Xu hướng toàn cầu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và công bằng (Kỳ I)

06:29 | 03/08/2024

12,342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng liên kết đang diễn ra và chỉ còn sáu năm nữa là đến thời hạn đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, công bằng là điều tối quan trọng.

Liên minh kinh tế Xanh (Green Economy Coalition-GEC) là một liên minh đa dạng gồm hơn 60 tổ chức từ khắp nơi trên thế giới, được thống nhất bởi niềm tin chung rằng nền kinh tế xanh và công bằng là khả thi, cần thiết và có thể đạt được. Liên minh kinh tế xanh định nghĩa kinh tế xanh là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của trái đất”.

Xu hướng toàn cầu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và công bằng (Kỳ I)
Kinh tế xanh là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của trái đất”.

Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng liên kết đang diễn ra và chỉ còn sáu năm nữa là đến thời hạn đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, công bằng là điều tối quan trọng. Báo cáo này xem xét năm lĩnh vực hành động cần thiết cho quá trình chuyển đổi toàn diện: (i) Đo lường và quản lý; (ii) Cải cách hệ thống tài chính; (iii) Xanh hóa các lĩnh vực kinh tế; (iv) Giải quyết bất bình đẳng; và (v) Đánh giá thiên nhiên.

Trên tinh thần đó, trong phạm vi bài viết này, xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả những nội dung chính ấn phẩm cuả GEC về xu hướng toàn cầu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và công bằng trong năm 2024, với sự bảo trợ của Liên minh châu Âu EU, phát hành số ra mới đây, để tham khảo.

****

Bốn năm vừa qua đã đánh dấu một bước ngoặt trong quản trị kinh tế vĩ mô xanh khi những người ra quyết định bắt đầu chuyển từ xác định nền kinh tế xanh sang triển khai thực hiện nền kinh tế xanh. Một làn sóng mới gồm các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang xác định lộ trình chuyển đổi của riêng mình. Hoa Kỳ đã phát động nỗ lực lớn nhất để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong lịch sử quốc gia trong khi, Thỏa thuận Xanh của EU đã được triển khai trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm tài chính, nông nghiệp, công ăn việc làm và chính sách công nghiệp.

Các kế hoạch quốc gia về kinh tế xanh đang nở rộ ở các nước thu nhập thấp và trung bình: Rwanda và Campuchia là những quốc gia mới nhất tham gia Hành động đối tác của Liên hợp quốc vì nền kinh tế Xanh (Partnership Action for a Green Economy-PAGE) để phát triển các chiến lược kinh tế xanh của riêng mình. Việt Nam, Ethiopia, Colombia, Peru và Indonesia cũng đều đã xây dựng các kế hoạch kinh tế xanh quốc gia. Các kế hoạch tích cực về thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên nhiên đang bắt đầu ảnh hưởng đến chi tiêu quốc gia. Ví dụ như vào năm 2023, Chính phủ Bangladesh đã phân bổ 2,96 tỷ USD (chiếm 0,73% GDP) cho 25 bộ ngành để xây dựng các sáng kiến ​​giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.

Namibia cũng đang bắt tay vào lộ trình thực hiện và chính sách hydrogen xanh green bền vững, phù hợp với khuôn khổ phát triển dài hạn của mình, trong khi Zambia lại đã áp dụng nền kinh tế xanh làm trụ cột chính trong lộ trình phát triển của quốc gia, với một bộ chuyên trách tập trung vào nền kinh tế xanh. Mauritius thì cũng đã phát triển lộ trình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu phát sinh chất thải, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 60% trong tổng sản lượng phát điện cũng như “xanh hóa” lĩnh vực du lịch.

Bình minh mới cho quản trị kinh tế vĩ mô xanh: Đạo luật Giảm thiểu lạm phát (IRA) thể hiện nỗ lực lớn nhất nhằm giải quyết vấn đề tác động của biến đổi khí hậu trong lịch sử Hoa Kỳ, với sứ mệnh cắt giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính GHG (2030) so với mức của năm 2005. Tổng ngân sách IRA chiếm khoảng 0,5% GDP của Hoa Kỳ và là sự hỗ trợ hào phóng nhất được thỏa thuận thông qua bởi bất kỳ nền kinh tế thế giới nào, ngoại trừ Trung Quốc.

Trong khi đó, Thỏa thuận Xanh của EU, với mục tiêu trở thành khối trung hòa về khí hậu đầu tiên (2050), vẫn tiếp tục được triển khai bất chấp đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng gia tăng. Đây là một gói các biện pháp chính sách, đề xuất lập pháp và công cụ tài chính, Ủy ban châu Âu EC đã cam kết huy động ít nhất 1 nghìn tỷ euro đầu tư bền vững trong thập kỷ này vào các lĩnh vực từ lĩnh vực nông nghiệp đến tài chính và từ đổi mới sáng tạo đến lĩnh vực giao thông vận tải.

Quyền lực địa chính trị đang dịch chuyển: Hiện các nước thành viên BRIC, cụ thể là CH Brazil, CHLB Nga, CH Ấn Độ, Trung Quốc và CH Nam Phi, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới; trong năm 2023 vừa qua, BRIC đã kết nạp thêm sáu quốc gia khác đã được chấp nhận tham gia khối này, bao gồm CH Argentina (sau đã xin rút lui vào tháng 12/2023), CH Ai Cập, Ethiopia, CHHG Iran, Ả rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), đã tạo ra đối trọng địa chính trị với nhóm nước G7. Việc BRIC mở rộng có ý nghĩa quan trọng đối với đầu tư và thương mại năng lượng bằng cách tập hợp những người nắm giữ lớn nhất các khoáng sản quan trọng cũng như các nhà sản xuất dầu khí lớn trên thế giới.

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Hoa Kỳ), khi khối BRICS mở rộng sẽ chiếm tới 72% đất hiếm (với ba trong số năm quốc gia thành viên hiện có trữ lượng lớn nhất) toàn cầu, nắm giữ 75% manganese, 50% than chì, 28% nickel và 10% đồng của thế giới (không bao gồm trữ lượng của CHHG Iran).

Quản trị toàn cầu về kinh tế xanh đang phát triển: Hiện các cấu trúc quốc tế đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế xanh tiếp tục mở rộng, trong đó bao gồm OECD, Ngân hàng thế giới, Viện tăng trưởng Xanh toàn cầu, Nền tảng tri thức tăng trưởng Xanh và Đối tác hành động của Liên hợp quốc về kinh tế Xanh (UNPAGE). Ví dụ như UNPAGE, một liên minh gồm 5 cơ quan thuộc Liên hợp quốc, hiện đã hợp tác với 22 quốc gia và 8 đối tác tài trợ ủng hộ nền kinh tế xanh.

Thông tin chi tiết thực địa về Trung tâm GEC-Peru hub: Hành trình hướng tới một nền kinh tế xanh toàn diện của Peru không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đặc biệt là do những bất ổn chính trị trong những năm gần đây. Hiện quốc gia này đang phải đối mặt với triển vọng kinh tế khó khăn với lạm phát tăng cao cùng với tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng dai dẳng, càng trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu đang tạo ra những kiểu thời tiết rất không nhất quán cả khu vực ven biển và dãy núi Andes, điều này đã gây ra sự tàn phá đối với những người nông dân nhỏ. Để giải quyết một số thách thức này, Peru đã bắt đầu thực hiện các bước quyết định nhằm tạo ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động đầu tư dựa trên thiên nhiên và toàn diện hơn. Hiện các đối tác GEC-Peru của GEC đã vạch ra những điểm nổi bật sau:

(i) Peru đang phát triển Phân loại tài chính Xanh quốc gia như một phần của chiến lược tài chính quốc gia nhằm xúc tiến thúc đẩy đầu tư quốc tế hướng tới các hoạt động kinh tế xanh hơn. Việc phân loại này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ trưởng tài chính và môi trường, đồng thời đánh dấu một cách tiếp cận mới đối với chính sách kinh tế dài hạn. (ii) Peru đã đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, phát triển xã hội và bền vững, điều này cho thấy nhu cầu là rất cao với việc trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội hiện đã đạt giá trị 11 tỷ USD. (iii) Về lâu dài, Peru đã được mời gia nhập OECD. Nhằm đáp ứng các tiêu chí gia nhập khối này, Peru sẽ cần phát triển tiến bộ quốc gia về khoa học-kỹ thuật, quyền lao động, công nghệ, sản xuất và các cam kết về môi trường. Tất cả những sứ mệnh dài hạn này đem lại sự liên tục về mặt chính trị và kinh tế, đồng thời khuyến khích những người đưa ra quyết sách hướng tới một khoảng thời hạn xa hơn.

Link nguồn:

https://www.greeneconomycoalition.org/assets/reports/GEC-Reports/GEC_Status_of_Transition_Green_Fair_Economies_2024_FINAL.pdf

Tuấn Hùng

Green Economy Coalition