Trung Đông sẽ yên bình hay dậy sóng sau cái chết của lãnh đạo Hamas?

15:58 | 02/08/2024

1,170 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kể từ sau cái chết của nhà lãnh đạo chính trị Ismaïl Haniyeh ngày 31/7, nhiều phản ứng đã xuất hiện từ những người ủng hộ Hamas trong cộng đồng Hồi giáo, cũng như từ Trung Quốc và Nga. Là khu vực trọng điểm của thị trường năng lượng, diễn biến tại Trung Đông sắp tới đặc biệt có ảnh hưởng tới giá dầu khí của thế giới.
Trung Đông sẽ yên bình hay dậy sóng sau cái chết của lãnh đạo Hamas?
Lễ tang của Ismail Haniyeh ở Tehran vào thứ Năm tuần này. Ảnh Sipa/AP/Vahid Salemi

Lãnh đạo Hamas Ismaïl Haniyeh, bị giết hôm thứ Tư tuần này (31/7) trong một cuộc tấn công ở Tehran và Hamas ngay lập tức quy trách nhiệm cho Israel, mặc dù nhà nước Do Thái chưa lên tiếng về vụ việc. Nhà lãnh đạo chính trị này đã cư trú tại Qatar, văn phòng chính trị thuộc phong trào của ông có trụ sở tại Doha từ năm 2012, sau khi đóng cửa ở Damascus.

Kể từ khi thông báo về cái chết của ông được công bố, đã có rất nhiều phản ứng từ các thành viên của Trục Kháng chiến. Nhóm này tập hợp một số quốc gia, các nhóm chính trị, quân sự và khủng bố để chống lại Israel. Nhóm bao gồm Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hamas, nhóm khủng bố Hồi giáo Jihad, phong trào Hezbollah của người Shiite ở Lebanon và phiến quân Houthi ở Yemen.

Trục kháng chiến đe dọa báo thù

Tổng thống Iran Massoud Pezeshkian thề sẽ khiến những kẻ chủ mưu “hối hận” vì “hành động hèn nhát” này: “Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, danh dự, niềm tự hào và phẩm giá của mình, đồng thời sẽ khiến những kẻ xâm lược khủng bố phải hối hận về hành động hèn nhát của chúng”, ông Pezeshkian tuyên bố trên X, bày tỏ lòng kính trọng đối với Ismaïl Haniyeh, được mô tả là “nhà lãnh đạo can đảm”. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ giáng “hình phạt nghiêm khắc” đối với Israel. Chính phủ Iran cho biết trong một tuyên bố: “Cộng hòa Hồi giáo Iran đã công bố ba ngày quốc tang sau cái chết của ông Ismaïl Haniyeh”.

Là thành viên của Trục kháng chiến, Thổ Nhĩ Kỳ lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas. Bộ Ngoại giao nước này cho rằng “cuộc tấn công này cũng nhằm mục đích mở rộng cuộc chiến ở Gaza sang quy mô khu vực”. Ông Ismaïl Haniyeh là người đối thoại đặc quyền của Ankara. Ông đã ủng hộ chính trị vững chắc cho phong trào Hồi giáo Palestine trong cuộc chiến ở Gaza. Tổng thống Erdogan còn tiếp đón ông Ismaïl Haniyeh cách đây ba tháng. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã nói chuyện với ông qua điện thoại hai tuần trước.

Mặc dù bị loại khỏi các nỗ lực hòa giải, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có một số ảnh hưởng đối với Hamas, từ lâu đã có văn phòng ở nước này. Do đó, vụ ám sát lãnh đạo Ismaïl Haniyeh làm làm gia tăng nỗi lo ngại chính của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi bắt đầu chiến tranh: Đó là xung đột leo thang trên toàn khu vực.

Các lãnh đạo khác của Trục Kháng chiến cũng lên tiếng. “Đây là một tội ác khủng bố ghê tởm và vi phạm pháp luật một cách trắng trợn”, Mohammed Ali al-Houthi, một quan chức cấp cao của Houthi, nói trên X. Chỉ huy Hezbollah của Lebanon đảm bảo sẽ “tăng cường quyết tâm” của phong trào và các đồng minh để đối đầu với Israel trong khi quân đội Israel tuyên bố đã tiêu diệt thủ lĩnh quân sự của Hezbollah Lebanon, Fouad Chokr, vào thứ Ba ngày 30/7. Phong trào Hồi giáo Lebanon thừa nhận rằng người chỉ huy đang ở trong tòa nhà bị tấn công, nhưng cho biết họ chưa tìm thấy thi thể của ông. Bộ Y tế Lebanon thông báo rằng 4 thường dân - 2 phụ nữ và 2 trẻ em - cũng thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Vẫn còn phải chờ xem liên minh do Iran đứng đầu sẽ có hành động gì để đáp trả cái chết của ông Haniyeh. Abdolrasool Divsallar, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, cho biết một phản ứng “phối hợp” từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này có thể nằm trong kế hoạch như một phương tiện để tăng mức độ nguy hiểm. “Tôi nghĩ điều quan trọng là số lượng và quy mô của phản ứng cũng như mức độ phối hợp, và tôi nghĩ chúng ta chưa từng thấy một cuộc tấn công phối hợp nào nhằm vào Israel cùng lúc”, ông nói với Middle East Eye.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết hôm thứ Tư rằng cái chết của ông Haniyeh sẽ “củng cố mối liên kết sâu sắc và không thể phá vỡ giữa Tehran, Palestine và lực lượng kháng chiến” - nhưng không phải ai cũng chắc chắn như vậy. Nhà phân tích Hamidreza Azizi cho biết cuộc tấn công cho thấy “điểm yếu đáng kể về tình báo trên toàn trục kháng chiến” và có thể gây ra nỗi sợ hãi về sức mạnh của liên minh, đặc biệt là nếu Iran không phản ứng. “Căng thẳng leo thang là điều không thể tránh khỏi và việc Iran không phản ứng có thể làm tổn hại đến uy tín của nước này trong mắt các đồng minh”, nhà phân tích nói. Ông Azizi cho biết ưu tiên của tất cả các bên hiện nay là “giao tiếp” để hạn chế mọi hậu quả tiềm tàng. “Cần phải có sự can thiệp của quốc tế, trước tiên là giao tiếp với Iran để tác động đến tỷ lệ phản ứng của nước này, nhưng cũng cần giao tiếp với Israel để tiếp thu phản ứng của Iran”, ông nói.

Trung Đông sẽ yên bình hay dậy sóng sau cái chết của lãnh đạo Hamas?
Người dân vẫy cờ Palestine và chân dung thủ lĩnh Hamas bị ám sát Ismail Haniyeh trong một cuộc biểu tình tại Đại học Tehran ở thủ đô Tehran của Iran vào ngày 31/7/2024. Ảnh AFP

Vụ ám sát có thể đẩy khu vực rơi vào hỗn loạn?

Qatar lên án vụ ám sát lãnh đạo Hamas, coi đây là “tội ác ghê tởm” và cảnh báo về “leo thang nguy hiểm” trong khu vực. Qatar là nơi tổ chức bộ phận chính trị của Hamas, trong đó có ông Haniyeh, và làm trung gian cho các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.

Syria cũng có quan điểm tương tự khi khẳng định rằng cái chết của thủ lĩnh Hamas có thể làm “bùng nổ toàn khu vực”. Bộ Ngoại giao Syria cho biết trong một tuyên bố: “Syria tố cáo sự xâm lược trắng trợn của người Do Thái và và sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran”.

Nga cũng tố cáo “một vụ ám sát chính trị hoàn toàn không thể chấp nhận được và điều này sẽ dẫn đến căng thẳng leo thang hơn nữa”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti.

Người phát ngôn của chính phủ Afghanistan bày tỏ sự tiếc nuối về “một mất mát lớn lao”. Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban nói thêm: “Ông Haniyeh để lại những bài học về sự phản kháng, hy sinh, kiên nhẫn, bao dung và sự hy sinh cho những người theo sau ông”. Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết “vụ ám sát” lãnh đạo Hamas là “hành động vô trách nhiệm” và tạo thành “sự leo thang nguy hiểm ở một khu vực đang bất ổn”.

Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ: “Chúng tôi rất quan ngại về vụ việc này, chúng tôi cực lực phản đối và lên án vụ ám sát này”, Lin Jian, người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố.

“Logic trả thù” bị lên án

Chính phủ Đức, người có truyền thống ủng hộ Israel, cho biết hôm thứ Tư sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas ở Tehran và một hành động quân sự nhắm vào một chỉ huy của Hezbollah ở Tehran, “logic của việc trả thù” ở Trung Đông “không phải là con đường đúng đắn”. Người phát ngôn Sebastian Fischer tại Bộ Ngoại giao nước này nói với báo chí: “Điều quan trọng là tránh leo thang hơn nữa và lây lan xung đột trong khu vực, trước hết cần phải giữ một cái đầu lạnh và phản ứng bình tĩnh”.

Về phần mình, Liên minh châu Âu kêu gọi “tất cả các bên” thể hiện “sự kiềm chế lớn nhất” và tránh “bất kỳ sự leo thang nào nữa”. Peter Stano, người phát ngôn của người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, tuyên bố: “Quan điểm của EU về nguyên tắc là bác bỏ các vụ hành quyết ngoài tư pháp và ủng hộ pháp quyền, kể cả trong bối cảnh công lý hình sự quốc tế”. Ông nói thêm: “Không quốc gia hay dân tộc nào được hưởng lợi từ sự leo thang mới ở Trung Đông”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ Tư đã từ chối bình luận về cái chết của lãnh đạo Ismaïl Haniyeh, bị ám sát ở Tehran, nhưng nhấn mạnh “sự bắt buộc” phải đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza. “Tất nhiên, tôi đã xem tin tức và tất cả những gì tôi có thể nói với bạn vào lúc này là không có gì phải nghi ngờ về tầm quan trọng của việc đạt được lệnh ngừng bắn”, ông nói, khi được hỏi trong một diễn đàn thảo luận ở Singapore, đồng thời khẳng định rằng Mỹ “không được thông báo và cũng không liên quan” đến vụ tấn công ở Tehran.

Một kịch bản khác

Các hành động của Israel trong ngày qua đã khiến một số người tin rằng chiến tranh sắp bắt đầu và đây là những nước cờ đầu tiên. Nhưng có thể có một kịch bản ngược lại. Các cuộc tấn công nhắm vào Shukr và Haniyeh có thể sẽ giúp giảm căng thẳng. Israel đã thực hiện các vụ ám sát như là một lựa chọn thay thế cho việc tấn công toàn diện Hezbollah. Thông điệp của những vụ ám sát có thể khiến Hamas và Hezbollah (cũng như các nhóm khác) hiểu rằng Iran không thể bảo vệ được họ. Hay nói như báo Atlantic: "Họ vẫn còn sống chỉ vì Israel chưa quyết định giết họ".

Ảnh hưởng của cái chết của ông Haniyeh đối với cuộc chiến ở Gaza có thể không lớn như người ta tưởng. Ông Haniyeh là một nhà lãnh đạo chính trị, nhưng trong suốt 10 tháng qua, ông gần như không đạt được bất kỳ thoả thuận chính trị nào. Ví dụ như cuộc tấn công ngày 7/10/2023, không phải do ông mà do ông Yahya Sinwar chỉ huy, người không có ý định đàm phán. Việc ám sát Haniyeh không cải thiện triển vọng đạt được thoả thuận hoà bình hoặc giải pháp chính trị, vì ông không phải là người đang nắm quyền quyết định chính về các chiến lược quân sự hoặc đàm phán. Israel đã quen với tình thế tiến thoái lưỡng nan này: “Đôi khi, người sẵn sàng đàm phán hoặc thảo luận về các thoả thuận không phải là người có quyền quyết định cuối cùng”.

Iran là một nước bảo trợ quan trọng cho các nhóm vũ trang như Hezbollah và Houthi. Israel có thể tấn công trực tiếp các nhóm này, nhưng việc tấn công Iran, quốc gia bảo trợ chính, có thể dẫn đến xung đột quy mô lớn hơn hoặc thậm chí chiến tranh toàn diện. Trong tình huống này, Israel đã chọn một cách trung gian. Thay vì tấn công trực tiếp vào Iran, Israel đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các đồng minh của Iran, trên lãnh thổ Iran, để gửi thông điệp rằng Iran không thể bảo vệ các đồng minh của mình. Điều này có nghĩa là Israel đang chứng minh rằng mối quan hệ giữa Iran và các nhóm được Iran bảo trợ không bền chặt như trước đây. Nếu thông điệp này đúng như dự đoán, vụ ám sát Haniyeh sẽ làm giảm căng thẳng trong khu vực thay vì làm chúng gia tăng thêm.

Trước tình hình xung đột Trung Đông leo thang, Nhà Trắng thông báo, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh Washington cam kết bảo vệ an ninh của của đồng minh này "trước mọi mối đe dọa từ Iran", bao gồm các nhóm Hamas, Hezbollah và Houthi.

Trong khi đó, về phía Israel, lực lượng quân đội của nước này lần đầu tiên lên tiếng về vụ thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát vào rạng sáng 31/7 ở thủ đô Tehran của Iran.

Theo người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari, vào đêm 30/7, nước này chỉ thực hiện một cuộc không kích duy nhất trên khắp khu vực Trung Đông nhằm tiêu diệt chỉ huy quân sự Fuad Shukr của Hezbollah ở ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon. Ông Hagari nói rõ: "Không có cuộc tấn công trên không nào khác của Israel, dù bằng tên lửa hay máy bay không người lái, vào đêm đó trên khắp Trung Đông. Tôi sẽ không nói thêm gì nữa". Ngoài ra, người phát ngôn trên nhấn mạnh, được các đồng minh hậu thuẫn cùng "hệ thống phòng thủ rất tốt", Israel đã sẵn sàng cho bất kỳ cuộc trả đũa tiềm tàng nào.

Xung đột Israel - Hamas có thổi bùng giá dầuXung đột Israel - Hamas có thổi bùng giá dầu
Israel tấn công mục tiêu ở miền Đông Lebanon, Hamas biện minh cho Iran, Trung Đông “nóng rẫy”Israel tấn công mục tiêu ở miền Đông Lebanon, Hamas biện minh cho Iran, Trung Đông “nóng rẫy”
Nguy cơ leo thang xung đột sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas đẩy giá dầu về đâu?Nguy cơ leo thang xung đột sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas đẩy giá dầu về đâu?

Nh.Thạch

AFP