Mũ bảo hiểm không thể bảo hiểm

22:01 | 28/05/2017

988 lượt xem
|
Từ ngày 1-7 tới, Nghị định số 87/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1-7-2016 quy định về điều kiện sản xuất, nhập khẩu, phân phối mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi môtô, xe máy chính thức có hiệu lực. Đây là nghị định “khai tử” MBH rởm, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của nghị định khi đi vào đời sống…

Nghị định được kỳ vọng sẽ đưa việc kinh doanh MBH vào nền nếp; tạo một thị trường MBH lành mạnh, đáp ứng yêu cầu quản lý; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất; tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu cho xã hội... Dù vậy, để các quy định của nghị định thực sự đi vào cuộc sống cần nhiều sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng cũng như sự ủng hộ của người dân.

Tràn lan mũ kém chất lượng

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa Nghị định 87/2016/NĐ-CP sẽ có hiệu lực, tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên Báo Năng lượng Mới, nhiều đại lý bán MBH vẫn chưa biết đến nghị định này. Anh Quang Vinh, chủ đại lý phân phối MBH Như Mai (phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Tôi chưa nhận được thông báo chính thức về nội dung của nghị định từ các cơ quan chức năng”.

Tuy nhiên, qua các phương tiện truyền thông, chủ cửa hàng này đã nắm bắt được thông tin và rất ủng hộ Nghị định 87/2016/NĐ-CP. “Để nghị định đi vào cuộc sống, các cơ quan quản lý thị trường nên thực hiện triệt để, cương quyết, lâu dài về việc rà soát, kiểm định chất lượng MBH tránh tình trạng nhiều đơn vị làm thật thì ăn giả, mà làm giả thì ăn thật” - anh Vinh nói.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều loại MBH kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu với giá siêu rẻ (khoảng 30 nghìn đồng/chiếc), vẫn được bày bán khắp các vỉa hè, đường phố. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính.

mu bao hiem khong the bao hiem
Nhiều cửa hàng phân phối MBH đạt chuẩn trong tình trạng ế ẩm (ảnh: Đinh Hương)

Không chỉ các đại lý bán MBH băn khoăn với Nghị định 87/2016/NĐ-CP, nhiều cơ sở sản xuất MBH cũng đang gặp tình trạng tương tự. Anh Tuyến (chủ một công ty sản xuất MBH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh) cho hay, cơ sở sản xuất MBH của anh đã nắm bắt được nội dung của nghị định và đang đưa những quy định mới về tiêu chuẩn vào sản xuất.

Ngoài những nội dung khả quan mà nghị định đem lại, anh Tuyến cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề thử nghiệm, kiểm tra chất lượng MBH. “Thông thường cơ sở của tôi sản xuất vài chục mẫu MBH, mỗi lô hàng đều được tiến hành bóc mẫu và kiểm định. Nhưng cũng phải mất 7-10 ngày mới có kết quả từ cơ quan chức năng. Hiện cơ sở sản xuất MBH của tôi đã trang bị một số máy thử nghiệm chất lượng sản phẩm như máy thử dây quai, máy đâm xuyên, máy chống va đập… Tuy nhiên, máy hấp thu xung động (tiêu chuẩn quan trọng nhất để kiểm định chất lượng MBH) lại không có” - anh Tuyến nói.

Lý giải về điều này, anh Tuyến cho hay, các doanh nghiệp sản xuất MBH trong nước rất khó để trang bị máy hấp thu xung động vì chi phí lớn và phức tạp. Chính vì thế mà việc kiểm định sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Ở góc độ người tiêu dùng, nhiều người thẳng thắn cho rằng, đội MBH chỉ là đối phó với cơ quan chức năng khi tham gia giao thông. Anh Nguyễn Văn L (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chạy xe ôm ở Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Lâu nay tôi sử dụng MBH mua 30 nghìn đồng ngoài vỉa hè, vừa rẻ, vừa đẹp. Mặt khác, tôi chạy xe ôm thì làm gì có tiền mua 2 cái mũ xịn. Mà mua mũ xịn dễ mất nên tôi mua mũ rởm, có mất cũng không tiếc lắm”.

Lo về vấn đề làm sao để nhìn “thời trang” hơn nên chị Nguyễn Thị M (ở phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, chỉ mua MBH đẹp, nhìn thời trang chứ không quan tâm đến chuyện MBH kém chất lượng.

Trái ngược với chị M, anh N.T.H (Từ Liêm, Hà Nội) sẵn sàng bỏ ra 700 nghìn đồng để mua MBH đạt chuẩn. Anh H nói: “Do công việc đi làm xa nên tôi muốn chiếc MBH của mình phải đảm bảo chất lượng và an toàn, có đắt chút cũng không sao”.

Người tiêu dùng tự sàng lọc

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất là hiện nay trên thị trường tràn lan MBH không đảm bảo chất lượng được bày bán công khai (không có dấu hợp quy theo quy định, thậm chí dấu hợp quy giả). Điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều cơ sở không đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh mặt hàng này song vẫn ngang nhiên cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng.

“Trong Nghị định 87/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã phân công khá rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chính sách có đi vào cuộc sống hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Với mong muốn có một thị trường MBH theo đúng nghĩa là công cụ bảo đảm an toàn khi gặp sự cố, người tiêu dùng kỳ vọng vào sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, từ cấp phép đến kiểm tra sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái một cách hiệu quả. Với một thị trường MBH thật, giả lẫn lộn như hiện nay thì người tiêu dùng không thể yên tâm. Từ nay đến thời điểm nghị định có hiệu lực chỉ còn hơn 1 tháng, nhưng nhiều người còn chưa biết, kể cả người sản xuất. Vì vậy, thiết nghĩ cơ quan được giao nhiệm vụ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị định đến các đối tượng được điều chỉnh nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng MBH đối với việc bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng khi tham gia giao thông; cũng như cách phân biệt giữa MBH thật và MBH giả, kém chất lượng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Trước tình trạng nhiều người dân chọn các loại MBH không đạt chuẩn thay vì các sản phẩm chính hãng, ông Hùng cho rằng, nhiều loại MBH là hàng giả, hàng kém chất lượng thay đổi mẫu mã liên tục, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người dùng. Do vậy, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ dù biết là hàng giả nhưng vì giá thành rẻ, thời trang nên vẫn bỏ tiền mua. Tuy vậy, ông Hùng cũng khuyến cáo, trong việc tìm hiểu và sử dụng MBH, người dân nên biết sàng lọc và chọn lựa sản phẩm lưu thông hợp pháp, đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Với những mặt hàng hợp chuẩn, hợp quy đều có tem để phân biệt. Không nên ham rẻ, ham đẹp mà coi thường tính mạng bản thân. Nếu chẳng may xảy ra sự cố tai nạn, chỉ MBH đảm bảo chất lượng mới có thể chịu được lực va đập mạnh từ bên ngoài.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cho rằng: Việc MBH nhái, kém chất lượng được sản xuất, bán với giá rẻ đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nghị định 87/2016/NĐ-CP đưa vào triển khai sẽ giúp quản lý chất lượng MBH, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, nghị định cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong trường hợp phát hiện tình trạng sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Vị luật sư cũng lưu ý, các đơn vị kinh doanh MBH không đạt chất lượng có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xuân Hinh - Đinh Hương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc