Đừng 'làm nhân sự' kiểu này!

16:00 | 18/10/2015

7,214 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sinh thời, khi nói về công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, bởi theo Người, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Lịch sử cách mạng Việt Nam kể từ khi có Đảng đã trải qua bao biến cố thăng trầm và chính mỗi biến động ấy thêm một lần là minh chứng rõ nhất, khẳng định lời dạy của Bác về công tác cán bộ thực sự là bài học nằm lòng cho mọi thắng lợi của cách mạng.

dung lam nhan su kieu nay
Ảnh minh họa

Trở lại với đời sống thực tế hôm nay, dường như câu chuyện về cán bộ, về “nhân sự” cho mỗi tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong những thời điểm cụ thể của tiến trình phát triển, luôn là nỗi trăn trở, day dứt của không ít người biết sống có trách nhiệm với xã hội và giữ được cái liêm sỉ của chính mình.

Vẫn biết, trong quá trình đổi mới và phát triển của đất nước, của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi người Việt Nam hôm nay đã và đang có thêm nhiều đóng góp hữu ích để làm nên những thành quả lớn lao cho quá trình ấy.

Nhưng, cũng chính trong quá trình đổi mới và phát triển ấy, đã xuất hiện “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay).

Và, chính một bộ phận không nhỏ này khiến chúng ta càng phải thêm một lần thận trọng khi bắt tay vào thực hiện công tác quy hoạch cán bộ.

Các nhà làm tổ chức chắc chắn hiểu hơn ai hết những phẩm chất cần và đủ của người cán bộ lãnh đạo quản lý, bởi những người ấy sẽ là những người phải gánh vác trách nhiệm nặng nề tại mỗi tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.

Với họ, ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, họ còn luôn và bắt buộc cần có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức pháp luật và khả năng tập hợp quần chúng. Chỉ có điều, trong quá trình thực hiện công việc “đãi cát tìm vàng” ấy, liệu các nhà làm tổ chức đã và sẽ thực hiện như thế nào, lại là việc không hề đơn giản.

Câu chuyện của những cán bộ trẻ trong dự án “600 phó chủ tịch xã trẻ” nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cho 64 huyện nghèo trên địa bàn cả nước, xem ra đang là một thách thức không nhỏ cho tiến trình đổi mới công tác cán bộ; khi mà trong hầu hết các cuộc “bầu bán” vừa qua, 75% số cán bộ ấy đã không may mắn có thêm cơ hội hợp lý để được trụ lại trên mảnh đất mà họ đã đem hết tri thức, sức trẻ và tình yêu người để cống hiến cho mảnh đất mình đã chấp nhận sống và hy sinh vì nó.

Không thấy nhiều người nhắc đến những đóng góp của số cán bộ trẻ ấy cho cơ sở. Họ đã làm được gì cho người dân và mảnh đất mà họ chấp nhận dấn thân? Họ đã sống và gắn bó với mảnh đất mà chính họ xác định sẽ là quê hương thứ hai của mình thế nào?

Hay, trong quá trình công tác ấy, họ đã gây ra những điều “phiền toái” gì cho dân, cho anh em cán bộ cơ sở? Bởi, chính báo cáo tổng kết của Bộ Nội vụ khẳng định: “94% số đội viên trong dự án được đánh giá là hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.   

Hình như, ở đây, cái “cục bộ”, cái “vô nguyên tắc” đã được nhắc đến trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 vẫn còn đủ đất sống và phát triển? Để cái vỏ bọc được gọi là “biên chế” cho hệ thống chính quyền cơ sở, bỗng trở thành cơ hội và cứu cánh cho nếp nghĩ “hương đảng, tộc cư” trở thành hiện thực?

Viết đến đây, người viết bài này xin được nhắc lại lời dạy của Bác về “Những khuyết điểm chủ quan thường mắc trong công tác cán bộ như: Ham dùng người bà con anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài…”; cũng để mong từ câu chuyện cụ thể trên, những cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở tự xem lại mình, liệu có mắc vào “khuyết điểm chủ quan” ấy?

Rồi, sẽ còn thêm nhiều cuộc “sát hạch” ở hàng vạn tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trước khi bước vào cuộc chuyển mình đón một thế hệ lãnh đạo quản lý kế tiếp. Bỏ phiếu tín nhiệm.

Xin ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp người lao động… những ý kiến đóng góp tâm huyết của không ít cán bộ lãnh đạo quản lý có uy tín, cũng là điều chúng ta cần tiếp thu và áp dụng.

Người cán bộ lãnh đạo quản lý dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, của cơ quan, doanh nghiệp, hay của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nếu “phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài…, tùy tiện, vô nguyên tắc” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI), cũng chính là những “con sâu” đang góp phần làm mục ruỗng, làm cản trở quá trình phát triển của xã hội.

Cơ chế thị trường đang ùa đến, len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội. Chúng ta mừng vì có thêm nhiều tổ chức hội, hiệp hội của không ít ngành nghề, lĩnh vực mới xuất hiện.

Trong những tổ chức xã hội - nghề nghiệp ấy, không ít tổ chức đang phấn đấu để trở thành chỗ dựa không nhỏ cho những người lao động; nhưng, cũng không phải không có một vài cá nhân đang mượn danh các tổ chức ấy để trục lợi, thậm chí để thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng.      

Phẩm chất chính trị không được phép bị coi nhẹ. Do đó, chính những cán bộ lãnh đạo quản lý được thực thi nhiệm vụ chọn “nhân sự” cho bất kỳ tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nào, chắc không thể bỏ qua  nguyên tắc số một này.

Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng không thể thiếu sự định hướng của Nhà nước; đó là bài học chúng ta đã thấm thía một cách sâu sắc trong suốt quá trình phát triển vừa qua.

Vì thế, chính các cơ quan chuyên ngành, nơi đã đồng ý, tạo điều kiện để cho ra đời các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, không thể phó mặc, không thể vì bất kỳ lý do nào lại “chiếu cố”, lại tạo điều kiện cho những tổ chức ấy thực hiện những việc không đúng quy định do chính các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành.

Bởi, đó chính là ý thức pháp luật - một trong những phẩm chất nếu không muốn nói phải cao hơn của những nhà lãnh đạo quản lý làm công tác tổ chức cán bộ.

Hơn nữa, không thể coi tổ chức hội hay hiệp hội như nơi hội hè vui vẻ, nơi làm thêm lúc tuổi đã xế chiều, để ngay cả công tác “nhân sự” ở những vị trí đã được cơ quan quản lý Nhà nước quy định rõ ràng, cũng lại được vận dụng một cách tùy tiện, vô nguyên tắc.

Như một quy luật tất yếu của đời sống xã hội, rồi sẽ có thêm không ít cán bộ tự hào vì được được lựa chọn làm người lãnh đạo quản lý.

Với họ, đó vừa là niềm vinh dự nhưng cũng vừa là sự thử thách không nhỏ trên bước đường học tập và rèn luyện, lao động và sáng tạo, để xứng đáng với niềm tin yêu của những người lao động chân chính. 

Nguyễn Hòa Bình

Năng lượng Mới 466

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc