UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng thêm 1.450 căn nhà chống bão, lũ

19:07 | 13/05/2022

984 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - UNDP sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ Việt Nam xây dựng thêm 1.450 ngôi nhà chống bão, lũ tại các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Cà Mau.
UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng thêm 1.450 căn nhà chống bão, lũ
Nhà chống bão lũ do UNDP hỗ trợ Việt Nam xây dựng

Ngày 13/5, tại hội thảo "Nhà an toàn chống chịu bão, lụt: Mô hình thành công và hướng đi trong thời gian tới" thuộc khuôn khổ Hội nghị quốc tế “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu", bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh trong thời gian tới, UNDP sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam xây dựng thêm 1.450 ngôi nhà chống bão, lũ. Các ngôi nhà trên sẽ được mở rộng đến các tỉnh từ Bình Định đến Cà Mau.

Mô hình nhà chống bão, lũ là sáng kiến giúp cộng đồng chống chọi với các rủi ro và tác động liên quan đến khí hậu đã được Chính phủ Việt Nam (đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng) với sự hợp tác của UNDP và Quỹ Khí hậu Xanh triển khai từ năm 2018.

Sáng kiến giúp cộng đồng chống chọi với các rủi ro và tác động liên quan đến khí hậu kết hợp hỗ trợ viện trợ không hoàn lại và chương trình nhà ở quy mô lớn của Chính phủ là giải pháp quan trọng, góp phần xây dựng các ngôi nhà chống bão và lũ lụt ở một số địa điểm dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất của Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Theo số liệu của UNDP, tính đến nay, đã có 4.100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt được hỗ trợ xây dựng cho những hộ dân nghèo ở các tỉnh ven biển miền Trung như: Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thanh Hóa.

Bà Caitlin Wiesen cho biết, tất cả những ngôi nhà an toàn chống bão lụt được xây dựng trong thời gian qua tại các tỉnh ven biển miền Trung đã chống chọi rất tốt với những cơn bão liên tiếp và lũ lụt quy mô lớn đổ bộ vào Việt Nam. Những căn nhà này đã bảo vệ an toàn cuộc sống và sinh kế của người dân tại nhiều cộng đồng.

"Đây là kết quả của cam kết không bỏ lại ai phía sau. UNDP tin tưởng và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nhà ở an toàn chống chịu bão, lụt cho những người dân dễ bị tổn thương tại các tỉnh ven biển Việt Nam", bà Caitlin Weisen nhấn mạnh.

Là tỉnh đi tiên phong đầu tiên thực hiện dự án “tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam,” ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết trong 4 năm qua, dự án đã hỗ trợ xây dựng hoàn thiện 683 căn nhà an toàn phòng chống bão, lụt tại 5 huyện ven biển của tỉnh.

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết trong đợt mưa lũ lịch sử khủng khiếp năm 2020, hàng nghìn ngôi nhà phòng tránh lụt, bão xây dựng cho các hộ nghèo, hộ khó khăn ở những vùng hay có lũ lụt đã phát huy hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, đây là việc làm thiết thực hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Huyên hiện đang sinh sống tại xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và bà Hoàng Thị Thoàn, tại xã Phong Chương (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã bày tỏ niềm vui mừng khi được hỗ trợ ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt. Qua đó cho thấy, nhờ có những căn nhà chống bão, lũ, người dân đã yên tâm và an toàn hơn trước những các rủi ro và tác động liên quan đến khí hậu, thiên tai, bão lũ trong thời gian qua.

UNDP: Nhiều chính sách quan trọng cho vùng đất dễ tổn thương nhấtUNDP: Nhiều chính sách quan trọng cho vùng đất dễ tổn thương nhất
Liên Hợp Quốc đang huy động 40 triệu USD hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên taiLiên Hợp Quốc đang huy động 40 triệu USD hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai
Độc đáo ý tưởng nhà di động chống lũ của một sinh viênĐộc đáo ý tưởng nhà di động chống lũ của một sinh viên

H.T