Vì sao gói 30.000 tỉ đồng giải ngân chậm?
Ông Nguyễn Mạnh Hà.
PV: Trước hết, xin ông cho biết tình hình giải ngân gói 30.000 tỉ đồng tính đến thời điểm hiện tại?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Tính đến 31/5, tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng của gói tín dụng 30.000 tỉ đồng là 14.161 tỉ đồng. Trong đó, số tiền cam kết với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đạt 8.817 tỉ đồng, số tiền đã giải ngân là 7.621 tỉ đồng; 33 dự án được giải ngân với số tiền là 2.101 tỉ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo của các Ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng hỗ trợ nhà ở thì đến thời điểm hiện tại, số vốn vay đã cam kết cho khách hàng tăng 200,4% (14.161 tỉ đồng so với 7.232 tỉ đồng), số hộ gia đình, cá nhân được cho vay vốn tăng 249,7% (18.062 cá nhân so với 7.232 cá nhân) so với thời điểm 31/8/2014.
PV: Nhưng nhiều người cho rằng, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng như vậy là chậm, và một phần nguyên nhân trong đó là do Bộ Xây dựng hướng dẫn đối tượng thu nhập thấp dưới mức thu nhập cá nhân mới được vay. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Ngày 07/1/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu và mới được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014, trong đó có nội dung liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Theo đó, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng sẽ hỗ trợ cho vay đối với các nhóm đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; có khó khăn về nhà ở vay để mua, thuê nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp (có quy mô dưới 70 m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc tổng giá trị hợp đồng kể cả nhà và đất dưới 1,05 tỉ đồng); có đất ở và chưa được Nhà nước hỗ trợ vay để xây mới hoặc cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch; các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân vay để phát triển các dự án nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng thứ nhất mua, thuê, thuê mua.
Sau đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 và Thông tư số 17/2014/TT-BXD ngày 18/11/2014 hướng dẫn cụ thể điều kiện, thủ tục đối với các nhóm tượng được vay gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng. Theo đó, cần phân biệt rõ 2 nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội và mua nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá bán thấp là khác nhau. Cụ thể:
Đối với nhóm đối tượng người dân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì điều kiện là đã có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định. Điều kiện để người dân được ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được quy định tại Nghị định 188/2013/NĐ-CP chứ không phải Nghị quyết 02 và các văn bản hướng dẫn Nghị quyết này.
Đối với nhóm đối tượng người dân vay vốn mua nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp (có quy mô dưới 70 m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc tổng giá trị hợp đồng kể cả nhà và đất dưới 1,05 tỉ đồng) thì điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội (diện tích nhà ở bình quân nhỏ hơn 8m2 sử dụng/người); có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở, đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên; đã có hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật. Các trường hợp này chỉ cần cơ quan, đơn vị nơi công tác, hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận về tình trạng nhà ở, không phải xác nhận về tình trạng thu nhập, không phải chứng minh mức thu nhập có thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không.
Như vậy, nói gói tín dụng 30.000 tỉ đồng giải ngân chậm một phần vì hướng dẫn đối tượng thu nhập thấp dưới mức thu nhập cá nhân mới được vay là không chính xác.
Một góc khu nhà ở Đặng Xá.
PV: Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Bên cạnh những kết quả cụ thể đã đạt được, tình hình triển khai cho vay gói 30.000 tỉ đồng trong thời gian vừa qua cho thấy trong thực tế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, kết quả giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng của các đối tượng vay vốn. Nguyên nhân chủ yếu sau đây là do:
Thứ nhất là quy định về điều kiện để được vay vốn hỗ trợ thì người có nhu cầu vay vốn phải có hợp đồng mua hoặc thue mua đã ký với chủ đầu tư, nghĩa là trên thị trường phải có đủ sản phẩm phù hợp với điều kiện quy định. Tuy nhiên, hiện nay tại các địa phương, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì số lượng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích căn hộ nhỏ, giá bán dưới 15 triệu đồng m2 hoặc dưới 1,05 tỉ đồng/căn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Do đó, số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân có hợp đồng đã ký với chủ đầu tư dự án để đáp ứng điều kiện được vay vốn từ gói hỗ trợ còn hạn chế. Đối với các đối tượng vay vốn là doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ, nhưng còn vướng nợ xấu mà theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng thì ngân hàng thương mại có thể từ chối cho vay để bảo đảm an toàn đối với hoạt động tín dụng trong ngân hàng, vì vậy các dự án này cũng chưa được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Thứ hai, các đối tượng có nhu cầu vay vốn ngoài việc bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về đối tượng và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng còn phải đảm các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó yêu cầu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải có đủ vốn vốn tối thiểu không vượt quá 20% tổng số tiền vay; doanh ngiệp là chủ đầu tư dự án phải có đủ vốn tối thiểu không vượt quá 30% tổng số tiền vay. Ngoài ra, khách hàng vay vốn còn phải đáp ứng các điều kiện cho vay theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng (phải chứng minh đủ khả năng thu nhập để trả nợ đối với khoản vay)…
PV: Sắp tới Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu quan trọng đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Để phát triển nhà ở xã hội, một trong những yếu tố quan trọng là hình thành nguồn vốn trung và dài hạn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội và tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định. Đồng thời cần đẩy mạnh huy động các nguồn vốn theo quy định của Luật Nhà ở để hỗ trợ cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, bao gồm: Vốn đầu tư của Nhà nước từ ngân sách, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước…
Bên cạnh đó cần có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành có liên quan trong việc đề xuất sửa đổi các cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, thuế liên quan đến nhà ở xã hội, đặc biệt là vai trò của chính quyền các địa phương trong việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và thủ tục chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân có đất ở phù hợp với quy hoạch vay vốn hỗ trợ để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà ở của mình hoặc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo quy định của pháp luật; tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng thông qua công tác phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở xã hội.
Để đẩy nhanh việc giải ngân gói 30.000 tỉ, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và Ngân hàng Nhà nước để xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và thủ tục chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất để tăng nhanh nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1,05 tỉ đồng căn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở có đủ điều kiện để vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Ngọc (Năng lượng Mới)
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025