Vắc xin miễn phí miễn dịch tốt hơn vắc xin dịch vụ

07:18 | 27/12/2015

1,340 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau khi xảy ra vụ lộn xộn ở Trung tâm tiêm chủng Polyvac, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo để phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên cũng như đưa ra giải pháp cho vấn đề vắc xin dịch vụ và vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. 
Bộ Y tế ra công văn khẩn sau vụ 'vỡ trận vacxin'

Tổ chức kém!

Trước sự việc xảy ra tại Trung tâm tiêm chủng Polyvac ngày 25/12, sau khi họp khẩn cấp giữa lãnh đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan như Cục Dược, Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ngày 26/12, Bộ Y tế tổ chức ngay cuộc họp báo để phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn trên đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục hiện tượng này cũng như nói rõ hai mặt mạnh và yếu của vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.

vac xin mien phi mien dich tot hon vac xin dich vu
Người dân chen chúc nhau ở Trung tâm Polyvac để đăng ký số tiêm chủng

Chủ trì cuộc họp báo, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định để xảy ra sự cố như ở Trung tâm Polyvac là không thể chấp nhận được. Bởi bất cứ thời điểm nào, ngành y tế cũng phải đặt mục tiêu sức khỏe cộng đồng, người dân lên hàng đầu. Để xảy ra tình trạng lộn xộn ở Trung tâm Polyvac chính là khâu tổ chức của Trung tâm đã không tốt trong khi đây là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định việc tiêm phòng dịch vụ thành công hay không.

Vẫn biết có nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức này do nhu cầu thì lớn mà vắc xin không đủ đáp ứng, nhưng: “Trong tất cả những khó khăn, chúng ta phải chọn giải pháp nào đỡ khó khăn nhất và phù hợp để thực hiện”, ông Phu nhận định.

Ông Phu cũng quán triệt: “Nhất định từ ngày hôm nay, các cơ sở tiểm chủng phải nghĩ giải pháp an toàn để tổ chức tiêm phòng tốt, an toàn, có thể bằng cách tổ chức đăng ký qua mạng (email), website của cơ sở tiêm chủng, điện thoại. Thứ nữa là cùng một lúc tiêm hàng trăm liều vắc xin dễ dẫn đến những nguy cơ không lường trước được. Các cơ sở tiêm phải tổ chức tư, vấn hướng dẫn tốt đồng thời có thể tổ chức thêm bàn tiêm chủng”.

Quinvaxem miễn dịch tốt hơn Pentaxim

Giải thích về việc vì sao nhu cầu vắc xin dịch vụ ngày càng tăng trong khi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng lại bị “quay lưng”, ông Phu cho rằng do quan niệm của người dân về việc vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí Quinvaxem) dẫn đến nhiều tai biến gây tử vong. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi không loại vắc xin nào bảo đảm an toàn 100%. Loại nào cũng có thể có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định do tiêm vắc xin là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể.

vac xin mien phi mien dich tot hon vac xin dich vu
Một bà mẹ đã ngất xỉu khi chờ đợi quá lâu để đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ cho con ở Trung tâm Polyvac

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, năm qua đã tiêm tổng cộng 4,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem, trong khi đó tiêm dịch vụ chỉ chiếm khoảng 10% (vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1). Nếu như tiêm dịch vụ cũng nhiều như vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì tỷ lệ phản ứng nặng dẫn đến tử vong cũng có thể diễn ra như tiêm phòng Quinvaxem thời gian qua. Và phải nói thêm tử vong này không phải hoàn toàn do Quinvaxem mà là sự trùng lặp ngẫu nhiên như lúc tiêm có thể trẻ đang trong thời gian ủ bệnh khoảng 4-5 ngày trước đó hoặc trẻ quá mẫn với thuốc.

Hay có nhiều bậc phụ huynh lo ngại tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng con sẽ bị sưng tấy, đau tại chỗ,  nóng sốt dẫn đến quấy khóc hơn so với tiêm vắc xin dịch vụ. Ông Trần Đắc Phu giải thích, Quinvaxem là vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên khi tiêm, trẻ sẽ đau, nóng sốt. Còn Pentaxim chứa thành phần ho gà vô bào nên phản ứng ở trẻ được tiêm sẽ đỡ hơn. Tuy nhiên, nếu xảy ra phản ứng nặng thì theo PGS.TS Trần Đắc Phu hai vắc xin này là như nhau. Thậm chí về tác dụng thì loại vắc xin toàn tế bào như Quinvaxem còn miễn dịch tốt hơn loại vắc xin vô bào như Pentaxim. Chính vì vậy ông Phu quan ngại nếu tỷ lệ sử dụng vắc xin dịch vụ tăng lên 60-70% thì miễn dịch cộng đồng sẽ kém, khả năng bùng phát dịch bệnh sẽ cao.  

Ông Phu khẳng định: “Do đó, tiêm chủng mở rộng vẫn phải là ưu tiên hàng đầu”.

Còn việc Bộ Y tế vẫn khuyến khích nhập khẩu vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim nếu như doanh nghiệp nào có nguồn để giải quyết nguồn cung hạn chế hiện nay theo ông Phu đó là vì đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là những người chưa thực sự tin tưởng vào vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thiếu vì nhà sản xuất

Trả lời nguyên nhân vì sao hiện vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 khan hiếm như vậy để rồi dẫn đến tình trạng hỗn loạn như ở Trung tâm Polyvac hay nhiều trẻ không tiêm đủ mũi hoặc tiêm không đúng thời hạn quy định, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược giải thích đó là do nhà sản xuất không đủ  hàng để cung cấp cho Việt Nam vì họ thay đổi công nghệ, chuyển địa điểm sản xuất…  

“Cũng không có chuyện Bộ Y tế cấm nhập khẩu vắc xin dịch vụ hay doanh nghiệp tạo ra cơn sốt ảo nhằm tăng giá, trục lợi như đồn thổi… Bởi đây là thời điểm nhạy cảm, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt không để xảy ra tăng giá, mức trần vẫn là 630.000 đồng/liều”, ông Cường cho biết.

vac xin mien phi mien dich tot hon vac xin dich vu
Tiêm vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ

Hiện nay, theo ông Cường, có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vắc xin ho gà vô bào là Nhật Bản, hãng GlaxoSmithKline (GSK) và Sanofi Pasteur. Để có 200.000 liều vắc xin Pentaxim từ nhà sản xuất Sanofi Pasteur cung cấp cho Việt Nam từ tháng 12/2015 đến tháng 2 năm 2016, theo ông Cường là một nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế. Phải thương thuyết nhiều lần, họ mới đồng ý điều phối thuốc từ các quốc gia khác mà họ cũng cung cấp dành cho Việt Nam. Còn trước đó, cũng diễn ra trao đổi, bàn bạc giữa Bộ Y tế và nhà sản xuất vắc xin Nhật Bản nhưng nhà sản xuất này nói rẳng công suất sản xuất của họ chỉ đủ cung cấp trong nước, không đủ cho xuất khẩu. Nhưng trước việc “lùng sục” vắc xin dịch vụ của Việt Nam, các nhà sản xuất, đặc biệt là Hàn Quốc rất lấy làm lạ vì nếu không tiêm Pentaxim thì có thể tiêm Quinvaxem - vắc xin đang được 94 nước trên thế giới đang sử dụng có cùng tác dụng như Pentaxim.

Ông Cường cho biết: “Vắc xin Pentaxim của nhà sản xuất Sanofi,  Pháp ngay trên đất Pháp cũng thiếu chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Tình trạng “sốt” vắc xin này xảy ra trên toàn thế giới. Ở một số quốc gia như Singapore và một số nước khác chẳng qua không thiếu là do họ đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Mà đã đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì nhà sản xuất phải cam kết cung cấp đủ hàng. Còn như ở Việt Nam chỉ là vắc xin dịch vụ thì họ không bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Nhu cầu này được ước tính khoảng từ 600.000 đến gần 1 triệu liều/năm theo ước tính của một doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin”, ông Cường nói. Chính vì vậy, việc bảo đảm đủ số lượng vắc xin 5 trong 1 hay 6 trong 1 năm 2016 là Bộ Y tế không chắc chắn.

Ông Phu khuyến cáo để bảo đảm sức khỏe cho trẻ không mắc dịch bệnh thì đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, không được đợi quá 1 tháng để tiêm đủ mũi vắc xin dịch vụ (3 mũi và 1 mũi nhắc lại). Vì như vậy mũi tiêm sẽ không hiệu quả. Trong trường hợp đó, phải tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ngay.  

Trong suốt những năm qua, có thể nói rất nhiều dịch bệnh Việt Nam đã phòng chống rất tốt. Đó chính là thành quả của việc tiêm chủng được bảo đảm đúng - đủ. Nếu bây giờ vì vắc xin dịch vụ mà người dân bỏ tiêm hoặc không bảo đảm đúng quy định khi tiêm, thì khả năng bùng phát dịch bệnh rất cao và khi đó thì hậu quả  lớn hơn nhiều so với việc chỉ trông chờ vào tiêm vắc xin dịch vụ. 

Tú Anh