Vì sao Trung Quốc thẳng tay với “con cưng”?

07:11 | 18/04/2021

156 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc từng là hiện thân của “giấc mơ Trung Hoa”, nhưng bây giờ bị thất sủng hàng loạt.

Alibaba và các đối thủ của mình như Tencent… hiện đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý Trung Quốc.

Khi các tập đoàn công nghệ bị siết quản lý, cổ phiếu các tập đoàn công nghệ Trung Quốc không còn hấp dẫn như trước đây. Ảnh: AP
Khi các tập đoàn công nghệ bị siết quản lý, cổ phiếu các tập đoàn công nghệ Trung Quốc không còn hấp dẫn như trước đây. Ảnh: AP

Những đứa con bị ruồng rẫy

Hoàn toàn khác với Mỹ khi Facebook, Google, Amazon… luôn mâu thuẫn với chính phủ, Trung Quốc từng có mối quan hệ “mặn nồng” với những tập đoàn công nghệ lớn, như Alibaba, Ant, Baidu, Tencent…

Do đó, khi Bắc Kinh bắt đầu thẳng tay với những đứa “con cưng” này, khiến nhiều người khó hiểu. Nếu tỷ phú Jack Ma tự dưng mất bóng, thì CEO Pony Ma của Tencent chủ động đề xuất thiết lập quy định chặt chẽ hơn với đế chế công nghệ trị giá 700 tỷ USD mà ông sáng lập.

Lần lượt lãnh đạo cao nhất của Ant Group, Pinduoduo - hai tập đoàn sở hữu dữ liệu của gần 2 tỷ người dùng bất ngờ từ bỏ vị trí ngai vàng, kéo theo là sự sụt giảm giá trị vốn hóa của các tập đoàn này lên đến 700 tỷ USD trong vòng 60 ngày - một con số mất mát chẳng khác nào khủng hoảng kinh tế.

Khoảng thời gian đầu năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục đưa ra các “lý do hoàn toàn kinh tế” để bày tỏ quan ngại với các tập đoàn công nghệ. Điều mà giới chức Bắc Kinh quan tâm chính là làm sao tránh bị những ông trùm dữ liệu thao túng.

Cuộc chiến không tiếng súng

Những tập đoàn công nghệ nói trên chính là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc, tạo ra bộ mặt rất khác so với danh xưng “công xưởng toàn cầu”. Nhưng bây giờ, Bắc Kinh muốn bảo vệ mặt quyền lực chính trị hơn là kinh tế.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) từng thu thập dữ liệu công dân thông qua chấm điểm tín dụng cá nhân, nhưng kết quả không như mong muốn. Trong khi các tập đoàn này kinh doanh dịch vụ nền tảng nên dễ dàng thâu tóm dữ liệu - điều mà nhà nước Trung Quốc rất thèm thuồng vì bây giờ dữ liệu chính là quyền lực. Bởi vậy, Trung Quốc muốn nắm quyền kiểm soát dữ liệu khổng lồ mà các tập đoàn này thu thập được trong 2 thập kỷ qua.

Khi buộc doanh nghiệp chia sẽ dữ liệu, đồng nghĩa với việc hai bên cùng chia sẻ quyền lực; hoặc các tập đoàn khổng lồ chấp nhận bị “xẻ thịt”, bán tài sản để phân tán sức mạnh, tiền lệ đã từng xảy ra tại Mỹ và Trung Quốc.

Dĩ nhiên, khi các tập đoàn công nghệ không còn độc quyền kiểm soát dữ liệu, sẽ không còn ngự trị ở ngôi vị thống trị, rủi ro cũng có thể đến với nhà đầu tư bất kỳ lúc nào. Điều này giải thích vì sao cổ phiếu các tập đoàn công nghệ Trung Quốc không còn hấp dẫn như trước đây.

Khi kinh tế dữ liệu đang bị siết chặt trên phạm vi toàn cầu, sẽ kéo theo những cuộc chiến khốc liệt đan xen song trùng nhau giữa doanh nghiệp và chính phủ, chính phủ và chính phủ, khiến tương lai của các tỷ phú công nghệ trơ nên u ám hơn bao giờ hết.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp