Xuất khẩu gỗ sang EU có bị ách tắc ở giai đoạn giao thời?

09:28 | 01/12/2011

682 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quy chế tăng cường lâm luật, quản lý và thương mại lâm sản (FLEGT) của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào ngày 3/3/2012, trong khi đó Đối tác tự nguyện (VPA) giữa Việt Nam và EU dự kiến cuối năm 2012 mới ký kết xong, liệu xuất khẩu gỗ sang EU có bị ách tắc ở giai đoạn giao thời?

Tới đây, các nhà xuất khẩu phải trình bày chuỗi hành trình của lâm sản, tất cả các khâu từ khai thác cho đến thành phẩm một cách rõ ràng.

EU đã trở thành thị trường chính của Việt Nam trong xuất khẩu (XK) các sản phẩm nội – ngoại thất làm từ gỗ. Hàng năm lượng đồ gỗ xuất sang EU chiếm khoảng 30% tổng sản lượng XK toàn ngành. Là nước XK gỗ lớn, năm 2010 Việt Nam xuất đi khoảng 11 triệu m3 gỗ nhưng cũng nhập về 4 triệu m3.

Tháng 10/2010 Nghị viện châu Âu (EC) và EU đã thông qua văn bản pháp quy về Quy chế FLEGT quy định điều kiện doanh nghiệp phải chấp hành khi XK hoặc nhập khẩu gỗ tại thị trường 27 nước thuộc EU. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 3/3/2012. Tháng 8/2010, EU và Việt Nam tuyên bố cùng thành lập Đối tác tự nguyện (VPA) về kiểm soát thương mại gỗ giữa hai bên.

Phiên đàm phán thứ hai về Tăng cường thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU đã diễn ra vào ngày 24 và 25/11/2011 tại Hà Nội.

Trước đó, phiên đàm phán thứ nhất đã diễn ra vào ngày 29-30/11/2010. Mục đích tiến tới Hiệp định đảm bảo gỗ và đồ gỗ vào thị trường EU có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời hỗ trợ duy trì và mở rộng XK gỗ, đồ gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu thay đổi của thị trường EU.

Phiên đàm phán thứ ba có khả năng sẽ diễn ra vào tháng 5/2012 tại Brucssel. Dự kiến lộ trình đàm phán sẽ kết thúc vào cuối năm 2012.

Tiến sĩ Huygo Maria Schally, trưởng đoàn đàm phán EU, Vụ trưởng Vụ các vấn đề môi trường đa phương và thương mại, Tổng Cục Môi trường Ủy ban châu Âu khẳng định: Từ tháng 3/2012, EU không cho phép bất kỳ sản phẩm gỗ nào nhập vào EU mà không có bằng chứng cho thấy chúng được sản xuất từ gỗ hợp pháp. Không một doanh nghiệp nào khi XK sản phẩm sang EU có thể loại bỏ bất kỳ quy định nào mà EU đang áp đặt đối với sản phẩm gỗ.

Theo ông Hà Công Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam cho biết, những nội dung cơ bản của FLEGT hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Việt Nam về phát triển lâm nghiệp bền vững. Việt Nam đã nhận thấy rõ ích lợi của rừng với biến đổi khí hậu, chính vì vậy Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm việc suy thoái rừng, tăng cường trồng rừng.

Trong khoảng 20 năm qua, Việt Nam đã nâng độ che phủ rừng từ 24% lên 40% như hiện nay. Việc ký kết thành công VPA sẽ đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc gia tăng giá trị XK, giảm bớp giấy phép con khi XK gỗ sang EU, loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn gian dối, cạnh tranh không lành mạnh

Ông Tuấn cho biết, Việt Nam và EU đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong phiên đàm phán thứ hai. Trước hết đã thống nhất được chi tiết về định nghĩa gỗ hợp pháp. Hai bên cũng đã thảo luận quan điểm, nguyên tắc về danh mục các sản phẩm sẽ đưa vào Hiệp định và khung hệ thống theo dõi và giám sát đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp. EU nhất trí để cho phía Việt Nam tự xây dựng danh mục các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào EU cần đưa vào giám sát.

Tiến sĩ Huygo ghi nhận: “Việt Nam cũng như một số nước khác đang gặp thách thức lớn trong quá trình kiểm soát những khâu cung ứng nguồn gỗ hợp pháp, tuy nhiên Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc quá trình này. Với Việt Nam, chúng tôi đã đàm phán nhiều nội dung và giải quyết được nhiều vấn đề. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là phải đảm bảo cho người dân sống nhờ rừng, gần rừng có thu nhập từ rừng. Vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất. Đó là những giải pháp kỹ thuật chi tiết để mọi doanh nghiệp XK đồ gỗ Việt Nam đều dễ dàng thực hiện được.

Dự kiến phiên đàm phán lần 3 sẽ thống nhất cơ bản về định nghĩa gỗ hợp pháp, chi tiết và thống nhất cơ bản về phụ lục hàng hóa, bàn thêm về hệ thống giám sát đảm bảo gỗ hợp pháp, tinh chế hóa mọi quy định về mặt kỹ thuật”.

Nhiều ý kiến băn khoăn việc khi được biết đầu tháng 3/2012, quy định FLEGT sẽ có hiệu lực, trong khi đó Hiệp định VPA giữa Việt Nam và EU dự kiến cuối năm 2012 mới hoàn thành để ký kết, nguy cơ XK gỗ nước ta sẽ chịu ảnh hưởng ở giai đoạn giao thời.

Ông Tuấn chia sẻ, tôi tin rằng giữa hai bên sẽ có thỏa thuận ngắn hạn, linh hoạt, ngay kể cả khi chưa có thỏa thuận này để đảm bảo việc XK gỗ vào EU không bị ách tắc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất – nhập hàng sẽ phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc của gỗ, sẽ tốn thời gian hơn khi có hiệp định VPA. Một nghi ngại nữa, để được cấp các chứng chỉ rừng và những giấy phép xuất khẩu đồ gỗ vào EU, các doanh nghiệp sẽ phải chi trả lệ phí cao bởi các chứng chỉ này đều do tổ chức quốc tế cấp. Vì vậy, chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ và EU đàm phán để cấp miễn phí các loại giấy phép liên quan đến FLEGT.

Chiều 25/11/2011 tại Hà Nội, Công ty MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã được trao Chứng chỉ của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (Forest Stewardship Council- FSC). Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp ở nước ta được nhận chứng chỉ gỗ có kiểm soát đối với rừng tự nhiên tại Việt Nam. Chứng chỉ FSC đầu tiên này được cấp cho 40 ha rừng tự nhiên được phép khai thác cho mục đích thương mại.

Công ty MTV Lâm nghiệp Đăk Tô là một trong 5 doanh nghiệp thí điểm quản lý rừng bền vững được hỗ trợ bởi Chương trình Lâm nghiệp Việt- Đức, do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Bang Đức (BMZ). Các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế được nhìn nhận là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững được xem như là một công cụ marketing hỗ trợ thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đạt được giá cả tối ưu.

Thu Hường