Lịch sử Trung Quốc qua góc nhìn của điện ảnh:

Xung quanh bộ phim Vương triều Ung Chính

12:06 | 27/03/2019

51,322 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với 295 năm cầm quyền và là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc nên sử liệu về nhà Thanh (1616-1911) khá phong phú, giúp các nhà làm phim tạo dựng phong phú những câu chuyện từng diễn ra. Trong số những bộ phim được dàn dựng về nhà Thanh đã trình chiếu, dư luận đặc biệt quan tâm tới bộ phim Vương triều Ung Chính, dài 44 tập dựa theo bộ tiểu thuyết 6 tập “Hoàng đế Ung Chính” của tác giả Nhị Nguyệt Hà, do nhà xuất bản Minh Song ấn hành.

Trong lịch sử tồn tại và phát triển 295 năm của nhà Thanh, triều đại Càn Long được coi là hưng thịnh nhất, nhưng nếu không có sự đặt nền móng của Hoàng đế Khang Hi và phát triển của Hoàng đế Ung Chính (cha đẻ của Càn Long) thì Hoàng đế Càn Long sẽ chẳng bao giờ có được cơ đồ như vậy. Nhiều sử gia nói rằng, khi Hoàng đế Khang Hi đăng cơ, nhà Minh về cơ bản đã bị tiêu diệt, nhưng triều chính khi đó chưa được củng cố. Hoàng đế Khang Hi chỉ thực sự trở thành ông vua hùng mạnh, có quyền uy rộng lớn sau khi bình định được Tam Phiên và tấn công Đài Loan. Nhưng tới cuối đời Hoàng đế Khang Hi, triều chính bắt đầu hủ bại một cách nhanh chóng, có nguy cơ tan rã và lúc này ông mới chợt giật mình nhớ tới câu nói của Chu Nguyên Chương, người sáng lập nhà Minh - dị tộc vào trung nguyên sẽ không tồn tại nổi 100 năm.

xung quanh bo phim vuong trieu ung chinh

Khi đó Hoàng đế Khang Hi tại vị được 62 năm, cùng 3 năm cầm quyền của Thuận Trị, như vậy người Mãn Thanh đã cầm quyền 65 năm, sắp tới “kỳ hạn” mà Chu Nguyên Chương đã phán. Đúng lúc đó Ung Chính xuất hiện, củng cố lại triều chính bằng việc thẳng tay trừng trị quan tham, tránh cho nhà Thanh thoát khỏi những cuộc tranh giành quyền lực giữa các Hoàng tử và quan tham. Mặc dù có công lớn với nhà Thanh như vậy, nhưng từ trước tới nay Hoàng đế Ung Chính luôn là nhân vật ít được người đời nhắc tới như từng nói về Hoàng đế Càn Long, Hoàng đế Khang Hi, thậm chí nhiều sử sách còn ghi chép khá trái ngược về ông.

Theo bộ phim Vương triều Ung Chính, khán giả biết tới cuộc tranh giành quyết liệt trong Hoàng thất nhà Thanh với một bên là Tứ A Ca Dận Chân (sau này là Hoàng đế Ung Chính) và Thập tam A Ca Dận Tường - đại diện cho cái thiện và một bên là những người con còn lại của Hoàng đế Khang Hi được tập hợp trong Bát gia đảng - đại diện cho cái ác mà đại diện là Bát A Ca Dận Tự. Bộ phim đã thuật lại khá tường tận, chi tiết cuộc chiến chống lại chế độ tham nhũng với những quan tham trong vương triều nhà Thanh thời cuối đời Hoàng đế Khang Hi.

Vương triều Ung Chính từng bị cấm chiếu nếu không có sự can thiệp của ông Chu Dung Cơ khi là Thủ tướng ở Trung Quốc. Bởi nhiều người khi đó cho rằng, chiếu Vương triều Ung Chính trong thời điểm này không phù hợp bởi nói về chống tham nhũng trong Hoàng thất nhà Thanh trong khi Bắc Kinh cũng đang tiến hành chống tham nhũng quyết liệt. Nhưng ông Chu Dung Cơ là người đứng ra chịu trách nhiệm về việc cho trình chiếu bộ phim này và Thủ tướng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân là một trong những khán giả hâm mộ Vương triều Ung Chính.

Theo thống kê, Vương triều Ung Chính khi bắt đầu khởi chiếu đã gây nên một cơn sốt thực sự tại Cáp Nhĩ Tân, Thẩm Dương, Đại Liên, Tế Nam, Bảo Định, Thượng Hải, Nam Kinh... Lượng người xem đạt hơn 80%, một kỷ lục hiếm có khi đó, thậm chí có người từ trước đến nay chưa hề xem phim truyền hình nhiều tập do Trung Quốc sản xuất, vậy mà khi đó cũng “dán mắt vào xem”. Riêng tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông là nơi có số lượng người xem đông nhất. Được biết, đây là lần đầu tiên có một phim do điện ảnh Trung Quốc dàn dựng đã đánh bại được tất cả những bộ phim ăn khách nhất từ trước đến nay của Hongkong.

Vương triều Ung Chính không những nhận được sự hoan nghênh tại Trung Quốc, mà tại Hongkong và Đài Loan cũng nhận được sự mến mộ của bạn xem truyền hình. Vương triều Ung Chính chiếu tại Đài Loan sớm hơn chiếu tại Trung Quốc 13 ngày, là bộ phim có tỷ lệ người xem đông đứng thứ 3 trong năm đó tại Đài Loan. Thậm chí có người không chờ được cảnh định giờ xem hàng ngày trên vô tuyến nên đã mua cả bộ 44 tập với giá 900 HKD về xem cho đã! Báo chí Đài Loan bình luận, Vương triều Ung Chính là Thiên hạ đệ nhất phim, còn Khang Hi là Thiên cổ nhất đế.

Theo giới truyền thông, khi Vương triều Ung Chính khởi quay tại Thiên Tân cũng là lúc tại đây diễn ra một hội nghị khá quan trọng. Nhân ngày nghỉ cuối tuần, một đoàn đại biểu khá đông đã tới gõ cửa nhà biên kịch Lưu Hoà Bình, nhà biên kịch chính của Vương triều Ung Chính để nói chuyện và phản ánh quan điểm của hầu hết mọi người: Hai vị Hoàng đế được xây dựng trong Vương triều Ung Chính có những nét khác biệt so với những vị Hoàng đế mà họ đã từng được xem như Peter đại đế, Hoàng đế Chales, Napoleon... Mặc dù nội dung của bộ phim không có gì mới, hầu như ai cũng biết, nhưng vẫn có một sức cuốn hút kỳ lạ người xem. Không chỉ ông già, bà cả, phụ nữ, trẻ con, người lao động thích xem, mà ngay cả giới trí thức, thương nhân và chính giới cũng rất thích xem bộ phim này.

Đương nhiên, người thủ vai Ung Chính (do Đường Quốc Cường đảm nhiệm) đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen không những của bạn trong nghề, mà cả những khán giả khó tính nhất. Theo nhà biên kịch Lưu Hoà Bình và Tô Bân, nhà hoạch định chính cho bộ phim, để dàn dựng 44 tập Vương triều Ung Chính họ đã phải mất 3 năm để lục tìm tư liệu lịch sử tại hầu hết các thư viện trong cả nước. Và phát hiện ra rằng, Ung Chính là Hoàng đế có tính cách rất khác người: hết lòng vì đất nước, không mua chuộc lòng người, thực thi những chính sách không được quan lại trong triều ủng hộ, tán đồng, nhưng mang tới cho người dân những lợi ích thiết thân nhất - có cơm ăn, áo mặc; là ân nhân của trăm họ, nhưng lại phải hứng chịu bao lời oán hận của con cháu trong Hoàng thất.

Nhà biên kịch Lưu Hoà Bình đã phải thở than khi viết kịch bản cho Vương triều Ung Chính rằng, Việt Câu Tiễn nếm mật nằm gai để trả cho xong mối thù với Phù Sai; Hán Vũ Đế quyết chiến với Hung nô; Đường Thái Tông mở rộng thêm bờ cõi... tất cả họ đều có công với dân tộc, với Hoàng thất, đều là những người văn công vũ lược và từ cổ đến kim hầu như chưa có Hoàng đế nào lại đắc tội với Hoàng thất như Ung Chính. Có thể nói, bi kịch trong cuộc đời và những đánh giá bất công của lịch sử đối với Ung Chính là điều hiếm thấy từ trước đến nay.

Theo nữ đạo diễn Hồ Mai, điều thôi thúc làm bộ phim này bởi không chỉ có bà muốn xây dựng một nhân vật anh hùng, mà người dân cũng muốn thấy một anh hùng - người phải chịu bao cay đắng, nhọc nhằn, thậm chí khi ngồi trên ngai vàng cũng không yên - lo cái lo của muôn dân, đau cái đau của bá tánh... Được biết, kịch bản Vương triều Ung Chính đã được in thành 3 tập bầy bán rộng rãi tại Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan và giới chuyên môn coi đây là một hình mẫu trong việc chuyển thể thành công từ tiểu thuyết sang phim.

Dận Chân là con trai thứ tư (sinh ngày 13/12/1678) của Hoàng đế Khang Hi với Hiếu Cung hoàng hậu. Sau khi lên nắm quyền, Dận Chân đặt niên hiệu là Ung Chính (từ năm 1723) và là Hoàng đế thứ 5 của nhà Thanh (tại vị 13 năm, từ 1722 đến 1735). Tên gọi đầy đủ của Dận Chân là Ái Tân Giác La Dận Chân. Dận Chân đặt niên hiệu của mình là Ung Chính bởi chữ Ung có nghĩa "hòa thuận", còn chữ Chính có nghĩa "ngay thẳng" hoặc "chính thống".

Hoàng đế Ung Chính có 2 Hoàng hậu: Ô Lạt Na Lạp (1681-1731) và Nữu Hỗ Lộc (1693-1777, mẹ của vua Càn Long), hơn chục phi tần, cùng 14 con (10 Hoàng tử và 4 Công chúa). Sau khi Ung Chính qua đời (8/10/1735, thọ 57 tuổi), có nhiều bình luận và giả thuyết về ông như thay đổi di chiếu của vua cha để lên ngôi. Tiếp đến là hãm hại Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa, 2 người từng phò tá Dận Chân trở thành Hoàng đế Ung Chính và ngồi vững trên ngai vàng. Ung Chính đã cấm đạo Thiên Chúa trên phạm vi toàn quốc (có tài liệu nói 300 nhà thờ bị phá) và tuy là người Mãn Thanh, nhưng ông lại tin dùng người Hán...

Trước khi dựng Vương triều Ung Chính, từng có 4 bộ phim đề cập tới Hoàng đế Ung Chính do Trần Kiến Bân (trong phim Sóng gió hậu cung), Giang Hoa (trong phim Thống trị thiên hạ), Hà Thịnh Minh (trong phim Cung tỏa châu liêm) và Ngô Kỳ Long (trong phim Bộ kinh tâm) diễn xuất

Tân Hồng - Tiên Du

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.