Quản lý giá các sản phẩm sữa trẻ em cần thống nhất tên gọi

16:46 | 26/04/2013

1,017 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thống nhất tên gọi các sản phẩm sữa của trẻ em cho đúng với công thức là điều mà đại diện các cơ quan quản lý đưa ra trong vấn đề quản lý giá sữa hiện nay.

Đây là ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý đưa ra trong buổi đối thoại trực tuyến diễn ra sáng nay do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện.

- Có chuyên gia đã nhận định: quy định chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi khi bán mới phải kê khai đăng ký giá, chịu sự quản lý của Nhà nước là một kẽ hở để những nhà sản xuất và phân phối sữa lách luật. Vì trên thực tế những loại sữa khác không phải kê khai đăng ký giá?

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/042013/26/16/IMG_1777.jpg

Ông Phạm Vũ Anh

Ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính: Trước ngày 1/1/2013, thời điểm Luật Giá có hiệu lực, chúng ta có Pháp lệnh Giá, Nghị định của Chính phủ về quản lý giá, theo đó, giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng bình ổn giá, khi nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh giá bán thì phải đăng ký với cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó cơ quan quản lý rà soát các yếu tố để xem đăng ký giá có hợp lý không, chứ nhà nước không quản lý giá bán mặt hàng này.

Từ 1/1/2013, khi Luật Giá có hiệu lực, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi cũng là mặt hàng bình ổn giá, nhưng bản chất có khác là việc đăng ký giá của doanh nghiệp chỉ là một trong nhiều biện pháp để bình ổn giá khi giá sữa tăng cao bất hợp lý, khi cần thiết thì mới làm. Tức là có sự khác nhau giữa đăng ký giá thời điểm trước và sau khi có Luật Giá.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/042013/26/16/Ong_Le_Hoang.jpg

Ông Lê Hoàng

Ông Lê Hoàng, Phó Phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế: Về mặt khoa học sữa bột là nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm dành cho những đối tượng khác nhau như sữa cho trẻ em, người già, bà mẹ mang thai… Trước đây sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ nhỏ được gọi là sữa bột, tuy nhiên, nó chỉ chứa 15-40% sữa bột tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, ngoài ra còn có chứa vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng khác… các thành phần này được phối trộn với nhau theo công thức nhất định vì vậy người sản xuất đặt tên dinh dưỡng công thức dành cho trẻ.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng quy chuẩn các công thức sữa dinh dưỡng dành cho trẻ, trong đó phân biệt rõ sữa bột chỉ là sữa nguyên liệu, còn tên gọi sữa bột cho trẻ em trước đây thì cần phải thay đổi cho đúng là sữa công thức dinh dưỡng hoặc thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/042013/26/16/IMG_1888.jpg

Ông Hà Quang Tuấn

Ông Hà Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội: Chủ đề giá và chất lượng sữa là vấn đề đáng quan tâm của xã hội, trách nhiệm của xã hội và của các doanh nghiệp kinh doanh sữa, ảnh hưởng đến rất nhiều người dân, đặc biệt là các cháu nhỏ, nói rộng là ảnh hưởng đến tương lai nòi giống Việt. Đối với sản phẩm sữa, giá và chất lượng phải luôn song hành, không nên chỉ đề cập một yếu tố. Như đã nêu trên phương tiện truyền thông, giá sữa tăng 30 lần trong 6 năm qua nhưng không phải sản phẩm sữa nào cũng vậy. Chủ yếu là sữa bột. Sữa nước chỉ tăng 185% trong cùng thời gian.

Theo tôi không có kẽ hở trong quy định pháp luật, có chăng chỉ là trong thi hành của người quản lý hoặc doanh nghiệp.

- Trong vấn đề về sữa Danlait thì Cục An toàn thực phẩm nhận định sai ở khâu nào và trách nhiệm riêng của Cục ra sao về vấn đề đó? Trong lúc tiến hành thanh tra, kiểm tra Công ty Mạnh Cầm, thì đã có rất nhiều chứng nhận sản phẩm lúc thì bảo đúng, lúc thì bảo sai. Bản thân người sử dụng sữa đem sản phẩm đến Viện Paster để kiểm tra định lượng, Viện đã công bố kết quả, sau đó lại có công văn nói rằng những số liệu bị nhầm, xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Hoàng: Một lần nữa tôi xin khẳng định thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait do Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu đã được công bố ở Cục VSATTP, từng lô hàng về đều được cơ quan kiểm tra nhà nước về ATTP kiểm tra cấp giấy chứng nhận về VSATTP, và các cơ quan thú y kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đảm bảo yêu cầu về mặt thú y và đã được thông quan. Về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng đã được xác nhận rõ ràng của Bộ Nông nghiệp Pháp, thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Gần đây một số tờ báo thông tin về một số người tiêu dùng đưa sản phẩm đến kiểm nghiệm tại Viện Paster. Thông tin này thực ra đã được đăng trên trang thông tin điện tử của Cục. Theo đó, Viện Paster có sự nhầm lẫn trong việc kiểm nghiệm mẫu. Thông tin nói rõ, trước hết nhầm lẫn về phương pháp. Phương pháp đúng phải là phương pháp dùng để kiểm nghiệm sữa, nhưng Viện đã nhầm lẫn sang phương pháp kiểm nghiệm protein trong thủy sản. Các quy đổi đơn vị cũng nhầm lẫn, phòng kiểm nghiệm của Viện cũng đã có giải trình. Những thông tin này đã được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục và các báo đã đăng tải lại.

- Khi nhập khẩu qua hải quan, các doanh nghiệp kê khai là sữa (thuế suất 10%), khi kiểm nghiệm, đăng ký trong nước thì lại là thực phẩm bổ sung (với mức thuế suất 15%) qua đó hưởng chênh lệch thuế suất?

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/042013/26/16/Ong_Do_Thanh_Lam.jpg

Ông Đỗ Thanh Lam

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lí thị trường, Bộ Công Thương: Lực lượng quản lý thị trường chỉ căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật để xử lý, trong vụ Danlait chúng tôi có suy nghĩ cá nhân là nếu các bà mẹ đang nuôi con nhỏ thì nếu gọi đây là sản phẩm sữa sẽ họ mua nhưng nếu gọi đây là thực phẩm bổ sung thì chưa chắc họ đã mua. Vì vậy, tôi cho rằng cần có tên gọi thống nhất trong các sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung để người dân dễ hiểu, mua đúng sản phẩm mà mình mong muốn.

Ông Phạm Vũ Anh: Cần phải tăng cường quản lý ở từng khâu. Cục Quản lý giá và Cục Quản lý thị trường đã có quy chế phối hợp chặt chẽ. Ngoài ra các cơ quan quản lý cấp bộ, ngành cũng có những chỉ đạo, phối hợp rất sát sao, quyết liệt để tăng cường công tác quản lý.

Đối với những trường hợp như chị nêu thì để khắc phục, tên gọi sản phẩm phải chuẩn, thống nhất và theo tôi cũng có những khâu quản lý thực hiện chưa tốt.

Ông Lê Hoàng: Trong vụ việc cụ thể này, chúng ta thực hiện theo quy trình logic, chặt chẽ. Cụ thể, trước khi hàng về thì nhà nhập khẩu đã phải công bố các tiêu chuẩn, chất lượng, tên gốc của sản phẩm nhập khẩu; khi sản phẩm về đến Việt Nam thì doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra tại cơ quan quản lý nhà nước. Khi cơ quan hải quan thông quan thì phải dựa trên giấy xác nhận của các cơ quan quản lý khác và quan trọng nữa là áp mã thuế nhập khẩu thì căn cứ bản chất hàng hóa và cấu tạo sản phẩm chứ không chỉ căn cứ vào tên sản phẩm.

Xin cảm ơn các khách mời!

Thùy Trang (lược trích)