Vùng biển xám và vùng biển xanh ở Biển Đông - Những điều cần biết (Kỳ 1)

10:07 | 08/11/2023

15,843 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiêu chí “Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh” được đưa ra tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 15 (25-26/10) thu hút được sự chú ý của giới học giả và công chúng.
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15. (Ảnh: DN)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 diễn ra ngày 25-26/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: DN)

“Thu hẹp vùng biển xám” hướng tới mục tiêu khiến không gian biển trở nên minh bạch và hoà bình hơn, còn “Mở rộng vùng biển xanh” nhằm xác định những tiềm năng của biển và tương lai, thông qua việc thúc đẩy những thực tiễn tốt trong những lĩnh vực quan trọng như chuyển đổi xanh, các công nghệ, nghiên cứu và đầu tư liên quan đến năng lượng điện gió, chuyển đổi năng lượng biển…

Chiến thuật vùng xám

“Vùng xám” là khái niệm mang tính biểu tượng, không có định nghĩa rõ ràng. Các học giả phương Tây sử dụng thuật ngữ “chiến thuật (hoặc chiến lược) vùng xám”. Lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ chiến thuật vùng xám mà nêu ra học thuyết “tam chủng chiến pháp” trong đó có chiến tranh pháp lý.

Các hoạt động vùng xám mang tính chiến thuật, được các quốc gia và các thực thể không Nhà nước khai thác và tạo ra sự không rõ ràng của luật pháp để củng cố lập trường của mình, hạ thấp lập trường của đối thủ trong tranh chấp nhằm đạt được mục đích chính trị, quân sự, kinh tế của mình, nhưng không vượt quá ngưỡng chiến tranh hoặc xung đột vũ trang.

Trong thực tiễn, các hoạt động vùng xám chồng lấn với cái gọi là chiến tranh pháp lý là “sử dụng và sử dụng sai luật pháp như một công cụ bổ trợ cho các công cụ quân sự truyền thống nhằm đạt được các mục tiêu chiến thuật” hay sử dụng “tiêu chuẩn kép”. Chúng thách thức luật quốc tế, đặc biệt là Luật xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, khái niệm “chiến thuật vùng xám” rộng hơn “chiến tranh pháp lý” khi nó sử dụng cả công cụ pháp lý và không pháp lý nhưng có liên kết với luật pháp để giành được lợi thế chiến lược. Hơn nữa, trong khi luật điều chỉnh các hành vi phạm pháp và không phạm pháp thì không phải tất cả các “chiến thuật vùng xám” là hành vi bất hợp pháp, nhất là trong một cuộc chiến phi đối xứng và tồn tại sự chưa rõ ràng, chưa thống nhất trong giải thích và áp dụng luật quốc tế.

Hoạt động vùng xám đa dạng hơn khi nó có thể bao gồm chiến tranh thông tin và cung cấp thông tin sai lệch, gây sức ép chính trị, gây sức ép kinh tế tới các quyết định hay lựa chọn vị trí cá nhân lãnh đạo, các hoạt động mạng, các hoạt động phá hoại không gian môi trường hoạt động của đối phương, sử dụng lực lượng quân sự và bán quân sự của bên khác thực hiện các nhiệm vụ uỷ nhiệm, hoạt động khiêu khích lực lượng vũ trang và bán vũ trang đối phương dẫn tới các quyết định bất lợi, hay kết hợp các hình thức. Các hoạt động vùng xám mang tính cưỡng chế và tích tụ phát triển thăm dò ngưỡng chịu đựng của đối phương trước khi leo thang lên nấc mới. Chính vì vậy chiến thuật vùng xám còn được gọi là chiến thuật cải bắp, lát cắt salami.

Tại Biển Đông, các hành vi vùng xám trong quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng thường thể hiện dưới 4 dạng sau:

Thứ nhất, cố tình sử dụng sai lệch các thuật ngữ và khái niệm của UNCLOS hay áp dụng “tiêu chuẩn kép”. Thứ hai, khai thác những điểm chưa rõ ràng hay khoảng trắng trong luật xung đột vũ trang như trường hợp sử dụng dân quân biển. Thứ ba, ban hành và thực thi luật trong nước không phù hợp với luật quốc tế. Thứ tư, sử dụng các hành động dưới ngưỡng liên kết với chiến tranh pháp lý như xua đuổi, dùng súng phun nước, đâm tàu, đánh đắm tàu, bắt giữ thuyền viên, căng dây phao ngăn chặn ngư dân tiếp xúc với các bãi cá truyền thống, chặn đường tiếp tế cho quân đồn trú trên đảo… đủ để đối phương khó chịu, quan ngại, hao tổn nguồn lực hay đưa ra các quyết định chưa chín, tạo cớ cho việc leo thang.

Vùng biển xám và vùng biển xanh ở Biển Đông - Những điều cần biết (Kỳ 1)
Triển lãm "Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam" diễn ra tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận từ ngày 27/8 đến 3/9/2023

Để đối phó với chiến thuật vùng xám, các nước cần quản lý và dỡ bỏ tính chưa rõ ràng trong các quy định khi đàm phán, áp dụng và thậm chí có thể sử dụng các cơ quan tài phán để có cách giải thích đúng. Các nước cần hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, vạch trần các hành vi vùng xám vi phạm luật quốc tế, cùng lên án tạo sức mạnh công luận ngăn chặn.

Công thức 3C

Từ năm 2009, tác giả Nguyễn Hồng Thao đề xuất công thức 3C hay tam công pháp gồm Công luận, Công khai và Công pháp quốc tế để đối phó với chiến thuật vùng xám và chiến tranh pháp lý.

Công luận” là dựa vào sức mạnh của dư luận trong nước và quốc tế. Để huy động sức mạnh của dư luận và làm giảm tính không rõ ràng thì phải cần đến yếu tố “Công khai”; đó chính là việc phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin đến các tầng lớp quần chúng nhân dân về căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định với thế giới về quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của các nước khác ở Biển Đông, song song đó là công khai các hoạt động phi pháp cho thế giới và người dân trong nước biết và lên tiếng phản đối.

Công pháp” tức luật quốc tế chính là nền tảng cho đấu tranh thu hẹp các hành vi vùng xám, làm tăng sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước về tính chính nghĩa của lập trường phù hợp với pháp luật quốc tế. Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về luật quốc tế, xây dựng năng lực của các lực lượng quản lý trên biển (như cảnh sát biển và kiểm ngư) để thực hiện một cách hiệu quả quyền quản lý chính đáng của Việt Nam trên biển.

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Thao - Baoquocte.vn

Philippines cáo buộc Trung Quốc liên tục va chạm trên Biển Đông

Philippines cáo buộc Trung Quốc liên tục va chạm trên Biển Đông

Tàu Philippines và Trung Quốc gần đây liên tục có những va chạm tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.