NASA thành công đánh chặn tiểu hành tinh

06:15 | 26/10/2022

67 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đây là thử nghiệm đầu tiên nhằm nghiên cứu khả năng đảo hướng các tiểu hành tinh có khả năng lao vào trái đất, gây thảm họa diệt vong. Thử nghiệm của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã thành công ấn tượng.
NASA thành công đánh chặn tiểu hành tinh
Hình ảnh do vệ tinh LICIA Cube chụp được cho thấy đám khói bụi hình thành từ Dimorphos không lâu sau khi DART va chạm vào tiểu hành tinh này

Mới đây, một tàu vũ trụ đâm vào một tiểu hành tinh đã làm thay đổi quỹ đạo bay của nó quanh một tiểu hành tinh lớn hơn. Quỹ đạo của tiểu hành tinh này đã bị rút ngắn tới 32 phút, con số được các nhà khoa học đánh giá là cực kỳ ấn tượng, thậm chí còn tốt hơn những gì các kỹ sư ở NASA đã dự đoán.

Cụ thể, ngày 26/9/2022, tàu vũ trụ thử nghiệm đảo hướng tiểu hành tinh đôi (DART) đã vỡ tan và tạo ra một đám mây bụi khổng lồ khi nó va chạm với tiểu hành tinh Dimorphos ở địa điểm nằm cách trái đất khoảng 11 triệu km. Theo NASA, DART lao vào Dimorphos với tốc độ khoảng 23.400 km/h.

Mục tiêu ban đầu của DART là thay đổi quỹ đạo của Dimorphos khi nó quay xung quanh một tiểu hành tinh lớn hơn - tiểu hành tinh Didymos với chiều rộng 390m. NASA chỉ có kế hoạch thay đổi 73 giây trong thời gian thực hiện quỹ đạo quay của Dimorphos. Nhưng sau cú va chạm, DART đã làm thay đổi quỹ đạo của Dimorphos tới tận 32 phút.

DART nặng chỉ 550kg và trị giá 314 triệu USD đã đẩy Dimorphos tới gần Didymos hơn, đồng thời rút ngắn quỹ đạo quay của nó. DART cũng không có hình dáng dữ tợn như trong các bộ phim Hollywood mà chỉ là một con tàu thăm dò hình khối vuông vắn, bao gồm các cảm biến, 1 ăng-ten, 1 động cơ đẩy ion và 2 tấm pin năng lượng mặt trời dài 8,5m.

NASA thành công đánh chặn tiểu hành tinh
Tàu vũ trụ DART của NASA đang bay về phía 2 tiểu hành tinh Didymos và Dimorphos

Thử nghiệm DART thành công đã khiến các nhà khoa học tin tưởng một ngày nào đó, phương pháp đánh chặn như thế này có thể được sử dụng để đẩy một tiểu hành tinh tiềm năng gây hại lệch khỏi hành trình va chạm với trái đất.

DART đã ghi và phát về trái đất những khoảnh khắc cuối cùng của nó trước khi lao vào Dimorphos thông qua hệ thống camera dẫn đường quang học tự động điều hướng con tàu bay đúng lộ trình va chạm.

Khi DART tiến gần hơn đến Dimorphos, dữ liệu từ camera cho thấy cảnh quan của tiểu hành tinh dần lớn lên, từ một điểm ảnh màu xám nhạt nhỏ bé biến thành hình ảnh địa hình gồ ghề và hiểm trở, với những mỏm đá sắc cạnh. DART lao vào Dimorphos, tiểu hành tinh với đường kính 160m, tại địa điểm chỉ cách “hồng tâm” được thiết lập trước có 17m.

Sau vụ va chạm, các đài thiên văn lớn trên trái đất đã theo dõi Dimorphos để xem đã có gì thay đổi. Bằng cách xem xét thời điểm ánh sáng mặt trời phản chiếu từ cặp tiểu hành tinh bị mờ đi, các nhà khoa học thấy Dimorphos đã đi sâu hơn vào vùng tối của Didymos. Dựa vào đó, họ tính toán và thấy chu kỳ quỹ đạo của Dimorphos đã ngắn hơn nửa giờ so với trước khi xảy ra va chạm. Các quan sát tiếp theo từ nhiều thiết bị radar cũng cho kết quả tương tự, xác nhận rằng quỹ đạo của tiểu hành tinh Dimorphos đã rút ngắn từ 11 giờ 55 phút xuống còn 11 giờ 23 phút.

Lori Glaze, người đứng đầu Bộ phận khoa học hành tinh của NASA, cho biết trong cuộc họp báo: “Tất cả chúng ta hãy dành một chút thời gian để nghiền ngẫm kỹ hơn sự kiện này. Lần đầu tiên, nhân loại đã thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh, một thiên thể. Đây là chuyện lần đầu xảy ra”.

Tường Linh