Hội nhập kinh tế quốc tế

Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức

07:10 | 21/12/2018

450 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mở ra cho Việt Nam rất nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, về những cơ hội và thách thức đó.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết vài nét nổi bật về tình hình thương mại quốc tế hiện nay?

tan dung co hoi vuot qua thach thuc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trong những năm qua, hệ thống thương mại đa phương và một số liên kết kinh tế khu vực đang đối mặt với không ít khó khăn. Các diễn đàn kinh tế thương mại đa phương gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung. Vai trò của các thể chế đa phương và luật lệ, quy định thương mại quốc tế phổ cập (đặc biệt là WTO) có phần suy giảm. Tuyên bố chung Hội nghị G7 vào tháng 7/2018 lần đầu tiên đề cập tới việc “hiện đại hóa WTO” theo hướng công bằng hơn. Các tổ chức, diễn đàn hợp tác thương mại (ASEM, ASEAN...) tiếp tục tuyên bố ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, song hành động và cam kết mới để cải cách, hay củng cố vai trò WTO còn hạn chế. WTO cũng chưa xử lý được những vấn đề quan trọng liên quan đến thương mại như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, mất cân đối thương mại toàn cầu. Xung đột thương mại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã thực sự nóng lên kể từ đầu năm 2018...

Thực tế, hệ thống thương mại đa phương có thể sẽ còn gặp không ít thách thức. WTO đã đưa Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) vào thực hiện từ năm 2017, song bước tiến này là không đủ. Tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn trở nên thường xuyên và gây lo ngại hơn bao giờ hết. Việc xử lý tranh chấp không còn dừng ở mức trao đổi, đàm phán song phương, mà đã nâng thành hành động pháp lý. Các vụ kiện ra WTO trở nên phổ biến hơn.

Lần đầu tiên trong lịch sử APEC, các lãnh đạo cấp cao APEC không thông qua được tuyên bố chung là một kết quả không mong muốn, bởi nguyên nhân một phần là sự thiếu đồng thuận về tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Nếu không quyết tâm và trao đổi thẳng thắn hơn nữa, các nền kinh tế thành viên APEC có thể tiếp tục gặp khó khăn.

Tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn trở nên thường xuyên và gây lo ngại hơn bao giờ hết. Việc xử lý tranh chấp không còn dừng ở mức trao đổi, đàm phán song phương, mà đã nâng thành hành động pháp lý. Các vụ kiện ra WTO trở nên phổ biến hơn.

ASEAN vẫn phát huy được vai trò trung tâm các thiết chế của khu vực. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các siêu cường kinh tế ở khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thiết kế và đàm phán các FTA. Xu hướng này càng đặc biệt rõ hơn ở các vấn đề mới, chẳng hạn như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ... Do vậy, cân nhắc và quyết định tham gia đàm phán mỗi FTA đang trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), đang có những diễn biến nhanh chưa từng có, hội tụ nhiều công nghệ mới, liên tục có những đột phá, ảnh hưởng không nhỏ tới phương thức tăng trưởng và phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. CMCN 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử khiến ưu tiên trong đàm phán tự do hóa thương mại thế giới đã dịch chuyển từ mua bán hàng hóa vật chất sang mua bán dịch vụ xuyên biên giới. Đàm phán về tự do hóa thương mại không chỉ còn giới hạn ở cắt giảm thuế, mà quan tâm hơn đến các hàng rào kỹ thuật mới, công nghệ số, chủ quyền số, thông tin người dùng...

tan dung co hoi vuot qua thach thuc
Dệt may của Việt Nam được coi là có nhiều cơ hội khi các FTA có hiệu lực

PV: Thưa Thứ trưởng, những tác động của kinh tế thương mại thế giới tới kinh tế Việt Nam thế nào?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Nhìn chung, những xu thế của kinh tế thương mại thế giới vẫn có thể mang lại một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam.

Với việc chuẩn bị thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chờ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế thực sự và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng cao.

Những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ. Chính ở đây, những thành tựu của CMCN 4.0 nếu được kịp thời ứng dụng ở những lĩnh vực như logistics, tài chính, tổ chức sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu, dịch vụ hành chính công... thì sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ước tính của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, CMCN 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 28,5-62,1 tỉ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16%, tùy theo từng kịch bản.

PV: Cơ hội thường kèm theo thách thức. Vậy, thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Có thể nhìn thấy ngay các thách thức như:

Thứ nhất, xử lý hài hòa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều bất định là không dễ. Các nghiên cứu cho thấy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm, dù ở mức độ khác nhau tùy theo kịch bản. Nếu chính sách ứng phó thiếu linh hoạt, Việt Nam có thể rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế thực sự và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng cao.

Thứ hai, thách thức đối với duy trì cải cách sẽ lớn hơn nếu quá tập trung hơn vào xử lý tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nói riêng và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nói chung. Khi đó, chậm trễ trong cải cách có thể ảnh hưởng đến động lực phát triển của doanh nghiệp cũng như khả năng bắt kịp, đi cùng và vượt lên các nước.

Thứ ba, Việt Nam phải đối mặt với tác động chuyển hướng thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Xử lý thách thức này càng khó hơn khi thương mại điện tử xuyên biên giới đã phổ biến hơn, đi kèm với rủi ro tấn công an ninh mạng. Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn.

Thứ tư, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại. Bản thân việc USD lên giá và rủi ro từ các nước khác phá giá đồng nội tệ cũng làm tăng thách thức đối với điều hành tỷ giá, thương mại và thị trường tài chính Việt Nam.

PV: Vậy theo Thứ trưởng, Việt Nam phải làm gì để có thể vượt qua thách thức và vẫn tận dụng được các cơ hội?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Việt Nam cần phải cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trong nước. Cần tái khẳng định yêu cầu thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mà vẫn giữ vững ổn định chính trị - kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới và triển khai các chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế…

Cụ thể chúng ta cần thực hiện 4 giải pháp:

Một là, cần liên tục theo dõi, cập nhật các kịch bản đủ chi tiết để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỉ giá của các nền kinh tế chủ chốt; cần theo dõi động thái chính sách của các nước thứ ba để đánh giá sát hơn tình hình và học hỏi kinh nghiệm ứng phó.

Hai là, chủ động rà soát lại những chính sách trong nước, bảo đảm có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hóa xuất nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới, đồng thời khuyến khích việc tiếp cận và tận dụng thành tựu của CMCN 4.0; tăng cường năng lực và hoạt động của các cơ quan ngoại giao, thương vụ để dự báo và xử lý các biến cố đối với thị trường xuất nhập khẩu…

Ba là, tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các tổ chức, diễn đàn kinh tế quốc tế; tăng cường trao đổi, hợp tác với các đối tác nhằm tiếp tục thúc đẩy tiến trình hợp tác kinh tế đa phương và khu vực, hỗ trợ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; đẩy nhanh vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam; tìm kiếm cơ hội thúc đẩy các FTA song phương và đa phương nhằm đón đầu các cơ hội hợp tác với các đối tác mới.

Ước tính của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, CMCN 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5-62,1 tỉ USD, tương đương mức tăng GDP 7 - 16% tùy theo từng kịch bản.

Bốn là, khuyến khích, kêu gọi tinh thần chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu diễn biến những xu thế thương mại mới và CMCN 4.0, từ đó điều chỉnh chiến lược sản xuất - kinh doanh, đặc biệt chú trọng tới việc chuyển đổi, cập nhật công nghệ mới; Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tham vấn chính sách, kiến nghị những rào cản, bất cập chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước cần tháo gỡ.

Cuối cùng, cần tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xử lý các vấn đề liên ngành và hỗ trợ cho doanh nghiệp thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm hội nhập của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chính là yếu tố mang tính chất quyết định để hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới theo đúng tinh thần: Chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả.

PV: Cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Doanh nghiệp Việt chú trọng khai thác cơ hội từ FTA

Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam đều tăng cao so với năm 2017. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số 35% các năm trước, qua đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới việc khai thác các cơ hội từ các FTA...

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như: Một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các FTA mang lại.

Ngoài ra, trong vòng 1 năm trở lại đây, kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu thay đổi, theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Diễn biến tình hình kinh tế thế giới gần đây cho thấy chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình tự do hóa thương mại.

“Một số quốc gia trước kia vốn đi đầu trong việc ủng hộ tự do hóa thương mại nay lại trở thành yếu tố ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống thương mại đa phương nói riêng, của cả quá trình toàn cầu hóa nói chung. Đặc biệt đáng lưu ý là xung đột thương mại giữa Mỹ với một số đối tác, đặc biệt với Trung Quốc, vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, những sự kiện, diễn biến đó đang có ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, kinh tế thế giới và động thái chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần phải sớm có những phân tích, dự báo và có những động thái chính sách để giảm thiểu những tác động tiêu cực và chủ động thực thi những giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Tú Anh

tan dung co hoi vuot qua thach thucViệt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới
tan dung co hoi vuot qua thach thucChính sách thuế góp phần giúp doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập
tan dung co hoi vuot qua thach thucViệt Nam nhất quán với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế khu vực và toàn cầu