Xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ ngày càng khó?

10:54 | 14/02/2020

1,066 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam về nông, lâm, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu sang quốc gia láng giềng này chiếm bình quân khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Vậy phải làm thế nào để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Văn Ái, Học viện Tài chính về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam?

xuat khau sang trung quoc se ngay cang kho
PGS.TS Lê Văn Ái

PGS.TS Lê Văn Ái: Trung Quốc có thể nói là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này đang giảm, như năm 2018 giảm 5,5%, năm 2019 giảm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản sang Trung Quốc. Cụ thể tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,74 tỉ USD, giảm 1,9% so với năm 2018. Trong đó, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,5 tỉ USD, giảm 13,2% so với năm 2018. Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2019 với 65,7% thị phần và cũng là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất Việt Nam, chiếm 66,5%...

Nói vậy để thấy, Trung Quốc do vị trí, dân số… luôn là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam dù trong bối cảnh nào.

PV: Những tháng cuối năm 2019 hàng nông sản Việt Nam ứ đọng vì Trung Quốc thay đổi một số quy định đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Ông phân tích như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Lê Văn Ái: Việc thay đổi quy định, chính sách đối với hàng nông, lâm, thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc như vậy theo tôi chính là chủ trương phát triển nông nghiệp của họ. Chủ trương này là gì? Kể từ sau cải cách, mở cửa, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của Trung Quốc đã thay da đổi thịt trở thành một trong những nền nông nghiệp lớn nhất thế giới. Có được thành tựu như vậy, một mặt Trung Quốc không ngừng đổi mới hoàn thiện quan hệ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, là không ngừng đổi mới và ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một điểm rất quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 2007, tại hội thảo toàn quốc về công nghệ và khoa học nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Du Qinglin lúc đó cho biết, đến năm 2020 khoa học và công nghệ sẽ đóng góp khoảng 63% tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tức là tăng hơn 13% so với hiện tại. Để đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, sẽ nỗ lực chú trọng vào 5 lĩnh vực, trong đó đáng chú ý nhất là phát triển công nghệ then chốt trong việc sản xuất nông nghiệp an toàn, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nông nghiệp, chế biến nông sản và nâng cao môi trường sinh thái; tự sản xuất các thiết bị nông nghiệp thiết yếu để ít phụ thuộc hơn vào nhập khẩu và nâng cao năng lực trong việc nghiên cứu công nghệ cao cho nông nghiệp, công nghệ ứng dụng cho công nghiệp theo kiểu cải tiến và quốc tế hóa công nghệ hiện đại của thế giới…

xuat khau sang trung quoc se ngay cang kho
Thanh long là 1 trong số 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc
Nếu việc tổ chức sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu vẫn như hiện nay thì việc xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam càng ngày càng khó. Do đó, có hai việc chính ta phải làm là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc.

Với việc áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp Trung Quốc không những gia tăng về sản lượng, chủng loại, mà còn nâng cao chất lượng nông sản, không chỉ bảo đảm nuôi sống trên 1 tỉ dân mà còn dư thừa để xuất khẩu. Đây là thành tựu nông nghiệp của Trung Quốc, song dưới góc nhìn về xuất khẩu thì đây cũng là lá chắn hạn chế việc nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

PV: Như vậy có thể hiểu việc Trung Quốc thay đổi quy định đối với hàng nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam và đóng cửa nhập khẩu đối với đường tiểu ngạch vào năm 2019 là một động thái hạn chế hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào nước này?

PGS.TS Lê Văn Ái: Do áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp nên hầu hết các nhu cầu của người dân Trung Quốc về tiêu thụ hàng nông lâm, thủy sản cơ bản đã đáp ứng. Nhưng nhu cầu nhập hàng nông lâm thủy sản để chế biến xuất khẩu ra thị trường thế giới đang gặp khó khăn do cuộc đối đầu thương mại Trung - Mỹ mà ít nhiều đã hạn chế việc nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của các nước, trong đó có Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, mở cửa thị trường, Trung Quốc vẫn phải thực hiện việc trao đổi hàng hóa với các nước, trong đó có cả hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Mặc dù vậy, để bảo đảm sự ổn định của thị trường nội địa, Trung Quốc vẫn sử dụng những lá chắn hợp pháp như quy định quản lý chặt chẽ về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt hàng nông, lâm, thủy sản nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, quy định chặt chẽ hơn so với trước về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, về vệ sinh, về yêu cầu bảo quản, đóng gói hàng hóa và tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đường biên giới nhằm bảo đảm hạn chế hàng nông, lâm, thủy sản nhập khẩu không đáp ứng được yêu cầu. Nói chung, theo tôi những quy định về nhập khẩu của Trung Quốc là hợp lý theo đúng thông lệ quốc tế.

xuat khau sang trung quoc se ngay cang kho
Có nhiều hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch trước khi có quyết định “siết” hàng nhập khẩu từ Việt Nam

PV: Thưa ông, bên cạnh lý do trên, liệu có phải chất lượng hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chưa cao cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trên của chúng ta?

PGS.TS Lê Văn Ái: Có thể nói như thế này, sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay phần lớn vẫn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, phương thức sản xuất lạc hậu, kỹ thuật áp dụng không đồng bộ dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định. Đã vậy, công tác bảo quản, chế biến nông sản vẫn còn sơ sài, mang tính tự phát, phân tán trong dân, sản phẩm đưa ra thị trường chủ yếu ở dạng thô nên giá trị kinh tế thấp. Một số loại nông sản mang lại giá trị cao như hồ tiêu, cao su, nhưng lại thiếu các cơ sở chế biến công nghiệp để tăng chất lượng hàng hóa… Do đó, giá trị kinh tế từ nông nghiệp, trong đó có cả xuất khẩu sang Trung Quốc mang lại cho nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng của chúng ta.

Doanh nghiệp cần tiếp cận và mở rộng hệ thống phân phối trong nước và ngoài nước, phải thâm nhập, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm, tăng cường thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà nhập khẩu, giảm việc xuất khẩu qua trung gian… Chú trọng nâng cao tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu bằng con đường chính ngạch, hạn chế xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch.

PV: Vậy nguyên nhân khiến cho hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sụt giảm chính là khó khăn “kép” từ cả phía Trung Quốc và Việt Nam?

PGS.TS Lê Văn Ái: Đúng vậy, những khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam và lực cản từ phía Trung Quốc như tôi đã nêu trên chính là hai nguyên nhân khiến hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm. Và không chỉ Trung Quốc, nếu chúng ta tiếp tục cách sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông, lâm thủy sản như hiện nay thì số lượng xuất khẩu cũng sẽ sụt giảm ở cả các thị trường khác.

PV: Ông có cho rằng, với bối cảnh trên, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ càng ngày càng khó không?

PGS.TS Lê Văn Ái: Nếu chúng ta tiếp tục tổ chức sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu như hiện nay thì điều đó sẽ xảy ra. Do đó, theo tôi có 2 việc chính ta phải làm là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc. Với giải pháp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ: Từ trung ương đến địa phương thực hiện chính sách khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các mô hình sản xuất thích hợp. Khuyến khích mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương dồn điền đổi thửa, sản xuất theo cánh đồng lớn. Đặc biệt phải chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn bên cạnh mở rộng quan hệ kinh tế, đối ngoại nhằm tận dụng tối đa lợi thế so sánh và nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, trong đó đặc biệt chú ý đến các vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế tiềm năng.

Song song với các biện pháp đó, phải tập trung sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa, chuyên canh theo vùng kinh tế để khai thác tiềm năng và nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, chú trọng đổi mới cây trồng, vật nuôi. Phải tri thức hóa giai cấp nông dân, trước hết là lao động trẻ ở nông thôn. Điều này rất quan trọng bởi nó sẽ là câu trả lời cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… Nói chung, tất cả những giải pháp trên nhằm nâng cao chất lượng hàng nông, lâm, thủy sản.

PV: Còn việc tổ chức xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Lê Văn Ái: Trước hết, chúng ta phải cập nhật thông tin kịp thời từ thị trường Trung Quốc, đây là khâu yếu nhất của chúng ta trong thời gian qua nên mới làm cho việc xuất khẩu hàng hóa nông sản theo đường tiểu ngạch của nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tiếp đến, cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành và áp dụng các văn bản pháp lý, các quy định có liên quan đến áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước. Thực thi các chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Đặc biệt đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. Phân bổ một phần ngân sách dành cho nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ nhằm đưa các công nghệ mới, công nghệ sạch áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp…

Về phía doanh nghiệp, cần tiếp cận và mở rộng hệ thống phân phối trong nước và ngoài nước, phải thâm nhập, tiếp cận, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm, tăng cường thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà nhập khẩu, giảm việc xuất khẩu qua trung gian… Chú trọng nâng cao tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, hạn chế xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch. Phải thiết lập bộ phận nghiên cứu thị trường, tiếp cận thông tin, xử lý thông tin từ hoạt động sản xuất, từ chính sách của Chính phủ Việt Nam cũng như của Chính phủ Trung Quốc hoặc của quốc gia mà doanh nghiệp sẽ xuất khẩu nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, có tới 60-70% nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua tiểu ngạch khiến giá trị xuất khẩu bị giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững...

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, phía thị trường Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt quy định đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này, điển hình là mặt hàng rau quả. Hiện, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm; đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc. Các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc kèm theo nhãn mác; sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại. Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu rau, quả vào nước này. Cụ thể, từ ngày 1-10-2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng. Ngoài ra, đối với các mặt hàng thủy sản, nông sản khác, Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát chất lượng.

Trước sự thay đổi quy định này của Trung Quốc, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Trung Quốc đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam khắc phục được tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay, chủ động hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Và để giúp doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu trên cũng như hiểu rõ chính sách của Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ NN& PTNT đã và sẽ phối hợp, trao đổi thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các quy định về quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tới doanh nghiệp. Từ đó các doanh nghiệp sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc doanh nghiệp Việt nắm được quy trình xuất, nhập khẩu sẽ có bước thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong việc đảm bảo đúng quy định cũng như nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm.

Bà Long Yushan, Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, các cơ quan chức năng của Trung Quốc sẽ thông tin đến các doanh nghiệp về quy định trong quản lý, kiểm dịch động thực vật, đặc biệt là sữa, thủy sản và trái cây. “Hai bên sẽ có cơ hội tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan, giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hiểu rõ các quy định, thủ tục về kiểm dịch”, bà Long Yushan nói.

Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bộ NN&PTNT cũng đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho trái cây của Việt Nam như: sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và sản phẩm tổ yến, khoai lang, thạch đen…

Hiện nay, có 701 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Việt Nam đang tiếp tục đàm phán và đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường cho một số sản phẩm như: nghêu, cá rô phi, cua, cá ngừ…

Nguyễn Bách