Khi nông dân làm đơn xin… trả ruộng (?!)

06:56 | 15/11/2013

9,761 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước khi kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII khai mạc ít ngày, chúng tôi đã về Hải Dương để tìm hiểu một câu chuyện nghe nói sẽ được bàn thảo trên diễn đàn Quốc hội. Chuyện này chưa từng có trong lịch sử nhà nông: Một tỉnh nông nghiệp lâu đời người dân gắn bó với ruộng đồng mà nay có tới hàng nghìn người dân bỏ ruộng, hàng trăm héc-ta bờ xôi ruộng mật cỏ dại mọc đầy…

Ngậm ngùi trả ruộng

Chúng tôi tìm về xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, một vùng bờ xôi ruộng mật, người dân gắn bó với ruộng đồng lâu đời nay bỗng dưng có tới 16 nông dân đồng loạt viết đơn xin… trả ruộng. Đang độ giữa thu, lúa đã kết hạt, cánh đồng bạt ngàn một màu vàng lúa chín thật đẹp mắt như một bức tranh thu. Thế nhưng, đan xen giữa bức tranh ấy là những mảng cỏ xanh rì của những thửa ruộng bỏ hoang nhìn nhôm nha nhôm nhoem…

Vào trụ sở ủy ban, anh chủ nhiệm hợp tác xã buồn bã mở cho chúng tôi xem tập hồ sơ 16 lá đơn xin trả ruộng…

Nét chữ nghuệch ngoạc, nhiều chỗ sai chính tả, ngắn gọn, mộc mạc đi thẳng vào vấn đề theo kiểu nông dân, ngày 15/3/2013, bà Trần Thị Tân ở xã Lam Sơn huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương có “Đơn xin trả ruộng” gửi UBND xã. Đơn viết: “Hiện gia đình tôi có một mảnh ruộng 411m2 ở xứ Giàn, Đồng Sơn, Đội 5, thôn Thọ Trường thuộc diện chia 03. Do điều kiện neo người nên không thể canh tác trên thửa ruộng đó được nữa. Vậy tôi làm đơn này xin tự nguyện trả lại thửa ruộng 03 trên cho UBND xã quản lý. Sau này Nhà nước có thay đổi gì về chính sách tôi không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào với số ruộng đã trả”.

Cánh đồng bỏ hoang ở xã Chí Linh

Tương tự, bà Bùi Thị Dung cũng ở xã Lam Sơn có đơn đề ngày 21/3, xin trả 324m2 đất ruộng 03 chỉ với lý do “ốm không làm được”. Ông Hồ Sỹ Vinh ở thôn Thọ Xuyên, xã Lam Sơn cũng trả tới 828m2 đất ruộng 03 mà không nêu rõ lý do, chỉ nêu chung chung “không làm được”.

Ông Hồ Sỹ Vinh năm nay đã 80 tuổi, dù trong đơn ông viết “không thắc mắc quyền lợi gì” nhưng nhắc đến chuyện trả ruộng, ông Vinh rớm rớm nước mắt: “Ngày xưa nghèo khó, đời ông bà, cha mẹ tôi làm gì có ruộng, phải đi làm thuê cho địa chủ. Đến đời mình được chia ruộng, có được ngày nay cũng là nhờ mảnh ruộng này mà đi lên. Nhưng giờ nhiều khó khăn quá, làm ruộng ngày càng khó, tôi tuổi già sức yếu chẳng làm được nữa nên đành ngậm lòng trả ruộng để Nhà nước chia cho người khác cho đỡ phí”. Chỉ riêng trong tháng 3/2013 vừa qua, ở thôn Thọ Xuyên đã có tới 5 gia đình có đơn xin trả lại ruộng như ông Vinh.

Tại thị xã Chí Linh, số ruộng bị bỏ hoang còn nhiều hơn Thanh Miện. Trưởng thôn Hoàng Gián Cũ, xã Hoàng Tiến, ông Ngô Văn Trưởng dẫn chúng tôi tới khu ruộng Đồng Xác với diện tích 6ha bị bỏ hoang. Chỉ tay về phía những thửa ruộng giờ đây um tùm cỏ dại, ông Trưởng cho biết: “Ở cánh đồng này, trước đây là những ruộng lúa. Giờ đây cánh đồng này bị bỏ hoang, nhà ít thì bỏ hoang 2 sào, nhà nhiều thì bỏ 4-5 sào, điển hình như hộ ông Cao Văn Hiệp bỏ 4 sào, hộ ông Nguyễn Sĩ Liên 2 sào, Nguyễn Văn Chế 3 sào”.

Câu chuyện nông dân bỏ ruộng ở Hải Dương không còn là chuyện bột phát, chuyện riêng của một vài gia đình neo đơn mà đang có xu hướng trở thành một hiện tượng xã hội. Đầu tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương đã có báo cáo chính thức về tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng đất năm 2013 gửi Bộ NN&PTNT và lãnh đạo tỉnh. Báo cáo thừa nhận vụ mùa năm 2013, tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng xảy ra ở toàn bộ 12/12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, thuộc 86 xã với gần 5.800 hộ nông dân, chiếm 0,47% diện tích gieo cấy. Trong đó, diện tích đất công điền (đất công ích 5%) là 99,6ha, đất giao ổn định lâu dài (đất giao theo Nghị quyết 03) 197,02ha. Các địa phương có diện tích đất bị bỏ hoang nhiều: Thị xã Chí Linh 53,7ha; huyện Gia Lộc 47,2ha; Tứ Kỳ 43,6ha; Kim Thành 39,9ha; Cẩm Giàng 29,4ha. Đặc biệt có 2 huyện có nông dân làm đơn xin trả lại ruộng: Thanh Miện, Kim Thành với tổng diện tích 0,8ha.

Nói về chuyện nông dân bỏ ruộng, ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương ngậm ngùi: “Số lượng nông dân bỏ ruộng dự báo sẽ còn tăng. Nhất là trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năm 2015-2020, nước ta phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp, khi đó lao động chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ nhiều hơn. Tình trạng bỏ ruộng sẽ diễn ra ở quy mô rộng hơn nếu chính sách về ruộng đất không khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất vào những nông dân có khả năng sản xuất hàng hóa nông sản lớn”.

Những kỳ họp Quốc hội và một câu chuyện

Việc những người nông dân trả ruộng khiến chúng tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện mà nhà báo Thái Duy, cựu phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp của Báo Đại đoàn kết kể năm nào. Cũng là câu chuyện xảy ra ở Hải Dương hơn 30 năm trước, vào cái thời bình minh của đổi mới, người nông dân cũng từng phải đứng trước những toan tính ruộng đồng như hôm nay.

Hồi đó vào tháng 10/1980, nhà báo Thái Duy về huyện Tứ Lộc viết bài cao điểm vụ đông. Đến trụ sở ủy ban huyện, đồng chí Phó chủ tịch huyện hỏi ngay:

- Anh đã đọc bài đăng trên Báo Nhân Dân ngày 13/10/1980 chưa, cán bộ và nhân dân huyện tôi “khoái” bài báo này lắm!

- Bài gì vậy anh?

- Đó là bài của kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Tiến Huy ở Ban Nông nghiệp huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Sơn Bình - nay là Hà Nội - PV). Cán bộ, đảng viên, nông dân rất thích bài báo vì nó nói thẳng chuyện làm ăn ở hợp tác xã sao cho hiệu quả, không giấu giếm mãi cái không hợp lý.

Đơn xin trả ruộng

Nói rồi đồng chí Phó chủ tịch gọi văn phòng mang ngay tờ báo cho nhà báo Thái Duy đọc. Nhà báo Thái Duy đọc ngay. Cái tít bài thì rất bình thường “Khai thác khả năng của đất và lao động” nhưng đọc kỹ nội dung thì nhà báo Thái Duy giật mình. Tác giả thẳng thắn nói ngay “đất 5% là con đẻ của nông dân mới là tấc đất tấc vàng, là đất xã hội chủ nghĩa. Còn đất 95% nông dân chỉ coi là đất “con nuôi”, đất của hợp tác xã, nông dân không muốn làm. Bài báo kết luận: “Cuộc cách mạng chỉ dừng lại trên đất 5% mà thôi, còn đất 95% không thể phát huy”…

Cùng với các mô hình khoán hộ ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, những tư duy đổi mới nông nghiệp như của kỹ sư Nguyễn Tiến Huy mới chỉ hé lộ trên báo Đảng, chưa đi vào cuộc sống được ngay. Mặc dù năm 1981, Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thừa nhận mở rộng khoán sản phẩm đến người lao động nhưng vẫn giữ mô hình “khoán nhóm” nên còn tạo ra nhiều sức ỳ, cản trở.

7 năm sau khi có Chỉ thị 100, mùa thu năm 1987, Hội nghị Trưởng ban nông nghiệp toàn quốc họp giữa lúc đất nước đang trải qua trận đói kéo dài. Sang đầu năm 1988, nhiều tỉnh, thành, nơi nào cũng có ruộng bỏ hoang. Kỳ họp Quốc hội đầu năm 1988 diễn ra đúng vụ giáp hạt. Các báo cáo trên diễn đàn Quốc hội đã thẳng thắn nêu sự thật nhiều nơi có người chết đói. Theo số liệu được báo cáo tại Quốc hội thì nạn đói xảy ra ở 21 tỉnh, thành phố phía bắc với hơn 9,3 triệu người đói, bằng 39% số nhân khẩu nông nghiệp, trong đó số người đói gay gắt, đứt bữa là 3,6 triệu người.

Trong cuốn “Đổi mới ở Việt Nam - Nhớ lại và suy ngẫm” do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2008, nhà báo Thái Duy hồi tưởng: “Gần như cả nước đang đói và một vài tỉnh mang dáng dấp của nạn đói Ất Dậu 1945. Người ăn xin về Hà Nội đông khác thường, không đi riêng lẻ như trước mà đi từng gia đình và họ cho biết ở quê không còn gì để ăn. Một đoàn cán bộ của Văn phòng Quốc hội đã về Thanh Hóa điều tra nạn đói và có bản báo cáo phản ánh trung thực những điều mắt thấy tai nghe.

Trước thực tiễn bức bách đó, ngày 5/8/1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10 về “Đổi mới quản lý nông nghiệp”. Với tinh thần đổi mới toàn diện nông nghiệp, tăng quyền tự chủ cho các hộ dân, coi hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó “cởi trói” cơ chế, hợp lòng dân như “nắng hạn gặp mưa rào”.

Tháng 6/1989, chưa đầy 1 năm sau khi có “khoán 10”, khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII diễn ra, nhiều tờ báo đăng tải tin Việt Nam có gạo xuất khẩu mà nhiều đại biểu Quốc hội vẫn chưa dám tin đó là sự thật, bởi nỗi ám ảnh nạn đói quá nặng nề. Ông Hai Tân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm mới 2 năm trước phải đi Indonesia vay 10 tấn gạo cứu đói nay lại đang hối hả lo thủ tục cho hơn 500.000 tấn gạo xuất khẩu. Ấy vậy mà ông Hai Tân vẫn nhắn nhủ các nhà báo chuyện đua nhau xuất khẩu, ép giá nông dân, khiến nông dân gọi là “mất mùa” trong nhà.

Mùa thu này, nghĩa là sau khoán 10 đã 25 năm, nhưng câu chuyện người nông dân và hạt lúa lại thêm một lần làm nóng diễn đàn Quốc hội. Chỉ có điều, không còn là chuyện thiếu thóc, thiếu gạo mà là chuyện người nông dân không còn thiết tha với hạt lúa. Chiều 31/10, phát biểu ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam bức xúc cho biết nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, bởi dãi nắng dầm sương cả vụ nhưng chỉ lãi được 100-200 ngàn đồng mỗi sào ruộng. Thu nhập của một nông dân  hiện nay bình quân chỉ hơn 4 triệu đồng/năm, tức là khoảng 200USD. Ông Cường cũng cho hay, lao động nông thôn thiếu việc làm và đang xuất hiện một bộ phận nông dân không còn tha thiết với nông nghiệp, ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng không làm, có tỉnh diện tích bị bỏ hoang lên tới hàng ngàn hécta.

Cách đây ít lâu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” cho rằng, chuyện nông dân bỏ ruộng chỉ là… cá biệt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Cường thì “đây là điều bất bình thường, bởi nông dân làm ruộng là truyền thống, cha truyền con nối. Vậy tại sao họ lại bỏ ruộng, bỏ cái nghề cha truyền con nối như thế? Không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó có liên quan tới nhau, nhưng nguyên nhân chính là sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, đặc biệt trồng lúa”.

Phân tích của ông Cường là có lý nếu trở lại câu chuyện ở Hải Dương và lý giải vì sao nông dân bỏ ruộng, trả ruộng. Ông Nguyễn Viết Bàn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, Hải Dương khi trao đổi với chúng tôi đã bấm ngón tay tính toán các khoản chi phí cho một sào ruộng của nông dân: Làm đất (cày) 130.000 đồng; lúa giống 40.000 đồng, phân bón 170.000 đồng, thuốc trừ sâu 50.000 đồng, cấy 200.000 đồng, gặt 200.000 đồng, tuốt lúa 70.000 đồng, diệt chuột 15.000 đồng, dịch vụ 20.000 đồng… Nếu lúa tốt, được mùa mỗi sào được khoảng 200kg, bán được 1,3-1,4 triệu đồng. Như vậy, trừ chi phí, nông dân chỉ lãi trên dưới 300.000 đồng/sào ruộng. Trong khi đó, người nông dân nếu ra thành phố hoặc ở tại quê làm các công việc lao động phổ thông cũng được trả trung bình 150.000-200.000 đồng/ngày, gần bằng thu nhập của cả vụ lúa.

Con số mà ông Bàn tính vẫn còn cao hơn con số ông Nguyễn Quốc Cường trình bày trước Quốc hội. Nông dân khu vực Bắc Trung Bộ, trên 1 sào trồng lúa, cả vụ chỉ lãi khoảng 100-200 ngàn đồng thôi, còn lại đa phần lỗ. Giá đầu vào vật tư nông nghiệp liên tục tăng nhanh, vài năm qua đã tăng gấp 2-2,5 lần, trong khi giá nông sản chỉ tăng 1,2 lần. Ngoài ra, người dân còn phải đóng góp nhiều khoản khác.

Để người nông dân “suy nghĩ trên luống cày”

Chuyện các kỳ họp Quốc hội và mảnh ruộng, hạt thóc của người nông dân thêm một lần nữa gợi nhắc, đặt ra nhiều vấn đề, nhiều bài toán cần giải trong tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Bỏ ruộng cũng không hoàn toàn là xấu, là tiêu cực. Đó là cách nhìn của Giáo sư Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học lâu năm gắn bó với người nông dân và cây lúa. Bỏ ruộng, trả ruộng để thoát nghèo, để làm việc khác hiệu quả hơn xét cho cùng cũng là tư duy đổi mới, là sự dũng cảm, thông minh lựa chọn con đường, phương thức làm ăn phù hợp của người nông dân. Nhưng sẽ là không tốt nếu điều này xảy ra tràn lan, tiếp tục kéo theo đổ vỡ, thiếu việc làm, mất cân đối lao động. Nhìn ở góc độ vĩ mô, sẽ là không tốt nếu trả ruộng không gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Cụ Hồ Sĩ Vinh kể chuyện trả lại ruộng

Đã qua rồi cái thời kỳ cần “cởi trói” cơ chế quản lý để “người cày có ruộng” và được tự do làm ăn sao cho hiệu quả nhất, tự do suy nghĩ trên luống cày của mình. Cũng đã qua rồi cái thời kỳ “lấy công làm lãi”, người nông dân chỉ biết chạy đua tăng năng suất cho cây lúa, hướng tới vụ mùa bội thu như một cái đích thành công. Cơ chế thị trường trong giai đoạn mới đã và đang đòi hỏi phải tạo dựng được nhiều hơn giá trị gia tăng từ thửa ruộng, cánh đồng. Hạt thóc, hạt gạo không còn là lựa chọn số một. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế cây lúa bằng cây trồng khác, mảnh ruộng bằng ao đầm, chuồng trại… sao cho hiệu quả hơn tiếp tục là bài toán chưa hề cũ. Cũng đã dần qua rồi cái thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Kinh tế hộ cá thể trong sản xuất nông nghiệp phải chăng đã và đang đi đến một ngưỡng phát triển mới, đòi hỏi thay thế những mảnh ruộng nhỏ bé bằng những thửa ruộng lớn hơn, những cung cách làm ăn lớn, có tổ chức và mô hình công nghiệp hóa?

Ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất: “Cần có sự thay đổi hoặc chuyển nhượng đất đai. Chuyển đất từ những người không mặn mà sang những người có nhu cầu thật sự. Chuyển đất từ những người không có khả năng kinh doanh nông nghiệp sang những người có khả năng làm kinh tế từ nông nghiệp”. Chung quan điểm này, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp cho rằng, theo tính toán thì quy mô phải tăng hiệu quả mới tăng, diện tích ít nhất phải 4-5 ha trở lên mới có lời, phải làm trang trại. Nhưng chúng ta phải đối mặt với thực tế là xuất phát điểm thấp, có đến 10 triệu hộ chia tách. Nơi nào tích tụ được ruộng đất thì nên hỗ trợ. Nơi nào chưa phát triển, còn các hộ nhỏ thì gom họ lại, đi vào sản xuất tập thể, tạo nên khối lượng lớn.

Còn ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo hơn: “Có mấy việc phải lo với nông dân lúc này. Đó là tổ chức lại sản xuất. Không thể để vật tư nông nghiệp đầu vào là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá cao, trong khi lĩnh vực này lại do doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh. Nếu để doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, dân mình sẽ khổ”.

Cách đây mấy chục năm, nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp làng quê”. Nhưng nay, hình ảnh đó dường như ngày càng xa dần. Thực tiễn đang đặt ra những đòi hỏi rất lớn đối với ngành nông nghiệp, cần một cuộc “đại phẫu” hiệu quả hơn, một cuộc “tái cơ cấu” nông nghiệp thiết thực hơn nữa.

Ghi chép của Công Minh