Tự thức - nguồn năng lượng tư duy lạ trong thơ Bùi Việt Phương

21:30 | 11/11/2020

458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cầm tập thơ mỏng mảnh có tựa đề “Ngày lạ” (NXB Hội Nhà văn) của tác giả trẻ Bùi Việt Phương (sinh năm 1980) trên tay, tôi thầm nghĩ, có lẽ mình đọc một loáng là xong. Vậy nhưng không, tôi đã phải mất cả hai tuần với tập thơ này, không chỉ đọc, mà ngẫm ngợi. Và rồi, trong một đêm mất ngủ, tôi mới có thể đọc xong tập thơ.
Tự thức - nguồn năng lượng tư duy lạ trong thơ Bùi Việt Phương
Nhà thơ Bùi Việt Phương

Và tôi cần giải thích ngay đây lý do tại sao không thể đọc nhanh tập thơ mỏng. Bởi tuy nó mỏng nhẹ về hình thức nhưng ý tứ, tầng thức suy tưởng, độ dày của nghĩa chữ đã khiến tôi phải trở đi trở lại với tập thơ để ngẫm nghĩ. Tập thơ chia ra làm ba phần: CHỢT, THỨC, CON ĐƯỜNG.

Với phần CHỢT, quả thực đó là những khoảnh khắc rất ngẫu nhiên của đời, trong những không gian, thời gian khác nhau, tác giả nhặt, lượm, tích trữ được cái cảm, để rồi thấy chính mình, lạ đấy, quen đấy, như một người đã đủ độ bình tĩnh, đi gom lại chính những mảnh hồn mình tao loạn trong thế sự.

“Lạ lùng nhặt được ta dưới chín tầng mây,

Ngày lại ngày

Mải đợi em

Mà đội trời, đạp đất.”

(Bài thơ Ngày lạ)

Có lẽ trong thời hỗn loạn, loài người đang mê mải trong cơn cuồng phát triển, mê tiến lên đoạt lấy mọi thứ, thì tự THỨC chính là cách con người có thể trở về với chính mình, đạt tới độ an yên, cho một thế giới hòa bình, bởi hòa bình mới là giá trị cao cả nhất. Trong thơ mình, tác giả Bùi Việt Phương đã chỉ ra một con đường để tự thức, đó là sáng tạo chỉ để “khai sáng chính mình”, và thông qua mình, rồi thế giới sẽ dần được khai sáng.

“Nhân loại đã thỏa ước xong

Bằng những con đường nguệch ngoạc

Ta vẫn tin ở chính mình

Chính mình

tin ở bàn tay

bàn tay không gặp lại những con đường

Không lạc vào hoang dại

Vẽ chỉ để khai sáng

Chính mình.”

(Bài thơ Tự thức)

THỨC, để nhận ra và đi trên một CON ĐƯỜNG. Tập thơ được chia làm ba phần, nhưng rõ ràng hữu ý được nối chặt với nhau bởi một cốt lõi của sự trăn trở tìm về chính mình, rồi thức tỉnh, rồi tìm ra một con đường, để đi đến một THỨC khác. Nhưng trên con đường ấy, ta đi với ai? Cho đến lúc này, một nhân vật thứ hai lúc ẩn lúc hiện thấp thoáng trong phần một và phần hai, đã rõ nét. Nhân vật đó là EM, ám ảnh, níu buồn. Có một EM thuộc về ai khác, nơi khác, không gian khác, nhưng vì năng lượng tình yêu mà khiến Em có thể hiện hữu, trên CON ĐƯỜNG anh đi.

Con đường ấy không chỉ có ý chí khô khan, không chỉ có bình yên tẻ nhạt, mà vẫn thắm hoa, lộng gió, dậy sóng trong tim, giao hòa sống giữa hai nhân vật chính, như âm-dương. Chính năng lượng tình yêu đó, làm nên một chất nhạc mơ hồ trong câu chữ, dụ dẫn người đọc thám hiểm CON ĐƯỜNG của tác giả Bùi Việt Phương, để tiếp tục phát hiện ra những tầng THỨC của cảm, của nghĩ, của dấn bước, để đồng cảm và dần thấu hiểu ra một nhân vật khác hơn, lạ hơn qua từng lớp vỏ chữ.

Tự thức - nguồn năng lượng tư duy lạ trong thơ Bùi Việt Phương
Tự thức - nguồn năng lượng tư duy lạ trong thơ Bùi Việt Phương

“Em vẫn gọn gàng sắp xếp chuyện nắng, mưa

Cây phải lớn như đời em phải thế,

Lá rụng

lâu thật khẽ

Khẽ như vừa mục nát một cái tên.

Rồi cánh rừng anh đi qua,

Cũng quên,

Xanh

Thật lâu và thẫm.”

(Bài thơ Qua một cánh rừng)

Chất thơ trong ngôn từ, không chỉ là âm của từng chữ, từng câu, hài hòa nhịp điệu, mà trong tác phẩm của Bùi Việt Phương, còn là THỨC của dòng năng lượng tư duy khác biệt hoàn toàn, nó không hề dễ nhận ra trong lần đọc đầu tiên. Nó thách thức người đọc, thậm chí với tôi, là sự ám ảnh tới mức khó ngủ nếu chưa thể THỨC ra điều sâu thẳm còn được giấu kỹ sau từ, sau ý, sau nhạc thơ. Bởi chất kết tinh lại trong thơ được mã hóa ở THỨC.

“Trịnh là tiếng hát của muôn người

Gửi một bàn tay viết hộ

Viết hư không vào rừng bỗng xanh

Viết thênh thang vào rừng bỗng gió

Viết lên mộ hoang kia bỗng cỏ

Viết tim mình bỗng mãi hư vô…”

(Bài thơ Nhớ Trịnh)

Và cuối cùng, phần thưởng cho tôi trong việc đọc đi đọc lại tập thơ “Ngày lạ” là một câu thơ chợt thấy hay sửng sốt như thế này:

“Hai lứa hạt mầm

Rễ vẫn lục tìm nhau”

(Bài thơ Hai người cùng quê)

Phải chăng, một tác giả còn khá trẻ như thế, viết được như thế, là do đã biết để năng lượng vũ trụ trào qua ngòi bút mình!

Kiều Bích Hậu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps