Cái chết của ông Hồ Diệu Bang và “sự kiện Thiên An Môn”?

06:50 | 06/05/2013

78,635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Kể từ khi thành lập (1/7/1921) tới nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc có 13 Tổng bí thư (không tính giai đoạn 1944-1955 và 1968-1979, bởi khi đó Mao Trạch Đông lập chức danh Chủ tịch đảng) và ông Hồ Diệu Bang là một nhân vật đặc biệt. Cho đến nay đã có nhiều tài liệu được công bố xung quanh việc ra đi của ông Hồ Diệu Bang và điều này hiện vẫn là đề tài gây tranh cãi của nhiều giới. Bởi cái chết của ông Hồ Diệu Bang từng tạo nên “sự kiện Thiên An Môn”.
cai chet cua ong ho dieu bang va su kien thien an mon Tài liệu tuyệt mật của CIA về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989
cai chet cua ong ho dieu bang va su kien thien an mon Vì sao Hongkong "nổi loạn"?
cai chet cua ong ho dieu bang va su kien thien an mon Giải mã vụ khủng bố tại Thiên An Môn

Từ sự chiêu tuyết hy hữu

Mặc dù nổi tiếng là Tổng bí thư (TBT) có khuynh hướng cải cách, nhưng bị mất chức năm 1987 sau khi cho phép sinh viên ở Bắc Kinh tổ chức biểu tình, nhưng tên tuổi của ông Hồ Diệu Bang vừa được nhắc tới cùng lời khen ngợi hiếm hoi nhân ngày giỗ lần thứ 24 (15/4/1989 - 15/4/2013). Báo chí Trung Quốc ca ngợi ông Hồ Diệu Bang đã có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi các quan chức từng bị hàm oan trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, đưa Đảng Cộng sản ra khỏi sự hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa và khởi xướng một động lực mới cho mở cửa và cải cách. Ông Hồ Diệu Bang đã chủ trương tăng tốc cải cách, mở cửa và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Trước đó (thượng tuần tháng 1/2013), tại thành phố duyên hải Đài Châu, tỉnh Chiết Giang đã dựng bức tượng cố TBT Hồ Diệu Bang. Theo tờ Thanh niên Trung Quốc, việc dựng tượng ông Hồ Diệu Bang tại thành phố Đài Châu để tưởng nhớ công lao của TBT thứ 9 trong việc phát triển kinh tế đảo Đại Trần năm 1956, khi ông là lãnh đạo Đoàn Thanh niên tại đây. Cách đây 3 năm (trung tuần tháng 4/2010), ông Hồ Diệu Bang từng được cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo công khai ca ngợi. Khi đó với tư cách Thủ tướng đương nhiệm, ông Ôn Gia Bảo đã nhắc tới mối quan hệ gần dân và đạo đức cao cả của ông Hồ Diệu Bang trên tờ Nhân dân nhật báo.

cai chet cua ong ho dieu bang va su kien thien an mon

Vợ chồng Hồ Diệu Bang thời trẻ

Tờ Le Monde ngày 20/4/2010 đưa tin: Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khôi phục danh dự cho cố TBT Hồ Diệu Bang khi ca ngợi công lao của ông nhân chuyến thăm Quý Châu, khu vực bị nạn hạn hán làm khô kiệt. Bởi ông Ôn Gia Bảo từng tháp tùng cố TBT Hồ Diệu Bang trong một chuyến công tác cũng tại Quý Châu. Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo viết rằng: “Tôi giữ nguyên trong trái tim những lời giảng dạy quý giá của ông (Hồ Diệu Bang). Phong cách và thái độ của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, học tập và đời sống của tôi”.

Giới truyền thông cho rằng, thân phận của ông Hồ Đức Bình, con trai trưởng của cố TBT Hồ Diệu Bang có ảnh hưởng không nhỏ tới những lần chiêu tuyết rửa oan kể trên. Được biết, ông Hồ Đức Bình là 1 trong 3 trợ tá chính trị của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình. 2 trong số 3 trợ tá này là con các nguyên lão, những người từng bị hàm oan trong Cách mạng Văn hóa và gia đình ông Tập Cận Bình cũng từng là một trong những nạn nhân. Đó là Diệp Tuyển Ninh, con trai thứ của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Hồ Đức Bình, con trai trưởng của cố TBT Hồ Diệu Bang và ông Lý Nguyên Triều, một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị khóa XVIII.

Trước đó, ông Hồ Đức Bình (tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường ĐH Bắc Kinh, thường tham gia các cuộc đàm đạo của bố và ông Đặng Tiểu Bình) từng là Phó chủ tịch Chính hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Công thương toàn quốc. Được biết, phụ thân của ông Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân từng là một trong những “hộ tướng” của ông Hồ Diệu Bang nên đã đắc tội với ông Đặng Tiểu Bình, bị ép từ chức Phó thủ tướng, về hưu non. Quan hệ hai nhà Hồ - Tập vốn đã thân thiết, giờ càng được củng cố. Do đó, việc phục hồi, thanh minh cho cố TBT Hồ Diệu Bang là điều “đương nhiên”.

Cách đây gần 8 năm (2005), người ta từng chuẩn bị lễ truy điệu khá rầm rộ nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông Hồ Diệu Bang tại tỉnh Hồ Nam. Bởi ông Hồ Cẩm Đào khi đó đang là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, là người được ông Hồ Diệu Bang nâng đỡ. Nhưng việc này vẫn bị xếp lại - chỉ làm một lễ nhỏ hôm 18/11/2005 tại Bắc Kinh và đó là lần đầu tiên kể từ ngày ông Hồ Diệu Bang qua đời tên tuổi của cố Tổng bí thư chính thức xuất hiện trên báo chí Trung Quốc.

Sau đó, tên tuổi của cố TBT Hồ Diệu Bang lại được dư luận nhắc tới sau khi cuốn hồi ký của cố TBT Triệu Tử Dương được xuất bản hôm 19/5/2009 tại Hongkong. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của bố, con gái út Lý Hằng (Mãn Muội) đã xuất bản tác phẩm đầu tay “Nhớ mãi không quên người cha Hồ Diệu Bang”. Cuốn sách được đánh giá là 1 trong 3 tác phẩm chân thực nhất về cuộc đời ông Hồ Diệu Bang. Tuy là Phó tổng thư ký Hiệp hội Y học Trung Quốc, nhưng bà Lý Hằng lại được dư luận biết tới với tư cách là “cây bút sắc bén”.

Thân phận đặc biệt của vị Tổng Bí thư thứ 9

Ông Hồ Diệu Bang được biết tới với tư cách là một chính khách có tư tưởng cải cách, nhưng việc này đã bị một số người lợi dụng, dẫn tới các cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc. Kể từ khi ông mất đến nay, có nhiều dư luận khác nhau trong việc đánh giá vai trò của ông Hồ Diệu Bang. Sau khi chức danh Chủ tịch đảng được lập năm 1943 (cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc), có 3 người từng giữ cương vị này, đó là Mao Trạch Đông (1943-1976), Hoa Quốc Phong (1976-1981) và Hồ Diệu Bang (1981-1982). Và sau khi chức danh Chủ tịch đảng bị bãi bỏ, vị trí cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc thuộc về TBT và Hồ Diệu Bang lại được bầu làm TBT (1982-1987).

Ông Hồ Diệu Bang sinh ra (20/11/1915), trong một gia đình nông dân tại tỉnh Hồ Nam, khi Trung Quốc bước vào thời đại cách mạng dân chủ sau khi nhà Thanh bị lật đổ. Ông gia nhập cách mạng từ khi mới 14 tuổi và là người ủng hộ Mao Trạch Đông nên từng bị coi là “người không đáng tin cậy”. Ông từng bị kết án tử hình, bị thương nặng tưởng chết dọc đường, bị bắt làm tù binh, chờ ngày hành quyết, nhưng đều may mắn thoát nạn.

cai chet cua ong ho dieu bang va su kien thien an mon

Gia đình Hồ Diệu Bang

Ông Hồ Diệu Bang (20/11/1915 - 15/4/1989) từng chủ trương kết hợp cải cách kinh tế và chính trị, được coi là một trong những đồng minh quan trọng nhất của ông Đặng Tiểu Bình. Bởi ông Hồ Diệu Bang có công phát hiện ra tài năng chính trị của ông Hồ Cẩm Đào, cũng như cùng với ông Đặng Tiểu Bình đào tạo, rèn luyện thế hệ lãnh đạo thứ 4, thứ 5 (còn gọi là thê đội 4 và thê đội 5) ở Trung Quốc. Ngay từ khi lãnh đạo Đoàn Thanh niên (1952-1967), ông Hồ Diệu Bang đã tạo được uy tín khá tốt nên được bầu làm TBT. Nhưng những cải cách của ông Hồ Diệu Bang đã bị giới sinh viên lợi dụng triệt để - từ biểu tình nhỏ và ôn hòa để bày tỏ quan điểm về dân chủ hóa và cải thiện đời sống kinh tế (cuối 1986) đến biểu tình lớn tại Thượng Hải (tháng 12/1986).

Sau khi mất chức TBT (16/1/1987), ông Hồ Diệu Bang trở thành biểu tượng của phong trào đòi dân chủ ở Trung Quốc. Việc này đã được đẩy lên đỉnh cao sau cái chết đột ngột của ông Hồ Diệu Bang - hơn 100.000 sinh viên đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn đúng ngày cử hành tang lễ cố TBT (22/4/1989). Những cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn của sinh viên không những gây ra bất ổn chính trị mà còn khiến ông Triệu Tử Dương, người kế nhiệm ông Hồ Diệu Bang (từ 16/1/1987) cũng phải từ chức TBT.

Sau khi ông Hồ Diệu Bang qua đời (15/4/1989), cả gia đình con trai út Hồ Đức Hoa cùng nguyên đệ nhất phu nhân tiếp tục sống tại căn nhà nhỏ trong ngõ Trung Nam Hải, kiểu “Tứ hợp viện” truyền thống. Ông Hồ Đức Hoa là chuyên gia phần mềm cao cấp (đã mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường thế giới) ở các lĩnh vực phát triển công nghệ, trồng rừng, lấn biển. Các con của ông Hồ Diệu Bang đều là những nhân vật thành danh, được nhiều người biết tới. Tuy có 4 người con, nhưng 3 con trai và 1 con gái của ông Hồ Diệu Bang lại mang 3 họ khác nhau. Bởi anh trưởng là Hồ Đức Bình, con trai út Hồ Đức Hoa, nhưng con trai thứ lại có tên gọi Lưu Hồ vì phải đem cho từ nhỏ. Còn con gái út được đặt tên Lý Hằng theo họ mẹ. Lý Hằng còn có tên gọi Mãn Muội bởi ông Hồ Diệu Bang rất thích có con gái nên đã đặt biệt danh này với ý nghĩa - là đứa con cuối cùng và mãn nguyện vì đã có con gái.

Năm 1945, vợ chồng Hồ Diệu Bang phải trao đứa con trai chưa đầy 2 tháng tuổi cho người đồng hương Lưu Thế Xương nuôi tại Thanh Đảo. Nhưng mới 13 tuổi, Lưu Hồ đã có những thành tích học tập nổi bật nên gia đình Lưu Thế Xương đã đưa Lưu Hồ tới Bắc Kinh để tiện học hành. Khi cha con gặp nhau, mọi người đều rất vui, nhưng vợ chồng Hồ Diệu Bang quyết không đổi họ cho con trai, vẫn để nguyên là Lưu Hồ cùng lời dặn dò: Phải có trách nhiệm báo hiếu đối với gia đình Lưu Thế Xương.

Tới những tiết lộ của lịch sử

Giữa mùa hè oi bức năm 1994, Phòng Nghiên cứu văn hiến Trung ương Đảng đã cùng với Ủy ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tiến hành chỉnh lý, biên tập hoàn chỉnh những sự kiện trọng đại đã diễn ra từ Hội nghị Toàn thể Trung ương lần thứ nhất khóa XII đến khóa XIII. Một phần tài liệu này đã được gửi tới các trường Đảng của Trung ương để làm tài liệu tham khảo, trong đó đáng chú ý nhất là phần tài liệu nói về phiên họp “sinh hoạt Trung ương” diễn ra 6 ngày vào tháng 1-1987. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc cho công bố công khai những văn kiện mật nói về phiên họp bàn về việc “hạ bệ” TBT Hồ Diệu Bang.

Theo tài liệu được công bố, cách đây gần 27 năm (hạ tuần tháng 9/1986, trước Hội nghị Toàn thể Trung ương lần thứ 6 khóa XII), các ông Lý Tiên Niệm, Tống Nhiệm Cùng, Vương Chấn, Phương Nghị, Trần Phi Hiển đều phát biểu: Phải giải quyết vấn đề “Chủ nghĩa hữu khuynh” tồn tại trong ban lãnh đạo Đảng hiện nay - một cách gián tiếp nói tới ông Hồ Diệu Bang. Nhưng các ông Bành Chân, Vạn Lý và Dư Thu Lý lại không đồng ý với ý kiến này, bởi họ cho rằng “vạch mặt chỉ tên”, phê bình, đột nhiên công kích đồng chí một cách vội vàng như vậy là không phù hợp với kỷ luật Đảng, với chủ đề chính của hội nghị. Khi đó, TBT Hồ Diệu Bang đã phát biểu: “Nếu công tác của Đảng có sai lầm lớn, tôi xin từ chức. Đường lối của Đảng có sai lầm, tôi xin chịu trách nhiệm chính”… Cuối cùng, ông Đặng Tiểu Bình phải lên tiếng: “Hội nghị không nên chỉ đích danh đồng chí nào, Hội nghị Toàn thể Trung ương 6 cần coi trọng vấn đề văn minh tinh thần, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là ban lãnh đạo tại Trung ương và cấp tỉnh”.

cai chet cua ong ho dieu bang va su kien thien an mon

Đại gia đình Hồ Diệu Bang

Hạ tuần tháng 12/1986, trong phiên họp thường kỳ của Thường vụ Bộ Chính trị, ông Lý Tiên Niệm phát biểu, cần giải quyết vấn đề “Hồ Diệu Bang” tại hội nghị toàn thể Trung ương hoặc trong hội nghị công tác của Trung ương, bởi việc này sẽ có lợi cho việc kiên trì sự nhận thức thống nhất về thực hiện 4 nguyên tắc cơ bản của Đảng. Nhưng ông Đặng Tiểu Bình lại cho rằng, về vấn đề của ông Hồ Diệu Bang nên giải quyết tại hội nghị “sinh hoạt Bộ Chính trị”, không nên đưa vấn đề này ra hội nghị toàn thể Trung ương và hội nghị mở rộng Bộ Chính trị vì làm như vậy không có lợi. Kiến nghị của ông Đặng Tiểu Bình được ông Diệp Kiếm Anh, ông Triệu Tử Dương đồng ý.

Do đó, từ ngày 10 đến ngày 15/1/1987, hội nghị “sinh hoạt Bộ Chính trị” đã họp tại Hoài Nhân Đường, Trung Nam Hải dưới sự chủ tọa của các ông Lý Tiên Niệm, Triệu Tử Dương và Bạc Nhất Ba và 53 ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương và Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương. Tại cuộc họp, có 8 người phát biểu chính là các ông Lý Tiên Niệm, Triệu Tử Dương, Bạc Nhất Ba, Tống Nhiệm Cùng, Vương Chấn, Hồ Kiều Mộc, Hồ Khởi Lập và Vương Hạc Thọ.

Sau khi ông Lý Tiên Niệm thay mặt Thường vụ Bộ Chính trị phát biểu 4 vấn đề về những sai lầm của ông Hồ Diệu Bang trong quá trình làm TBT, các ông Triệu Tử Dương, Bạc Nhất Ba, Tống Nhiệm Cùng, Vương Chấn đã bổ sung khiến cuộc họp vô cùng căng thẳng. Đúng lúc đó, ông Đặng Tiểu Bình yêu cầu nghỉ giải lao. Trong giờ nghỉ trưa, ông Đặng Tiểu Bình và Bành Chân đã gặp riêng ông Hồ Diệu Bang để nói chuyện và TBT sau đó tuyên bố: “Tôi sẽ cố gắng để hội nghị thành công tốt đẹp!”.

Bước sang ngày thứ 5, ông Hồ Diệu Bang lại phải kiểm điểm lần thứ 3 trước hội nghị, nhưng vẫn có hơn 10 người không đồng ý với bản “tự kiểm điểm” này khiến ông Đặng Tiểu Bình và Trần Vân phải phát biểu để tổng kết. Ngày hôm đó hội nghị họp tới 9 giờ đồng hồ - lâu nhất trong 6 ngày. Cũng tại cuộc họp này, ông Hồ Diệu Bang đã xin từ chức TBT, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Buổi họp cuối cùng tiến hành thảo luận và biểu quyết vấn đề từ chức của ông Hồ Diệu Bang.

Có ba ý kiến về vấn đề này: Thứ nhất, bản thân ông Hồ Diệu Bang xin từ chức TBT, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, yêu cầu được giữ nguyên Ủy viên Trung ương. Thứ hai, ông Hồ Diệu Bang đề nghị từ chức Tổng bí thư, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, yêu cầu được giữ cương vị Thường vụ trong Ban Cố vấn Trung ương. Thứ ba, ông Hồ Diệu Bang đề nghị từ chức TBT, yêu cầu được giữ nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Cuối cùng, 46 người tham dự hội nghị phải tiến hành biểu quyết (7 người nghỉ giữa chừng vì lý do sức khỏe hoặc bảo lưu ý kiến riêng của mình). Kết quả có 36 phiếu ủng hộ đề nghị thứ ba, còn 10 phiếu phản đối hoặc bảo lưu ý kiến của mình.

Đầu tháng 10/1987, ông Hồ Diệu Bang đã gặp ông Đặng Tiểu Bình và Bộ Chính trị để xin từ chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tại kỳ họp Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 13. Nhưng tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 13, ông Hồ Diệu Bang vẫn được bầu vào Bộ Chính trị với tỷ lệ nhất trí cao - đứng thứ 4 trong số 17 ủy viên chính thức Bộ Chính trị và 1 ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị (đứng sau 3 ông Vạn Lý, Tần Cơ Vỹ và Dương Thượng Côn).

Khi phát biểu tại buổi nói chuyện với sinh viên Trường Đảng Trung ương (tháng 9/1994), ông Bạc Nhất Ba (một trong những nguyên lão tên tuổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã nhấn mạnh: Phải tôn trọng lịch sử, phải làm cho toàn Đảng hiểu rõ những sự kiện trọng đại đã diễn ra trong Đảng. Theo đó, những phê bình, giúp đỡ khi đó của Đảng đối với đồng chí Hồ Diệu Bang là chính xác và cần thiết; sự sắp xếp khi đó của tổ chức đối với đồng chí Hồ Diệu Bang là hoàn toàn phù hợp với tình hình đang diễn ra khi đó. Tuy nhiên, bây giờ nghĩ lại thấy rằng, có một số lời phê bình của một vài đồng chí là hơi “nặng nề”, hơi “quá đáng”, gây hậu quả không tốt đối với đồng chí mình. Và những đóng góp của đồng chí Hồ Diệu Bang đối với Đảng đều đáng để chúng ta học tập.

Đông Ngàn - Từ Sơn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc