Việt Nam - Nepal còn nhiều tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế

10:09 | 11/05/2019

299 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiều ngày 10/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Phòng Thương mại Nepal - NCC và các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nepal”.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Trải qua hơn 4 thập kỷ từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1975), quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nepal không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên đã dành cho nhau sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế đa phương như Liên Hợp Quốc, WTO.

viet nam nepal con nhieu tiem nang de hop tac phat trien kinh te
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn

Về thương mại, mặc dù con số tuyệt đối kim ngạch thương mại hai chiều còn nhỏ, đạt 26,7 triệu USD năm 2018 (kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nepal đạt 26,4 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tại Nepal đạt 0,2 triệu USD). Nhưng thực tế còn nhiều cơ hội và dư địa lớn cho tăng trưởng thương mại giữa hai nước. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn có thể bổ sung, tương trợ cho nhau.

Việt Nam đang xuất khẩu các mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nước uống các loại đóng chai sang Nepal. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu từ Nepal một số mặt hàng mà Nepal có thế mạnh như sợi, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày, hương liệu, một số sản phẩm nông nghiệp như ngô, lúa mì, trái cây, hàng thủ công mỹ nghệ.

Về đầu tư, hiện nay hợp tác đầu tư giữa hai nước còn hạn chế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tiềm năng phát triển đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp như may mặc, thiết bị điện, chế biến nông sản, thực phẩm, năng lượng, thủy điện, viễn thông, du lịch.

Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng hàng đầu của Nepal, quốc gia sở hữu 8 trong số 14 đỉnh núi cao trên 8.000m trên thế giới. Sau chuyến thăm Việt Nam lần này, doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực du lịch sẽ nắm bắt nhiều cơ hội hợp tác hơn, khách du lịch hai nước sẽ qua lại nhiều hơn.

viet nam nepal con nhieu tiem nang de hop tac phat trien kinh te
Ông Khadga Prasad Sharma Oli - Thủ tướng Nepal phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Khadga Prasad Sharma Oli - Thủ tướng Nepal cho biết: "Hai nước đang có mối quan hệ hữu nghị rất tốt đẹp, đặc biệt mối quan hệ đó được thúc đẩy mạnh hơn trong sự tương đồng về văn hóa và tôn giáo, xã hội. Hai bên có một mối quan hệ chân thành dựa trên nguyên tắc không can thiệp và tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt, giữa hai bên có tiềm năng rất lớn để tiếp tục tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Ngày hôm nay, Nepal đang có hoài bão về chuyển đổi kinh tế để có sự thịnh vượng về kinh tế xã hội. Để làm được điều đó, Chính phủ đã có một phương châm là nước Nepal thịnh vượng, người Nepal hạnh phúc, trong một thời gian sớm trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Việc hiện thực hóa ước mơ đó đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ về cơ sở đầu tư hạ tầng, về nguồn lực con người cũng như cả về khía cạnh tài chính.

Gần đây chúng tôi đã thành công khi tổ chức hội nghị thương đỉnh đầu tư, trong hội nghị này chúng tôi đã mời Việt Nam và 10 quốc gia khác tham dự. Nepal có rất nhiều lợi thế và trở thành thị trường rất lớn sẽ mang lại cơ hội lớn cho các nước đầu tư. Chúng tôi cũng có hai thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cơ hội đầu tư ở các lĩnh vực khác như năng lượng, nông nghiệp, y tế… Đặc biệt, Nepal là một nền kinh tế vô cùng hiếu khách và thị trường rất tiềm năng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã tạo ra một môi trường thân thiện với đầu tư thông qua việc ban hành những đạo luật cần thiết, cũng như việc đưa hàng loạt những biện pháp chính sách pháp luật để bảo vệ đầu tư nước ngoài như: Chính sách về kinh doanh và đầu tư song phương, đơn giản hóa những quy trinh đầu tư đảm bảo dịch vụ một cửa đối với tất cả doanh nghiệp tham gia đầu tư… Bộ luật đối tác công tư đã mở đường cho sự tham gia nhiệt tình của cả hai phía công tư vào trong những đầu tư này.

Ngoài ra, việc hai Chính phủ ký biên bản ghi nhớ chính là khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy thương mại giữa hai đất nước, và điều này sẽ thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa hai đất nước và thúc đẩy mối quan hệ của cộng đồng kinh doanh của hai nước".

Thủ tướng Nepal nhấn mạnh, hiện đất nước ông vẫn còn rất nhiều lĩnh vực đầu tư còn bỏ ngỏ. Đặc biệt những cơ chế về thể chế mạnh mẽ làm cho Nepal trở thành điểm đến an toàn và khuyến khích tất cả các nhà đầu tư có thể tận dụng các cơ hội ở đây.

viet nam nepal con nhieu tiem nang de hop tac phat trien kinh teNepal hồi sinh dự án thủy điện với Trung Quốc
viet nam nepal con nhieu tiem nang de hop tac phat trien kinh teKhám phá lễ hội Teej ở Nepal
viet nam nepal con nhieu tiem nang de hop tac phat trien kinh teHLV Nepal thừa nhận không thể ghi bàn vào lưới U23 Việt Nam

Quang Hưng