Viết về người thợ điện tri kỷ

20:00 | 27/06/2019

262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm nay là một ngày nóng nực, công việc của tôi bỗng dưng bị gián đoạn bởi vì mất điện. Tôi cùng đồng nghiệp rủ nhau ra quán trà sữa bên đường để giải khát. Bây giờ cũng đã gần trưa, cái nóng oi bức thật khó chịu, ngoài đường không một bóng người, từ xa xuất hiện vài ba người thợ mặc áo màu da cam đang hối hả làm việc gì đó bên những trụ điện cao tít, trong lòng tôi chợt nhớ đến anh… 

Cuộc sống vốn không biết trước được điều gì và chuyện tình yêu cũng vậy. Tôi quen anh từ thời sinh viên non trẻ. Hai đứa đều sinh ra tại những vùng quê nghèo. Làng anh ở mãi tận đồi Bồ Bồ, còn tôi lớn lên trong một xóm chài nghèo ven biển Ly Hòa. Nhiều điểm chung nên chúng tôi dần đồng cảm và trở thành tri kỷ tự bao giờ không hay. Anh học trường Cao đẳng điện, còn tôi đang nuôi giấc mộng trở thành cô Kỹ sư nông nghiệp.

Viết về người thợ điện tri kỷ

Ảnh minh họa: Người thợ điện trong ngày nắng cháy

Ngày hai đứa ra trường, chẳng ai dám hứa trước điều gì. Cũng như bao người, chúng tôi mỗi người một nơi, cố gắng bôn ba khắp chốn để tìm cho mình một công việc phù hợp. Anh lăn lộn từ Nam ra Bắc, cuối cùng anh dừng chân tại Tây Nguyên. Trong lúc đó, tôi cũng vừa được nhận vào làm tại một Công ty về nông nghiệp thuộc tỉnh Bình Phước. Anh tự hào vì trở thành người công nhân ngành điện và thường kể cho tôi nghe rất nhiều về công việc với niềm thích thú, say mê. Thật sự điều đó làm tôi rất vui. Tôi vui vì anh tìm được cho mình một công việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Hơn nữa, theo lời anh kể, tôi cảm nhận anh rất hài lòng về công việc của mình.

Do cả hai đều làm việc ở những nơi xa lạ, không có bạn bè nên chúng tôi thường xuyên liên lạc và nói chuyện với nhau rất nhiều, dường như là mỗi ngày. Tuy nhiên chỉ được một thời gian, tôi thấy anh càng ngày càng ít online và có những khi đang nói chuyện anh lại tắt máy đột ngột vì lí do công việc. Lúc đó tôi không tin, bởi chúng tôi chỉ nói chuyện vào buổi tối và những ngày nghỉ. Còn về phần anh, anh cũng không giải thích gì thêm. Thật ra tôi đã lỡ thương thầm anh, nên sự im lặng của anh làm tôi thấy khó chịu. Tôi công tác được vài năm thì Công ty mở thêm chi nhánh, tôi được chuyển về làm gần nhà. Dần dần mỗi người mỗi công việc, khoảng cách về địa lý, về thời gian làm cho chúng tôi dần xa nhau mà không có lý do. Rồi sau đó, tôi cũng có người thương mình và lập gia đình. Ngày vui của tôi không trọn vẹn, anh đã không đến dự, anh chỉ gửi quà mừng và một tin nhắn xin lỗi vào cuối ngày. Tôi hụt hẫng và cứ ngỡ rằng đến tình bạn giữa chúng tôi cũng đã không còn nếu không có một lần công tác, tôi gặp lại anh.

Năm đó khoảng vào tháng 4, trên đường đi công tác, tôi đã ghé thăm gia đình cô bạn đồng nghiệp tại huyện Buôn Đôn - tỉnh Đắk Lắk. Vô tình tôi gặp lại được anh. Dẫu biết rằng đã bao năm trôi qua nhưng tôi bất ngờ và xót xa vì trông anh thay đổi quá nhiều. Làn da trắng trẻo ngày xưa đã không còn mà thay vào đó là màu da ngăm đen rắn rỏi như màu của nắng và gió nơi đây, đôi bàn tay cũng chai sạn nhiều đi. Tôi ngờ ngợ ra rằng công việc của anh vất vả hơn những gì tôi nghĩ. Tôi càng thấy thương anh hơn khi nghe mẹ của đồng nghiệp tôi kể chuyện về anh. Anh chuyển về sống ở buôn này đã một thời gian nhưng bà con lối xóm gặp anh lúc nào cũng trong đúng bộ trang phục áo cam bởi công việc của anh dường như không có thời gian nghỉ. Giờ tôi mới hiểu những lần tắt máy vội vàng của anh. Anh làm việc không theo khung giờ, nhiều khi về tối mịt và có khi giữa khuya lại phải dậy đi làm, vất vả nhất là những hôm mất điện vì mưa gió hay những ngày nắng gắt như hôm nay.

Cũng dịp này anh mới được trải lòng. Anh nói công việc của anh là đảm bảo cung cấp điện liên tục cho khách hàng, càng vào những thời điểm khó khăn nhất thì càng phải giảm ít nhất số lần và thời gian mất điện. Mặc dù hằng tuần, hằng tháng đã có bố trí kiểm tra định kỳ, tuy nhiên với đặc thù lưới điện nơi đây, tác nhân gây sự cố bên ngoài là khó tránh khỏi, đặc biệt là các loài động vật hoang dã. Anh có đùa với tôi có khi anh ăn thịt rắn và tắc kè cả tháng để thay cơm, vừa tiết kiệm mà cũng vừa bỏ tức. Hôm đám cưới tôi, anh đã gói ghém hành lý để xuống dự, nhưng đợt đó là cao điểm mùa khô, phụ tải tăng đột biến, đơn vị tăng cường nhân lực thực hiện phương án chống quá tải nên anh đành lỗi hẹn. Bao năm làm ở xa, năm nào tôi cũng được về quê ăn tết cùng gia đình, còn anh vì tính chất công việc nên chỉ mới về được một lần.

Nghe anh kể mà tôi thấy mình có lỗi vì đã có lúc trách anh. Tôi cũng thắc mắc vì sao vất vả đến vậy mà anh không tìm cho mình một cơ hội khác. Anh cười vì công việc của anh mang lại hạnh phúc cho nhiều người và cũng được nhiều người quý mến, thương yêu. Nhiều lúc, đi kiểm tra lưới điện hay thi công xây dựng ở những khu vực hẻo lánh, xa xôi, không tìm thấy quán xá thì vẫn không lo đói bởi bà con luôn luôn sẵn sàng mời dùng cơm cùng gia đình họ mọi lúc. Nghe anh kể, tôi cứ ngỡ anh không phải làm cho một doanh nghiệp mà anh giống như một người lính, một người chiến sĩ cụ Hồ. Anh tin rằng, sau này với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật và sự phát triển của cơ sở hạ tầng thì công việc sẽ đỡ vất vả hơn. Gặp lại anh, nghe chuyện về anh tôi thấy trong mình cảm giác nhẹ nhõm, thấy thương anh và cả sự tự hào.

Cũng kể từ đó, tôi mới để ý đến công việc của những người lính áo cam, để hôm nay ngồi đây tôi càng cảm nhận hết sự vất vả thầm lặng của họ. Mùa hè trời nắng như thiêu như đốt, các anh đào móng, dựng cột, leo lên tụt xuống hàng chục lần để nối dây, chuyển công tơ, chuyển dây sang cột mới. Mồ hôi ướt đẫm cả quần áo, mặt mũi lem luốc, song các anh làm việc hết sức hăng say, nhiệt tình, đầy trách nhiệm, có khi quên cả ăn uống. Nhìn những người thợ, nhớ đến anh, tôi chỉ thầm chúc trong lòng, mong anh có thật nhiều sức khỏe và mãi hạnh phúc trên con đường mình đã chọn.

An Yên (CPC)

Cái “tâm” với nghề thợ điện
Thợ điện - Gian nan mùa nắng nóng
Trở về với Đảo
Lên Tuần Giáo nghe chuyện thợ điện

  • el-2024