Trường đua Phú Thọ: Một thời lừng lẫy

18:00 | 31/01/2014

9,583 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là cái nôi đua ngựa của đất Sài Gòn và có thời từng là trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á mà giới ăn chơi thượng lưu vùng Nam kỳ Lục tỉnh thường xuyên lui tới, thế nhưng quá khứ “lẫy lừng” của Trường đua Phú Thọ giờ chỉ còn trong ký ức…

Năng lượng Mới số Xuân Giáp Ngọ

Ký ức trường đua xưa

Trường đua Phú Thọ - một địa danh quá đỗi quen thuộc đã in sâu vào tâm khảm của giới đam mê cá cược đua ngựa ở Sài Gòn cho đến tận ngày nay, dù cho nó đã chấm dứt toàn bộ hoạt động trong gần 3 năm trở lại đây.

Hãy trở về quá khứ của trường đua này một chút…

Trong tác phẩm“Ở theo thời”(viết năm 1935), nhà văn Hồ Biểu Chánh đã từng miêu tả rất rõ nét cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Trường đua Phú Thọ xưa: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm rượp”.

Cứ nghĩ rằng đây là thú chơi của giới thượng lưu phương Tây nên có rất ít người Việt bản xứ ghé vào, đó là chưa kể phụ nữ chắc vào chỗ này cũng hiếm, cho nên nhà văn Hồ Biểu Chánh rất ngạc nhiên khi chứng kiến: “Trong số người đi coi đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”.

Lúc ấy đây là trường đua ngựa duy nhất ở Việt Nam được một nhóm thương gia, sĩ quan người Pháp thành lập vào năm 1932 với diện tích hơn 48 héc-ta. Và theo nhà văn Hồ Biểu Chánh thì khoảng 3 năm sau đã trở thành địa điểm lui tới quen thuộc của dân Sài Thành và Nam kỳ Lục tỉnh.

Nói về cảnh cá cược ở Trường đua Phú Thọ, nhà văn Hồ Biểu Chánh mô tả chi tiết: “Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền đến coi chơi cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm, đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót, chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu, lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ”.

Rõ ràng như nhận xét của nhà văn Hồ Biểu Chánh, khi mở ra Trường đua Phú Thọ, người Pháp đã “đánh trúng” vào tâm lý thích chơi cá cược của người Việt bản xứ khi ấy và lôi kéo một bộ phận không nhỏ là phụ nữ giới thượng lưu.

Quang cảnh trường đua thời Pháp thuộc.

Tìm hiểu về lịch sử ra đời Trường đua Phú Thọ thì được biết tiền thân ban đầu là một trường đua nhỏ nằm trong một trại lính Pháp ở góc ngã tư đường Verdun với đường Le grand de la Liraye (nay là đường Cách mạng Tháng Tám với Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM). Vào những ngày cuối tuần, các sĩ quan và binh lính người Pháp thường tổ chức những đợt tập dượt mã quân với sự tham gia của đội quân kèn để thúc nhịp.

Sau đó, một thương gia người Pháp tên là Jean Duclos khi đặt chân đến đất An Nam, đã thăm dò thú chơi cá cược của người Việt bản xứ nên bèn nảy ra ý tưởng đem loại hình đua ngựa từ Pháp sang để kinh doanh. Năm 1906, Duclos mang 8 con ngựa giống Arập, loại ngựa tốt mã, lớn con, chạy đua giỏi đến vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn và chọn vùng đất cao ở khu vực Phú Thọ Hòa thuộc vùng Chợ Lớn xưa - vốn là nơi tụ tập của giới thượng lưu người Hoa, để lập trường đua ngựa lần đầu tiên. Giới ăn chơi thượng lưu ở Sài Gòn bắt đầu làm quen với môn chơi quý tộc này, rồi say mê theo kiểu cờ bạc. Trò chơi đua ngựa của Duclos đã tạo nên một cơn sốt thực sự. Với gần 200 cuộc đua trong vòng nửa năm, Duclos đã hốt bạc đáng kể.

Trong khi dân Sài Gòn nhiều người “tán gia bại sản” do ham hố đua ngựa thì cơn sốt ở Trường đua Phú Thọ không vì thế mà suy giảm. Đến năm 1932, thấy người Việt bản xứ ở Nam kỳ Lục tỉnh rất “máu me” môn thể thao quý tộc này nên ông Monpezat, một thương gia người Pháp tiếp bước Duclos bèn hùn hạp, vay tiền ngân hàng mua một bãi đất trống rộng hàng chục héc-ta ở làng Phú Thọ (thuộc các tuyến đường Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, quận 11 bây giờ) để xây dựng trường đua thật chỉnh chu. Và Trường đua Phú Thọ đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Lúc bấy giờ Trường đua Phú Thọ được xếp hạng là một trong những trường đua lớn nhất nhì ở châu Á. Vào những ngày tổ chức thi tài, người ta nô nức đến xem nghẹt cứng khán đài. Đến năm 1954 thì trường đua này do chính quyền Ngô Đình Diệm quản lý và hoạt động liên tục cho đến 1975 thì bị gián đoạn vì thời cuộc. Năm 1989, trường đua hoạt động trở lại và được một thương gia Hoa kiều đầu tư để tu sửa lại.

Thời đó ngựa đua ở Trường đua Phú Thọ được chia làm 4 hạng: A, B, C và D. Mỗi hạng gồm ngựa 3, 4 tuổi và lớn hơn. Mỗi năm ngựa sẽ được đo và xếp hạng lại. Một con ngựa đua tốt phải đạt đúng tiêu chuẩn như lông mượt, cằm rộng, ngực nở, chân tay thẳng, móng đứng. Khi còn trường đua, người ta thống kê có khoảng 1.200 con ngựa tham gia đua. Tính cả ngựa giống, ngựa đẻ và ngựa con thì đàn ngựa đua ở Sài Gòn, Đức Hòa (Long An) và các tỉnh lân cận khi ấy vào khoảng 4.000 con.

Máu cá cược

Để tìm hiểu về thú vui cá cược ở trường đua ngày xưa, chúng tôi tìm gặp ông Trần Kim Đồng, người có thâm niên hơn 30 năm làm nài ngựa và trọng tài tại Trường đua Phú Thọ từ thời trước năm 1975. Ông Đồng có vóc dáng nhỏ nhắn của một nài ngựa, nay đã ngoài 60 tuổi nhưng trông vẫn còn khá nhanh nhẹn.

Ông Đồng hồi tưởng lại quá khứ: Trường đua thời ấy đông đúc và nhộn nhịp lắm, người đến chơi vào độ cuối tuần hoặc các dịp đại hội luôn tấp nập. Khu vực khán đài danh dự có mái che của Trường đua Phú Thọ được coi như khu vực “VIP”. Chỗ ngồi cao nhất ở khu khán đài là Ban Trọng tài (gồm hơn 10 người) rồi tiếp đến là chỗ ngồi của quan chức và các chủ ngựa.

Theo ông Đồng, dân chơi cá cược ở trường đua thường được gọi là dân “tuyệt phích” (tức “turfiste”: tiếng Pháp có nghĩa là dân cá ngựa).

Ông Trần Kim Đồng, người có hơn 30 năm gắn bó với Trường đua Phú Thọ.

Qua tìm hiểu thì vào thập niên 30 của thế kỷ trước, cá cược rất thịnh hành ở Trường đua Phú Thọ. Các dân “tuyệt phích” cá theo hai kiểu: Cá cặp tức là cá con nhất con nhì, cá chiếc tức là cá một con nào đó về nhất. Ngựa đua theo các cự ly 800m, 1.000m, 1.200m, 1.700m, 2.400m và dài nhất là 3.000m. Các nài ngựa dắt ngựa vài vòng trước khán đài cho dân cá cược so chân, đặt cược.

Theo số liệu thống kê còn ghi lại, vào những năm 60, Trường đua Phú Thọ có khoảng 200 ngựa đua chính hiệu với nhiều lượt đua nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của dân “tuyệt phích”. Để duy trì hoạt động hàng tuần, người ta phải thuê thêm ngựa cỏ kéo xe ở các nơi để tổ chức cho đủ 10-12 ngựa/đợt.

Thời gian sau, chuyện cá cược ở Trường đua Phú Thọ có phần đa dạng hơn xưa. Không chỉ được cá chiếc, cá đôi mà dân “tuyệt phích” còn được cá ba, cá tư rồi cá sáu. Vé thì có đủ hạng bình dân cho đến VIP nhưng phần lớn chỉ thích hè nhau ra sát ranh đường đua để theo dõi. Các tờ thông tin số trận tham gia, thành tích của ngựa được bán nhan nhản cho dân “tuyệt phích” ở lối vào trường đua nhằm lựa chọn con ngựa mà mình ưng ý để cá cược.

Thế nhưng để thắng cược thì không phải là chuyện đơn giản. Thời ấy, giới cá cược người Hoa ở Chợ Lớn được cho là thắng thế ở Trường đua Phú Thọ. Họ thường bảo nhau “bí quyết”: Hễ biết chơi đua ngựa là phải biết đón tuy-dô (tiếng Pháp có nghĩa là tin mật) từ các trùm ngựa. Giới chơi thạo thường giao du nhiều trong giới chủ ngựa đua và nhất là giới nài. Với bọn nài, họ chơi thật ngọt. Nói nôm na là “mua” nài. Họ cho tin mình cho tiền. Khi kết quả như họ cho tin tốt, mình lại thưởng mười lần hơn. Tất cả bí quyết là ở đó, đúng như người Hoa ở Chợ Lớn thường răng dạy con cháu khi muốn kiếm tiền: “Phóng tài hóa, thu nhân tâm”, nghĩa là hào phóng ban phát tiền bạc và hàng hóa để chinh phục lòng người. Và với họ, chinh phục giới nài và chủ ngựa là một những bí quyết để thắng lớn mỗi khi đến Trường đua Phú Thọ để cá cược.

Giã từ dĩ vãng

Ở Trường đua Phú Thọ, cũng như ông Trần Kim Đồng, ông Huỳnh Văn Tỏn (ngoài 60 tuổi) từng là một nài ngựa từ trước năm 1975. Cả nhà ông Tỏn có đến ba đời nuôi ngựa và gắn bó với trường đua. Ông biết làm nài ngựa (cưỡi ngựa đua) từ năm 14 tuổi, đua suốt từ năm 1969-1971. Ngày trước, ông Tỏn chỉ có 32kg nên được làm nài ngựa. Sau lên cân nên bị buộc phải bỏ lưng ngựa theo nghề nuôi ngựa đua hàng chục năm nay ở xã Bà Điểm, Hóc Môn.

Trải qua thời ngang dọc ở Trường đua Phú Thọ, ông Tỏn và ông Đồng nhớ lại: Hồi ấy trường đua “ngon lành” lắm, mở cửa đón toàn giới ăn chơi thượng hạng. Những nài ngựa như tụi tui vận đồ đồng phục như kỵ sĩ, đội nón kết. Mỗi lần dắt ngựa ra chào khán giả thì rất hãnh diện”.

Ông Tỏn kể: “Mỗi cuối tuần hoặc vào các dịp đại hội truyền thống, nài được chủ ngựa cưng như trứng mỏng. Hồi ấy, thắng một độ ngựa gần 60.000 đồng, sống rỉ rả cả năm. Năm 1971, tui mua chiếc Honda 67 chỉ có 29.000 đồng, cả xóm trầm trồ…”.

Sau năm 1975, trường đua đã có một quãng thời gian gián đoạn do thời cuộc. Đến năm 1989 Trường đua Phú Thọ được phép hoạt động trở lại nhưng còn dè dặt, cầm chừng. Năm 2003, trường đua được giao cho CLB Thể thao Phú Thọ quản lý và hợp tác với Công ty TNHH Thiên Mã để đầu tư, nâng cấp. Công ty Thiên Mã gắn liền với danh tiếng của ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Úc). Số ngựa tham gia có khoảng 850 con. Ngựa thuộc giống ngựa cỏ, thường chỉ nặng 250kg/con. Mỗi thứ Bảy, Chủ nhật trường đua tổ chức 10 đợt ngựa thi đấu, mỗi đợt thi có 12 con ngựa. Trong các cuộc đua thu hút 2.000-3.000 lượt khán giả.

Ông Trần Kim Đồng cho biết thêm: Lúc đó, nhiều người trong giới chủ ngựa và những người có máu mê đua ngựa rất kỳ vọng vào một sự thay đổi toàn diện, hòng đưa môn đua ngựa của nước ta trở lại thời thịnh vượng như lúc trước.

“Thế nhưng cách làm không chuyên nghiệp kèm theo với nạn cá cược có tính chất tiêu cực đã làm hoạt động trường đua ngày càng xuống cấp trong mắt nhiều người” - ông Đồng tiếc nuối.

Sau đó, UBND TP HCM không chấp thuận cho CLB Thể thao Phú Thọ tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Thiên Mã để tổ chức đua ngựa khi chưa có chủ trương của thành phố, như đề xuất của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL). Ngày 31/5/2011 là ngày kết thúc hợp đồng hợp tác kinh doanh và cũng được xem là ngày “kết liễu” Trường đua Phú Thọ.

Nhắc đến Trường đua Phú Thọ, những “tín đồ” say mê môn đua ngựa không khỏi nuối tiếc khi khuôn viên trường đua giờ đây đã bị “băm nát”. Thấm thoắt đã gần 3 năm kể từ ngày bị đóng cửa theo quyết định UBND TP HCM vào ngày 31/5/2011, Trường đua Phú Thọ giờ đây phải nhường chỗ hoạt động cho Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (thuộc Sở VH-TT&DL TP HCM). Trên thực tế, bên trong khu vực trường đua này giờ là bãi cỏ hoang rộng lớn và nhường lại cho nhiều quán xá, bãi gửi xe ôtô mọc lên. Vây quanh cổng vào trường đua ngựa ngày nào giờ là quán ăn, nhà hàng, làng nướng, cà phê... Bên trong là những bãi đậu xe ôtô, sân bóng mini...

Khuôn viên trường đua này từng được thành phố phê duyệt thành lập 2 khu dân cư, phần đất còn lại (khoảng 360.000m2) đã được giao cho Sở VH-TT&DL quản lý và giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với quận 11 điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Thế nhưng cho đến nay, khi thị trường bất động sản ở TP HCM gặp khủng hoảng thì các dự án này vẫn “dậm chân tại chỗ”. Và như thế, khi trường đua được “nhắm” để biến thành dự án bất động sản có thể hái ra tiền gấp nhiều lần trò đua ngựa thì quá khứ “lẫy lừng” thuở nào chỉ còn là dĩ vãng một thời…

Thế Vinh