kêu ai. Chuyện người dân chết do ung thư ở đây chẳng còn là chuyện lạ, có khi tuổi còn tráng niên đã ung thư mà mất mạng. Câu hỏi mà người dân nơi đây luôn hỏi là: “Còn bao nhiêu hóa chất bị người ta đang tâm chôn dưới lòng đất? Nó sẽ gây những tai ương gì vào những ngày kế tiếp?”.

Giật mình về những con số

Có một con số mà khi nói ra chắc nhiều người sẽ rùng mình. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sau khi kiểm nghiệm đã khẳng định: “Mẫu đất và nước tại khuôn viên xưởng sản xuất của Công ty CP Nicotex Thành Thái có mức nhiễm độc vượt 15.000 lần tiêu chuẩn cho phép”.

Theo kết quả kiểm nghiệm cho thấy, các chất fenobucarb, iprobenfo chlorpyrifos, butachlor, isoprothiolane và cypermethrin tìm thấy trên các mẫu kiểm nghiệm đều là các hóa chất bảo vệ thực vật. Fenobucarb được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu nông nghiệp trên lúa và bông, nó có thể được xem như là một chất độc cao hoặc độc hại vừa phải cho con người. Fenobucarb là chất độc cấp tính và bán cấp tính, ảnh hưởng tới men cholinesterase ở não, rất độc hại cho con người. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm còn cho thấy fenobucarb ở 4 mẫu phân tích có nồng độ khác nhau và dao động trong khoảng 0,014-742. Trong đó nồng độ fenobucarb cao nhất ở mẫu CT2 (chất thải lỏng chôn gần khu vực xử lý nước thải ở vị trí 20057.487 độ bắc và 106031.291 độ nam), vượt tiêu chuẩn cho phép tới 14.837 lần.

Anh Chi ân hận kể về quãng thời gian làm thuê cho Công ty CP Nicotex Thành Thái

Nồng độ fenobucarb trong 2 mẫu CT1 (vỏ bao bì chôn, tại khu vực xử lý nước thải ở vị trí 20057.487 độ bắc và 106031.291 độ nam) và mẫu CT4 (đất ở hố chôn chất thải tại nhà thay quần áo tại 20005.303 độ bắc và 105031.316 độ nam) vượt tiêu chuẩn cho phép là 35,7 và 85,4 lần. Mẫu CT4 có nồng độ iprobenfos là 1,04mg/kg, iprobenfos cũng được xem là có độc tính cao đối với các sinh vật và con người. Khi ngộ độc với iprobenfos cũng có một số dấu hiệu như chảy nước miếng quá nhiều, đổ mồ hôi, chảy nước mũi và chảy nước mắt, suy hô hấp, tức ngực, thở khò khè, ho, nhức đầu, buồn nôn... Nồng độ chlorpyrifos trong 4 mẫu phân tích dao động trong khoảng 0,006-129mg/kg. Trong đó nồng độ chlorpyrifos trong mẫu máu CT2 là cao nhất.

Chlorpyrifos là chất độc hại đối với con người. Da tiếp xúc với chlorpyrifos có thể đổ mồ hôi cục bộ và các cơn co thắt cơ bắp không tự chủ. Ngộ độc chlorpyrifos sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi, co thắt cơ không tự chủ, co giật, và cuối cùng tê liệt tứ chi và các cơ hô hấp. Còn nồng độ cypermethrin cao nhất là ở mẫu CT1 (vượt tiêu chuẩn cho phép 5.162 lần). Cypermethrin có thể gây kích ứng da và mắt nếu con người tiếp xúc với nó.

Với hành vi đầu độc đồng bào của mình như vậy mà ngày 19/9, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với công ty này với mức phạt quá “nhẹ nhàng”. Họ chỉ bị phạt tiền hơn 400 triệu đồng. Hàng vạn hộ dân bị ảnh hưởng, hàng nghìn người dân mang bệnh, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng thì số tiền ấy thử hỏi có thỏa đáng không? Lại còn chuyện này nữa, nhiều người dân khẳng định rằng: “Khối lượng hóa chất bị phát hiện chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng khối lượng mà công ty này đã chôn xuống lòng đất”.

Từ khi biết được thông tin về quyết định này, tại các xã Cẩm Vân, Yên Lâm, người dân tiếp tục tụ tập đông ở các chòi canh để bảo vệ hiện trường, chờ cơ quan chức năng xuống giải quyết dứt điểm vụ việc. Có nhiều người đã khóc nức nở, tủi cho phận mình, lo cho con cho cháu. Họ chỉ sợ rằng, tội ác mà Công ty CP Nicotex Thành Thái gây ra sẽ từ to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì và cuộc sống của họ sẽ tiếp tục bị đe dọa. Cơ quan chức năng đã báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ về vụ việc.

Chúng tôi thì vẫn tin rằng, những cán bộ lãnh đạo có lương tâm sẽ không thể dung thứ cho những hành động tàn độc, nhẫn tâm đầu độc đồng bào của họ. Công sức đằng đẵng mấy tháng trời lập chòi canh gác của người dân ở một vùng  đất xứ Thanh sẽ được đền đáp xứng đáng...!

Minh Tiến - Thiên Minh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps