Vì sao chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng công nghiệp?

10:38 | 10/07/2018

816 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thông tin từ Bộ Công Thương, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2018 có mức tăng trưởng cao tới 12,7% (năm 2017 chỉ đạt 9,7%), chiếm hơn nửa ngành hàng xuất khẩu có giá trị tỉ USD, đóng vai trò “điểm sáng” dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát cụ thể hơn ở 24 ngành cấp 2 thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, nhóm các ngành có tốc độ tăng trưởng IIP cao (tăng trên mức tăng 12,7% của toàn ngành) gồm 8 ngành là: Dệt tăng 13,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 20,3% do thời điểm này năm trước Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ máy móc, thiết bị); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 16,2%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (tăng 13,5%); sản xuất kim loại (tăng 20,7% chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa với sản lượng thép tháng 6/2018 gấp 8,7 lần cùng kỳ năm trước và 6 tháng gấp 8,1 lần); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 18,4%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học (tăng 17,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (tăng 18,4%).

vi sao che bien che tao dan dat tang truong cong nghiep
Ô tô lắp ráp trong nước tăng, xe nhập khẩu giảm mạnh.

Đặc biệt là các ngành trong nhóm đều đạt tốc độ tăng trưởng dương (ngoại trừ ngành sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017). Tình hình một số nhóm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều sự đột phá, hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng mạnh đến hết năm 2018.

Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc và vươn lên là một trong 5 nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định CPTPP (thông qua tháng 3/2018) với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc “từ sợi trở đi”.

Cùng với đó là triển vọng về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. Khả năng Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ...

Ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 274,6 triệu m2, tăng 9,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 525,9 triệu m2, tăng 22,1%; quần áo mặc thường ước đạt 2.305,5 triệu cái, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 6 tháng ước đạt 13,415 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt xuất khẩu tăng đều ở các thị trường so với năm trước, cụ thể: xuất khẩu sang Ấn Độ, Ba Lan, Anh, Arập Xêút, Áo, Bỉ...

Ngành da giày có cơ hội được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc nhưng cũng phải đối mặt với với một số khó khăn như: Chi phí nhân công ngày càng tăng; năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực… Sản xuất của ngành tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ 2017. Sản lượng giày, dép da 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 127,4 triệu đôi, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại ước đạt 7,79 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ.

vi sao che bien che tao dan dat tang truong cong nghiep
Ngành dệt may tiếp tục là điểm sáng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

6 tháng đầu năm 2018, một số sản phẩm của ngành cơ khí, điện, điện tử có tốc độ tăng trưởng khá như tivi ước đạt 5.478,5 nghìn cái, tăng 17% so với cùng kỳ; xe máy ước đạt 1.658,2 nghìn cái, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các sản phẩm động cơ, máy kéo, máy xay xát, bơm nước, ru lô cao su… có mức tiêu thụ thấp hơn cùng kỳ năm trước do sự sụt giảm mạnh xuất khẩu sang các thị trường Sri Lanka đang không thuận lợi về thời tiết.

Đối với ngành ô tô, tính chung 6 tháng, sản xuất ô tô ước đạt 114,6 nghìn cái, tăng 3,3% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2018, nhiều chính sách đối với thị trường ô tô có hiệu lực như chính sách thuế nhập khẩu của một số dòng xe từ ASEAN về 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe động cơ dưới 2.0L giảm thêm 5%, Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2018.

Thị trường ô tô đã có những thay đổi đáng kể. Sản lượng ô tô lắp ráp trong nước phục hồi mạnh, tăng khoảng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (trừ xe dưới 9 chỗ ngồi) 6 tháng đầu năm giảm 87,9% so với cùng kỳ năm 2017 còn 2.941 chiếc; xe ô tô dưới 9 chỗ đạt 8.315 chiếc, giảm 68,6%. Thời gian vừa qua, các công ty lắp ráp ô tô tăng cường mở rộng, nâng công suất như Công ty Trường Hải đã khánh thành nhà máy Thaco Mazda, Công ty Huyndai Thành Công mở rộng sản xuất, lắp ráp dòng xe thương mại.

Ngành sản xuất kim loại màu tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 43,7%; 5,3% và 16% so với cùng kỳ năm trước.

vi sao che bien che tao dan dat tang truong cong nghiep
Công nghiệp sản xuất thép dự báo sẽ có mức tăng trưởng 20% trong năm 2018.

Có được sự tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm 2018 chủ yếu là do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm 2018, đặc biệt việc giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm, tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành.

Dự báo ngành thép 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Đặc biệt sản xuất thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất 154% so với năm ngoái nhờ Formosa Hà Tĩnh dự định tăng gấp đôi công suất sản xuất khi đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018, giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7 - 8 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, một số dự án dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán khoảng 600 nghìn tấn trong tháng 8/2018; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350 nghìn tấn; Công ty Tung Ho dự kiến đưa vào dây chuyền sản xuất công suất 600 nghìn tấn thép xây dựng trong 6 tháng cuối năm.

vi sao che bien che tao dan dat tang truong cong nghiep
Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Cà Mau.

Thời gian qua, bức tranh của ngành phân bón đang dần trở nên sáng hơn với những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp trong ngành. Những chính sách của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực và thúc đẩy doanh nghiệp phân bón phát triển. Ngày 2/3/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế 1.128.531 đồng/tấn, kéo dài trong thời gian 2 năm.

Mặc dù việc áp thuế được xem như giải pháp tình thế trong bối cảnh hiện nay, nhưng đây sẽ là biện pháp giúp bảo vệ ngành sản xuất phân bón trong nước, giúp cho các doanh nghiệp trong ngành phân bón ổn định sản xuất.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng phân đạm urê ước đạt 1.041,1 nghìn tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ; phân NPK khoảng 1.487,9 nghìn tấn, tăng 2% so cùng kỳ; phân lân (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) khoảng 738,4 nghìn tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ; phân DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) khoảng 261,8 nghìn tấn, tăng 42,8% so với cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 6 năm 2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD), hàng dệt, may (13,42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).

Bùi Công