Xử lý tang vật là động vật hoang dã: Làm thuốc hay tiêu hủy?

06:37 | 25/03/2013

1,242 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã đề xuất xin tiếp nhận số mẫu vật các bộ phận cơ thể động vật hoang dã bị bắt giữ trên đường vận chuyển và buôn bán trái phép. UBND thành phố Hà Nội đã giao cho các sở, ngành liên quan xem xét bàn giao 119kg sừng hươu, 11kg xương hổ, 4kg xương khỉ và 263kg tê tê (bắt giữ được) cho viện này để làm thuốc chữa bệnh. Nhưng, ngay lập tức, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) có ý kiến phản đối đề xuất này…

>> Tranh cãi quanh việc bệnh viện xin xác động vật quý hiếm làm thuốc

Sợ thương mại hóa!

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên phản đối đề xuất với lý do “tang vật là động vật hoang dã thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP (trong đó có hổ) không được phép sử dụng cho mục đích thương mại”. Ông Trần Việt Hưng, Phó giám đốc Trung tâm cho rằng, với bất kỳ mục đích nào, thuốc xét cho cùng là sản phẩm thương mại. Như vậy việc sử dụng các tang vật này làm thuốc là vi phạm pháp luật.

Các tang vật này chỉ có thể được xử lý theo hai cách: Một là chuyển giao cho một đơn vị nghiên cứu khoa học, giáo dục (ví dụ như viện nghiên cứu, bảo tàng) của Nhà nước; tuyệt đối không liên quan tới các hoạt động thương mại. Hai là tiến hành tiêu hủy. Hơn nữa, tất cả những tang vật đó đều do cơ quan chức năng tịch thu của các đối tượng vi phạm. Do đó, đứng trên góc độ cơ quan chức năng, chúng ta không thể tịch thu của đối tượng vi phạm này để chuyển giao cho những tổ chức khác để sử dụng vào mục khác”.

Tiêu hủy là lãng phí?

Thời gian qua, Công an huyện Gia Lâm chuyển giao 119kg sừng hươu, 11kg xương hổ, 4kg xương khỉ; Cảnh sát giao thông chuyển giao 263kg vẩy tê tê. Theo các lương y những mẫu vật trên đều là những vị thuốc có giá trị sử dụng trong điều trị bệnh. Vì vậy, bệnh viện đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép bàn giao số mẫu vật trên để phục vụ công tác của bệnh viện.

Trước đề xuất này, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiểm tra thực tế và căn cứ các quy định hiện hành, đề xuất hướng xử lý theo đề nghị của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương về việc xin tiếp nhận mẫu động vật hoang dã bị tịch thu do vi phạm hành chính để làm thuốc chữa bệnh.

Với đề xuất của mình, Bệnh viện Y học cổ truyền mong muốn được sử dụng những mẫu vật là xác động vật hoang dã, các bộ phận đã bị cắt rời của động vật hoang dã vào mục đích làm thuốc chữa bệnh. Đó là một cách tránh lãng phí khi phải tiêu hủy xác những động vật hoang dã vốn rất quý hiếm.

Có thể làm thuốc

Cố GS Đỗ Tất Lợi từng cho hay: Trong cao khỉ có tới 17% nitơ toàn phần, 1% axit amin và các chất clo, canxi, photpho... Cao khỉ được dùng trong dân gian như một loại thuốc bổ máu, bổ toàn thân dùng cho người kém ăn, kém ngủ, thiếu máu xanh xao vàng vọt, hay đổ mồ hôi trộm. Liều dùng hằng ngày 5-10g, cắt thành từng miếng nhỏ ngậm cho tan dần trong miệng hoặc thêm mật ong cho ngọt để dễ ăn. Có thể ngâm rượu uống vì cao khỉ thường khó bảo quản...

Với những công trình nghiên cứu và kết luận y học Tây phương hay y học cổ truyền đều cho thấy những công dụng của các bộ phận cơ thể động vật quý hiếm. Bên cạnh đó là thực trạng săn bắt, vận chuyển và buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn đang diễn ra đáng lo ngại. Ngay chính những cán bộ kiểm lâm, cảnh sát giao thông và những nhà chức trách liên quan cũng đều bày tỏ sự tiếc nuối đối với những cá thể động vật hoang dã khi được phát hiện thì đã chết, bị cắt rời từng bộ phận. Bởi lẽ, nếu được phát hiện và giải cứu kịp thời khi còn sống, chúng sẽ được chăm sóc và đưa về thiên nhiên. Nhưng trong trường hợp chỉ còn là những “mẫu vật” thì chúng sẽ bị tiêu hủy hoặc bàn giao cho các đơn vị chuyên ngành để nghiên cứu thí nghiệm, trưng bày… Tiếc nhất là khả năng bị tiêu hủy được áp dụng với đa số các “mẫu vật” - “tang vật” này.

Vậy thì nên lựa chọn phương án nào cho những “mẫu vật” - “tang vật” quý này đây? Tiêu hủy hay dùng làm thuốc?

Gia Hân