Vì sao Hội nghị G20 thất bại?

11:19 | 04/03/2023

195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ trưởng ngoại giao nhóm G20 đã ra về trong bực bội sau hai ngày họp mặt tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) mà không đưa ra được thông cáo chung do những bất đồng về cuộc xung đột Ukraine.
Vì sao Hội nghị G20 thất bại?
Ngoại trưởng Nga và Mỹ tham dự G20 tại Ấn Độ

Kết quả này tương tự Hội nghị G20 diễn ra tại Bali năm ngoái (15-16/11/2022) khi nước chủ nhà Indonesia cũng tuyên bố thừa nhận các nước tham gia còn quá nhiều khác biệt. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi ấy thậm chí đã rời khỏi cuộc họp sau khi phương Tây lên án gay gắt chiến sự ở Ukraine.

Thất bại được báo trước

Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 2/3, chỉ sau vài ngày tổ chức Hội Nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Bangalore (26/2). Cuộc họp này kết thúc mà không đạt được đồng thuận về một tuyên bố chung hay tài liệu tóm tắt lên án xung đột ở Ukraine.

Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và lạm phát gia tăng, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 cố gắng thống nhất các giải pháp cho những thách thức do nền kinh tế toàn cầu đặt ra. Ấn Độ, quốc gia giữ chức chủ tịch G20, đã công bố vào cuối buổi họp hôm thứ Bảy một “tài liệu tóm tắt” các cuộc thảo luận nhưng không đưa ra được tuyên bố chung. Tài liệu này cho biết: “Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ chiến sự ở Ukraine” với “những đánh giá khác nhau về tình hình và các lệnh trừng phạt”.

Một phần ghi chú ghi rõ trong hội nghị G20 chỉ có Nga và Trung Quốc không đồng thuận với hai tài liệu tóm tắt chiến sự ở Ukraine. Quan chức cấp cao Ấn Độ, ông Ajay Seth, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng đại diện của Nga và Trung Quốc không đồng ý cách dùng từ ngữ liên quan đến vấn đề ở Ukraine. Theo lập luận của hai nước này, thẩm quyền của họ là “giải quyết những vấn đề kinh tế và tài chính”.

Năm ngoái, tại các cuộc họp trước đó của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 dưới sự chủ trì của Indonesia, cũng kết thúc mà không có thông cáo chung nào được đề ra.

Tại Ấn Độ, Trung Quốc muốn giảm bớt cách dùng từ về Ukraine trong tuyên bố chung về hội nghị G20, theo một số quan chức giấu tên tiết lộ với AFP. Một trong số họ cho biết “Trung Quốc không muốn lên án cuộc chiến” ở Ukraine.

Buổi thảo luận thống nhất chung về một điều khoản kéo dài đến 2 giờ sáng Thứ Bảy (20h30 GMT thứ Sáu, 24/2), một quan chức khác cho biết. Nhưng tất cả đều vô ích. Mặc dù Trung Quốc chưa từng công khai tán thành hay chỉ trích việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng nhiều lần nước này thể hiện ủng hộ Moscow trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Trong một tuyên bố tại Moscow, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc phương Tây “gây bất ổn” cho các buổi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20. Theo Moscow, các nước gồm Hoa Kỳ, EU và G7 đã “phá vỡ việc thông qua những quyết định tập thể” bằng cách cố gắng áp đặt “sự độc đoán” của họ thông qua việc “tống tiền rõ ràng” để diễn giải về xung đột ở Ukraine trong tuyên bố chung. “G20 phải tiếp tục là một diễn đàn kinh tế thay vì lấn sang an ninh”, Moscow bổ sung.

Thứ Sáu tuần trước, Đức và Pháp đã yêu cầu đưa cụm từ “chiến tranh” vào thông cáo cuối cùng của Hội nghị Ngoại trưởng G20.

Vì sao Hội nghị G20 thất bại?

Những tranh cãi và khác biệt

Cuộc họp lần này có sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Anh James Cleverly, Trung Quốc cử Ngoại trưởng Tần Cương tham dự. Những nước không phải là thành viên G20 và các tổ chức đa phương cũng được nước chủ nhà Ấn Độ mời tham dự hội nghị. Tổng cộng có đại diện của 40 nước tham gia.

Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) gồm các nước có nền dân chủ giàu có (G7); Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Brazil, Ả Rập Saudi; và các quốc gia khác. Một cuộc họp của Ngoại trưởng Nhóm Bộ tứ (QUAD) gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật dự kiến cũng được tổ chức bên lề hội nghị.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ (giấu tên) cho biết, Thủ tướng Narendra Modi muốn cuộc họp kỳ này tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu và nợ công của các quốc gia đang phát triển. Theo quan chức trên, Ấn Độ không muốn xung đột tại Ukraine lấn át vấn đề này. Tuy nhiên, ông nói thêm “ý định của New Delhi là tiếp tục thể hiện tiếng nói của Nam bán cầu và nêu ra các vấn đề liên quan đến khu vực”.

Cuộc họp của các Ngoại trưởng G20 lần này cũng được đánh giá là nơi cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt về xung đột ở Ukraine.

Trước đó, Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ “gây nguy hiểm” cho hòa bình và ổn định khu vực ở eo biển Đài Loan khi một máy bay trinh sát và tuần tra P-8A Poseidon của hải quân Mỹ bay qua tuyến đường thủy nhạy cảm này.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên căng thẳng trong tháng này sau khi không quân Mỹ bắn hạ một vật thể mà họ nghi là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Hoa Kỳ. Trung Quốc tuyên bố khinh khí cầu là một khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu và vô tình bị thổi lệch hướng, đồng thời cho rằng Mỹ phản ứng thái quá. Cuộc tranh cãi khiến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hủy bỏ chuyến thăm Bắc Kinh như đã dự kiến. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, cho rằng việc xử lý sự cố khinh khí cầu của Hoa Kỳ là “không thể tưởng tượng được” và “cuồng loạn”.

New Delhi tìm cách giữ lập trường trung lập trong xung đột Nga - Ukraine. Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin giờ không phải thời chiến, thì Ấn Độ không lên án Moscow từ khi chiến sự bùng nổ, vừa tìm kiếm một giải pháp ngoại giao vừa tăng cường mua dầu của Nga.

Ông Anil Wadhwa, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ và là học giả nổi tiếng tại Tổ chức Quốc tế Vivekananda ở New Delhi, cho biết những bất đồng về cuộc xung đột lại nổi lên trong cuộc họp tuần này. “Các ngoại trưởng G20 khó có thể đồng thuận chung một tiếng nói để đề xuất cách thức và cơ chế xử lý tình hình ở Ukraine. Có vô vàn lý lẽ nhưng vấn đề quan trọng nhất là tình hình ở Ukraine dần trở nên cực kỳ dễ biến động”, ông Anil Wadhwa bày tỏ.

Cải cách và nợ nần

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các cường quốc thuộc G20 cũng thảo luận ở Ấn Độ về khoản nợ của các nước nghèo.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, trả lời phỏng vấn AFP: “Đây là một cuộc họp rất tốt. Tổng thống Ấn Độ đã làm tốt nhiệm vụ và tập trung vào những vấn đề thực sự quan trọng”.

Các cuộc thảo luận năm nay cũng bàn về việc giám sát tiền điện tử, cũng như cải cách các tổ chức tài chính quốc tế. Theo Thủ tướng Ấn Độ Modi, “kinh nghiệm của những năm trước - khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, đại dịch, khủng bố và chiến tranh - cho thấy rõ cách quản trị toàn cầu đã thất bại”. Ấn Độ đã soạn thảo một đề xuất kêu gọi các nước G20 giúp đỡ những quốc gia mắc nợ, bằng cách yêu cầu những chủ nợ lớn, bao gồm cả Trung Quốc, xóa đi phần lớn nợ. Vào năm 2020, G20 đã mở chương trình Khuôn khổ chung (Common Framework) của G20 về xử lý nợ, nhằm giúp các nước nghèo trì hoãn việc trả nợ, nhưng việc triển khai vẫn còn chậm. Hiện nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Mỹ đang nỗ lực tìm cách mở rộng khung cho cả những nước chỉ có thu nhập trung bình. Ấn Độ đã bày tỏ sự ủng hộ.

Mỹ vận động G20 giới hạn giá dầu của NgaMỹ vận động G20 giới hạn giá dầu của Nga
Nga công bố thỏa thuận khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ tại G20Nga công bố thỏa thuận khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ tại G20
Hội nghị thượng đỉnh G20: Nợ của các nước đang phát triểnHội nghị thượng đỉnh G20: Nợ của các nước đang phát triển

H.Phan

AFP