“Việc nhẹ”... mất nặng!

08:39 | 12/03/2024

2,284 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bẫy “việc nhẹ, lương cao” được giăng ra đã mấy năm nay, khiến cho rất nhiều con mồi sập bẫy. Thế nhưng năm nào cũng có những cái bẫy mới giương ra với những chiêu trò quái đản, không phải người nhẹ dạ mà khối anh có kiến thức, thông thạo tin học cũng xơi quả đắng.
“Việc nhẹ”... mất nặng!
Ảnh minh họa

Có một điểm chung là những cái bẫy này đều được dựng trên các nền tảng xã hội. Trò lừa tung ra nhanh, bị lừa gạt cũng nhanh và số người bị hại có khi lên tới hàng chục nghìn. Tại sao người bị lừa lại dễ tin thế? Nói là vì “tham” thì cũng tội cho họ. Vì lúc đầu số đông cũng là để thử vận may xem sao. Nhưng rồi khi đã “dính” thì đành đánh gỡ, đành tin vào lời hứa mong manh và rồi càng bước càng thụt sâu.

Nóng nhất là vụ “việc nhẹ lương cao” vừa xảy ra hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3 này. Trùm lừa đảo có tên Công ty Thuận Trung Thông. “Thuận” mà hóa nghịch. “Thông” mà hóa tắc. Chả là Trùm lừa đảo ném ra miếng mồi béo bở: không cần phải có trình độ cao, chỉ cần khéo tay nhanh mắt là có thể kiếm từ 10 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Công việc gì mà ngon thế? Xin thưa, xâu vòng các hạt gỗ dùng để đeo tay và lồng kẹp tóc nhựa. Theo lời quảng cáo mùi mẫn thì vòng này, kẹp tóc này sẽ được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ. Bên đó hồi này đang chuộng món hàng độc, gỗ thơm, kẹp tóc nhẹ, bóng, do người Việt Nam khéo tay sản xuất. Xâu càng nhiều vòng, lợi nhuận càng lớn. Bán càng nhiều hàng thu nhập càng khủng.

Cố nhiên không phải ai cũng được làm. Muốn có “việc nhẹ” này thì phải góp vốn, đặt cọc. Sau khi đã hiểu rõ yêu cầu của ông chủ lừa, có người đã đặt tới 200 đơn hàng để nhận về làm gia công, tổng giá trị lên tới 250 triệu đồng. Người lao động mất khoảng 6 đến 10 phút sẽ xâu xong một vòng, có nghĩa là được hưởng 30 nghìn đồng. Thật là “ngon lành cành đào” (!). Cứ thế mà nhân lên, mức thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng không phải chuyện xa vời.

Nhưng ở đời ai học hết chữ ngờ, ai biết đâu “cá vàng bụng bọ”. Chữ ngờ thời kinh tế ảo này càng kinh dị. Các kho hàng, các đại lý mọc lên nhan nhản khắp các tỉnh, thành phố. Rồi bỗng nhiên đến một ngày lặn mất tăm. Chả thấy ai nhập hàng. Chả thấy ai thanh toán, mất cả tiền cọc lẫn tiền công. Hỏi đến ông trùm thì đã cao chạy xa bay. Máy điện thoại khóa. Zalo, Facebook biến mất. Ứng dụng đã... sập. Của đau con xót, các cô các bác bảo nhau viết đơn tố cáo gửi khắp nơi.

Đấy là chuyện mới nhất - chuyện trùm lừa “Thông” mà “tắc”. Còn năm ngoái năm kia cũng vô số kể chuyện bị lừa. Phổ biến nhất vẫn là được mời tham gia công việc qua mạng, có chiết khấu cao. Người tham gia chỉ cần gắn link sản phẩm (mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo) trên các sàn thương mại điện tử lên trên Facebook, Zalo của mình là có thể ung dung nhận tiền hoa hồng từ các shop. Khoản hoa hồng thường là 10.000 - 50.000 đồng/sản phẩm.

Các cao thủ lừa người tham gia bỏ ra khoản phí là 399.000 đồng, rồi được điền tên vào một nhóm trên Telegram. Sau đó bạn sẽ liên tục nhận được các hóa đơn nhận tiền từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ vài ba đơn hàng đầu trót lọt sau đó thì mất dạng, mà lý do thì lãng nhách: hệ thống bị lỗi cần thêm tiền để xác minh, đóng thuế. Và rồi, nhận kết cục thảm hại, đối tượng chặn tài khoản, lặn không sủi tăm.

Hỏi chuyện các chuyên gia an ninh mạng, chúng tôi nhận được cái lắc đầu thất vọng. Rằng, trò cũ nhưng nạn nhân mới, chỉ mong sao mọi người tỉnh táo, đừng sa vào loại cờ bạc trá hình này. Hãy nhớ rằng, các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất làm ăn chính đáng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân thông qua SMS, email, phần mềm chat. Nếu thấy có ai đó yêu cầu tức là đã xuất hiện bóng ma lừa đảo.

Khi gặp các tin nhắn có nội dung yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân chớ vội trả lời, không làm theo nội dung trong tin nhắn, nhất là truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ, hoặc không rõ nguồn gốc; không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email...

Và bạn ơi, để bảo vệ mình, cần lưu lại các bằng chứng, nhanh chóng phản ánh tới cơ quan chức năng, doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Trên đời này, chẳng bao giờ có tuyết rơi giữa mùa hè, chẳng bao giờ có thứ “việc nhẹ lương cao” đâu.

Hải Đường