Tuần qua: Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực
Tính từ mức đáy thấp kỷ lục của HNX-Index thiết lập tại 53,94 điểm, chỉ số sàn Hà Nội đã tăng 5,1%; VN-Index cũng tăng tương ứng 3,4%. Thanh khoản khớp lệnh và giá trị giao dịch trên hai sàn cũng đều có sự cải thiện trong tuần qua, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình trong 7 phiên qua vượt lên mức 60 triệu đơn vị trên hai sàn, tăng mạnh so với mức thấp nhất trước đó là 33 triệu đơn vị/phiên.
Tác động tới tâm lý thị trường, tuần qua có khá nhiều yếu tố tạo nên một tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư. Về các thông tin vĩ mô, dự trữ ngoại hối được công bố với con số hết sức tích cực. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự trữ ngoại hối Việt Nam đã tăng từ mức quanh 9 tỉ USD cuối năm 2011 lên tới hơn 20 tỉ USD, tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, đạt khoảng 2,4 tuần nhập khẩu. Đây là cơ sở rất tốt để bình ổn tỉ giá vào thời gian cuối năm. Bên cạnh đó, quan ngại về việc lạm phát tăng trở lại cũng dịu xuống trước thông tin giá điện sẽ chưa điều chỉnh trong tháng 10. Khá nhiều chuyên gia đưa ra dự báo lạm phát năm 2012, hầu hết con số chỉ dừng ở mức tối đa là 7%.
Cũng trong thời gian này, việc một loạt các quỹ đóng tiếp tục gia hạn thời hạn hoạt động. Cụ thể, Vietnam Equity Holding (VEH) và Vietnam Property Holding (VPH) thuộc Công ty Quản lý quỹ S.A.M tiếp tục được gia hạn hoạt động thêm 3 năm; Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và Vietnam Growth Fund Limited (VGF) của Dragon Capital đã được phủ quyết phương án giải thể và gia hạn thêm thời gian hoạt động tương ứng đến năm 2017 và 2015. Điều này cũng làm vơi đi nỗi lo về làn sóng thoái vốn để đóng quỹ vốn là một trong những chủ đề “nóng” trước đây.
Diễn biến thị trường tuần qua đã phản ánh các yếu tố tích cực có tác động tới tâm lý thị trường. Tuy nhiên diễn biến tích cực không lan tỏa rộng trên toàn sàn mà chỉ tập trung vào một số cổ phiếu như ITA, KBC, KDC, LCG, PET, PVF, PXM, PVX, PTC, DIG, PFL, PVL…, đồng thời dòng tiền tham gia thị trường vẫn chưa thể hiện được tính ổn định, bền vững. Thanh khoản của thị trường mặc dù có sự cải thiện mạnh mẽ so với mức thấp kỉ lục trước đó, tuy nhiên cho tới thời điểm cuối tuần qua thì mức khối lượng giao dịch khớp lệnh trên hai sàn vẫn tương đối thấp và bắt đầu có dấu hiệu chững lại vào những phiên cuối tuần qua. Yếu tố thứ hai thể hiện trên sự phân bổ của khối lượng giao dịch. Theo thống kê của người viết, bên cạnh một số ít các mã cổ phiếu có thông tin tích cực hoặc những cổ phiếu khá tốt về mặt cơ bản thì nhìn chung thanh khoản khớp lệnh trên thị trường chủ yếu tập trung vào nhóm các cổ phiếu có hệ số beta cao (biến động mạnh hơn chỉ số thị trường) và điều này chưa thể hiện tính ổn định bền vững của dòng tiền.
Tổng hợp diễn biến bộ chỉ số PVN-Index và các cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong tuần qua
Tính chung các cổ phiếu thuộc nhóm PVN đang niêm yết trên HSX và HNX, thanh khoản các mã đạt 52,619 triệu đơn vị cổ phiếu, chiếm khoảng hơn 15% so với khối lượng giao dịch khớp lệnh 2 sàn niêm yết. Giao dịch nhiều nhất là cổ phiếu PVX với 21,57 triệu đơn vị cổ phiếu được chuyển nhượng khớp lệnh trong tuần.
Tương đồng với diễn biến chung của thị trường, các chỉ số trong bộ chỉ số PVN-Index cũng có diễn biến khá tích cực trong tuần qua. Ngoại trừ chỉ số PVN Dầu Khí giảm nhẹ 0,19% trong tuần và chỉ số PVN Dịch Vụ Tiện Ích giảm 2,5% (do ảnh hưởng bởi diễn biến giá của mã PGD) thì các chỉ số còn lại trong bộ chỉ số giá PVN-Index đều tăng điểm. Đáng chú ý, các chỉ số PVN Tài Chính, PVN Công Nghiệp và PVN Dịch Vụ Tiêu Dùng đều có mức tăng mạnh, tương ứng 4,07%, 9,03% và 5,45%. Do không xuất hiện thông tin nào tác động đột biến, sự gia tăng mạnh của các chỉ số này có khả năng cao là một sự phục hồi cân bằng sau khi các chỉ số nêu trên đã giảm mạnh trước đó, trong đó đáng chú ý là sự phục hồi rất mạnh của các mã PFL, PPS, PVX, PVF, PVT, PXI, PXM…
Một số cổ phiếu bluechips đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Cụ thể, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí – PV Drilling (MCK: PVD): 9 tháng đầu năm 2012, PVD hợp nhất ước đạt trên 8.000 tỉ đồng doanh thu và gần 1.100 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, trong tháng 10, PVD hoàn toàn đủ khả năng cán đích mức 1.150 tỉ đồng LNST như kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – PVFCCo (MCK: DPM) cũng hé lộ ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm rất tích cực: trong 9 tháng đầu năm, DPM ước đạt 2.610 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Dự kiến cả năm 2012 doanh thu cả năm 2012 của Tổng Công ty vào khoảng 13.926 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 2.970 tỉ đồng. Tuần qua, giá cổ phiếu PVD tăng nhẹ 2,5% lên mức 36,500 VNĐ/cp, thanh khoản không có nhiều biến động; giá cổ phiếu DPM chỉ tăng nhẹ 1,1% lên mức 36,300 VNĐ/cp, thanh khoản DPM tăng hơn 20% so với tuần trước đó.
Đào Hồng Dương
(Ban Phân tích – CTCP Chứng khoán Dầu Khí)