Vụ 8B Lê Trực: Xử sao cho hợp tình, hợp lý?
![]() |
Toà nhà 8B Lê Trực. |
Trước tiên chúng ta phải khẳng định rằng, sai phạm tại dự án 8B Lê Trực là hết sức rõ ràng và không có gì phải tranh cãi. Và thực tế, với những sai phạm này, Hà Nội đã có những hình thức xử phạt đối với chủ đầu tư theo các quy định của pháp luật, đồng thời cũng có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ có trách nhiệm liên quan.
Tuy nhiên, để xử lý phần sai phạm này sao cho vừa đảm bảo kỷ cương phép nước, vừa có sức răn đe, cảnh báo ngăn chặn nhưng lại vừa đảm bảo quyền lợi của người dân mua nhà tại dự án hiện lại là điều không hề đơn giản. Nên phá hay không nên phá phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực? Nếu phá thì chất lượng, tuổi thọ công trình... có đảm bảo hay không? Còn nếu không phá mà dùng phần sai phạm này vào mục đích có lợi cho cộng đồng thì sao?...
Và những vấn đề bức xúc này đã được đại diện của các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đặt ra tại buổi làm việc với chủ đầu dự án vào chiều ngày 1/4. Theo đó, những ý kiến này cho rằng, việc để xảy ra những sai phạm tại dự án 8B Lê Trực trách nhiệm trước hết là thuộc về chủ đầu tư, và thứ nữa là đến các cơ quan, tổ chức, các cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng của thành phố. Và trách nhiệm này đã được UBND thành phố Hà Nội xem xét và có hình thức xử lý thích đáng.
Nhưng về phần công trình, các ý kiến của khách hàng mua nhà tại dự án đều cho rằng, hướng xử lý phần sai phạm công trình là chưa thoả đáng, chưa xem xét đến quyền lợi của những người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân - người mua căn hộ 1002, đồng thời cũng là người đại diện cho các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực – cho rằng: Hiện nay các cơ quan chức năng tiến hành xử lý phần sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực nhưng lại chưa xem xét đến quyền lợi của người mua nhà. Việc phá dỡ phần công trình sai phạm cũng chưa có phương án rõ ràng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, chính những người mua nhà mới là người sẽ sống trong toà nhà 8B Lê Trực và sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.
Dẫn lời PGS.TS Trần Chủng, bà Xuân nhấn mạnh việc phá dỡ nhà 8B Lê Trực chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chung của toà nhà, làm giảm tuổi thọ cũng như chất lượng công trình. Vậy nên, nếu phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực buộc phải phá dỡ thì các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của thành phố cần phải trả lời cho người dân chất lượng, tuổi thọ công trình sẽ bị ảnh hưởng đến đâu và nó có an toàn cho người sử dụng hay không.
![]() |
Bà Xuân phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại với chủ đầu tư 8B Lê Trực ngày 1/4. |
“Việc xử lý phần sai phạm 8B Lê Trực cần phải xem xét đến quyền lợi của những người dân đã mua căn hộ tại dự án này bởi chính họ là người sẽ ăn đời ở kiếp, sống dưới ngôi nhà đó. Nếu phá dỡ mà không có phương án, sau này nhà cửa gặp sự cố rồi chúng tôi sẽ ra sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Những điều này các cơ quan chức năng cần phải làm rõ với người dân” – bà Xuân nói.
Dưới một góc độ khác, đại diện căn hộ 1608 cho rằng, việc xử lý phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Sai phạm thì đã rõ nhưng việc xử lý sai phạm đó như thế nào, có nhất thiết phải phá bỏ đi hay không? Việc phá dỡ phần sai phạm này cũng cần phải tính tới quyền lợi của người mua nhà tại dự án bởi họ chính là người sẽ chịu tác động trực tiếp từ quyết định xử lý này.
Còn ông Nguyễn Sỹ Duyên - chủ một căn hộ tại dự án thì nhấn mạnh rằng, trong vụ việc 8B Lê Trực, chủ đầu tư và các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý trật tư xây dựng của thành phố Hà Nội mới là người có lỗi, có trách nhiệm chứ người dân hoàn toàn không có lỗi, hoàn toàn không có trách nhiệm. Việc mua bán các căn hộ cũng được thực hiện hoàn toàn theo đúng các quy định pháp luật. Nhưng hiện nay, mọi quyết định xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực đều không tính đến lợi ích của người dân, thậm chí, dù không có lỗi nhưng họ lại đang phải hứng chịu hậu quả cho những sai phạm của chủ đầu tư và sự thiếu trách nhiệm của các cán bộ nhà nước liên quan.
“Người mua nhà đã đóng tới 90% giá trị căn hộ và chính là người sở hữu thực sự căn hộ theo đúng quy định của pháp luật thì không có lý gì quá trình xử lý phần sai phạm lại không tính đến quyền lợi của họ được” – ông Duyên nêu quan điểm.
Đặt vấn đề như vậy, các khách hàng mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực đã bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét hướng xử lý phần sai phạm này sao cho nhân văn, thấu tình đạt lý. Và quan điểm chung được đại diện các căn hộ thống nhất là không tiến hành phá dỡ phần sai phạm mà dùng để phục vụ cho các mục đích khác, có lợi cho cộng đồng, xã hội.
“Sai phạm tại dự án 8B Lê Trực là rõ ràng nhưng việc xử lý sai phạm đó có nhiều cách, không nhất thiết phải phá dỡ để biến nó từ một sản phẩm lỗi thành một sản phẩm tồi được” – bà Xuân thay mặt các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực nêu kiến nghị.
Được biết trước đó, chủ đầu tư 8B Lê Trực đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề xuất 3 phương án không phá dỡ phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực. Dưới góc độ báo chí, chúng tôi thấy rằng, những đề xuất này là rất đáng xem xét bởi nếu không phải phá dỡ thì những lo ngại ảnh hưởng đến người dân xung quanh công trình cũng như kết cấu công trình sẽ được xóa bỏ. Thứ nữa, nhà nước, xã hội sẽ có thêm phần diện tích nhà ở để phục vụ mục đích công cộng, an ninh hay quốc phòng.
Việc phá dỡ phần sai phạm tại dự án 8B Lê trực vì thế rất cần được xem xét và nếu có lợi cho cộng đồng, cho người dân, cho lợi ích công cộng… thì cũng là điều rất đáng làm!
Vụ 8B Lê Trực: Những vấn đề cảnh báo | |
Vụ 8B Lê Trực: Luận bàn 3 phương án không phá dỡ! | |
Vụ 8B Lê Trực: Nếu hiến mà có lợi cũng hay! |
Thanh Ngọc
-
Bên trong tòa nhà 8B Lê Trực sau 5 năm lặc lè với việc "cắt ngọn"
-
Hà Nội cắt xong tầng 18 nhà 8B Lê Trực, cho giữ lại phần giật cấp sai phép
-
Trở lại vụ Tòa nhà 8B Lê Trực: Hà Nội hãy dừng tay trước khi quá muộn!
-
Phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực: Người mua nhà tầng 17, 18 nói gì?
-
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội xử lý dứt điểm dự án 8B Lê Trực
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4