Vấn đề Biển Đông: Mỹ-Ấn Độ thúc đẩy thượng tôn pháp luật và UNCLOS, Philippines nói "đã nhìn thấy đường đi" cho COC

09:02 | 03/07/2023

586 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ đang thúc đẩy vai trò của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết những bất đồng.
Mỹ tìm kiếm liên minh mạnh mẽ hơn với Ấn Độ ở Biển Đông
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế tại Biển Đông. (Nguồn: AP)

Mở rộng, tăng cường hợp tác Mỹ-Ấn

Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương đã bày tỏ kỳ vọng về mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ ở Biển Đông.

Quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ ngày 27/6 cho biết Mỹ mong đợi một quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có những tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington của Thủ tướng Narendra Modi hồi tuần trước, Mỹ và Ấn Độ cũng đã tuyên bố họ là “một trong số những đối tác thân thiết nhất trên thế giới”, đồng thời nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải, bao gồm cả ở Biển Đông.

Ông Daniel Kritenbrink vừa qua khẳng định với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington rằng Mỹ đã nhìn thấy “xu hướng rõ ràng và ngày càng tăng của chính sách 'chèn ép' từ Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp".

Khi được hỏi liệu Ấn Độ có vai trò ngày càng tăng ở Biển Đông và hợp tác nhiều hơn với Mỹ ở đó hay không, ông Kritenbrink trả lời: "Có". Đồng thời nói thêm rằng sẽ có sự hợp tác lớn hơn giữa nhóm Bộ tứ (Quad), bao gồm các cường quốc khu vực là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định trọng tâm của Mỹ trong khu vực là xây dựng năng lực của các đồng minh, đối tác và bạn bè có chung tầm nhìn về một thế giới hòa bình và ổn định.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hoan nghênh việc hợp tác với bất kỳ quốc gia nào có tầm nhìn này, tất nhiên bao gồm cả Ấn Độ”. Ông nói thêm: “Các nước lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ hơn”.

Căng thẳng leo thang tại khu vực biển tranh chấp ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển thông thương quan trọng nhất thế giới và là nơi trung chuyển ít nhất 1/3 thương mại toàn cầu trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này và nói rằng các tranh chấp nên để các nước trong khu vực tự giải quyết mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Mỹ đã và đang tìm cách khôi phục kênh liên lạc quân sự trực tiếp với Trung Quốc để tránh những hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột ngoài ý muốn, nhưng Trung Quốc đã phản đối.

Mặc dù không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, Ấn Độ trong những năm gần đây đã tăng cường quan hệ an ninh trong khu vực, cho thấy ý định đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc.

Mỹ tìm kiếm liên minh mạnh mẽ hơn với Ấn Độ ở Biển Đông
Hình ảnh các tàu của Ấn Độ và Philppines trong cuộc tập trận ở Biển Đông ngày 23/8. (Ảnh: QT)

Vì mục tiêu chung

Song song với Mỹ, Ấn Độ cũng đang thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác trong vấn đề Biển Đông. Ngày 29/6, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Philippines Enrique Manalo đã cam kết tăng cường hợp tác song phương trong bối cảnh 2 nước cùng tìm thấy mục tiêu chung là chống lại các yêu sách lãnh thổ bành trướng của Trung Quốc ở vùng biển này, khẳng định lợi ích chung đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do, rộng mở và bao trùm”.

Thông điệp về sự đoàn kết đã xuất hiện trong cuộc gặp ở New Delhi, nơi Ấn Độ cùng Philippines kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye năm 2016.

Một tuyên bố chung được đưa ra sau khi hai ngoại trưởng đồng chủ trì kỳ họp thứ năm của Ủy ban Hỗn hợp Ấn Độ-Philippines về hợp tác song phương thể hiện hai nhà ngoại giao, trong đó cho biết đã có thảo luận “trên diện rộng và thực chất” về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết của việc “giải quyết hòa bình các tranh chấp”.

Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo ngày 28/6 đã miêu tả các tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines với Trung Quốc là “thách thức lớn” trong mối quan hệ của nước này với Trung Quốc, song khẳng định “những khác biệt mà chúng tôi có với Trung Quốc không phải là tổng thể mối quan hệ”.

Phát biểu tại một sự kiện do Hội đồng các vấn đề quốc tế Ấn Độ, một viện nghiên cứu chính sách tại New Delhi tổ chức, ông Manalo cho biết các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được đẩy mạnh trong 4-5 năm qua. Nhà ngoại giao Philippines nói về nỗ lực này: “Chúng tôi có thể chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, nhưng chúng tôi nhìn thấy đường đi và đang trên con đường đó”.

Đi sâu hợp tác hàng hải

Cũng trong ngày 29/6, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar và người đồng cấp Manalo cam kết tiếp tục hợp tác trong các vấn đề quốc phòng. Manila cho biết sẽ xem xét đề nghị của New Delhi về hạn mức tín dụng ưu đãi để đáp ứng “các yêu cầu về quốc phòng, mua sắm khí tài hải quân, mở rộng hoạt động huấn luyện và diễn tập chung về an ninh hàng hải và ứng phó thảm họa”. Hai bên đã đồng ý bổ nhiệm một tùy viên quốc phòng Ấn Độ tại Manila.

Một nguồn tin ngoại giao cho biết “hợp tác hàng hải song phương có thể diễn ra dưới hình thức các cuộc diễn tập liên quan đến tăng cường Nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA). Đây có thể là sự kết hợp của nhiều hoạt động.

Cả hai đều là các quốc gia có biển và có phạm vi rộng lớn để có thể xác định các hoạt động hợp tác khác nhau trong tương lai, như các thương vụ mua sắm và tuần tra chung, trao đổi thông tin, các kế hoạch triển khai và bất cứ điều gì để tăng cường MDA.

Nguồn tin này cũng cho biết hợp tác quốc phòng song phương Ấn Độ-Philippines sẽ tiếp tục phát triển và sẽ không bị giới hạn chỉ ở các thương vụ mua sắm khí tài. Tháng 1/2022, Philippines đã ký thỏa thuận trị giá 375 triệu USD với Ấn Độ để mua 3 khẩu đội tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Lô hàng đầu tiên dự kiến được giao vào cuối năm nay.

Với rất nhiều cơ hội hợp tác quốc phòng, các nguồn tin nói rằng Philippines có thể tận dụng chuyên môn của Ấn Độ trong lĩnh vực này. Cuộc đối thoại quan trọng không chỉ về vũ khí, mà còn nhấn mạnh hợp tác thông qua các khóa đào tạo, trao đổi quân sự lớn hơn và các cuộc tập trận chung trong tương lai.

Về hợp tác hàng hải, tuyên bố chung cho biết cả hai ngoại trưởng đều nhấn mạnh những nội dung quan trọng và thiết thực của MDA, kêu gọi sớm đưa vào vận hành quy trình vận hành tiêu chuẩn cho Thỏa thuận thông tin về tàu thuyền phi quân sự (WSA) giữa Hải quân Ấn Độ và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Hai bên cũng trông chờ việc ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác hàng hải giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của 2 quốc gia, tuyên bố lưu ý.

Lập trường thống nhất của Ấn Độ và Philippines được thể hiện mạnh mẽ sau những cam kết hợp tác mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong các cuộc hội đàm song phương hồi tuần trước tại Washington. Một tuyên bố chung từ Nhà Trắng cho biết 2 nhà lãnh đạo “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế”, đặc biệt được phản ánh trong UNCLOS và việc duy trì tự do hàng hải và hàng không, bao gồm cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Dư luận quốc tế đề cao quan điểm, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề Biển ĐôngDư luận quốc tế đề cao quan điểm, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông
Chuyên gia Nga: UNCLOS có giá trị chiến lược quan trọng trong vấn đề Biển ĐôngChuyên gia Nga: UNCLOS có giá trị chiến lược quan trọng trong vấn đề Biển Đông