Y tế Cuba nổi tiếng thế giới

09:59 | 01/02/2019

7,572 lượt xem
|
(PetroTimes) - Mặc dù bị bao vây cấm vận trong hơn nửa thế kỷ nhưng những thành quả của Cuba trong lĩnh vực y tế đáng để cả thế giới phải “ngả mũ” và như tờ The Guardian (Anh) có lần nhận xét: hệ thống y tế Cuba có thể “làm nước Mỹ phải xấu hổ”!  
y te cuba noi tieng the gioi
Hệ thống bác sĩ gia đình, một trong những “tuyệt chiêu” của chính sách quản lý y tế ở Cuba

Ngày 30/6 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chính thức Cuba là nước đầu tiên trên thế giới thành công trong việc loại trừ lây nhiễm virus HIV và bệnh giang mai từ mẹ sang con. Theo WHO, thành công này là nhờ Cuba đã tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo cả thai phụ cùng bạn đời được kiểm tra HIV, giang mai trước và ngay sau khi có thai, đảm bảo phụ nữ nhiễm HIV mang thai được điều trị kịp thời để tránh lây nhiễm cho con. Năm 2013, tại Cuba chỉ có 2 trẻ khi sinh ra bị nhiễm HIV và 5 trẻ bị nhiễm giang mai.

Báo cáo của WHO cho hay, mỗi năm có 1,4 triệu phụ nữ nhiễm HIV mang thai trên thế giới. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, họ có 15-45% nguy cơ lây nhiễm HIV cho đứa con trong lúc mang thai, sinh con hoặc khi cho con bú. Chính vì vậy, thành công của Cuba được cho là sẽ tạo động lực cho các quốc gia khác trên thế giới loại trừ sự lây nhiễm HIV và giang mai từ mẹ sang con.

Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO nói rằng, loại bỏ lây nhiễm virus HIV là một trong những bước tiến lớn về sức khỏe cộng đồng. Thành công của Cuba là thành công đáng kể trong cuộc chiến lâu dài chống lại HIV và các bệnh lây qua đường tình dục, cũng như là một bước quan trọng hướng đến một thế hệ không AIDS. Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (OPS) nói rằng: “Thành công của Cuba cho thấy các nước có thể tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế toàn diện, đây được xem là chìa khóa thành công chống lại những thách thức to lớn của bệnh AIDS”.

Thành quả trên chỉ là một trong vô vàn minh chứng cho thấy bất chấp mọi khó khăn và thiếu thốn gây nên bởi cấm vận của Mỹ trong suốt hơn nửa thế kỷ, nhưng Cuba không chỉ vẫn đứng vững mà còn đáng để cho kẻ thù xấu hổ và thế giới ngưỡng mộ.

Ngành y tế của Cuba có được thành tựu như ngày hôm nay là nhờ vào chính sách đúng đắn của chính quyền La Habana. Dù bị Mỹ bao vây cấm vận, Chính phủ Cuba vẫn dành ưu tiên số 1 cho ngành y tế. Ngay từ lúc mới lên nắm quyền vào năm 1959, Chủ tịch Fidel đã khẳng định mong muốn tạo ra một quyền lực y tế toàn cầu. Trọng tâm của hệ thống chăm sóc y tế đất nước vùng Caribbe này chính là hệ thống bác sĩ gia đình, trong đó các nhân viên y tế, bác sĩ phụ trách từng khu vực dân cư và chịu trách nhiệm về các vấn đề giáo dục y tế và y tế dự phòng cho khu vực này.

Cuba luôn chú trọng đào tạo đội ngũ y, bác sĩ có trình độ cao, đồng thời thiết lập được một hệ thống y tế bài bản ở tất cả các cấp, qua đó tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận ngay cơ sở y tế khi cần thiết. Bình quân cứ 150 người Cuba có một bác sĩ chăm sóc. Đặc biệt là hệ thống y tế Cuba đã thực hiện miễn phí đối với mọi người dân.

Ngay từ năm 1982, trong một báo cáo của Mỹ đã thừa nhận, hệ thống y tế chữa bệnh của Cuba không chỉ bằng mà còn hơn một số nước phát triển. Cuba đã thực hiện phẫu thuật động mạch vành vào năm 1964, ghép tủy xương và ghép gan vào năm 1985, ghép dây thần kinh trị bệnh Parkinson vào năm 1987... Khi trường y thuộc Đại học Yale (Mỹ) thực hiện ca phẫu thuật ghép tim thứ 5, thì 4 tháng sau đó, Bệnh viện Ameijeiras của Cuba đã thực hiện ca thứ 10. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên phát triển và tung ra thị trường vacine viêm màng não B, sau đó là vacine viêm gan siêu vi B. Hiện vacine viêm gan siêu vi B của Cuba được xuất khẩu sang 30 nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pakistan.

Đặc biệt năm 2012, các nhà khoa học Cuba đã mang đến cho bệnh nhân ung thư một niềm hy vọng lớn đó là việc bào chế thành công VidadoxPlus, sản phẩm điều trị bệnh ung thư từ nọc độc của bọ cạp xanh - một loại bọ cạp đặc chủng của Cuba.

Ngoài thành công trong lĩnh vực y tế, Cuba còn là quốc gia đi đầu trong công tác cứu trợ y tế cho các vùng dịch bệnh trên thế giới. Còn nhớ hồi năm 2014, khi mà dịch Ebola đang hoành hành tại Sierra Leone, Chính phủ Cuba đã gửi 165 bác sĩ và y tá (nhiều hơn cả Mỹ với 100 người) đến để hỗ trợ việc chống dịch ở quốc gia này. Điều đặc biệt hơn cả, Cuba là đất nước gần như khởi xướng cho việc gửi nhân viên y tế tham gia chống lại dịch Ebola ở Tây Phi. Tờ Forbes bình luận, dường như có nhiều điều mà phương Tây có thể học được từ Cuba, nhất là lĩnh vực y tế.

Cuba có một lịch sử lâu dài của hoạt động tình nguyện quốc tế và ngoại giao y tế với đội quân áo trắng của họ. Cuba có 50.000 nhân viên y tế được triển khai trên toàn thế giới, cả trong mọi lĩnh vực lẫn với vai trò đội phản ứng khẩn cấp. Các nhân viên y tế Cuba đang làm việc tại 66 nước ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi, trong đó 40 nước là theo các chương trình hợp tác miễn phí, giúp đỡ người dân địa phương công tác vệ sinh chữa bệnh, phòng chữa bệnh truyền nhiễm...

Ví dụ, tổ chức Operation Miracle của Cuba đã thực hiện các cuộc phẫu thuật đục thủy tinh thể và điều trị khắp Nam Mỹ, khôi phục lại thị lực cho gần 3,5 triệu người qua nhiều năm, đổi lại họ tiếp nhận vốn, trợ cấp dầu và đầu tư. Họ đã cung cấp dịch vụ chăm sóc cũng như phòng chống bệnh sốt rét ở châu Phi, đã giúp đỡ 40% nạn nhân ở Haiti sau trận động đất năm 2010 và bệnh dịch tả theo sau đó. Năm 2005, với trận động đất ở Pakistan, Cuba gửi 2.400 nhân viên y tế đến và chữa trị cho hơn 70% nạn nhân ở Pakistan, để lại 32 bệnh viện dã chiến và hàng ngàn học bổng y khoa cho đất nước này...

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, có lần nói về các nhân viên y tế tình nguyện Cuba: “Họ luôn là những người đầu tiên đến và người cuối cùng rời đi. Họ vẫn còn ở lại sau các cuộc khủng hoảng. Cuba có thể tự hào về hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình, một mô hình tiêu biểu cho nhiều quốc gia”.

Ngày 1/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba. Việc mở cửa trở lại với các phái bộ ngoại giao thường trực tại thủ đô hai nước sẽ diễn ra vào ngày 20/7/2015. Việc dỡ bỏ cấm vận sẽ giúp cho ngành y tế của Cuba phát triển mạnh mẽ thêm bởi lẽ các bác sĩ, nhà nghiên cứu Cuba sẽ có cơ hội tiếp xúc được với những trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó chắc chắn họ sẽ có nhiều phát minh hơn.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank