Không “khoán trắng” dịch vụ thuê ngoài bệnh viện

07:06 | 21/08/2016

306 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi xảy ra vụ việc 3 bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối về nhà đầu tháng 7 vừa rồi, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tăng cường dịch vụ thuê khoán ngoài tại các bệnh viện với mục đích khuyến khích các hoạt động này nhưng phải siết chặt quản lý. Thực ra vụ việc bảo vệ chặn xe ở Bệnh viện Nhi Trung ương không phải lần đầu xảy ra mà là chuyện “giọt nước làm tràn ly”, đã có rất nhiều các dịch vụ bệnh viện thuê ngoài vào gây bức xúc từ lâu.  

“Độc quyền” đón khách bệnh viện

Đơn cử ngay như chuyện trông giữ xe tại các bệnh viện, không bao giờ giá tiền được thu đúng quy định mà lúc nào cũng nhiều hơn phải từ gấp đôi đến chục lần, nhất là khi bãi xe cạn chỗ. Quyết định 69/QĐ-UBND của TP Hà Nội đã quy định rõ đối với việc trông giữ xe là 3.000 đồng/lượt ban ngày, 5.000 đồng/lượt ban đêm, gửi qua đêm là 7.000 đồng/lượt. Nhưng giá vé đó thực tế chỉ là “mơ” đối với khách hàng. Thậm chí nhiều khách hàng phải trả với giá 20-30 nghìn đồng/lượt nếu vào các bệnh viện lớn như Việt Đức, Phụ sản Trung ương… và gửi xe ở các bãi quanh bệnh viện. Có không ít người nhà bệnh nhân đã tính mỗi ngày chỉ riêng tiền gửi xe, họ đã tốn hàng chục nghìn đồng cho những lần ra - vào chăm nuôi bệnh nhân.

khong khoan trang dich vu thue ngoai benh vien
Taxi ABC được “độc quyền” đỗ trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Trung ương

Không chỉ chuyện gửi xe, mà thuê xe taxi hay xe cứu thương chở bệnh nhân cũng là một vấn đề nhức nhối tại các bệnh viện. Sau khi xảy ra vụ việc bảo vệ chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối về nhà ở Bệnh viện Nhi Trung ương, người ta đã phanh phui xe taxi, xe cứu thương được phép vào viện đưa đón bệnh nhân đã có một “luật ngầm” giữa bệnh viện và các hãng. Như đối với Bệnh viện Nhi Trung ương, duy nhất chỉ Hãng ABC được tạo điều kiện ra vào viện và có chỗ đỗ đẹp nhất trong khuôn viên với điều kiện mỗi tháng phải trả một khoản tiền không nhỏ cho viện.

Nhưng để có được “cửa” đó, Hãng ABC cũng phải có “quan hệ tốt” trên danh nghĩa là đối tác của chính công ty bảo vệ của bệnh viện là Công ty Bảo vệ AZ, một công ty được Bệnh viện Nhi thuê dịch vụ này. Không ít lái xe các hãng taxi khác phàn nàn, hiếm khi họ vào viện đón bệnh nhân một cách thuận lợi, kể cả khi được khách quen gọi đến. Họ chỉ có thể “vọng” khách từ xa chứ không thể đi qua rào chắn là những bảo vệ, “thanh barie” một cách dễ dàng như taxi ABC. “Lắm lúc, khách gọi xe chưa chờ sẵn ngoài cổng thì chúng tôi chỉ có “nước” quay đầu bỏ khách vì không thể vào trong đón được”, một lái xe taxi nói.

Vô hình trung sự lựa chọn của Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm bệnh nhân mất đi quyền lựa chọn và tạo nên thế độc quyền cho hãng xe. Mà độc quyền thì lắm phiền phức thay!

Tại Bệnh viện Việt Đức hay Bệnh viện Bạch Mai cũng xảy ra tình trạng tương tự khi trước cửa Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức sắp xếp 2 chỗ để cho xe taxi Thủ đô đỗ chờ khách. Bệnh viện Bạch Mai thì dành ưu ái cho Hãng Mai Linh. Đại điện của Bệnh viện Việt Đức đã giải thích việc này là khuôn viên bệnh viện chật hẹp, nếu để nhiều hãng taxi cùng vào sảnh đón khách dẫn đến cạnh tranh sẽ gây mất trật tự, khói bụi ô nhiễm, mất an toàn cho người bệnh. Vì vậy, bệnh viện chọn lựa Hãng taxi Thủ đô chuyên chở bệnh nhân ở đây và bố trí 2 chỗ đỗ cho hãng. Tuy nhiên, “chốt” vấn đề này, vị đại diện lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức lại cho hay, mỗi tháng bệnh viện thu của Hãng taxi Thủ đô 10 triệu đồng cho 2 chỗ đỗ “đắc địa”!?

Trước sự việc lựa chọn hãng taxi độc quyền, đại điện Bệnh viện Nhi Trung ương cũng giải thích việc giới hạn xe đón bệnh nhân là do khuôn viện bệnh viện chật hẹp nên không thể xe nào cũng tùy tiện ra vào. Thế nhưng, trớ trêu ở chỗ trong khuôn viên Bệnh viện Nhi vẫn dành một khoảng sân rộng ngay cạnh khu vực dừng đỗ của xe cứu thương để bảo vệ làm dịch vụ trông giữ ôtô ngày và đêm. Xe đỗ ban ngày có mức phí 30.000 đồng/lượt, quá 120 phút thu thêm lượt tiếp theo. Xe đỗ ban đêm là 90.000 đồng/lượt và bãi gửi xe này thường xuyên có hàng chục ôtô được gửi dịch vụ.

Nói chung những dịch vụ thuê ngoài vào bệnh viện có rất nhiều vấn đề, gây bức xúc dư luận không kém gì so với sự nhùng nhằng do chính thái độ, hành vi ứng xử của một số nhân viên y tế gây ra. Ngay như trong vận chuyển bằng xe cứu thương cũng vậy. Không ít người lầm tưởng xe cứu thương là của chính bệnh viện nên được bảo đảm về giá cả, chất lượng. Song thực tế đây là dịch vụ cạnh tranh khốc liệt, cũng dùng chiêu thức “cá lớn nuốt cá bé” hoặc “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”…

Một lái xe cứu thương ở ngoại tỉnh vào Hà Nội đã bức xúc: “Một số bệnh viện như Bạch Mai, Bệnh viện Nhi, khi chúng tôi đưa xe cấp cứu tới đón bệnh nhân sẽ có một người “chim mồi” lại quan sát, thấy xe không có người bên trong thì lập tức báo bảo vệ không cho vào, trường hợp nào bất tuân thì sẽ bị đánh hoặc đập vỡ cửa kính xe. Bởi vậy, lái xe cứu thương chúng tôi đa số phải tuân theo và lui xe ra vì không muốn dính vào phiền phức”.

Phải công khai minh bạch

Cũng chính vì những nhiễu nhương, bất an như vậy mà Bộ Y tế đã phải tổ chức Hội nghị Tăng cường dịch vụ thuê khoán ngoài tại các bệnh viện để chấn chỉnh, siết chặt các hoạt động này. Tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã phải thốt lên “Sự việc 3 bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở em bé hấp hối làm chúng tôi thấy xấu hổ”.

Mặc dù dịch vụ thuê khoán ngoài là giải pháp nhằm giúp các bệnh viện nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa để các bệnh viện chỉ tập trung vào các dịch vụ khám, điều trị cho người bệnh, giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, đồng thời tạo công ăn việc làm cho xã hội… nhưng theo ông Khuê, thực tế hoạt động thuê dịch vụ ngoài bệnh viện này trong thời gian qua bộc lộ rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là các bệnh viện đã không chọn lựa nhà thầu đủ năng lực, khó xác định được giá dịch vụ, thiếu kiểm chứng về tiêu chuẩn kỹ thuật cung ứng dịch vụ và thiếu giám sát, đánh giá hoạt động, do đó nhiều bê bối đã xảy ra. Và nói như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là một số bệnh viện đã “khoán trắng” cho nhà cung cấp dịch vụ, không kiểm tra, giám sát.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải nhanh chóng cải thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ thuê khoán từ ngoài vào như bảo vệ, giữ xe, xe cứu thương, taxi, căn tin, tang lễ, giặt là... Bên cạnh đó giám đốc các bệnh viện phải nâng cao trách nhiệm trong quản lý chung. Nếu cơ sở nào để dịch vụ bệnh viện lộn xộn, môi trường nhếch nhác, rác thải khắp nơi, nhà vệ sinh bẩn thỉu... thì trách nhiệm đó thuộc về giám đốc. Như vậy giám đốc sẽ được đánh giá là chưa hoàn thành nhiệm vụ và phải chịu trách nhiệm.

Bà Tiến nói: “Mặc dù dịch vụ do đơn vị bên ngoài cung cấp nhưng khi sự cố xảy ra, hình ảnh, uy tín của bệnh viện, của ngành y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, bệnh viện không thể “khoán trắng” cho các đơn vị cung ứng dịch vụ mà phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ, phù hợp”. Bộ trưởng lưu ý: Về quan điểm, tôi ủng hộ các bệnh viện lựa chọn các dịch vụ phù hợp để thuê khoán với đơn vị bên ngoài thực hiện nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chất lượng hơn, giá cả hợp lý hơn và phải công khai minh bạch về giá dịch vụ. Sự hài lòng của người bệnh là thước đo chất lượng dịch vụ.

Hiện Bộ Y tế đã có dự thảo về việc ban hành quy chế quản lý dịch vụ thuê khoán bên ngoài tại các bệnh viện. Trên cơ sở đó, các bệnh viện phải xác định khi thuê khoán dịch vụ từ bên ngoài phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, có giá cả hợp lý trên cơ sở tổ chức đầu thầu công khai, chào hàng cạnh tranh, công ty trúng thầu phải có đội ngũ nhân viên cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp... Đồng thời các bệnh viện phải có trách nhiệm công khai minh bạch trong lựa chọn nhà cung cấp cũng như giá dịch vụ, bệnh viện phải chịu trách nhiệm về các điều khoản hợp đồng và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ, xây dựng hệ thống thông tin hướng dẫn, quản lý dịch vụ thuê khoán ngoài.

Xe cấp cứu tới đón bệnh nhân sẽ có “chim mồi” quan sát, thấy xe không có người bên trong thì lập tức báo bảo vệ không cho vào, trường hợp nào bất tuân thì sẽ bị đánh hoặc đập vỡ cửa kính xe

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới 550