“Bãi Tiên” và truyền thuyết người hóa đá ở Bình Phước

19:00 | 08/12/2013

3,524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes)- Tại xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có một bãi đá cổ gắn liền với tích người hóa đá của đồng bào dân tộc S’Tiêng.

Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc sở VHTT và Du lịch Bình Phước cho biết, khi khảo sát để khoanh vùng khai thác đá xây dựng tại ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh đã phát hiện một quần thể đá ong được sắp đặt một cách có chủ ý, hay nói khác đi là có bàn tay xây dựng của con người. Tìm hiểu thì càng ngạc nhiên hơn, vì nơi đây từ xa xưa đã được người đồng bào dân tộc S’Tiêng gọi là “Bãi Tiên”, hay mộ của già RLem, người đã đi vào truyền thuyết của đồng bào dân tộc bản địa.

Bãi đá huyền bí

Từ TP HCM, sau hành trình dài hơn 130km, chúng tôi đến xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, xã biên giới giáp với vương quốc Campuchia và nằm cuối con đường quốc lộ 13 nối từ TP HCM đi qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước tới cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Lộc An cũng là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc S’Tiêng sinh sống. Họ là những cư dân bản địa, chủ nhân vùng đất này từ bao đời.

Nơi được gọi là Bãi Tiên

Già làng Điểu Khê (SN 1936, ở ấp 2, xã Lộc An) kể rằng, từ thuở ấu thơ ông thường nghe ông bà cha mẹ nói rằng đó là ngôi mộ cổ có từ rất xa xưa. Ngày đó, mỗi khi đi ngang qua khu mộ cổ, ông đều cảm thấy rất sợ và tôn kính. Đám trẻ con trong sóc dù nghịch ngợm đến mấy nhưng khi đến nơi này đều tuyệt đối không dám phá phách hay vô lễ, bởi nơi đây là chốn linh thiêng.

Theo chân già làng Điểu Khê và người con trai ông, chúng tôi tới “ngôi mộ cổ” đã đi vào truyền thuyết của đồng bào dân tộc S’Tiêng. Trên vùng đất bằng phẳng khu mộ cổ nổi bật lên với các khối đá ong cũ kỹ nhuốm màu thời gian. Cấu trúc khu “mộ cổ” này gồm hai vòng đá ong, vòng bên ngoài hình tròn đường kính 9m và vòng bên trong hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 4,5m. Ở vòng tròn bên ngoài, các viên đá ong được sắp xếp thành các cung tương đối tròn đều, còn hình vuông bên trong thì các góc gần như tạo thành một góc vuông 90 độ. Xung quanh quần thể đá này có rất nhiều tảng đá ong nằm rải rác khắp nơi. Theo tuyền thuyết của người S’Tiêng, các vòng đá ong nêu trên chính là nơi có ngôi mộ của già làng Rlem.

Già làng Điểu Khê cho biết, ngôi mộ ngày trước giống hình Kim Tự Tháp, được đắp bằng những phiến đá ong rất công phu, tỉ mỉ. Hiện nay, cùng với sự bào mòn của thời gian và chiến tranh khiến ngôi mộ không còn nguyên hiện trạng, nhưng vẫn còn những đường nét cơ bản của công trình xưa.

Cũng theo già làng Điểu Khê, trước đây khu vực này cảnh quan rất xinh đẹp, cây cối mọc xum xuê, với nhiều loài hoa rừng khoe sắc. Có lẽ vì cảnh quan xinh đẹp nên được đồng bào S’Tiêng gọi là Bãi Tiên.

Truyền thuyết về người hóa đá

Với người dân tộc S’Tiêng ở Lộc Ninh, “Bãi Tiên” hay còn gọi là mộ cổ tại ấp 2, xã Lộc An gắn liền với già làng Rlem, người có công khai phá mảnh đất này.

Già làng Điểu Khê

Tương truyền, từ rất xa xưa, già làng Rlem ở Sóc Bù Gio Tó (nằm phía Đông Bắc xã Lộc An) đã đưa con cháu đến vùng đất còn hoang sơ này phát nương làm rẫy. Già Rlem là người cao lớn phi thường, có sức mạnh “dời núi lấp biển”. Trong một lần phát rừng làm nương rẫy, ông Rlem chặt phải cây tơm Tằn (tiếng S’Tiêng)- một loài cây độc nên đã bị bệnh ngày càng nặng, không thuốc thang nào chữa khỏi. Tuy nhiên, do là già làng nên năm ấy vào ngày tổ chức lễ hội phá bàu, già Rlem vẫn đến khu vực “Bãi Tiên”  để làm lễ cúng thần, nhưng khi tới nơi thì bệnh tình tái phát và qua đời. Cái chết của già Rlem khiến dân làng vô cùng tiếc thương nên xúm lại làm lễ mai táng. Đang lúc làm lễ bỗng trời đất trở nên tối sầm và vô cùng lạnh giá, khiến những người dự lễ và đồ vật đều hóa đá, tạo thành cảnh quan như ngày nay.

Truyền thuyết về già Rlem và ngôi mộ cổ đến nay vẫn lưu truyền trong cộng đồng người S’Tiêng ở Lộc An, Lộc Ninh và các vùng lân cận. Ngôi mộ cổ đối với người S’Tiêng là chốn linh thiêng ở buôn sóc.

Cần được nghiên cứu

Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Bảo tàng Bình Phước nhận xét: “Bãi tiên” hay “ngôi mộ cổ”tại Lộc An là một trong những địa điểm mang tính chất khảo cổ học và dân tộc học. Hiện tại chưa thể xác định được niên đại của địa điểm khảo cổ này, nhưng những câu chuyện kể về nó đã đi vào trong văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa cho thấy nó đã tồn tại từ rất lâu.

Cũng theo ông Tùng, với sự sắp xếp của các khối đá như miêu tả ở phần trên cho thấy, nếu bỏ qua các tình tiết mang tính thần bí, huyễn hoặc thì nơi đây dường như là địa điểm thích hợp để tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, chẳng hạn như lễ hội phá bàu, lễ cúng lúa mới thời xưa…

Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện KHXH&NV tại TP.HCM, cho rằng, cấu trúc “ngôi mộ cổ” ở Lộc An có nhiều độc đáo, riêng biệt mà chưa có nơi nào trên thế giới được phát hiện có nét tương đồng với việc sắp xếp các khối đá theo cấu trúc Vuông-Tròn và xung quanh cấu trúc chính còn có rất nhiều khối đá. Theo tiến sĩ Hoàng, địa điểm khảo cổ này do đó cần được tổ chức nghiên cứu một cách thấu đáo.

Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Sở VHTT & DL Bình Phước cho hay, sau khi phát hiện Sở đã có báo cáo UBND tỉnh, Cục văn hóa-Bộ VHTT& DL. Đến nay, đã có một số nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu tại khu khảo cổ này. “Nếu đây thực sự là một di tích có giá trị lịch sử, Sở sẽ trình với UBND tỉnh, Bộ VTTT & DL công nhận và có phương án bảo tồn…”

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại xung quanh khu vực “bãi tiên” hiện có một công ty đang khai thác đá. Các mỏ đá đã tiến đến sát đến gần khu vực có địa điểm khảo cổ này. Nếu không kịp thời có biện pháp bảo vệ, đến một lúc nào đó thì “bãi tiên” có thể sẽ không còn, bởi khu vực này có trữ lượng đá xây dựng rất lớn.

Trọng Nhân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps