Từ ký ức đèn dầu, tôi đã đi cùng ánh sáng quê hương

09:00 | 27/06/2020

912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhớ những ngày thơ ấu, quê tôi - một xã vùng ven của huyện vùng cao thì làm gì có điện. Khi màn đêm gieo bóng tối bao trùm xuống làng thì nhà nào cũng leo lét những ngọn đèn dầu. Mọi việc về đêm của người quê tôi bấy giờ đều diễn ra dưới ánh đèn dầu ấy. Và đương nhiên, cả việc học hành của tôi cũng vậy. Phải nói, ánh đèn dầu thì tối. Ừ thì rất tối nhưng quê nghèo thì lấy đâu ra đèn điện thắp từ bình acquy hay kéo dây từ “nhà máy đèn”. Nhà khổ, tiền đâu mà mua bình acquy và đèn điện. Và thậm chí, khi dùng đèn dầu cũng không dám chong đèn cháy lớn kẻo lại “hao dầu”. Cứ thế, tôi cứ căng mắt lên từng đêm với cây đèn dầu hiu hắt mà không dám phàn nàn với mẹ. Bởi mẹ đã nói: “Thiếu cơm thì chết, chớ thiếu ánh sáng thì… chả có chết ai”. Câu nói này của mẹ đã trở thành hoài niệm mà hôm nay, ở giữa phố phường sặc sỡ sắc màu, tôi vẫn nhiều lần đăm chiêu niềm nhớ.
Từ ký ức đèn dầu, tôi đã đi cùng ánh sáng quê hương

Đêm đêm, tôi bầu bạn với cây đèn dầu

Phải nói, tôi là đứa học hành siêng năng nhất làng thời đó. Và đặc biệt, tôi còn rất mê đọc sách. Cứ đêm về, tôi lại học bài và đọc sách dưới ngọn đèn hột vịt tù mù của của mẹ. Nếu vặn đèn cháy lớn lên thì khói mù cả bóng đèn, cay cả mắt; nhưng bỏ bóng chụp đèn ra để đèn sáng hơn thì ngọn đèn lại bị lao chao vì gió. Vậy nên, ngọn đèn dầu vẫn cứ phải co ro trong cái bóng to bằng quả trứng, còn tôi thì cứ phải ngồi căng mắt để tìm từng con chữ. Trời mùa hè nóng bức, dùng chiếc quạt nan phe phẩy cho đỡ chút mồ hôi có khi lại làm tắt mất đèn. Rồi có lần ham đọc sách khuya, tôi mệt mỏi gục đầu xuống bàn ngủ thiếp đi mà quên không tắt đèn. Tay chân mê ngủ quờ quạng khiến cho đèn ngã, dầu đổ loang ra, bén lửa cháy gần hết mớ sách vở mà mẹ đã chắc chiu hơn cả năm trời để dành dụm mua cho. Nhìn cả đống sách vở cháy nham nhở mà tôi vẫn tự an ủi rằng, mình còn may mắn vì chưa phải… đốt nhà(!). Đó là một sự cố nhớ đời, một hoài niệm không thể quên được. Hành trình đi tìm “con chữ” của tôi ngày ấy gian nan là thế!

Qua những tháng ngày thăng trầm với quầng sáng đèn dầu le lói, cuối cùng, tôi cũng đạt được giấc mơ tri thức mà tôi cho là “sứ mệnh”- thi đậu vào cấp 3 trường chuyên của huyện. Sửa soạn lên đường nhập học khi trời còn nhập nhoạng, mẹ lụm khụm bưng cây đèn dầu tiễn tôi ra đầu làng để kịp đón xe lên phố. Khi chen lên được chuyến xe chật như nêm và ngoái đầu nhìn lại, mẹ tôi vẫn còn đứng đó trông theo với bao nhiêu kỳ vọng. Rồi bóng mẹ nhòa dần trong sương sớm cùng với một quầng sáng cô đơn heo hắt của ngọn đèn dầu…

Rồi tôi ra phố. Phố thị ngày ấy cũng đã “phát triển” hơn xóm đèn dầu của tôi rất nhiều. Nhưng “nhà đèn” ở phố ngày ấy dường như vẫn còn đơn sơ lắm. Giữa phố phường “văn minh” là thế nhưng “cái điện” của ông “nhà đèn” thì vẫn cứ bữa có bữa không. Hôm nào có điện thì xóm trọ của tôi lại vui như Tết, mấy cô mấy bác lại mang trà thuốc ra ngồi nhâm nhi hàn huyên dường như chỉ để nhìn ngắm mỗi cái bóng đèn sợi đốt đang đỏ chót. Điện yếu, ánh đèn dây tóc sáng tờ mờ, nhìn mặt người dưới ánh đèn yếu ớt, vàng chạch!

Từ ký ức đèn dầu, tôi đã đi cùng ánh sáng quê hương
Cây quạt “con cóc” một thời để nhớ trong ký ức

Tôi là dân quê lên trọ học nhưng lại rất oách vì được một người bác họ thưởng cho thành tích thi đỗ vào trường chuyên một cây quạt “con cóc” cũ. Cây quạt có vòm chân cong cong ngồi chễm chệ trên bàn như thách thức niềm hân hoan của lũ trẻ cùng trang lứa. Mỗi khi “ông” nhà đèn lên điện, tôi mang “con cóc” cắm vô ổ cắm điện rồi ngồi phía trước nhìn cánh gió kêu ù ù mà cảm nhận cuộc đời mình “lên hương” chi lạ. Và cũng từ đó, điện với tôi là một cái gì đó vừa rất gần, vừa rất xa, vừa đam mê cháy bỏng nhưng lại bí ẩn vô cùng. Phải chăng, đó là động lực để tôi quyết chí theo đuổi đam mê hai từ “thợ điện”; để mỗi lần bà con quê có hỏi học gì trên phố thì tôi không đắn đo trả lời là “học làm thợ điện”. Với tôi bấy giờ, một ước mơ giản đơn luôn thường trực là mơ ước làng tôi cũng sẽ mau có điện. Lúc ấy, chính đôi tay tôi sẽ lắp được cái bóng đèn, cái công tắc cho bà con làng xóm đêm đêm bật lên sáng rực trong niềm hãnh diện tự hào!

Từ ký ức đèn dầu, tôi đã đi cùng ánh sáng quê hương
Quảng trường thành phố Tuy Hòa về đêm

Và rồi, trời không phụ người, không phụ đam mê của tôi. Cuối cùng, tôi đã thi đỗ vào khoa điện. Ra trường, tôi lại được tuyển dụng vào làm nhân viên ngành điện. Sau gần hai mươi lăm năm công tác gắn bó trong ngành điện, tôi đã chứng kiến bao nhiêu sự đổi thay của ngành và đất nước. Nhớ những ngày đầu thập niên 90 vẫn còn “ăn đèn, ngủ điện”, điện chỉ mới kéo đến vài khu phố trung tâm của tỉnh lúc bấy giờ. Ngày nay, từng con phố nhỏ, từng làng xóm xa xôi và hẻo lánh nhất của đất nước, kể cả nơi đảo xa cũng đã được cung cấp điện lưới quốc gia. Dòng điện của Tổ quốc hôm nay đã làm đổi thay tư duy lao động sản xuất của bao người dân cần cù và chân chất. Nhờ có điện, bao vất vả nhọc nhằn ngày ấy đã được hiện đại hóa bằng những máy móc, những công nghệ hiện đại. Các công trình xây dựng hoành tráng đã được mọc lên và khoát lên mình những sắc màu lung linh mỗi khi đêm về. Các thiết bị dùng điện, các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại cũng đã hiện hữu khắp mọi nhà… Điện đã đến khắp nơi, đất nước đã đổi thay, người dân đã dần no ấm… Dẫu biết rằng, con đường phía trước của bản thân và của cả ngành điện sẽ còn nhiều khó khăn và thử thách nhưng chứng kiến những đổi thay hôm nay, tôi cảm thấy thật tự hào cho ngành điện Việt Nam, hãnh diện cho những CBCNV ngành điện miền Trung đã vượt qua khó khăn, kiên trì và nỗ lực không ngừng, đưa ngành điện phát triển trước một bước để làm động lực cho ngành của đất nước cùng phát triển đi lên.

Điện lực miền Trung, những người thợ điện lực miền Trung - họ đã và đang góp những hạt phù sa lớn vào dòng chảy của con sông quê hương trên con đường đổi mới. Và tôi, từ ký ức ngọn đèn dầu, tôi đã đi cùng ánh sáng quê hương như thế…

Như Ý (EVNCPC)