Từ Khiết Đan đến Cathay

07:00 | 27/02/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Tại sao người châu Âu ngày xưa lại gọi Trung Quốc là "Cathay"? (Lê Thủy)

Học giả An Chi: Trả lời cho câu hỏi tương tự,  trên Kiến Thức Ngày Nay số 188 (10/10/1995), chúng tôi đã viết:

“Địa danh Cathay xuất hiện lần đầu tiên có lẽ là trong quyển du ký của một thương nhân người Ý tên Marco Polo (1254-1324) nhan đề “Le livre des diversités et merveilles du monde” mà ông đã đọc bằng tiếng Pháp cho một người bạn tù ghi lại. Nhưng đó không phải là hình thức nguyên thủy vì tiền thân của nó là Kidan, thấy được trong một quyển sách lịch sử nhỏ nhan đề “Libellus Historicus” của một người Ý khác tên là Giovanni da Pian del Carpine (1182 (?) - 1252).

Tác giả này là một tu sĩ dòng Thánh Francisco, được chỉ định làm khâm sai của Giáo hoàng Innocent IV bên cạnh các hãn người Mông Cổ, theo quyết định của Hội nghị giám mục họp tại Lyon (Pháp) năm 1245. Bấy giờ, miền Bắc Trung Quốc còn đang được người Trung Á và các tộc người lân cận với những người này biết đến dưới cái tên Khiết Đan, vốn là một quốc hiệu về sau được đổi thành (nước) Liêu (916-1115), sau khi nó được mở rộng thêm.

Giai đoạn này về sau đã được chính sử của Trung Hoa gọi là Liêu Kỷ (kỷ nguyên nhà Liêu). Vậy Kidan trong sách “Libellus Historicus” rõ là một hình thức phiên âm khá trung thành của hai tiếng Khiết Đan 契丹. Nhưng ngay từ đầu thì hình thức phiên âm trên cũng đã có một biến thể là Kita, biến thể này cũng tồn tại ngay trong quyển sách của Pian del Carpine (Theo Victor Chklovski, Le voyage de Marco Polo, trad. par Marc Slonim, Paris, 1948, pp.60-61). Và Kita chính là tiền thân của Cathay trong quyển du ký của Marco Polo”.

Nay xin bổ sung như sau:

Xuất xứ của tên Cathay là tộc danh Khiết Đan 契丹, mà các nước châu Âu thời bấy giờ biết đến dưới hình thức Khitan. Ban đầu, Cathay là cái tên mà dân Trung Á, Tây Á và châu Âu dùng để chỉ miền Bắc Trung Quốc và cái tên này càng trở nên phổ biến hơn ở châu Âu sau khi quyển du ký (nói trên) của Marco Polo được công bố (còn miền Nam Trung Quốc thì được Polo gọi là Manji).

Theo Wikipedia thì hình thức Cathai đã được ghi nhận trong một tài liệu về đạo Ma-ni bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ (Uighur) vào khoảng năm 1000. Sau đó, cái tên này cũng đã được người Hồi giáo ở Trung Á biết đến: Năm 1026, khi triều đình Ghaznavid (ở Afghanistan ngày nay) được sứ thần nước Liêu bái kiến thì họ gọi đây là người của vua Qatā. Qatā hay Qitā là cái tên đã xuất hiện trong các công trình của Al-Biruni và Abu Said Gardezi trong những thập kỷ tiếp theo.

Trong quyển “Sách về việc quản lý quốc gia” của mình, học giả và nhà cai trị Nizam al-Mulk (1018-1092) người Ba Tư đã ghi nhận Khita và China như là tên của hai nước khác nhau, mà ta có thể ức đoán là tên trước chỉ nhà Liêu còn tên sau thì chỉ nhà Tống. Vào nửa đầu thế kỷ XIII, sử Ba Tư gọi vùng dất Trung Quốc bị Mông Cổ xâm chiếm là Khitāy; còn chính người Mông Cổ thì lại gọi đó là Khitan trong quyển “Bí sử” của họ. Khi các nhà du lịch người Âu và người Arập đến đế quốc Mông Cổ thì họ gọi miền Bắc Trung Quốc đang bị Mông Cổ cai trị là Cathay (với một số cách viết khác nhau). Một vài tác giả khác như Rashid-al-Din Hamadani, ibn Battuta và Marco Polo thì gọi miền Bắc Trung Quốc là Cathay còn miền Nam là Mangi, Manzi, Chin hoặc Sin.

Dưới đây là quá trình chuyển biến từ Khiết Đan đến Cathay trong một số ngôn ngữ:

Mông Cổ: Khyatad/Kitad;
Duy Ngô Nhĩ (Uighur): Xitay;
Kazakh: Qitay;
Nga & Bulgar: Kita;
Latinh trung đại: Cataya, Kitai;
Tây Ban Nha: Catay;
Ý: Catai;
Bồ Đào Nha: Cataio;
Anh, Đức, Hà Lan: Cathay.

Trong nhiều thế kỷ, người châu Âu cứ ngỡ rằng Cathay (chỉ Hoa Bắc) và China (chỉ Hoa Nam) là hai nước riêng biệt; phải đến đầu thế kỷ XVII thì họ mới dần dần biết rằng, trong thực tế đó chỉ là một nước.

A.C