Báo động tình trạng vô cảm trong xã hội hiện nay: Chuyện không của riêng ai

07:00 | 29/10/2013

106,929 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời buổi kinh tế thị trường với những áp lực của chuyện cơm, áo, gạo, tiền đã khiến cho nhiều người trở nên ích kỷ, thờ ơ, vô cảm với những vấn đề của người khác, thậm chí đó có thể là những vấn đề chướng tai gai mắt hay có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và lợi ích của những người xung quanh. Dường như đối với những người mắc chứng vô cảm này, ứng xử “thương người như thể thương thân” là một điều gì đó quá xa xỉ đối với họ. Căn bệnh vô cảm, coi như “không nghe, không thấy, không biết” đã và đang ngấm ngầm làm băng hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp trong tâm hồn mỗi con người và cả xã hội.

Năng lượng Mới số 269

Vô cảm từ suy nghĩ đến hành động

Một con số đáng báo động là: Việt Nam xếp hạng 123/176 về chỉ số cảm nhận tham nhũng và đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc (vô cảm) nhất. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh thờ ơ, dửng dưng của không ít người Việt hiện nay. Thực chất, “bệnh vô cảm” là căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng, cho sự an toàn của bản thân mình là trên hết. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình. Biểu hiện của nó trong xã hội hiện đại thì muôn hình, muôn vẻ, người mắc chứng này cũng rất đa dạng, không chừa bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bệnh vô cảm không chỉ xuất hiện ở kẻ xấu, mà nó còn có thể có ở cả những người vẫn được coi là người tốt. Bởi lẽ, khi người tốt làm ngơ, im lặng trước cái xấu, để cái xấu chà đạp lên những giá trị nhân văn, thậm chí nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì cũng chính là một biểu hiện không thể chối cãi của chứng vô cảm.

Thấy tai nạn mà chỉ đứng nhìn

Trong cuộc sống ngày nay, ta có thể bắt gặp vô vàn những biểu hiện của căn bệnh “không cảm xúc” này, xuất phát từ cả suy nghĩ và hành động. Nếu như trước kia, khi thấy tai nạn xảy ra ở trên đường, những người xung quanh ngay lập tức sơ cứu và gọi xe cứu thương để đưa nạn nhân đến bệnh viện kịp thời với mục đích nhân đạo, “cứu giúp một mạng người hơn xây bảy tòa tháp” thì giờ đây, cũng là tai nạn giao thông đấy, chứng kiến tận mắt cảnh nạn nhân đau đớn vì gãy tay, gãy chân, thậm chí bất tỉnh, thế nhưng người đi đường chẳng những không cấp cứu kịp thời mà còn xúm đông xúm đỏ gây ùn tắc giao thông, bàn tán chỉ chỏ chán chê rồi may ra mới có người gọi điện cho bệnh viện, đến khi xe cứu thương (phải rất khó khăn mới vượt qua được đám đông gây ách tắc giao thông) đến nơi thì có không ít trường hợp nạn nhân đã tử vong. Thậm chí có những kẻ xấu còn thản nhiên lợi dụng tình thế tai nạn, cướp giật trên đường phố để hôi của từ nạn nhân.

Vụ “hôi của tập thể” ngày 16/10 vừa qua chẳng hạn, anh Vũ Trường Chính (TP HCM) bị 4 tên đạo tặc móc trộm gói tiền 50 triệu đồng khi anh đang dừng xe chờ đèn đỏ, anh phát hiện và giằng co với chúng khiến bọc tiền rơi tung tóe ra đường. Trong lúc nạn nhân đang lo bắt cướp thì người đi đường lại ào đến... nhặt tiền rồi bỏ chạy. Chính những người điều khiển giao thông gây tai nạn cũng thể hiện một cách hành xử “máu lạnh” không kém khi có không ít kẻ thay vì đến hỏi thăm, giúp đỡ người bị nạn thì lại chọn giải pháp là bỏ trốn, rũ bỏ trách nhiệm. Một tài xế xe bus đã tiết lộ một bí mật khá sốc: “Các lái xe thường truyền nhau câu chuyện rằng khi chẳng may họ cán người bị thương, hãy cán cho đến chết. Bởi nếu cán chết người, tài xế chỉ phải chịu đền bù một lần khoảng 30 triệu đồng là xong. Nhưng nếu để nạn nhân sống mà bị tàn tật, không những phải chịu tội mà họ còn có thể phải nuôi cả đời nạn nhân từ tai nạn do họ gây ra”.

Nghe xong câu chuyện, tôi thấy rùng mình vì sự vô cảm, thậm chí là nhẫn tâm, vô nhân đạo của những kẻ có suy nghĩ và hành động ấy. Tôi tự hỏi: “Phải chăng chính vì lối suy nghĩ ấy nên đã có rất nhiều những vụ tai nạn tài xế cán qua, cán lại nhiều lần khiến nạn nhân tử vong tại chỗ đã xảy ra?”. Luật sư Nguyễn Văn Quang (Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh) kiến nghị: “Khi xảy ra tai nạn còn cố tình đâm người ta chết thì đó là hành vi giết người. Luật phải được sửa đổi, bổ sung để xã hội công bằng hơn và đạo đức của người tham gia giao thông sẽ được nâng lên rất nhiều”.

Một biểu hiện rất rõ của chứng thờ ơ, vô cảm nữa là chuyện lên xe ôtô ở nơi công cộng, thấy kẻ gian móc túi hoặc bọn côn đồ hành hung người khác, người ta cũng chỉ lờ đi xem như đấy không phải chuyện của mình. Tại trạm trung chuyển xe bus Cầu Giấy - một địa bàn hoạt động khét tiếng của giới “hành nghề hai ngón”, Nguyễn Văn Quân (sinh viên ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) kể rằng: “Đã vài lần mình ngồi hàng ghế cuối cùng trên xe bus trông thấy bọn móc túi đang giở trò “thó” điện thoại và ví của mấy bạn nữ sinh, nhưng không dám lên tiếng vì sợ chúng hành hung, trả thù”. Những người thờ ơ, thấy cái xấu mà bỏ qua như Quân không phải là hiếm vì tâm lý của đa số người là muốn yên thân, cho rằng tố giác cái xấu là “mua dây buộc mình”, “rước họa vào thân” nên tốt nhất là coi như “không nghe, không thấy, không biết”.

Người ta dửng dưng không chỉ với những chuyện ngoài đường, ngoài chợ mà còn thơ ơ với ngay cả những người thân cận xung quanh mình. Sống trong cơ quan trường học, chứng kiến bao chuyện ngang trái như chuyện tham nhũng hối lộ, thầy giáo ngang nhiên bạo hành học sinh, còn học sinh thì quay cóp gian lận trong thi cử, họ cũng không mở miệng mà ngoảnh mặt làm ngơ. Ngay cả thanh thiếu niên - những người luôn được giáo dục về tính tương thân tương ái trong gia đình và nhà trường thì giờ đây cũng đang có những biểu hiện của lối sống vô cảm. Đáng báo động hơn khi nhiều em trông thấy bạn bè đồng trang lứa bị bạo hành ngay trước cổng trường, nhưng họ không hề mảy may thương xót mà còn thản nhiên đứng xem rồi quay clip tung lên mạng coi như không phải chuyện của mình.

Bạn bị đánh đã không can ngăn mà còn thản nhiên chụp ảnh, quay clip - một biểu hiện của bệnh vô cảm trong giới trẻ

Lại còn thật kinh khủng hơn nữa là hiện nay, tình trạng đạo đức nghề nghiệp bị xuống cấp của một bộ phận cán bộ y, bác sĩ - những người đáng lẽ ra phải làm gương cho thiên hạ về lòng nhân ái với phương châm “Lương y như từ mẫu”. Ấy thế mà, chỉ trong vài tháng qua, hàng loạt những vụ việc tiêu cực thể hiện sự vô cảm đến mức đáng sợ, tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng của nhiều y, bác sĩ đã bị phơi bày ra ánh sáng: Mới đây nhất là vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường, 45 đường Giải Phóng, Hà Nội) phi tang xác khách hàng đang gây rúng động dư luận.

Hay trước đó là vụ nhân bản phiếu xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức hoặc trường hợp đau lòng của sản phụ Nguyễn Thị Xuân (SN 1973, trú làng Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa) và thai nhi tử vong bất thường do sự tắc trách của bác sĩ đỡ đẻ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) ngày 18/10/2013. Người thân thương xót kiếp bạc mệnh của mẹ con chị Xuân bao nhiêu thì càng bức xúc trước thái độ vô cảm đến mức vô nhân đạo của nhóm bác sĩ trực dẫn đến sự việc đau lòng trên bấy nhiêu. Đau xót đến mức anh Nguyễn Văn Đông (chồng sản phụ Xuân) đã phải thốt lên rằng: “Nhà nghèo, ngày ngày lo chẳng đủ miếng ăn nên khi Xuân sinh chẳng có đồng nào trong túi. Xưa nay, vào viện sinh đẻ là phải có phong bì bồi dưỡng cho cán bộ, lần này do không có nên tôi không đưa. Giá như tôi đưa phong bì cho họ thì có lẽ Xuân sẽ không chết…”. Chỉ vì đồng tiền, vì thói vô cảm mà không ít y, bác sĩ đã từ ân nhân trở thành sát nhân một cách vô tình hay cố ý.

Sự vô cảm là một căn bệnh đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội, len lỏi khắp mọi nơi. Nó không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà còn xâm nhập vào trong các gia đình, những người thân ruột thịt. Không khó để chứng kiến cảnh nhà này, nhà kia có cha mẹ ốm nặng nằm liệt giường mà con cái hàng tháng trời không đoái hoài gì đến, có khi gửi ngay vào viện dưỡng lão. Đến khi bố mẹ qua đời thì mới nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu, giành nhau đưa xác bố mẹ về nhà mình làm ma để nhận tiền phúng viếng. Lại có trường hợp bố mẹ đẻ ngược đãi thậm tệ ngay chính con đẻ của mình một cách hết sức nhẫn tâm và thú tính khiến dư luận hết sức lên án.

Quá nhiều tác nhân gây bệnh 

Người đời thường nói, “tâm bệnh khó chữa” quả không sai. Bệnh vô cảm hình thành và lan rộng từ chính thái độ, nhận thức “thấy chuyện bất bình… tránh xa” của một bộ phận không nhỏ người Việt hiện nay. Từ thái độ dửng dưng, coi rằng đó không phải chuyện của mình đến hành động làm ngơ, thờ ơ, lãnh đạm, dung túng cho cái xấu, cái ác hoành hành là chuyện tất yếu. Lý giải cho hội chứng vô cảm đang lan rộng trong xã hội hiện đại, nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau đã đưa ra những nguyên nhân khá xác đáng và chuyên biệt. TS tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích: “Người Việt chúng ta từ xưa đến nay luôn có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, yêu thương, sẻ chia với đồng loại. Trong lịch sử, chưa bao giờ dân ta có bệnh vô cảm. Thế nhưng, gần đây, giữa nền kinh tế thị trường, lối sống chạy theo cái “tôi” nên người ta thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại. Nguyên nhân đầu tiên là do sự chuyển hóa sang cơ chế thị trường, mạnh được yếu thua, một số người có tâm lý việc không liên quan đến mình thì mặc kệ”.

Thờ ơ với số phận bất hạnh của những người vô gia cư là tâm lý của nhiều người hiện nay

Một chuyên gia xã hội học cho rằng, nguyên nhân bệnh vô cảm có thể bắt nguồn từ: Chất lượng giáo dục ở các nhà trường và gia đình về đạo đức còn hạn chế… Những quan niệm lệch lạc, chỉ chú trọng kinh tế, đặt nặng tiền bạc hơn cả đạo đức; tư tưởng cá nhân chủ nghĩa (hoặc địa phương cục bộ), chỉ lo cho bản thân mình, gia đình mình, tập thể mình; lợi ích nhóm chưa được chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý kịp thời.

Không chỉ bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế và xã hội, thói vô cảm còn được hình thành từ chính sự biến đổi về văn hóa. Bàn về vấn đề này, PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) nhìn nhận: “Khi xã hội phát triển, bắt đầu nâng dần mức sống, năng lực và sự hiểu biết của con người, con người không còn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên, lệ thuộc vào các yếu tố khác. Khi con người dần dần thoát ra khỏi sự chi phối và níu kéo của cộng đồng, độc lập sống được, lúc đó các mối quan hệ đã lỏng dần từ phạm vi làng xã, cộng đồng cho đến phạm vi gia đình.

Trong giai đoạn hiện nay, xã hội bộc lộ khá rõ sự thờ ơ, lãnh cảm với những thân phận xung quanh là chúng ta đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn, có thể gọi đó là “vết gãy của văn hóa”. Văn hóa thường phải liên tục phát triển, các giai đoạn, các thời kỳ phải nối tiếp nhau tạo nên một dòng văn hóa để các cá nhân dựa vào đó để ứng xử và tồn tại. Khi chúng ta tiếp nhận lối sống mới, lối sống với nhiều nền văn hóa khác nhau, con người ta bắt đầu hiểu được sức mạnh của đồng tiền, của sự thỏa mãn nhu cầu. Khi được thỏa mãn cho riêng mình thì nảy sinh một sự so sánh: khi tôi trợ giúp và can thiệp với người khác thì xã hội này, những người xung quanh nhìn nhận nó không như trước đây dẫn đến mội sự rối loạn hành vi trong ứng xử. Đáng lý thấy người bị nạn trên đường người ta phải giúp, thấy điều ác thì phải đấu tranh nhưng lại chần chừ, do dự, thậm chí thờ ơ, lãnh cảm với những nỗi đau của người khác. Đó là một tội ác”.

Hậu quả khôn lường

Căn bệnh vô cảm sẽ gây nên nhiều hậu quả to lớn và lâu dài cho không chỉ mỗi cá nhân mà còn là mối họa với cộng đồng, đất nước. Nó đã và đang biến con người từ chỗ “Nhân chi sơ tính bản thiện” thành kẻ vô văn hóa, vô trách nhiệm, thậm chí vô lương tâm, vô nhân tính. Có thể nói đó là căn bệnh của những kẻ không có trái tim con người. Nó sẽ làm cho một số cán bộ lãnh đạo  trong xã hội ta trở nên xa rời quần chúng, thiếu trách nhiệm trong công việc. Cũng vì vô cảm mà nhiều bác sĩ đã để cho nhiều bệnh nhân phải chờ đợi trong vô vọng đã dẫn đến hậu quả bệnh nhân bị chết một cách oan khuất. Cũng vì vô cảm mà nhiều thầy giáo không hề quan tâm đến hoàn cảnh éo le của học sinh, mà cứ mắng mỏ quát nạt các em dẫn đến hậu quả nhiều em bị bệnh trầm cảm, thậm chí là nhảy lầu tự tử.

Ảnh chế bệnh vô cảm

Căn bệnh vô cảm là căn bệnh của những người sẵn sàng quay lưng lại với những nỗi đau khổ, bất hạnh của đồng loại, sẵn sàng làm ngơ trước cái xấu, cái ác, nên làm cho cái xấu, cái ác có mảnh đất màu mỡ để sinh sôi nảy nở như “cỏ mọc hoang” và đang đầu độc, chế ngự cuộc sống tốt đẹp của con người trong xã hội mới của chúng ta hôm nay, ngấm ngầm tàn phá các giá trị đạo đức, nhân văn của cá nhân và xã hội. “Hành vi của con người trong xã hội bây giờ chỉ nhằm vào lợi ích của chính mình, họ ít quan tâm đến người khác, đến cuộc đời người khác. Nó làm nghèo đi, là một sự thô thiển, làm tầm thường hóa trong cách ứng xử giữa con người với con người”, PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan cho biết.

Căn bệnh vô cảm đã và đang làm mất đi nét đẹp truyền thống quý giá của dân tộc ta, đó là tình thương giữa con người với con người “thương người như thể thương thân”. Mà tình thương theo như nhà văn Nam Cao, nó là tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định tư cách con người. “Không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỷ” (“Đời thừa” - Nam Cao). Bệnh vô cảm đang làm “nhiễm mặn”, vẩn đục và xói mòn dần truyền thống đạo lý đẹp nhất của con người Việt Nam: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”. Và khi căn bệnh này ngự trị, thì con người sống với con người trong mối quan hệ hết sức lỏng lẻo. Ở đó thiếu hơi ấm của tình thương, của niềm cảm thông, của sự cưu mang, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Một cuộc sống như thế là cuộc sống thật buồn đau và thất vọng biết bao! Xin hãy mở lòng mình với những người đồng bào, đồng chí của mình. Đừng để phần “con” lấn át phần “người” chỉ vì chứng vô cảm!

Đăng Đức

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps