Kỳ vọng vào VAMC

07:00 | 17/07/2013

616 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chính thức đi vào hoạt động từ 9/7/2013. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến, trong năm 2013, VAMC sẽ xử lý khoảng 80.000-100.000 tỉ đồng nợ xấu, tương đương 60-70% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, để kỳ vọng đó trở thành hiện thực thì còn rất nhiều việc phải làm.

Đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu

Hiện tại, nợ xấu đang được coi như là “cục máu đông” làm tắc nghẽn lưu thông trong nền kinh tế. Nó làm giảm tốc độ hồi phục kinh tế và gây ra những bất ổn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, giải quyết nợ xấu là điều kiện tiên quyết để ổn định hoạt động của nền kinh tế. Kể từ khi đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng (TCTD) được thông qua, Công ty Quản lý tài sản quốc gia - VAMC (Vietnam Asset Management Company) là một trong những phương án được kỳ vọng nhất để xử lý được nợ xấu của các TCTD. Theo đó, trong bước đầu tiên của quá trình cơ cấu nợ, các TCTD có nợ xấu trên 3% sẽ “chuyển giao” giá trị sổ sách nợ xấu sang VAMC. Đổi lại, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt với lãi suất cực thấp cho ngân hàng. Trái phiếu đặc biệt  này được phát hành bằng VNĐ có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; có thể được sử dụng để vay tái cấp vốn của NHNN.

Như vậy, về mặt hình thức, nợ xấu sẽ được “làm sạch”. Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết: “Hiện nợ đọng nợ xấu tại các TCTD còn chưa giải quyết được. Sự ra đời của VAMC trước hết sẽ góp phần trong sạch bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng. Giải quyết được vấn đề này các doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn. Với cơ chế hoạt động của VAMC, sẽ giải quyết rất nhanh nợ xấu từ các tổ chức tín dụng sang VAMC. Theo kế hoạch, nợ xấu VAMC xử lý trong năm 2013 khoảng trên dưới 100.000 tỉ đồng”.

Đây thực chất là giải pháp tạm thời về mặt kỹ thuật vì bản chất nợ xấu vẫn tồn tại, chỉ chuyển dịch từ các TCTD sang cho VAMC. Động tác này sẽ giúp cho các doanh nghiệp có được tình hình tài chính đẹp hơn (trên bảng cân đối kế toán) và thoát khỏi những ràng buộc pháp lý về khoản nợ xấu, nhờ đó có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh (để có nguồn trả nợ - bao gồm cả nợ xấu trước đây cho các ngân hàng).

Ngoài ra, cách làm này cũng giúp cho các TCTD “làm sạch” bảng cân đối kế toán, đồng thời các TCTD “bán” nợ xấu với giá thấp nhưng không phải ghi nhận ngay tổn thất này mà có thể phân bổ dần 1-5 năm, đặc biệt có ý nghĩa đối với các TCTD đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Những thách thức đặt ra khi VAMC đi vào hoạt động

Theo đánh giá của nhiều tổ chức độc lập cũng như các chuyên gia kinh tế, rào cản lớn nhất để VAMC phát huy hiệu quả là tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD.

Cuối năm 2012, NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu là 8,8% trong khi tỷ lệ này do các ngân hàng công bố chỉ ở mức hơn 4%, bằng một nửa con số của NHNN.

Theo đánh giá của Fitch, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có thể cao hơn so với số liệu báo cáo của NHNN vào khoảng 15%.

Còn theo ước tính của Tiến sĩ Trịnh Quang Anh - Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, nếu cộng các khoản nợ xấu tiềm tàng như nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, tổng nợ xấu toàn ngành ước tính sẽ vào khoảng 500.000 tỉ đồng. Con số này tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hoặc khoảng 17% GDP danh nghĩa năm 2012.

Với một mục tiêu (nợ xấu) chưa được xác định chính xác sẽ có thể khiến VAMC đưa ra các giải pháp thiếu hiệu quả và không mang tính tổng thể, dài hạn phù hợp với quy mô nợ xấu.

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, không có số liệu đáng tin cậy về nợ xấu thì không thể xây dựng chiến lược đúng để giải quyết vấn đề cũng như không thể xác định được nền kinh tế cần bao nhiêu vốn và phải mất “đại thể” bao nhiêu thời gian để giải quyết triệt để vấn đề.

Chính vì vậy, trong trường hợp này, việc dựa vào những con số không chuẩn để xử lý vấn đề luôn chứa đựng rủi ro và nguy cơ rất lớn cho quá trình phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, VAMC ra đời cũng gặp không ít khó khăn khi không được sự chào đón nhiệt tình của đa số các TCTD. Nguyên nhân được chỉ ra là, mặc dù VAMC mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty này phát hành. Tuy nhiên, không phải mọi khoản nợ xấu đều được VAMC mua lại, do vậy với những TCTD đang gặp vấn đề cần phải giải quyết triệt để có thể không được VAMC hỗ trợ thỏa đáng.

Mặt khác, nhiều ngân hàng cho rằng, khi đã bán nợ xấu và nhận trái phiếu thì nợ xấu trong bảng kế toán của các ngân hàng sẽ không còn nữa. Vì thế, việc phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho trái phiếu đặc biệt này (làm tăng chi phí cho các ngân hàng) là điều khiến các ngân hàng không hào hứng trong việc bán nợ, đồng thời cũng không kỳ vọng nhiều vào VAMC. Khi hết thời hạn, nếu nợ xấu không được VAMC xử lý thì ngân hàng phải mua lại bằng chính trái phiếu đặc biệt và vẫn chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu. Như vậy, nhiều công sức, chi phí bỏ ra nhưng cuối cùng nợ xấu vẫn quay lại với chính ngân hàng đó.

Một lo ngại khác nếu các TCTD đem trái phiếu của VAMC đến NHNN để tái chiết khấu thì bản chất là một hoạt động bơm tiền vào nền kinh tế, làm tăng cung tiền, từ đó gây ra rủi ro lạm phát. Ngoài ra, vấn đề lợi ích nhóm có thể nảy sinh trong quá trình mua bán nợ trong khi những luật định và các chế tài xử lý cụ thể vẫn chưa có. Nếu kết quả đi ngược lại với mục tiêu ban đầu thì đề án sẽ gây tổn thất thêm cho hệ thống và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Tuy vậy, như đã định hướng ban đầu, mục tiêu ra đời của VAMC không phải là “cây gậy thần kỳ” để giải quyết nợ xấu của các ngân hàng. Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: “VAMC ra đời cũng chỉ giải quyết một cách tương đối việc xử lý nợ xấu, vừa đảm bảo quyền lợi ngân hàng, doanh nghiệp, vừa không tạo tiền lệ Nhà nước đứng ra cứu giúp. Đồng thời, để xử lý được nợ xấu lúc này đòi hỏi ngân hàng, doanh nghiệp cùng nhau tháo gỡ khó khăn, chứ không thể kỳ vọng quá nhiều vào VAMC”.

Vì vậy, xem ra ngoài NHNN và VAMC thì chính các TCTD mới cần phải làm rất nhiều để con số nợ xấu dự kiến được xử lý trong năm 2013 khoảng 100.000 tỉ đồng trở thành hiện thực.

Thành Trung