“Xóm chạy thận” không có Tết

15:47 | 19/01/2014

2,553 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng là đến Tết Giáp Ngọ, dòng người trên các con phố dường như tấp nập, hối hả hơn. Như tách biệt với không khí đón xuân Hà Nội, “xóm chạy thận” với hơn 50 căn nhà trọ, có 114 bệnh nhân suy thận mãn vẫn tĩnh lặng. Đầu xóm được dựng một cành ổi già xơ xác, lốm đốm những bông hoa đào bằng giấy màu đã bạc phếch như những mảnh đời của những người nhiều năm không đón Tết.

Bản danh sách buồn lòng

Ngõ 121 Lê Thanh Nghị trước đây có tên là ngõ Đội Pháo, nằm đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai. Từ con ngõ nhỏ vừa vặn cho 2 chiếc xe máy tránh nhau, chỉ cần băng qua đường Giải Phóng là đến bệnh viện. Những bệnh nhân suy thận mãn thường mắc các chứng tai biến mạch máu não, khô não khiến đột quỵ, nhiều ca phải cấp cứu ngay trong đêm.

Cách đây 6 năm, ngã ba Lê Thanh Nghị - Giải Phóng thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông mà phần lớn là do các bệnh nhân cấp cứu do vội vã đưa người sang bệnh viện, nên Thành phố Hà Nội đã xây dựng một chiếc cầu vượt dành cho người đi bộ. Chính vì những thuận tiện như vậy nên cách đây hơn 30 năm, những người bệnh nhân suy thận tập trung tất cả trong ngõ 121, trên diện tích 4 sào Bắc bộ để nương tựa vào nhau, sinh sống tạo nên “xóm chạy thận” giữa lòng Hà Nội.

Chúng tôi đến “xóm chạy thận” vào một ngày đông hiếm hoi có nắng. Những cư dân xóm chạy thận đang tụ tập tại cuối con ngõ nhỏ, quanh hai băng ghế gỗ được đóng xơ sài từ những miếng gỗ tạp. Những khuôn mặt xám ngoắt, phù thũng đang co ro sưởi nắng trong những bộ quần áo bạc màu, hỏi han nhau những chuyện rau cỏ, gạo nước.

Chúng tôi khá ngỡ ngàng với những câu chào hỏi như “Ông, bà… đi “chạy” về đấy à?", "Hôm nay ông được mấy cân?" "Mới 4 cân 9 thôi, chưa được 5 cân”... Có lẽ chỉ có duy nhất trên đất nước Việt Nam này có kiểu chào hỏi nhau như vậy. Ở đây, “chạy” là đi lọc máu, còn “cân” là lọc bao nhiêu lít máu một lần. Đấy chính là câu chào đã thành một dấu hiệu nhận biết riêng của những cư dân trong “xóm chạy thận”.

Cách đây 11 năm, bác Nguyễn Văn Tấn một bệnh nhân chạy thận 60 tuổi đã nảy ra sáng kiến ghi chép lại thông tin của những bệnh nhân suy thận. Nhờ đó, những con người có chung một số phận đã có một sự liên kết với nhau trên một bản danh sách dài gần 3 trang giấy. Những thông tin này do tự tay những bệnh nhân ở đây ghi lại để mọi người dễ dàng trao đổi thông tin hơn và cũng để biết “người còn người mất”. Hiện nay xóm chạy thận chia làm 16 tổ để tiện liên lạc và giúp đỡ nhau mỗi khi trái gió trở trời hay đưa đi cấp cứu những người bị đột quỵ.

Bản danh sách tự ghi của 114 bệnh nhân chạy thận.

Bác Nguyễn Văn Tấn, xóm trưởng cũng là một trong những người lớn tuổi nhất cho biết, vừa rồi anh Lê Văn Duyệt người Nga Sơn – Thanh Hóa, một bệnh nhân trong xóm bị đột tử ngay trong chuyến về thăm nhà. Khi biết tin, chúng tôi đã tổ chức một đoàn đến tận nhà phúng viếng. Biết rằng đi xa sẽ nguy hiểm bởi sức khỏe ai cũng yếu, nhưng anh em trong xóm đã thống nhất dù có thế nào cũng phải cố mà đến nhìn nhau lần cuối để sau này có nằm xuống thì cũng vui vẻ gặp nhau.

Đời nghèo phận bạc

Xóm chạy thận có nhiều lứa tuổi, trẻ nhất mới hơn 20 tuổi (sinh năm 1991), lớn tuổi nhất là hai cụ 71 tuổi. Trong xóm người gia nhập ít nhất cũng 2 năm, nhiều người có thâm niên hơn chục năm. Người sống lâu nhất và cũng mất đi ngay trong xóm đã ở đây gần 23 năm. Mỗi người đều có những hoàn cảnh rất riêng, khi tụ tập về đây hầu hết đều sống nương tựa vào nhau, trở thành người trong một đại gia đình.

Anh Trần Văn Học đã không còn đủ sức khỏe để chạy xe ôm kiếm sống.

Bà Lê Thị Luyến, người Sơn La đã về xóm chạy thận 5 năm. Bà Luyến trước đây đã có hơn 20 năm làm giáo viên, từ khi mắc suy thận mãn đã không đủ sức khỏe để công tác. Bà có 4 người con, nhưng đã chết 3, nên bây giờ chỉ còn một cô con gái. Hai mẹ con nương tựa vào nhau sống dựa vào lương hưu của cô Luyến và đồng lương lễ tân ít ỏi của con gái.

Với giọng nói truyền cảm, nhẹ nhàng của một nhà giáo lâu năm, bà Luyến kể: “Tôi đã nhiều lần bị đột quỵ, chẳng biết khi nào thì đến cơn ngạt thở. Bởi vậy chẳng biết sống chết như thế nào. Những bệnh nhân suy thận chúng tôi cứ 2-3 ngày phải chạy thận một lần. Mỗi lần chạy thận từ 3,5 đến 4 giờ. Sức khỏe của tôi bây giờ yếu lắm, cũng không đủ sức để leo qua chiếc cầu vượt sang bệnh viện, nên mỗi lần đến lượt chạy thận lại phải đi xe ôm. Tôi đã 5 năm nay chưa biết đón Tết là gì vì để duy trì sự sống, tôi phải gắn với bệnh viện, đi liền với chiếc máy chạy thận”.

Cuộc sống bệnh nhân chạy thận không chỉ gian nan với những người lớn tuổi, mà ngay cả những thanh niên, trai tráng cũng vô cùng khó khăn. Anh Trần Văn Học, sinh năm 1983, quê Nam Định mới về xóm chạy thận được hơn 3 năm cho biết: “Hồi mới ra Hà Nội đã cố gắng chạy xe ôm, đánh giầy để kiếm tiền trang trải tiền viện phí, thuốc thang. Anh thử tính xem, mỗi lần chạy thận cũng mất chi phí từ 2,5 đến 3 triệu đồng, cả tháng là gần 30 triệu. Mặc dù có bảo hiểm, nhưng người bệnh vẫn phải đóng 5%, tính ra cũng tiền triệu. Nhà em ở quê làm gì có tiền, nên phải bươn trải thôi. Thời gian đầu còn khỏe thì không sao, gần đây huyết áp em không ổn định nên hay bị tụt huyết áp, xây xẩm mặt mày nên không dám chạy xe nữa. Thuốc cũng không có mà uống nên lo lắm”.

Căn bếp trống hơ trống hoác của 8 bệnh nhân chạy thận.

Chúng tôi được biết hiện nay trong hơn 100 bệnh nhân “xóm chạy thận” có 11 cặp đôi sống chung với nhau. Những người bệnh cùng chung hoàn cảnh nương tựa vào nhau, chia sẻ giúp đỡ nhau những lúc khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tấn, xóm trưởng cho biết: “Họ đều có những hoàn cảnh bi đát như phụ nữ phải bỏ con cho chồng, đàn ông thì không thể nuôi được vợ, con. Sống cùng xóm lại chung cảnh bệnh tật, hợp nhau thì họ chung sống. Xóm chúng tôi cũng chỉ họp nhau ăn cái kẹo, uống ngụm chè để chứng kiến vậy thôi. Điều đặc biệt là những gia đình này sống cực kỳ hòa thuận, yêu thương nhau. Họ cùng trang hoàng phòng trọ của mình bằng những bức tranh thêu, giấy dán tường rất đẹp mắt. Hơn thế nữa, họ chắt chiu dành dụm tiền để lo những lúc ốm đau trở trời. Người nào thiếu tiền thuốc đã có người kia hỗ trợ…”.

 

Bà Luyến trò chuyện với phóng viên PetroTimes.

Cuộc sống của những thành viên ở “xóm chạy thận” này là thế, lúc nào cũng trong cảnh khó khăn, thiếu thốn. Như bà Luyến thì vẫn còn đỡ bởi dù sao, bà vẫn còn có đồng lương hưu, chứ như chuyện của chị Mai (quê ở Thái Bình) – một thành viên khác của “xóm chạy thận” – thì khác. Gia đình chị vốn làm nghề nông. Kể từ khi biết gia đình biết chị mắc căn bệnh suy thận mãn tính, 2 vợ chồng chị đã phải khăn gói lên Hà Nội “định cư”. Hàng ngày, chị phải dậy từ 4 giờ sáng, đi lấy hàng rồi mang vào viện bán, chồng chị thì đi chạy xe ôm. Thu nhập hàng tháng may ra thì mới đủ chi phí sinh hoạt.

Chị Mai tâm sự: Mùa hè thì còn đỡ, chứ mùa đông thì khổ lắm. Người khoẻ còn sợ, huống chi những người ốm đau, bệnh tật như tôi. Nhưng vì cuộc sống và cũng vì để có tiền chống chọi với căn bệnh quái ác này nên tôi phải cố. Nhiều khi mới lọc máu xong, cơ thể chưa kịp hồi sức, người mệt rũ rượi, tôi vẫn phải dậy, chạy đi lấy mấy túi xôi, vài cái bánh mỳ, dăm ba chai nước mang vào viện bán cho người nhà và các bệnh nhân khác để kiếm thêm mấy đồng trang trải cuộc sống.

Chuyện của Hùng (quê Nam Định) cũng vậy. Chẳng ai nhớ em có mặt ở cái “xóm chạy thận” này từ bao giờ, nhưng chỉ biết, nhiều khi vừa rời phòng chạy thận xong là lại xác đồ nghề lang thang đi đánh giày. Mọi người bảo, số em đúng là khổ, mới chưa đầy 30 tuổi mà đã có thâm niên 6 – 7 năm sống ở cái xóm chẳng ai muốn sống này. Nhiều khi trời rét cắt da cắt thịt vẫn phải đi, vì không đi thì đồng nghĩa không có cái ăn, không có tiền để thuốc thang và để trả tiền nhà.

Nhiều người cho rằng bệnh nhân chạy thận là những người “dở sống, dở chết”. Cuộc đời họ sẽ không thể tách rời chiếc máy chạy thận. Chính vì vậy khi đến với “xóm chạy thận” nghèo nàn, cơ khổ chỉ cách trung tâm dăm cây số, chúng tôi càng thấy thương, thấy cảm phục những con người dù số phận hẩm hiu, nhưng không hề kêu ca, phàn nàn. Họ vẫn sống, biết nghĩ và làm những việc có ý nghĩa vì người khác và đang hằng ngày hằng giờ cố gắng bươn trải, tự lực cánh sinh để kéo dài sự sống của bản thân mình. Họ đã cho chúng tôi một bài học về ý nghĩa thực sự của từ “sống”.

Bệnh suy thận mãn ảnh hưởng toàn diện đến sức khỏe của con người, mỗi lần đi lọc máu cơ thể người bệnh bị suy giảm hồng cầu, canxi… Người bệnh thường bị co rút cơ, các khớp xương tay, chân vặn vẹo, xưng to như một loại dị tật. Chính vì vậy người bệnh suy thận mãn huyết áp không ổn định, dễ bị choáng, ngất, đột quỵ nếu không kịp cấp cứu sẽ dẫn đến tử vong.

 

Công Ngọc