Vì sao doanh nghiệp “chê” PPP?
Rủi ro phân bổ không đều
Theo Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 (VBF 2017), khả năng thanh toán là trở ngại lớn đầu tiên cho việc thực hiện thành công mô hình PPP. Hiện nay, Chính phủ đã cho phép việc chuyển đổi tiền ngoại tệ sang tiền đồng và ngược lại để đầu tư các dự án cũng như tiền thu hồi vốn của dự án nhưng để huy động được vốn lại không đơn giản. Tuy nhiên, ở những dự án có yếu tố nước ngoài, suất đền bù và thi công vẫn cao, trong khi đó số tiền thu hồi vốn từ việc bán vé ở các dự án mới lại chỉ bằng so với các dự án cải tạo. Điều này là bất hợp lý.
Ngoài ra, còn một loạt vấn đề liên quan đến thực thi các quy định của pháp luật về PPP như việc thế chấp quyền sử dụng đất cho bên cho vay nước ngoài; các quy trình phê duyệt, thu hồi đất và bồi thường cho dự án PPP khá phức tạp. Sự không chắc chắn trong việc áp dụng luật nước ngoài trong hợp đồng mà tất cả các bên là pháp nhân Việt Nam phải tuân thủ... cũng khiến các doanh nghiệp ngoại lo sợ.
Một trở ngại nữa, là việc phân bổ rủi ro giữa Chính phủ và khu vực tư nhân là không đều. Theo VBF 2017, một trong những động lực chính của chương trình PPP là đảm bảo tính hiệu quả của khoản đầu tư. Vậy nên, nguyên tắc chủ đạo trong việc thực hiện một dự án là các rủi ro cần được phân bổ cho bên có khả năng tốt nhất để quản lý các rủi ro.
![]() |
PPP sẽ giúp giải quyết bài toán vốn cho hạ tầng giao thông (Ảnh: Internet) |
Điều quan trọng đối với các nhà đầu tư là Việt Nam cần xây dựng một cơ chế phân bổ rủi ro nhất quán và thống nhất giữa các lĩnh vực đầu tư khác nhau, qua đó cho phép nhà đầu tư có thể dự đoán được một cách tương đối chắc chắn về việc các rủi ro nào sẽ do Chính phủ chịu trách nhiệm.
Bên cạnh những rào cản trên, Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng VBF 2017 còn chỉ ra một loạt các vấn đề khác liên quan đến hình thức PPP như cách nhìn nhận của các cơ quan quản lý có thẩm quyền còn mang nặng tính đầu tư công nên dẫn tới việc e ngại trong việc thực thi các giải pháp, thủ tục đầu tư rườm rà…
Gỡ vướng cho PPP
Mô hình PPP là việc Nhà nước và Nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án nhằm kết hợp được những điểm mạnh của cả hai khu vực này. Chính vì vậy, Nhóm Công tác cho rằng, nếu không có hướng dẫn rõ ràng về cơ chế phân bổ rủi ro, việc đàm phán thực hiện các điều kiện hợp đồng của các tài liệu dự án chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian và trở nên phức tạp cho tất cả các bên.
Từ thực tế đó, Nhóm Công tác đề xuất Chính phủ nên tập trung nguồn lực để thực hiện một số dự án tiêu biểu để chứng minh tính khả thi của mô hình PPP. Chỉ khi có mô hình thành công nhất định, cơ quan quản lý và nhà đầu tư mới có thể có động lực theo đuổi PPP.
Thứ nữa, với các lĩnh vực khách nhau, Chính phủ nên ban hành hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ của Chính phủ và cơ chế hỗ trợ bù đắp thiếu hụt tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ cho phép các nhà đầu tư và Nhà nước có thể thống nhất được với nhau về chương trình, mục tiêu, tiến độ đầu tư và huy động vốn cho các dự án.
Nhóm Công tác cũng kêu gọi Chính phủ nên xác định rõ ràng việc thực hiện thành công chương trình PPP chính là lợi ích của Chính phủ, do đó cần nhìn nhận các dự án từ cả các khía cạnh thương mại. Nhìn nhận dự án từ khía cạnh thương mại là bao gồm việc xây dựng các báo cáo nghiên cứu khả thi theo các tiêu chuẩn quốc tế; đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư và có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng và minh bạch với các đối tác tư nhân.
Thanh Ngọc
-
Dừng thực hiện Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP
-
Đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT
-
Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị
-
Đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư
-
Kỳ vọng thu hút đầu tư các đại dự án giao thông