Ý tưởng "kéo" Trạm vũ trụ Quốc tế ISS về Trái Đất của NASA có khả thi?

09:48 | 26/09/2023

452 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
NASA đang lên kế hoạch xử lý an toàn Trạm vũ trụ Quốc tế ISS sau khi chương trình kết thúc vào năm 2030.
Ý tưởng kéo Trạm vũ trụ Quốc tế ISS về Trái Đất của NASA có khả thi? - 1
Trạm vũ trụ quốc tế trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (Ảnh: NASA).

Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) là một tổ hợp công trình quốc tế gồm 7 mô-đun, dài 109 mét, tương đương một sân bóng bầu dục tiêu chuẩn. Trạm đã hoạt động trong 24 năm, chủ yếu nghiên cứu không gian trên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.

Giờ đây, NASA đang chuẩn bị những bước nhằm xử lý an toàn Trạm ISS sau khi chương trình kết thúc vào năm 2030.

Theo NASA, vòng đời của ISS bị giới hạn bởi cấu trúc vật lý đã định hình sẵn. Theo đó, các hoạt động từ việc tàu vũ trụ cập bến liên tục và những thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt mà trạm phải trải qua khi ở trên quỹ đạo đã góp phần làm xuống cấp các thành phần của công trình mà con người không thể sửa chữa.

Không giống như các tên lửa hay tàu vũ trụ loại nhỏ, ISS không thể bị phá hủy hoặc chuyển tới các "nghĩa địa không gian" để lưu trữ lâu dài. Thế nhưng nếu không được xử lý đúng cách, trạm sẽ lao trở lại Trái Đất, hoặc gây cản trở cho các sứ mệnh trong tương lai.

Để khắc phục điều đó, ý tưởng về một "máy kéo không gian", viết tắt là USDV đã được đưa ra, nhằm đưa trạm ra khỏi quỹ đạo và hướng về bầu khí quyển Trái Đất.

"Khi kết thúc chương trình Trạm vũ trụ quốc tế, trạm sẽ được gỡ bỏ khỏi quỹ đạo một cách có kiểm soát và tránh gây tổn hại tới các khu vực đông dân cư trên Trái Đất", NASA cho biết trong một thông báo.

Ý tưởng kéo Trạm vũ trụ Quốc tế ISS về Trái Đất của NASA có khả thi? - 2
Trạm vũ trụ quốc tế dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030, với việc NASA đang tìm kiếm một phương tiện mới để điều khiển quá trình quay trở lại Trái Đất của phòng thí nghiệm quỹ đạo (Ảnh: NASA).

Theo mô tả của NASA, USDV là một phương tiện bay sẽ gặp và cập bến ISS. Sau đó, nó thực hiện kiểm soát trạng thái và tốc độ của ISS, nhằm tịnh tiến trạm này rời khỏi quỹ đạo và tiến về Trái Đất.

Lúc này, toàn bộ trạm ISS sẽ đạt vận tốc cực đại 43.450 km/h để vượt qua bầu khí quyển của Trái Đất, đồng thời bốc cháy ở nhiệt độ lên tới 5.300 độ F (2.900 độ C), trước khi lao thẳng xuống hành tinh của chúng ta.

Nhiều chuyên gia cho rằng phương pháp này vô cùng mạo hiểm, vì nhiều biến số có thể xảy ra, khiến sự việc nằm ngoài kiểm soát. Nếu không cẩn thận, trạm ISS sẽ chẳng khác nào một tiểu hành tinh rực lửa, sẵn sàng thiêu rụi mọi thứ trên mặt đất tại nơi nó đáp xuống.

Một số ý kiến cho rằng nên "rã" trạm ISS thành nhiều mảnh, rồi lần lượt đưa nó về Trái Đất bằng tên lửa. Tuy nhiên, điều này cũng khó thực hiện bởi nếu Trạm ISS ngừng hoạt động, thì quá trình cập cảng và gỡ bỏ các thành phần sẽ không thể, hoặc rất khó để thực hiện.

Bản thân NASA cũng thừa nhận chương trình sẽ mất nhiều năm để phát triển, thử nghiệm và chứng nhận, trước khi đưa ra một kế hoạch cụ thể. Cũng không loại trừ khả năng ý tưởng sẽ bị hủy bỏ, và thay thế bằng một phương pháp khác khả thi hơn.

Ngoài NASA, các đối tác chính trên ISS gồm cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), Cơ quan Vũ trụ Châu Âu , Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản và Cơ quan Vũ trụ Canada.

Ngoại trừ Roscosmos, các đối tác khác đều đã đồng ý ở lại Trạm vũ trụ ISS cùng NASA cho đến năm 2030. Được biết, Nga sẽ rút lui sớm vào năm 2028 để theo đuổi các kế hoạch thám hiểm không gian của riêng mình.

Theo Dân trí

NASA thành công đánh chặn tiểu hành tinhNASA thành công đánh chặn tiểu hành tinh
Tàu Orion trở về Trái đất sau chuyến thám hiểm Mặt trăngTàu Orion trở về Trái đất sau chuyến thám hiểm Mặt trăng
[PetroTimesMedia] Valkyrie của NASA: Robot bảo trì cơ sở dầu khí[PetroTimesMedia] Valkyrie của NASA: Robot bảo trì cơ sở dầu khí