Vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc: Hậu quả từ đầu tư công không hiệu quả

10:52 | 01/04/2021

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo ông Phan Lê Thành Long- Giám đốc CMA, khi các quốc gia vay nợ nhiều mà nền kinh tế thật không theo kịp, hiệu quả đầu tư công thấp thì nó là mầm mống tạo ra nguy cơ vỡ nợ tầm quốc gia.
các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu với khoản nợ trị giá tới 10 tỷ USD
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu với khoản nợ trị giá tới 10 tỷ USD

Vỡ nợ trái phiếu

Trong năm 2021, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu với khoản nợ trị giá tới 10 tỷ USD trên cả thị trường trong và ngoài nước. Con số 10 tỷ USD được xem là mức vỡ nợ cao nhất từng được ghi nhận tại Trung Quốc. Trong đó, các nhà phát triển bất động sản chiếm đến 20% tổng số vụ vỡ nợ tại quốc gia này, theo hãng tin Bloomberg.

Không chỉ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nợ công của chính quyền địa phương tại Trung Quốc cũng đang trên bờ vực vỡ nợ. Hiện tỷ lệ nợ của các chính quyền địa phương chiếm 90% GDP. Mức này sắp chạm tới “giới hạn đỏ” mà Bắc Kinh đưa ra trong quy định tái cấp vốn.

Số liệu từ công ty nghiên cứu Gavekal Research cho thấy lượng trái phiếu tài trợ địa phương (LGFV) - được dùng để xây dựng các cơ sở hạ tầng công cộng như đường, trường học và nhà máy - tăng vọt 76%, lên 290 tỷ nhân dân tệ (45 tỷ USD) trong tháng 1. Từ cuối tháng 12 năm ngoái, tổng lượng trái phiếu được các chính quyền địa phương phát hành đã đạt 500 tỷ nhân dân tệ (77 tỷ USD).

Theo Moody's Investors Service, hơn 3.000 tỷ NDT (462 tỷ USD) thuộc 2.000 trái phiếu LGVF của Trung Quốc sẽ tới hạn trong năm nay. Sau một thập kỷ vung tiền vào tài sản, lượng trái phiếu đang lưu hành tại Trung Quốc đã đạt kỷ lục 10.400 tỷ NDT (1.600 tỷ USD).

Moody's Investors Service đánh giá triển vọng nợ công của chính quyền địa phương và khu vực tại Trung Quốc năm 2021 là "tiêu cực" vì đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc không đồng đều trên cả nước.

Tờ Nikkei Asia Review nhận định, chính quyền các tỉnh tại Trung Quốc đang gấp rút thu hồi nợ và tăng cường sức mạnh tài chính trong bối cảnh khối nợ công tại nhiều nơi ngày càng tăng lên.

Vì sao nên nỗi?

Chia sẻ với PV, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam (CMA) cho rằng cần phải để ý đến câu chuyện làn sóng nợ, “Chúng ta phải đi từ gốc làn sóng nợ từ cách đây 10 năm. Ngân hàng thế giới có đánh giá của Viện Tài chính quốc tế (tổ chức trực thuộc ngân hàng) về làn sóng nợ thứ Tư” - ông Phan Lê Thành Long cho hay.

Ông Phan Lê Thành Long.
Ông Phan Lê Thành Long.

Theo Giám đốc CMA Việt Nam, làn sóng vỡ nợ gần đây nhất chính là vào năm 2008 với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, do ảnh hưởng của nợ cho mua nhà dưới chuẩn. Với làn sóng đó đến năm 2009 là khủng hoảng khi VN-Index xuống thấp và chính vì khủng hoảng như vậy cho nên các NHTW mới bơm tiền ra để hỗ trợ nền kinh tế, giống thời điểm hiện nay.

Thời điểm năm 2009-2010, Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ lãi suất thì chúng ta thấy nó tạo ra làn sóng nợ thứ 4 suốt hơn 10 năm và các chỉ số TTCK tăng rất mạnh. Điều này có thể nhận ra với chỉ số Dow Jones vào năm 2010 chỉ khoảng 10.000 điểm nhưng bây giờ đã 33.000 điểm.

Các quốc gia để tài trợ cho tăng trưởng và dòng tiền dễ thì phải đi vay nợ rất nhiều, đây là mấu chốt. Khi các quốc gia vay nợ nhiều mà nền kinh tế thật không theo kịp, có thể hình dung bảng cân đối kế toán của một quốc gia bên này là nợ phát hành trái phiếu bên này tạo ra GDP, hai bên mà không “gắn kết” được với nhau thì khi vay nợ lớn mà hiệu quả đầu tư công thấp thì nó là mầm mống tạo ra nguy cơ vỡ nợ tầm quốc gia.

Có thể thấy đã có quốc gia trên thế giới tuyên bố vỡ nợ là Argentina đã vỡ nợ vào tháng 5/2020. IMF và các chủ nợ đã phải cho thời hạn mới để Argentina phục hồi trả nợ.

Xu hướng là vay nợ toàn cầu trong đó hai nền kinh tế lớn nhất Mỹ Trung Quốc cũng không thoát khỏi. Khi vay nợ, đầu tư lớn như vậy đến thời điểm này dòng tiền được đẩy vào, nguy cơ lạm phát tăng, giá các sản phẩm hơi "bong bóng" thì nó "xì hơi". "Trong đó, trái phiếu sẽ bị bán đầu tiên và chúng ta thấy cổ phiếu trên thị trường Trung Quốc đã sụt giảm rất khủng khiếp vậy nguyên nhân vỡ nợ là như vậy" - ông Phan Lê Thành Long nhận định.

Trung Quốc thắt chặt tín dụng

Trước bối cảnh nguy cơ vỡ nợ lan rộng, chính phủ Trung Quốc đã quyết định đảo ngược chính sách kích thích sau khi thành công kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đầu tiên là các chính sách tín dụng.

Trong lúc Mỹ và châu Âu tiếp tục bơm mạnh tiền để trợ lực cho nền kinh tế vượt qua cú sốc mà COVID-19 gây ra, Trung Quốc lại bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát tín dụng ở một số khu vực.

Trước đó, Trung Quốc đã tung ra gói cứu trợ kinh tế chưa từng có, bao gồm đợt phát hành trái phiếu kho bạc với tổng giá trị lên tới 1.000 tỷ NDT (tương đương 154,6 tỷ USD) và 3.750 tỷ NDT trái phiếu trong nước nhằm giải cứu các doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19.

Gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về tình trạng quá nóng của thị trường bất động sản và muốn ngăn chặn những mất cân đối lớn hơn xảy ra trong nền kinh tế. Ngoài ra, nước này cũng sẵn sàng nối lại chiến dịch đã kéo dài nhiều năm nhằm giảm khối nợ khổng lồ hình thành trong nền kinh tế từ lần suy thoái toàn cầu trước đây.

Việc giảm bớt đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản vốn nợ chồng chất của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng vỡ nợ, khi Bắc Kinh tìm cách hạn chế hoạt động vay nợ. Chính sách "Ba Lằn ranh Đỏ" được đưa ra nhằm thực hiện kế hoạch trên, với mục tiêu hạn chế khả năng huy động vốn mới trên thị trường tín dụng của các công ty có tỷ lệ nợ cao.

Trái phiếu của 1 số doanh nghiệp bất động sản hoạt động yếu kém đã có diễn biến kém hiệu quả trong năm nay. Nguyên nhân là do nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về khả năng về khả năng tái cấp vốn và tỷ lệ đòn bẩy cao của các nhà phát triển yếu kém, nhất là sau 2 lần Chongqing Sincere Yuanchuang Industrial Co. không thể thanh toán nợ.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các công ty xây dựng niêm yết đã bán lượng trái phiếu mới thấp hơn vào mỗi tháng so với tổng số nợ đáo hạn kể từ tháng 6. Đây là mức giảm dài nhất đối với hoạt động huy động vốn trả nợ trong ngành này kể từ ít nhất là năm 2015. Bước vào năm 2021, họ phải thực hiện tái cấp vốn hoặc thanh toán 309 tỷ CNY (48 tỷ USD) trái phiếu địa phương quá hạn - mức đáo hạn cao nhất trong ít nhất 11 năm.

"Chắc chắn là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có ý định rút lại các biện pháp kích cầu và chuyển sang thắt chặt", chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Standard Chartered, ông Ding Shuang, phát biểu. "Nhưng họ đang hành động một cách thận trọng chứ không đột ngột quay đầu".

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về thị trường nhà ở đang quá nóng và muốn ngăn chặn sự mất cân bằng đó. Họ cũng mong muốn tiếp tục hạn chế núi nợ đã bắt đầu hình thành kể từ cuộc suy thoái toàn cầu trước đó.

Nếu xử lý sai, việc thắt chặt của Trung Quốc có thể làm suy yếu sự phục hồi, khiến nền kinh tế toàn cầu bị tê liệt. Thậm chí, vấn đề sẽ lớn hơn nếu gây ra nhiều vụ vỡ nợ hoặc sự điều chỉnh lớn trên thị trường chứng khoán.

Vì những rủi ro đó, các nhà kinh tế cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ đi chậm, bằng cách dần thắt chặt tín dụng ở một số bộ phận của nền kinh tế, trong khi tránh những động thái mạnh tay hơn như tăng lãi suất.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp