Vụ bắn chết giám đốc đi chùa: Quan điểm của luật sư

08:56 | 09/08/2016

583 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.
quan diem luat su vu giam doc bi ban chet khi di chua
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Trong vụ việc Nguyễn Sỹ Đạt (46 tuổi, ở phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, Hà Nam) thuê Lê Thái Duy và Lê Việt Hoàn sát hại ông Lê Hữu Trí ở Hà Nam mới đây, luật sư Thơm phân tích: Các đối tượng đã lên kế hoạch và có sự phân công chặt chẽ giữa các đồng phạm về việc sử dụng súng quân dụng K54 bắn liên tiếp vào ông Lê Hữu Trí dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa Nguyễn Sỹ Đạt và ông Lê Hữu Trí sau đó, Đạt đã lên kế hoạch tổ chức và thuê giết ông Trí với giá 500 triệu đồng.

Xét tính chất mức độ hành vi của các đối tượng trong vụ án này thì thấy rằng: Đây là vụ án giết người theo kiểu thanh toán xã hội đen. Chỉ vì những mâu thuẫn cá nhân trong quan hệ xã hội mà các đối tượng đã có hành vi dùng súng quân dụng sát hại ông Lê Hữu Trí một cách dã man, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội bởi phương thức thực hiện hành vi phạm tội rất côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật và tính mạng người khác.

quan diem luat su vu giam doc bi ban chet khi di chua
Nguyễn Sỹ Đạt, Lê Việt Hoàn, Lê Thái Duy tại cơ quan điều tra

Trong vụ án này, theo thông tin trên báo chí, Nguyễn Sỹ Đạt cũng từng bị Công an tỉnh Hà Nam khởi tố bắt giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào năm 2013.

Trong vụ việc đó, Nguyễn Sỹ Đạt có liên quan đến một số đối tượng trong một vụ án ma túy xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Lợi dụng có mối quan hệ với tòa án, Đạt nhận “chạy án” cho một đối tượng trong vụ án ma túy với số tiền 200 triệu đồng. Sau đó, Đạt không “chạy án” được và không trả lại số tiền đã nhận nên gia đình nạn nhân làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Ông Trần Đức Long, khi đó là Phó Chánh án TAND TP Phủ Lý, biết sự việc nhưng không tố giác đến cơ quan điều tra mà còn có hành vi dung dưỡng, che chở, mách nước cho Nguyễn Sỹ Đạt tránh bị xử lý hình sự.

Vì vậy, sau đó ông Trần Đức Long đã bị khởi tố về hành vi “che giấu tội phạm”. Khi vừa mãn hạn tù, Đạt và ông Trí xảy ra mâu thuẫn cá nhân, nên Đạt đã gọi người “xử” ông Trí.

Như vậy, nếu đối tượng Nguyễn Sỹ Đạt đã bị kết án về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự do có hành vi lừa chạy án số tiền 200 triệu đồng là thuộc khung hình phạt được qui định tại Khoản 3 Điều 139 BLHS. Đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng.

Căn cứ Điều 49 BLHS qui định về Tái phạm nguy hiểm thì hành vi phạm tội lần này của Nguyễn Sỹ Đạt thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Các đối tượng trong vụ án này đã sử dụng súng quân dụng K54 để bắn chết ông Lê Hữu Trí nên hành vi tàng trữ súng là đã xâm hại đến chính sách độc quyền quản lý về vũ khí của Nhà nước, trực tiếp xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, tính mạng sức khỏe, tài sản của công dân và tổ chức.

Từ các nhận định nêu trên, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi phạm tội của Nguyễn Sỹ Đạt, Lê Việt Hoàn, Lê Thái Duy đã phạm tội Giết người và Tội tàng trữ vũ khí quân dụng. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm m, n, o, p Khoản 1 Điều 93 BLHS và Điều 230 BLHS.

Căn cứ Điều 3 BLHS về Nguyên tắc xử lý “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng”.

Xét tính chất hành vi phạm tội, vị trí vai trò tham gia của các đối tượng thì hình phạt nghiêm khắc cho đối tượng chủ mưu và đối tượng thực hiện hành vi trong vụ án này là khó tránh khỏi.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

Điều 230. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

quan diem luat su vu giam doc bi ban chet khi di chua Thuê người ám sát giám đốc DN với giá nửa tỉ đồng
quan diem luat su vu giam doc bi ban chet khi di chua Hà Nam: Bắt nghi can bắn chết giám đốc đi lễ chùa

Minh - Hinh