Cảnh báo tình trạng “đục nước béo cò” trên thị trường vàng
Đại bộ phận người dân vẫn coi vàng là tài sản đảm bảo an toàn nhất.
Không phải đến tận bây giờ bài toán huy động vàng trong dân mới được đặt ra mà từ hơn 1 năm trước, chủ trương này đã được đưa ra tại nhiều hội thảo, hội nghị với sự tham gia của những chuyên gia kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực này. Điểm khác biệt duy nhất vào thời điểm hiện tại là câu chuyện huy động vàng đang được nhắc tới là giải pháp tối ưu nhất nhằm giải quyết bài toán chi phí tái cơ cấu nền kinh tế.
400 tấn vàng, trị giá 22 tỉ USD là con số mà nhiều nhà hoạch định chính sách “mơ” có thể huy động được từ “hũ vàng” của người dân. Tuy nhiên, khi mà những nỗ lực nhằm khơi thông nguồn lực trên vào nền kinh tế thì trên thị trường vàng lại đang xuất hiện tình trạng o ép người dân khi đi bán vàng. Nguy cơ thất bại của chủ trương huy động vàng trong dân cũng vì thế mà gia tăng.
Liên tiếp những ngày gần đây, tình trạng khách hàng bị o ép, bị hạch sách,… khi mang vàng đi bán được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một loạt những đòi hỏi được xem là vô lý đã được nhân viên của các đơn vị mua bán vàng đưa ra ví như phí kiểm định, vàng bị trầy xước,…
Chị Loan (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Vừa qua, vì gia đình có việc nên chị đã mang 2 lượng vàng đến cửa hàng vàng trên phố Lê Ngọc Hân, Hà Nội để bán. Tại đây, mặc dù vàng của chị không hề bị trầy xước, vẫn nguyên trong bao nhựa nhưng vẫn bị nhân viên tại quầy khẳng định là trầy xước và trừ của chị 500 ngàn đồng/lượng.
Quá bất bình, chị đã mang 2 lượng vàng đó tới một địa chỉ khác trên phố Phan Đình Phùng và bán được mà không bị trừ bất kỳ một khoản tiền nào cho cái lý do “trầy xước” mà nhân viên của cửa hàng kinh doanh vàng trước đó đưa ra. Nhưng đó chưa phải tất cả, theo như chị Loan cho biết thì cả 2 cửa hàng trên lại nằm trong một hệ thống kinh doanh của một công ty kinh doanh vàng.
Thậm chí, có khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh khi đi bán vàng SJC nhỏ lẻ cũng bị các đơn vị mua vàng o ép bằng cách trừ tới 300.000 đồng/lượng gọi là chi phí kiểm định với lý do các miếng vàng loại này chưa được ép bao chống giả.
Chia sẻ với báo chí, chị Phụng (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị bán vàng SJC cho chính tiệm vàng mà chị đã mua nhưng vẫn bị trừ tiền kiểm định.
Đây được xem là thiếu công bằng, xem nhẹ quyền lợi của người dân, của khách hàng của giới kinh doanh vàng. Nhiều người đã rất bất bình và đặt câu hỏi, tại sao khi mua vàng thì không thấy nhân viên nhắc nhở xem vàng có trầy xước hay không. Họ chỉ nhận tiền, giao vàng. Thế nhưng khi người dân mang vàng đến bán thì họ lại đòi hỏi, hạch sách đủ thứ như giấy chứng nhận kiểm định, vàng bị trầy xước, bị hao mòn,… trong khi vàng người dân mua về là cất vào tủ, vào két ngay chứ có mang đi đâu đâu.
Thị trường vàng cần phải nhìn cái khốn khó trên thị trường bất động sản làm bài học "sương máu".
Tâm lý của người dân Việt Nam từ bao đời nay vẫn coi vàng là thứ tài sản đảm bảo, là vật hộ thân, là lá bùa hộ mệnh cho cuộc sống gia đình và tương lai con cái. Vàng còn đóng vai trò là vật trao đổi trung gian có thể quy đổi ra mọi loại tài sản cần thiết trong cuộc sống. Sự an toàn của vàng cũng như sự “trốn tránh” lạm phát, trượt giá đồng tiền cũng được xem là những đặc tính ưu việt đặc thu khi vàng được xem là lựa chọn hàng đầu cho nhu cầu tích cóp của người dân.
Nhưng cũng chính vì những lẽ đó, khi chủ trương huy động vàng được đưa ra, lực cản tâm lý của người dân bỗng trở thành lực cản, là ẩn số, là thách thức lớn nhất đưa chủ trương đó đi đến đích cuối cùng. Hàng loạt các giải pháp vi mô và vĩ mô đã được đưa ra, thậm chí, hạn chốt 25/11 cho nghiệp vụ huy động vàng những tưởng sẽ “ép” người dân vào thế “đường cùng” cũng được đưa ra nhưng tâm lý găm vàng, dự trữ vàng, tích cóp vàng vẫn “bất di, bất dịch”.
Vì là lực cản tâm lý nên những động thái thiếu công bằng trong các giao dịch mua bán vàng được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây vô hình chung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyết định gửi vàng của người dân. Vàng vẫn sẽ là thứ tài sản đảm bảo, là thứ tài sản có thể quy đổi,…
Bài toán huy động vàng trong dân mà nền kinh tế đặt ra hiện nay không khác gì với bài toán huy động vốn vào thị trường bất động sản gần 2 năm nay. Sự bết bát của thị trường bất động sản cần phải được nhìn nhận như là bài học “sương máu” đối với thị trường vàng.
Tâm lý người tiêu dùng bị tổn thương, nhà đầu tư xa lánh thị trường bởi thị trường thiếu minh bạch, rủi ro từ tình trạng đầu cơ, thao túng phủ “bóng đen” lên toàn thị trường là những nguyên nhân được chỉ ra dẫn tới tình trạng ế ẩm, đóng băng của bất động sản. Và khi chủ đầu tư, các doanh nghiệp và thị trường nhận ra thì tâm lý tiêu dùng đã bị tổn thương nghiêm trọng. Giảm giá, khuyến mại,... đều thất bại.
Nhìn bài học của thị trường bất động sản để thấy rằng, để bài toán huy động vàng trong dân có lời giải thỏa đáng thì bản thân các doanh nghiệp, giới kinh doanh và thị trường vàng cần có những động thái đảm bảo quyền lợi của người dân, phải đặt lợi ích của người dân trong các giao dịch vàng lên hàng đầu.
Thanh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 15/4: Thanh long soán ngôi “vua” trái cây
-
Mỹ ép châu Âu mua dầu khí, nói dễ hơn làm?
-
Giá vàng hôm nay (15/4): Thị trường thế giới giảm mạnh
-
Giá dầu hôm nay (15/4): Dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/4: Liên minh Châu Âu xem xét mua thêm LNG của Mỹ