Văn hóa giúp nâng tầm, lan tỏa giá trị thương hiệu du lịch Việt Nam

08:23 | 15/04/2023

256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Văn hóa chính là điểm mạnh nhất của ngành du lịch Việt Nam, là động cơ thúc đẩy việc đi du lịch của khách, là nguồn lực quan trọng nhất mang tính quyết định sự phát triển bền vững của du lịch.

Đó là những chia sẻ của các chuyên gia tại diễn đàn Du lịch toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 14/4 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023.

Văn hóa giúp nâng tầm, lan tỏa giá trị thương hiệu du lịch Việt Nam
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, đại dịch Covid-19 đồng thời đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch. Vì vậy, Du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút thị trường khách nước ngoài cũng như phát triển du lịch nội địa. Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15/3/2023 vừa qua, nhiều vấn đề quan trọng, mang tính định hướng của toàn ngành đã được đưa ra bàn luận, đánh giá, nhìn nhận theo đa chiều trong đó có vấn đề phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam gắn với khai thác hiệu quả, bền vững các giá trị văn hóa, truyền thống, hiện đại của dân tộc.

Để phát triển du lịch văn hóa, diễn đàn đã tập trung làm rõ vai trò, mối quan hệ giữa văn hóa - du lịch, du lịch - văn hóa và các giải pháp phát triển du lịch văn hóa Việt Nam thời gian tới. Qua hai phiên diễn đàn với chủ đề “Mối quan hệ văn hóa - du lịch, du lịch văn hóa Việt Nam” và “Đề xuất các giải pháp phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam”, lãnh đạo ngành, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, các chuyên gia du lịch, đại diện các doanh nghiệp du lịch đã trao đổi những vấn đề tồn tại và vướng mắc trong phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam để đề ra các giải pháp phát triển trong giai đoạn mới.

Văn hóa giúp nâng tầm, lan tỏa giá trị thương hiệu du lịch Việt Nam
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ tại diễn đàn

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, du lịch trước đây được coi là một hoạt động liên quan đến giải trí và tách biệt với cuộc sống hàng ngày và văn hóa của người dân địa phương. Đến cuối thế kỷ XX, đặc biệt là từ năm 1980 trở đi, quan hệ văn hóa - du lịch đã thay đổi nhanh chóng, vai trò của tài nguyên văn hóa trong việc thu hút khách du lịch và tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến đã rõ ràng hơn và tài nguyên văn hóa đã được xem là nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, sự liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc và vai trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn, vì du lịch văn hóa đã tăng thêm việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam cũng đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền... Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh "Ký ức Hội An’’, "Áo dài’’, "Tinh hoa Bắc Bộ’’, "Múa rối nước’’, "À Ố Show’’. Ngoài ra, các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Văn hóa giúp nâng tầm, lan tỏa giá trị thương hiệu du lịch Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại diễn đàn

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng: Vai trò của văn hóa với du lịch, là một tiềm năng mạnh, trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam khai thác du lịch một cách hiệu quả dựa trên những gì đang có, Bộ thấy rằng còn nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển. Hai sự kiện tới đây chúng tôi sẽ làm là cùng Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam xây dựng chương trình “Việt Nam huyền sử ca”, dễ thưởng thức, dễ lan tỏa, đưa những cái mới nhất của công nghệ vào; tính giáo dục; tính thẩm mỹ, nằm trong tổng thể để chương trình thu hút được khách; Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023.

"Chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị từ ngày 25 đến 27/5 tại Khánh Hòa cùng chủ đề, đề cập đến mối quan hệ giữa 2 lĩnh vực du lịch - điện ảnh, quảng bá trực tiếp các sản phẩm du lịch khách sạn gắn với điện ảnh, để các phim Việt Nam quảng bá ra nước ngoài có thương hiệu du lịch Việt Nam”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ.

Văn hóa giúp nâng tầm, lan tỏa giá trị thương hiệu du lịch Việt Nam
Toàn cảnh diễn đàn

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu cũng đã giới thiệu nhiều mô hình, sản phẩm du lịch văn hóa, đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa làm yếu tố để thu hút khách trong nước và quốc tế.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh, việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đã mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam vẫn còn ít sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước; Thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu đồng bộ, đặc biệt những nơi có tài nguyên du lịch ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa vì vậy chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên du lịch văn hóa có giá trị của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng, nhiều điểm tài nguyên văn hóa có giá trị chưa được đầu tư khai thác thành các sản phẩm du lịch. Sự biến thể văn hóa từ một số các lễ hội truyền thống của địa phương từ việc tổ chức đến tham gia lễ hội còn nhiều tồn tại và biến tướng ở địa phương. Nhiều hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh để buôn thần bán thánh, chèo kéo, lừa bịp du khách... vẫn còn tồn đọng.

Đặc biệt, nhiều chính sách, dự án, phong trào xây dựng, khai thác các nguồn lực văn hoá cho phát triển du lịch còn kém hiệu quả. Điển hình như các mô hình du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng mở ra ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, những mô hình này chưa được nghiên cứu phù hợp, chưa coi trọng mục tiêu phát triển văn hoá và sinh kế cho cư dân bản địa mà chỉ nhằm khai thác vốn văn hoá của họ.

Văn hóa giúp nâng tầm, lan tỏa giá trị thương hiệu du lịch Việt Nam
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại VITM Hà Nội 2023

Bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã thành công trong việc khai thác các yếu tố văn hóa để phát triển du lịch như Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc... Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia, bà Lan đặt vấn đề, Việt Nam cũng nên coi việc khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch là hướng đi mới giúp cho ngành du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trưởng khoa Du lịch (Đại học Văn hóa Hà Nội) Bùi Thanh Thủy đề xuất, ưu tiên phát triển 8 dòng sản phẩm du lịch: Du lịch di tích lịch sử - văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch lễ hội; du lịch làng nghề; du lịch văn hóa ẩm thực; du lịch nghệ thuật công cộng; du lịch văn hóa tộc người; du lịch cảnh quan văn hóa đảm bảo tính cạnh tranh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó Nhà nước cần có chính sách cụ thể về hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa trong các lĩnh vực: Cải thiện cơ sở hạ tầng; bảo tồn di sản; phát triển bản sắc văn hóa vùng; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và cơ sở vật chất du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển du lịch văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Chú trọng đào tạo nhân lực cho du lịch văn hóa; xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, tình nguyện viên du lịch văn hóa để cung cấp cho khách du lịch thông tin về truyền thống văn hóa, lịch sử, lễ hội... của khu vực. Đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến du lịch văn hóa.

N.H

VITM Hà Nội 2023: Định hướng phát triển du lịch văn hóaVITM Hà Nội 2023: Định hướng phát triển du lịch văn hóa
ITE HCMC 2023: Tạo đột phá, xúc tiến quảng bá du lịch Việt NamITE HCMC 2023: Tạo đột phá, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam
Rác thải nhựa đang đe dọa trực tiếp đến ngành du lịch Việt NamRác thải nhựa đang đe dọa trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam
Phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọnPhát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn