TS Trần Du Lịch:

Việt Nam sẽ hội nhập thành công

06:45 | 01/03/2018

1,299 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ có một chiều thuận lợi mà còn bao gồm cả những tác động bất lợi, bởi nước ta đang trong quá trình phát triển, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Xung quanh vấn đề hội nhập, Báo Năng lượng Mới giới thiệu những nhận định của TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.  

Thời đại của đổi mới, sáng tạo

viet nam se hoi nhap thanh cong
TS Trần Du Lịch

Trước tiên, tôi muốn lý giải vì sao Việt Nam chủ trương phải hội nhập và hội nhập chủ động, tích cực. Đó là con đường mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế Việt Nam. Vấn đề này được khẳng định từ năm 1996, khi Việt Nam tham gia ASEAN, ký AFTA khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Sau đó tiếp tục đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Sau khi gia nhập WTO, chúng ta ký thêm rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 16 FTA. Trong đó 10 FTA đã thực thi, còn lại đang đàm phán.

Năm 2006, khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, nhiều chuyên gia lo ngại rằng, Việt Nam đang rất yếu nên nếu thực hiện theo các cam kết trong WTO thì sẽ không cạnh tranh nổi. Nếu Việt Nam tham gia toàn cầu hóa WTO sẽ giống như người đang ốm yếu mà chấp nhận thượng đài đấu với các võ sĩ hạng nặng. Lúc đó tôi có nói rằng, trong thời đại ngày nay, lớn chưa chắc đã khỏe, nhỏ chưa chắc đã yếu và ai có nhiều sáng tạo thì người đó thắng. Thời đại ngày nay là thời đại của đổi mới, nói như Michael Eugene Porter, giáo sư của Đại học Harvard (Hoa Kỳ), thì không có sản phẩm gì, không có ngành nghề gì mà chưa có người làm, chỉ là người làm sau có cách làm khác hơn người làm trước mà thôi.

Ngày nay để thành công chỉ có sáng tạo. Và trên tinh thần đó Việt Nam tin tưởng hội nhập sẽ thắng lợi. Thực tế đã chứng minh, từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã lớn mạnh. Trước khi hội nhập toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam chỉ 50 tỉ USD/năm, năm 2017 tới trên 200 tỉ USD, có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh. Nếu xét về quan hệ kinh tế toàn cầu trên 3 lĩnh vực: thương mại, đầu tư và tín dụng, thì Việt Nam đã mở cửa được tất cả. Đây là thực tế chứng minh chủ trương hội nhập là đúng đắn.

Thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình

Việt Nam hội nhập cùng với mong muốn thoát bẫy thu nhập trung bình, không lâm vào tình trạng “chưa giàu đã già”. Dân số Việt Nam 15 năm nữa đã chuyển sang dân số già, không còn dân số trẻ. Cái đau khổ nhất của một dân tộc là khi dân số già mà nghèo.

Cơ hội cho chúng ta không còn nhiều nữa, chỉ 15-20 năm tới. Trách nhiệm của chúng ta là làm sao để đến năm 2035, Việt Nam phải trở thành nước phát triển. Nếu không làm được điều đó, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội khi bước sang thời kỳ dân số già.

Cơ hội cho chúng ta không còn nhiều nữa, chỉ 15-20 năm tới. Trách nhiệm của chúng ta là làm sao để đến năm 2035, Việt Nam phải trở thành nước phát triển. Nếu không làm được điều đó, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội khi bước sang thời kỳ dân số già.

Chính vì vậy, Việt Nam phải tận dụng hai điều, thứ nhất là toàn cầu hóa hội nhập, thứ hai là cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt bây giờ đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không tận dụng được hai điều đó để rút ngắn thời gian phát triển, chúng ta sẽ lỡ cơ hội.

Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khoảng hơn 100 quốc gia giành độc lập, nhưng số nước trở thành nước công nghiệp phát triển chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó đa số nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì sao vậy?

Chúng ta có thể thấy những nước dựa vào tài nguyên đều thất bại, nước nào dựa vào nguồn nhân lực và đào tạo là thành công. Để thấy rằng, nếu như không phát triển dựa vào nguồn nhân lực, yếu tố con người, tài nguyên có nhiều cũng không giúp ích được gì. Hàn Quốc, Nhật Bản là những điển hình.

viet nam se hoi nhap thanh cong
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta

Chính vì vậy, thanh niên bây giờ đừng nghĩ rằng, nước ta “rừng vàng, biển bạc” nữa, mà phải biết rằng, nước ta còn nghèo, phải lao động, sáng tạo, phải nghĩ mình đang nghèo để vươn lên phát triển. Và hội nhập chủ động, tích cực là để tận dụng toàn cầu hóa, đẩy mạnh cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, thực hiện sứ mệnh thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của dân tộc.

Mạnh, yếu của Việt Nam trong hội nhập

Để hội nhập thành công, chúng ta phải hiểu mình mạnh ở đâu, yếu ở đâu để khắc phục những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh.

Điểm yếu của Việt Nam, thứ nhất là thể chế thiếu cạnh tranh. Chúng ta đổi mới, cải cách liên tục đi vào thị trường, nhưng vẫn luôn phải vận động các quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Về thể chế, pháp luật, chúng ta cũng còn phải sửa đổi rất nhiều, mặc dù nỗ lực cải cách nhưng hiện nay vẫn còn chồng chéo.

Khu vực tư nhân hiện đang đóng góp 40% GDP, nhưng trong 40% này thì 700.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty CP chỉ đóng góp khoảng 8% (10 năm trước đóng góp 7,1%), 32% còn lại là cá thể, nông dân.

Thứ hai, về năng suất lao động, so với các nước trong ASEAN thì chúng ta nằm trong nhóm 4 nước kém phát triển gồm: Campuchia, Myanmar, Việt Nam, Lào. Thực chất hiện nay, về năng suất lao động, về năng lực cạnh tranh, chúng ta không thể so với 6 nước còn lại trong ASEAN. Như vấn đề sử dụng năng lượng, tính trên một đơn vị công nghiệp, Việt Nam tiêu hao năng lượng hơn Thái Lan 30%, do công nghệ… So sánh Toyota tại Vĩnh Phúc và Toyota ở Thái Lan, chi phí sản xuất tại Vĩnh Phúc cao hơn Thái Lan 20%. Vì Thái Lan nội địa hóa cao, còn ở Việt Nam chủ yếu vẫn phải nhập phụ tùng bởi công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Những yếu kém đó nếu không khắc phục thì không thể cạnh tranh được.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta chủ trương phát triển khu vực tư nhân, đây là điều rất đáng mừng. Nhưng cũng phải thấy rằng, tư nhân Việt Nam hiện nay rất chậm lớn. Khu vực tư nhân hiện đang đóng góp 40% GDP, nhưng trong 40% này thì 700.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty CP chỉ đóng góp khoảng 8% (10 năm trước đóng góp 7,1%), 32% còn lại là người kinh doanh cá thể, nông dân. Điều đó thấy rằng, khu vực tư nhân đang rất yếu, năng suất thấp và còn nhiều nhược điểm trong văn hóa kinh doanh. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải khắc phục những nhược điểm và hỗ trợ để khu vực tư nhân lớn mạnh.

Một vấn đề khác cũng cần phải khắc phục là nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang có cơ cấu kép, hay còn gọi là nền kinh tế 2 tốc độ, khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước tách rời nhau, không kết hợp được với nhau. Tốc độ phát triển của doanh nghiệp FDI rất cao nhưng tốc độ phát triển của doanh nghiệp trong nước rất thấp, khó khăn. Và hiện nay xuất khẩu tăng mạnh nhưng hơn 70% kim ngạch xuất khẩu là từ khu vực FDI.

Về điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, tôi muốn dẫn lời của Michael Eugene Porter trong chuyến thăm đến Việt Nam năm 2008: Việt Nam có hai đặc điểm quan trọng cần phát huy, thứ nhất là sự lạc quan, thứ hai là tính linh hoạt. Chính hai điểm đó cộng với thể chế tốt, môi trường kinh doanh lành mạnh thì tin rằng, mọi FTA dù nhiều thách thức nhưng Việt Nam sẽ giành thắng lợi như đã làm với WTO.

Giải pháp để hội nhập thành công

Trước những vấn đề trên, để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tận dụng lợi thế, cơ hội của hội nhập còn rất nhiều việc phải làm.

viet nam se hoi nhap thanh cong
Với tác động tích cực của các FTA đã ký, thị trường xuất khẩu được mở rộng cả về quy mô và mặt hàng xuất khẩu

Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế. Từ năm 2014, Chính phủ đã có Nghị quyết 19 và các năm sau đó đều đưa ra các nghị quyết về thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh, mục tiêu là đến 2020, thời gian nộp thuế, hải quan sẽ tương đương với nhóm ASEAN 4 (4 nước ASEAN phát triển), hay Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp... Đặc biệt, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới có một điểm rất nổi bật là trước đây, Nhà nước cho làm gì thì ghi vào trong luật, nhưng bây giờ là những gì cấm kinh doanh sẽ ghi trong luật, còn lại doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Thay vì chọn cho, bây giờ là chọn bỏ.

Thứ hai, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ở đó những người không chấp hành pháp luật không thể tồn tại, sống chung với người chấp hành pháp luật; chống lại các hành vi buôn bán hàng gian, hàng giả, trốn thuế...

Thứ ba, tái cơ cấu, chỉnh đốn nền kinh tế, bởi vì chúng ta phát triển dựa trên mô hình lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thô, tăng trưởng dựa vào vốn mà không dựa vào năng suất, đặc biệt là công nghiệp gia công còn tồn tại. Chính vì vậy, phải chuyển đổi, tái cơ cấu, tăng cường chế biến tài nguyên, nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng; tăng trưởng, phát triển dựa trên năng suất, chứ không phải chỉ dựa trên vốn.

Từ năm 2011, Việt Nam chủ trương thực hiện 3 đột phá chiến lược rất đúng, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế; cải cách đồng bộ, toàn diện, cơ bản giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng.

Ba đột phá đó tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Còn trước mắt chúng ta phải làm tốt hơn cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Có thể chế tốt, cạnh tranh tốt thì tin tưởng rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thành công trong hội nhập.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Doanh nghiệp chưa tận dụng ưu đãi từ các FTA

viet nam se hoi nhap thanh cong

Các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết về cơ bản là với các nước có cơ cấu kinh tế và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tương đối giống nước ta, thậm chí cạnh tranh với nước ta như các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ… Do đó, cam kết về cắt giảm thuế quan trong các FTA chưa thực sự mang lại lợi ích mang tính đột phá. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (chủ yếu hàng nông sản, dệt may, giày dép, hàng tiêu dùng…) khá tương đồng so với các đối tác và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam thấp hơn nên mức tăng trưởng xuất khẩu chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ các nước này.

Và mặc dù các đối tác trong các FTA mà Việt Nam đã ký có mức độ mở cửa thị trường, cắt giảm thuế tương đối lớn, nhưng việc tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta còn chưa cao. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không biết tới sự tồn tại của các ưu đãi, chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến ưu đãi thuế quan. Các doanh nghiệp ngần ngại về tính phức tạp của các quy tắc xuất xứ tại FTA phải tuân thủ. Hay một số mặt hàng được xóa bỏ thuế quan theo cam kết nhưng việc đáp ứng quy tắc xuất xứ rất khó nên không tận dụng được ưu đãi.

Bên cạnh đó, đối với các FTA Việt Nam đã tham gia, mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa cao gây nhiều sức ép đến sản xuất trong nước. Đặc biệt trong giai đoạn 2015-2018, mức xóa bỏ thuế quan sâu rộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành không phải thế mạnh của Việt Nam như: chăn nuôi, thép, ôtô…

Dưới tác động của các FTA, thị trường nhập khẩu đã có những chuyển biến tích cực, hạn chế phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu nhất định, đặc biệt là Trung Quốc. Các mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu phong phú đã góp phần tạo sự ổn định, phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Mai Phương