Huyền thoại Rútxlan: Cái chết của Rútxlan

06:22 | 05/08/2013

1,484 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sang đầu năm 1964, Rútxlan làm việc không ngơi nghỉ. Nó cùng huấn luyện viên Trần Thảo rong ruổi trên khắp các nẻo đường miền Bắc.

>> Huyền thoại Rútxlan: Những ngày gian khổ và lai lịch của Rútxlan

>> Huyền thoại Rútxlan: Những chiến công của Rútxlan

Tại tỉnh Hưng Yên, Rútxlan đã tìm ra thủ phạm của ba vụ trọng án như vụ cháu giết bà lấy tiền ở huyện Phủ Cừ, đặc biệt là vụ trộm ở Phòng Chấp pháp, Ty Công an Hưng Yên. Thủ phạm lại chính là một nhân viên chấp pháp. Anh ta đã được xem Rútxlan truy tìm thủ phạm mấy vụ án trước nên đã nghĩ kế để đối phó với chó nghiệp vụ bằng cách dựng hiện trường giả, tạo mẫu hơi giả… Nhưng cuối cùng Trần Thảo và Rútxlan vẫn xác định đúng thủ phạm. Đồng chí Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên ký ngay bằng khen cho Rútxlan, mặc dù bị nhiều người phản đối “sao lại cấp bằng khen cho chó?”. Cũng từ sau những vụ ấy thì Rútxlan không còn là của Công an Hà Nội nữa mà chuyên đi làm theo lệnh của Bộ. Các vụ án xảy ra trên toàn miền Bắc, cứ có lệnh của đồng chí Lê Hữu Qua, Cục trưởng Cục CSND hay lãnh đạo đơn vị là Trần Thảo lại cùng Rútxlan lên đường. Năm 1965, chó Rútxlan cũng được đưa vào các cuộc truy lùng biệt kích của Mỹ - ngụy ném xuống miền Bắc.

Ảnh minh họa

Những chiến công của chó Rútxlan cùng với các chú chó khác của Đội Cảnh khuyển CAHN góp phần làm thay đổi hẳn quan niệm về nghề nuôi dạy chó nghiệp vụ của nhiều người. Hình ảnh anh công an lái xe ba bánh có chú chó ngồi chễm chệ trong thùng đã được nhiều người yêu thích, vì thế, số đơn xin làm huấn luyện viên dạy chó tăng vọt. Đội Cảnh khuyển từ chỗ chỉ có hai người là Giáp và Thảo đã tăng lên gần 40 người và có 30 con chó.

Chó Rútxlan nổi tiếng đến nỗi Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn sau khi nghe báo cáo về Rútxlan đã gọi huấn luyện viên Trần Thảo lên hỏi chuyện, động viện và khuyến khích anh chú ý tổng kết rút kinh nghiệm, tìm ra những bài học về huấn luyện chó nghiệp vụ. Nhưng cũng vì được Bộ trưởng quan tâm mà Trần Thảo đến khổ. Một số anh cho rằng Thảo đã nói chuyện này chuyện khác với Bộ trưởng. Cũng may cho Trần Thảo là Giám đốc Nguyễn Văn Long vốn là người thẳng tính và đại lượng nên trước những lời “chọc ngoáy” kia, ông đã nghiêm khắc răn đe họ. Và để cho một, hai anh chàng tiểu nhân chừa cái thói ghen tị kia đi, Giám đốc thỉnh thoảng lại rủ Trần Thảo dắt chó đi chơi.

Có lẽ con chó cũng có số mệnh, như người tài nhiều thì phận mỏng, Rútxlan thể chất yếu đuối, đau ốm quanh năm. Căn bệnh luôn hành hạ nó là bệnh viêm phổi. Vì thế có lần đi công tác xa, trời quá rét, Trần Thảo phải ôm Rútxlan ngủ cùng giường… Sang đến năm 1965, Rútxlan bị viêm gan và có một khối u trong cổ họng, nên nó không thể tự ăn được. Thế là Trần Thảo hằng ngày tự nấu cháo rồi xúc từng thìa cho nó ăn. Khi cho Rútxlan ăn, anh phải ôm nó vào lòng, đổ được thìa cháo vào mõm nó xong lại phải vuốt nhè nhẹ vào cổ cho thức ăn trôi xuống. Ngày ba bữa cháo và mỗi bữa phải hết khoảng tiếng rưỡi… Cứ thế ròng rã gần ba năm trời. Ốm đau bệnh tật là vậy nhưng hễ có lệnh là Rútxlan lại lên đường và nó gắng gượng để hoàn thành nhiệm vụ. Một lần ở Ty Công an Hưng Yên, khi thấy Rútxlan tìm ra thủ phạm, đồng chí Trưởng ty thích quá bèn cho mua một con gà trống thiến luộc lên cho Rútxlan ăn. Nhưng chó Rútxlan không ăn được, Trần Thảo chỉ xin tý nước luộc gà để nấu cháo và bón cho Rútxlan. Mọi người trố mắt và cảm động khi thấy cảnh đó.

Vừa là huấn luyện viên, vừa lo cho Rútxlan ăn và lo chữa bệnh cho nó, Trần Thảo không còn thời gian đâu mà lo cho gia đình. Trần Thảo phải học tiêm, học cách chữa bệnh cho chó mà người dạy anh là bác sĩ An. Ngày đó thuốc men thiếu lắm, vì vậy, Trần Thảo  phải chạy vạy, xin xỏ đủ kiểu mới kiếm được thuốc kháng sinh, thuốc bổ như B1, B12… Có thể nói Rútxlan sống được là nhờ thuốc. Nó quen với tiêm đến mức là nếu thấy Trần Thảo đem kim tiêm ra là nó tự động nằm xuống. Hôm nay tiêm đùi phải thì mai nó tự nằm để tiêm bên trái.

- Cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh con Rútxlan mỗi khi phải tiêm thuốc - ông Trần Thảo kể - Tiêm Penixilin buốt lắm chứ, vậy mà nó chỉ khẽ rùng mình. Có lần nó chảy nước mắt…

Hiểu được hơn ai hết về giá trị của Rútxlan nên Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ thị cho Công an Hà Nội về việc sử dụng chó Rútxlan, và quy định: “Chỉ được điều chó Rútxlan đi làm nhiệm vụ khi có lệnh của lãnh đạo Bộ Công an”. Sang năm 1967, khi biết tình trạng sức khỏe của Rútxlan ngày một xấu, đồng chí Lê Hữu Qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng đã gửi công văn yêu cầu CAHN “thường xuyên báo cáo tình hình sức khỏe của Rútxlan cho lãnh đạo Bộ Công an và Cục CSND”. Và rồi cũng chính ông lại ký một công văn đề nghị Phòng Hậu cần CAHN nâng tiêu chuẩn ăn cho Rútxlan từ 36 đồng lên 48 đồng một tháng. Nhưng rất tiếc là những người làm hậu cần lại không thực hiện để cho Rútxlan được ân huệ của lãnh đạo. Họ nghĩ đơn giản là làm gì có chuyện chó ăn bằng tiêu chuẩn sĩ quan cấp tá! Điều đó chứng tỏ chó Rútxlan được quan tâm đặc biệt như thế nào.

Cách đây 10 năm, trong lần đi lấy tài liệu viết về 20 năm ngày thành lập Trường huấn luyện chó nghiệp vụ, tôi được ngh kể rất nhiều về Rútxlan. Và tại Đội Cảnh khuyển CAHN, tôi đọc được những công văn đó trong hồ sơ. Nhưng đến hôm nay, thật đáng buồn, hồ sơ về Rútxlan đã mất đâu hết. Tôi cùng mấy anh em Đội Cảnh khuyển lục tìm mãi trong đống hồ sơ nhưng không còn gì!

Huấn luyện viên Trần Thảo nay tuổi đã ngoài 60. Ông về hưu từ năm 1995 với quân hàm Trung tá. Tôi tìm gặp ông trong Bệnh viện Hữu nghị. Nhắc đến Rútxlan, mắt ông nhòa lệ. Và cuộc nói chuyện về Rútxlan cứ phải ngừng vì thỉnh thoảng, ông lại chùi nước mắt: “Tôi nhớ nó quá. Tôi thương nó quá”.

Sang giữa năm 1967, Rútxlan ốm ngày một nặng dần. Bác sĩ An cùng một tập thể các bác sĩ thú y khác không tiếc công, tiếc sức để cứu Rútxlan, nhưng phổi của nó đã teo lại, gan thì cứng. Nó không còn đủ sức nhảy lên thùng xe ba bánh nữa. Như hiểu tấm lòng con vật trung thành muốn được ngồi trong thùng xe để nhớ lại những ngày oanh liệt đã qua, thỉnh thoảng Trần Thảo lại bế Rútxlan ngồi lên xe ba bánh. Những lúc như vậy, mắt nó sáng lên… Có khi thấy những con chó khác được lên đường đi chiến đấu, Rútxlan buồn bã, nằm bẹp vào một xó.

Vào một sáng mùa đông năm 1967, Rútxlan bỗng khỏe lại. Nó lăn xả vào lòng Trần Thảo và hít anh nwh điên cuồng, đôi lúc còn nhảy cẫng lên, sủa vang. Trần Thảo ngạc nhiên vô cùng, anh gọi mọi người đến xem. Ai cũng vui, chỉ có bác sĩ An là lẳng lặng ra chỗ khác. Bác sĩ biết đó là lần lóe sáng cuối cùng của một ngọn đèn đã cạn dầu. Chiều hôm đó, Rútxlan gục hẳn và nhanh chóng ra đi!

Trong báo cáo gửi lên Bộ trưởng tường trình về việc Rútxlan chết có ghi: “Chó Rútxlan chết vì viêm phổi mãn tính. Toàn bộ thùy phổi trái và một phận lá phổi bên phải bị teo, gan bị xơ cứng… Rútxlan đã được chôn tại cánh đồng sau C500”.

Lúc nghe tin Rútxlan sắp chết, Trần Thảo nằm dúi đầu vào đống chăn, anh không dám đến. Khi mọi người chôn cất nó xong, họ dìu anh ra. Trần Thảo thắp cho nó mấy nén hương và vái ba vái. Sau này, có người hỏi anh là tại sao anh là công an lại đi vái… con chó chết! Trần Thảo trả lời rằng: “Nhờ có tôi nuôi dạy mà nó trở thành con chó giỏi, nhưng nhờ có nó mà tôi trưởng thành về nghề”. Trở về nhà, nỗi tiếc thương con chó làm anh ốm mất đúng hai tháng.

Phải mất gần một năm sau, anh mới nguôi ngoai và bắt đầu nuôi dạy con chó mới. Con này anh đặt tên là A So, kỷ niệm lúc quân ta đang thắng lớn trên chiến trường Trị Thiên, trong đó các trận đánh nổi tiếng ở vùng A So, A Lưới. Sau này, A So cũng là chú chó có biệt tài về giám biệt thuốc phiện. Chính nó đã phát hiện ra chỗ giấu thuốc phiện ở nhà 30 Hàng Cân. Vụ đó, Công an Hà Nội thu được 33kg thuốc phiện, đó là số thuốc lớn nhất mà công an thu được trong những năm chống Mỹ.

 

Nguyễn Như Phong