TS Nguyễn Minh Phong: Công ty mua bán nợ là cần thiết nhưng…

07:50 | 17/11/2012

1,265 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Khối u” nợ xấu đang có nhiều biểu hiện tiêu cực, đe dọa sự ổn định, phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong khi một loạt các giải pháp như giãn nợ, gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất... lại đang cho thấy kết quả rất hạn chế thì ý tưởng thành lập một công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng đang nổi lên là phương thuốc đặc trị khả thi nhất, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội để làm rõ vấn đề này.

PV: Xung quanh con số nợ xấu của nền kinh tế đang tồn tại rất nhiều tranh cãi, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này ở nước ta hiện nay?

TS Nguyễn Minh Phong: Nợ và nợ xấu giờ như một căn bệnh mãn tính, là bạn đồng hành và đã bao phủ tất cả các nước trên thế giới, kể cả những nước giàu và phát triển nhất như Mỹ, Nhật hay các nước EU cho đến những nước nghèo, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nợ và nợ xấu của Việt Nam có mấy điểm đáng lưu ý sau:

Thứ nhất, tổng số nợ đang tăng dần và vẫn chưa có con số chính xác bởi chưa có một cơ quan nào đủ uy tín, đủ công phu cũng như thẩm quyền có thể tập hợp đầy đủ số nợ để đưa ra một con số cụ thể. Chính vì vậy, nợ xấu là bao nhiêu lại càng tù mù bởi cái tổng nợ còn chưa rõ thì nợ xấu càng chưa rõ, càng khó xác định. Thứ hai, đa số nợ, nợ đọng, nợ xấu của nền kinh tế lại rơi vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). Trong khi đó, thị trường BĐS lại đang có đặc điểm: Giá hiện đang rất tù mù, không có giá đồng loạt và có dấu hiệu giảm giá rất nhanh; không có cơ chế đánh giá lúc thị trường trầm lắng; thậm chí, có thể nợ xấu BĐS sẽ bị che giấu bởi “nghệ thuật” tài chính, kế toán như thế chấp BĐS, mà lại được thế chấp đi thế chấp lại nhiều lần khiến giá BĐS được tính vống lên, còn trong vấn đề kế toán thì việc phân chia nợ, phân chia đầu tư cũng được thực hiện để tạo nên một cơ cấu che giấu nợ...

Chính vì vậy, có thể nói, nợ xấu trong lĩnh vực BĐS là một trong những con số tù mù, khó xác định nhất. Điều này thể hiện rõ trong một phát biểu gần đây khi mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong số 2 triệu tỉ đồng dư nợ trong hệ thống ngân hàng thì đã có tới 1 triệu tỉ đồng dư nợ nằm trong BĐS, nhưng ngay sau đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại cho rằng, con số đó chỉ là 5%. Thế có nghĩa là con số nợ xấu BĐS sẽ lệch nhau từ 5 đến 50%.

TS Nguyễn Minh Phong

PV: Mức độ nghiêm trọng của nợ xấu mà Việt Nam đang phải đối diện hiện ra sao, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Nếu xét ví dụ nợ xấu hiện là 200.000 tỉ, tương đương khoảng 10 tỉ USD thì đối với nước ngoài, đây là con số không hề lớn, thậm chí là rất nhỏ, ví như năm 2011, chỉ trong vòng 1 tháng, Chính phủ Thái Lan đã bỏ ra 10 tỉ USD để hỗ trợ Bangkok giải quyết hậu quả lũ lụt. Nhưng nếu xét theo tỉ trọng GDP, xét theo khả năng thanh toán của các NH, của các doanh nghiệp, của các chủ nợ và xét theo thu nhập thực tế của người dân thì đây là con số lớn. Hơn nữa, nếu so với ngân sách Nhà nước, so với dự trữ ngoại tệ quốc gia thì rõ ràng là rất lớn, đặc biệt là với một quốc gia có dự trữ ngoại tệ chỉ trên dưới 11-12 tuần như Việt Nam.

Chính vì vậy, đánh giá nợ xấu ở Việt Nam nếu so với thế giới thì không hề lớn nhưng so với khả năng trả nợ, với thực lực, với dự trữ ngoại tệ, với cái mình đang có thì đây lại là gánh nặng và gánh nặng đòi hỏi không thể chỉ một đơn vị, một phía giải quyết được.

PV: Nếu nợ xấu kéo dài sẽ dẫn tới hậu quả như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Nợ xấu không thể giải quyết trong ngày 1 ngày 2 được. Bản thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng từng nói, trong 10 năm tới thì mới có hy vọng giải quyết được chứ vài năm tới thì cũng không dám hứa xử lý xong nợ xấu. Hơn nữa, điều này cũng phù hợp với thực tế, bởi lấy đâu ra tiền.

Hệ quả của nó thì quá rõ ràng, đối với các con nợ thì ngày càng cận kề miệng hố phá sản bởi không bán được hàng, không đầu tư kinh doanh được, lại chịu lãi suất NH, mà vẫn phải trả lương nuôi bộ máy... Còn đối với chủ nợ thì cũng không vui vẻ gì, mặc dù họ được tính khối lượng nợ tăng lên nhưng nợ lại càng xấu đi.

Đặc biệt, đối với nền kinh tế nói chung thì đó là mất việc làm, mất động lực tăng trưởng, là an sinh xã hội, thu nhập... và cuối cùng nền kinh tế ảm đạm là một trong những hậu quả lớn nhất.

PV: Theo ông, nút thắt nào đang ngăn cản những nỗ lực giải quyết nợ xấu của Chính phủ, của nền kinh tế?

TS Nguyễn Minh Phong: Muốn xử lý nợ xấu thì trước tiên phải gỡ nút thắt BĐS, mà cụ thể là phải làm sao đẩy đi được “đống” khách sạn, nhà hàng, chung cư cao cấp đang tồn đọng thì lúc đó lượng vốn cơ bản của nền kinh tế mới được giải thoát.

Chúng ta thấy, trong cơ cấu BĐS có tới hơn 90% vốn đã được dồn vào các dòng phân khúc này. Nhưng phân khúc nhà này có giá rất đắt vì phí bôi trơn, lãi suất phải trả cao khiến tổng chi phí lớn. Thậm chí, người ta còn cho rằng, có tới 50% chi phí xây dựng đã phải trả cho lãi xuất NH. Đã trả rồi giờ lại phải bán hạ giá thì sẽ lỗ. Đây chính là nút thắt lớn nhất khi giải tỏa nút thắt BĐS, đặc biệt là BĐS cao cấp.

Ngoài ra, trong cơ cấu nợ thì doanh nghiệp Nhà nước cũng đang chiếm tới 70% tổng nợ xấu của hệ thống NH, theo báo cáo của các cơ quan chức năng và nó đang gây ra hậu quả cho một loạt NH như Vinasin, Vinaline... Nhưng rõ ràng, các doanh nghiệp đó lại không thể phá sản được bởi nó nằm trong mục tiêu, kế hoạch của Nhà nước. Bắt nó phá sản là hợp lý nhưng lấy “tay đánh chân” thì cũng khó.

Một lượng lớn hàng hóa đang nằm "chết" trong kho của các doanh nghiệp

PV: Để xử lý được tận gốc vấn đề này, những biện pháp cấp bách chúng ta cần làm là gì, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Có 2 nguyên tắc khi xử lý nợ xấu. Đầu tiên là nguyên tắc thị trường, bởi đây là tư duy thị trường thì hãy để thị trường giải quyết; thứ hai, không kém phần quan trọng là phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô vì lợi ích tổng thể, hài hòa nguyên tắc thị trường với kinh tế vĩ mô.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Tính đến ngày 31/8/2012, dư nợ tín dụng của BĐS khoảng 203.000 tỉ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu 6,6%, theo báo cáo của NHNN. Nếu tính chung các khoản cho vay liên quan đến BĐS như cho vay để kinh doanh, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh thế chấp bằng BĐS thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, tức là khoảng hơn 1 triệu tỉ đồng”.

Với những nguyên tắc đó, trước hết, chúng ta cần phải đánh giá lại khối lượng nợ cho nó chính xác nhất. Nợ bao nhiêu? Lý do nợ như thế nào? Nằm ở đâu?... Tức là bức tranh về nợ và nợ xấu phải rất rõ ràng, minh bạch thì mới giải quyết được chứ đánh trận mà đánh tù mù thì đánh thế nào được. Đây là yêu cầu kiên quyết. Căn cứ vào đó để có những nguyên tắc xử lý cụ thể. Cái nào quá nhạy cảm, cái nào mà lợi ích chung lớn thì mình cân nhắc cái lợi ích và chi phí để tính toán phương án. Còn cái nào quá lỗi, mà vỡ không làm sao cả, vẫn đảm bảo được thì cho nó chết theo đúng nguyên tắc thị trường. Còn những cái nào vỡ gây ra hệ quả quá nặng thì cần phải có những biện pháp hỗ trợ nhất định ví dụ: Đề nghị giảm lãi suất như đã từng đề nghị, khoanh nợ, giãn nợ, thương lượng lại nợ, cơ cấu lại một phần nợ cũng như có thể tạo ra một số cơ chế chính sách mới để khuyến khích gặp nhau ở thị trường để giải tỏa. Đối với mỗi doanh nghiệp thì tùy theo khả năng nắm bắt, tính toán của mình để có sự điều chỉnh, đặc biệt là điều chỉnh về giá, ví như cắt lỗ chẳng hạn. Còn nếu không chịu cắt lỗ thì cần phải tìm cách điều chỉnh sản phẩm. Hiện nay đang có nhiều cách như xé nhỏ, bán chậm, gọi vốn cùng NH bán trả chậm cho các đối tượng khách hàng...

Tuy nhiên, cần đặc biệt nhấn mạnh rằng, phải một bức tranh tổng thể về nợ chính xác, minh bạch nhất, đặc biệt là cần có một nguyên tắc tránh lạm dụng, tránh lợi ích nhóm.

PV: Ý tưởng về một công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng thì sao, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Thực ra, công ty mua bán nợ là bình thường, không có gì là mới cả. Cái mới của nó là lấy tiền ngân sách Nhà nước, do NH chỉ đạo thì người ta sẽ phản ứng và nghi ngại là NHNN đẻ ra một đống nợ xấu như thế bây giờ lại cho chính NHNN lấy tiền của xã hội để giải quyết thì hóa ra tự NHNN cứu NHNN bằng tiền của người khác.

Tôi cho rằng, không thể “bắt” một công ty, một NH nào tự giải quyết nợ xấu được, bởi rất khó và nó vượt quá khả năng của bất kỳ doanh nghiệp, NH nào, nên cần phải có sự tham gia của Nhà nước. Nhưng sự tham gia đó phải đảm bảo tính minh bạch, có sự giám sát phù hợp để tránh hiện tượng lợi ích nhóm. Đặc biệt, trong quá trình xử lý nợ xấu không nên đưa NHNN vào bởi họ vẫn lấy cái cớ là NHNN biết nó nợ ở đâu và cần xử lý như thế nào. Nhưng biết rồi thì phải công bố, mà đã công bố rồi thì ai mà chẳng biết để cùng bàn thì nợ lại càng minh bạch.

Như vậy, lập công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng là cần thiết và sẽ hoạt động lâu dài trên thị trường nợ của nền kinh tế. Tuy nhiên, không nên để NHNN xử lý mà phải có một cơ quan nào đấy có thể là trực thuộc Chính phủ, Quốc hội hay một ủy ban nào. Nhưng chắc chắn không thể đặt trong NHNN để tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi diễn ra được.

Còn về nguồn vốn của công ty này thì có thể là vốn ngân sách, vốn từ các khoản phòng ngừa rủi ro, vốn của các doanh nghiệp là con nợ (nếu có thể) và số lãi từ việc mua bán nợ.

Bất động sản "chết" vì mù quáng

PV: Xin ông nói rõ hơn về nguyên tắc cơ chế thị trường khi áp dụng vào công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng?

TS Nguyễn Minh Phong: Cơ chế thị trường là không thể mua nợ xấu bằng cái giá nợ gốc được, tức là phải đánh giá nợ xấu đúng giá trị thực để mua bằng giá trị thực. Ví như, trước đây giá trị là 100 triệu nhưng bây giờ quá xấu rồi, bán chẳng ai mua mà thì chỉ còn giá 10 triệu thôi. Ngoài ra, cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của những người có liên quan theo đúng quy định. Tội đến đâu phải chịu đến đấy chứ không phải xóa xong, bảo lãnh xong là xong. Như thế thì hòa cả làng.

Một điểm nữa, chúng ta mua bán nợ và tài sản tồn đọng không phải để đấy mà có thể bán đi thu hồi vốn, thậm chí là có lãi như một số quốc gia đã làm và cũng rất thành công như Thụy Sĩ chẳng hạn.

PV: Có ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, nợ xấu của hệ thống các NH sẽ gia tăng, ông nghĩ gì về điều này?

TS Nguyễn Minh Phong: Nhiều bằng chứng cho thấy, có rất nhiều cơ sở khiến nợ xấu tăng trong thời gian tới, bất chấp những cố gắng của Chính phủ như: Cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp chưa được cải thiện nên họ sẽ không tìm ra được các nguồn tiền để trả nợ; Không ít các khoản nợ cũ đang bị che giấu bởi rủi ro đạo đức, bởi những nghiệp vụ và bởi sự cố tình của những người liên quan kể cả doanh nghiệp và người cho vay tạo ra cơ sở pháp lý phù hợp để cho vay và giải ngân những khoản khổng lồ bất chấp giá trị thực tế rất thấp; lãi suất cho vay cũ rất lớn cộng theo thời gian nó sẽ gia tăng; Triển vọng của thị trường BĐS không có nhiều dấu hiệu khởi sắc, khả năng thanh khoản bán tiếp và khả năng mua thực tế của người dân không mạnh.

Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì cũng chẳng dễ dàng gì khi mà năm 2013, thế giới sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn. Điều này đồng nghĩa là khả năng trả nợ và con số thật của chủ nợ sẽ có hướng tiêu cực.

PV: Nợ xấu sinh ra từ nhóm lợi ích thì sao, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Đây chỉ là 1 nguyên nhân chứ không phải là tất cả các nguyên nhân, bởi thực tế, trước khi bị lao dốc đột ngột, thị trường thanh khoản tốt, người ta mua bán lạm pháp không phải lợi ích nhóm mà nó là hợp pháp. Ví như thị trường BĐS, trước đây trong lịch sử thị trường BĐS rất ít khi có hiện tượng đi xuống. Nó chỉ đi lên xong đắp chiếu rồi lại lên. Nhưng mấy năm gần đây, nó lên rồi lại xuống và đặc biệt là nó xuống nhiều hơn. Đây là hiện tượng chưa xảy ra bao giờ nên nó đã vượt ra khỏi khách quan đánh giá của nhiều người.

Đấy là cái khách quan chung về nợ, còn nợ xấu cũng có nhiều liên quan đến lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, điều này gắn liền với thẩm định dự án, hiện tượng tập trung vốn vào một chỗ quá lớn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nói, có những NH mà 80-90% dư nợ lại dồn vào một hay một vài cá nhân trong ban quản trị thì làm gì chẳng chết.

PV: Còn về hiện tượng sở hữu chéo giữa các NH thì sao?

TS Nguyễn Minh Phong: Thực tế sở hữu chéo là tốt nhưng khi nó dùng để giấu nợ, dùng để tham nhũng, để cạnh tranh, thâu tóm không lành mạnh thì là xấu, là nợ và nợ xấu. Chỉ có điều là mặt xấu của nó lại đang biểu hiện nhiều hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các doanh nghiệp BĐS đã đầu tư một cách quá mù quáng theo hướng không cân nhắc thị trường. Đầu tư vào những lĩnh vực, cơ cấu sản phẩm rất to, rất hoành tráng và rất nhiều tiền với hy vọng là trên tổng số vốn như vậy sẽ kiếm được lợi nhuận lớn mà không tính tới chuyện bán được hàng hay không. Vì vậy mới xảy ra tình trạng tất cả đổ dồn vào BĐS cao cấp, tất cả phải đổ dồn vào phân khúc căn hộ diện tích hàng trăm m2, còn loại căn hộ 20 hay 30m2 thì lại chẳng ai làm vì chi phí lớn mà lợi nhuận thì thấp.

Ngoài ra, tầng lớp trung gian và sức thanh toán thực tế của thị trường không lớn như người ta tưởng hoặc đã bị đánh giá nhầm. Trước đây, NH cho vay xong lại thế chấp rồi lại cho vay thế chấp tạo ra cái giống như dư nợ của Mỹ là những sản phẩm thế chấp quay vòng, cùng với những khoản vay dưới chuẩn đã tạo ra nợ xấu.


Thanh Ngọc (thực hiện)