Trống đồng Cảnh Thịnh độc bản thời Tây Sơn

07:26 | 28/01/2012

2,354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện đang gìn giữ và bảo quản một chiếc trống đồng không những chỉ lạ về hoa văn và còn nguyên vẹn, mà đặc biệt hơn, chiếc trống được làm dưới triều đại Tây Sơn, thời mà tưởng như kỹ thuật đúc đã thất truyền.

Trống đồng Cảnh Thịnh nặng 32kg, đường kính mặt 54,3cm, cao 37,40cm, được đúc mô phỏng theo kiểu trống da, hình trụ. Mặt trống cong vồng lên hình chỏm cầu, chính giữa có hai vòng tròn kép tượng trưng cho mặt trời. Thân trống được chia làm ba phần, ngăn cách bằng hai đường gân nổi. Trống có 4 quai hình khuyên gắn cách đều trên thân. Xung quanh trống, từ trên xuống dưới, đúc nổi các băng hoa văn: nhũ đinh, lá đề, hồi văn chữ T và đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng. Có tài liệu gọi đây là dạng họa tiết trang trí phức tạp với chủ đề lá hóa long, lá hóa ly.

Minh văn được khắc phần thân trống nói về chuyện người vợ của Tổng thái giám Giao quận công thuộc năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời Vua Lê Ý Tông (1736) góp công lập chùa Linh Ứng (nay là chùa Nành nổi tiếng), cùng những lời dẫn đến việc đúc trống để thờ cúng, tu bổ chùa. Ngoài ra minh văn còn cho biết trống được đúc vào ngày lành tháng 4 năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh đời Vua Nguyễn Quang Toản (1800), tại xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội).

Trống đồng Cảnh Thịnh là loại hình hiện vật độc bản có giá trị nghệ thuật cổ tiêu biểu của giai đoạn lịch sử thời Tây Sơn. Theo tư liệu lưu trữ, trống Cảnh Thịnh vốn được lưu giữ tại chùa Cả, sau được nhân dân xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội tặng lại cho Bảo tàng. Minh văn khắc trên trống đồng Cảnh Thịnh là nguồn sử liệu có giá trị lịch sử hiếm quý.

Nguyên văn bản dịch phần minh văn khắc trên trống:

"Đại tự xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn. Dẫn thuyết việc đúc mới trống đồng.

Trộm nghĩ, việc trống được đúc bằng đồng há chẳng phải là ngẫu nhiên sao? Việc rằng, năm Vĩnh Hựu triều Lê thứ 2 (1736), có người trong ấp là bà Nguyễn Thị Lộc hiệu Diệu Bảo nên nghĩa vợ chồng với Thị nội Tổng thái giám Giao quận công, đã làm phúc thuê thợ xây dựng chùa Linh Ứng tại bản địa, phân khu điện xứ, lại làm gác chuông, đúc chuông lớn cho treo ở trên, tiếng chuông vang trong trẻo, người nghe tiếng chuông sẽ tỉnh ngộ mà xét lại bản thân, không làm chuyện xấu xa. Sau đó chùa này lại bị xuống cấp hỏng nặng, bà lại quyên góp rất nhiều tiền sửa chữa, rồi đem gác chuông cho làm của chung, dâng chuông làm chuông thánh. Người trong ấp ta thấy xót xa về việc công đức của các bậc tiền nhân không được đánh giá coi trọng, bèn hội họp cùng đưa lời bàn, góp công sức, tiền của, rồi nấu đồng đúc tạo một chiếc trống lớn và một chiếc chuông nhỏ, số đồng còn dư lại cho đúc các đồ khí thờ để cúng dâng lên ban Phật. Ôi lớn lao thay Phật pháp vô biên, chẳng thể lấy cái này mà làm khác cái kia, con người ta làm việc thiện, nhân lấy việc người xưa mà làm gương sáng cho người nay, tôn sùng coi trọng công đức của người xưa để lưu truyền mãi mãi cho muôn đời hậu thế vậy.

Ngày tốt, tháng 4 nhuận năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) đúc mới.

Các quan viên hương lão, xã khán, thôn trưởng trung nam trên dưới toàn xã Phù Ninh, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn cùng ký”.

Chưa bao giờ, lai lịch của một chiếc trống đồng cụ thể lại sáng tỏ, tường minh đến vậy. Thường thì chúng được tìm thấy từ trong lòng đất, chìm khuất trong những màn sương mờ bí ẩn, gây ra những cuộc tranh luận kéo dài hàng trăm năm qua trong giới học thuật cả phương Tây lẫn phương Đông. Và chúng ta cũng nên nhớ lại rằng, kỹ thuật đúc trống đồng là cực khó. Sau nhiều năm thử nghiệm thất bại, thậm chí có dạo phải “cầu viện” tới cả người Nhật với kỹ thuật hiện đại tiên tiến mà cũng không thành, đến cuối năm 2006, người Việt Nam hiện đại, mà cụ thể là các nghệ nhân đúc đồng ở Đông Sơn – Thanh Hóa, mới thành công trong việc đúc lại được trống đồng, khôi phục lại một kỹ thuật tưởng chừng đã rời bỏ chúng ta cùng năm tháng.

Trong cuốn Khảo cổ học 1974, một học giả Việt Nam đã nhận định: “Trống đồng có chủ nhân là người Lạc Việt. Truyền thuyết nước ta đã ghi lại đúng đắn nhất cả chủ nhân và thời gian ra đời của trống đồng: người thời Hùng Vương đúc. Tất cả các truyền thuyết về trống đồng của các địa phương trên lãnh thổ Trung Quốc ngày nay, chỉ nói đến nào trống đồng do Mã Viện đúc, nhảy xuống sông Tầm Giang một chiếc, nào trống đồng thành tinh trong động, nào trống đồng do Gia Cát Lượng đúc để trấn áp người “Man”, nào trống đồng để ngồi tránh đại hồng thủy… Tuyệt không có truyền thuyết nào nói đến việc giúp đánh giặc, trừ nội loạn để thống nhất dân tộc, củng cố độc lập. Trống đồng trong truyền thuyết Trung Quốc mang tính chất yêu ma. Còn trong truyền thuyết nước ta có mang tinh thần bảo hộ dân tộc. Tuy các nhóm Lái, Lão hay Hung Nô trên đất Trung Quốc có dùng trống đồng, có bảo lưu được nhiều chi tiết nghi lễ, công dụng của trống đồng, nhưng họ là những bộ phận nhỏ trong người Lạc Việt, chẳng bao lâu bị Hán hóa gần hoàn toàn, không giữ được những truyền thuyết lịch sử lớn của người Lạc Việt. Nhân dân ta quý trọng trống đồng như thế nào, đã rõ.

Qua các tài liệu về người Mường ở nước ta, cũng như người Lái, Lão của Trung Quốc, ta thấy trống đồng tượng trưng cho quyền uy của tộc người trao cho tù trưởng. Tác dụng chủ yếu của nó nhằm hai đối tượng: tộc người và thần thánh của tộc người. Do đó, đánh trống là để huy động chiến tranh bảo vệ tộc mình, đánh trống là để tế lễ thần cầu phù hộ cho tộc mình. Sau này, trống trở thành nhạc khí ngày xuân của người Trọng Gia, trống điểm canh của người Hán. Đó là bước suy tàn cực độ. Thật ra, trống đồng đã mất vị trí xã hội từ sau nhà Đường. Trước đó, các trống đều đang sống, sống cuộc đời thiêng liêng trong các nhóm Lát, Lão còn tự chủ trong rừng núi. Từ Tùy – Đường về sau, họ bị đánh phá buộc phải dâng trống “thần phục”. Thế là trống đồng chết. Và sử sách bắt đầu mô tả trống trong bi các, trống đào được trong lòng đất. Chỉ có nhóm người nào còn tự chủ thì trống đồng mới còn thiêng. Nhóm A Đại giữ trống đồng được đến thế kỷ thứ XVI. Người Mường ở nước ta cũng giữ được trống đồng đến gần đây. Niên đại cuối cùng của trống đồng có thể qua tư liệu mà xét đoán cũng tương đối đúng: thế kỷ thứ IX sau Công nguyên”.

Bạn có thấy những điều thú vị khi đọc lại phần kết của bài nghiên cứu trên đây – được viết trong thời điểm đất nước còn đang chiến tranh không? Có lẽ, nhà nghiên cứu ấy đã không biết đến sự tồn tại của trống đồng Cảnh Thịnh. Trống đồng không chết, trống đồng còn đây và đã sống lại từ triều đại Tây Sơn. Văn bản cổ nhất về trống đồng được tìm thấy trong thời Tây Sơn, trống đồng cổ đầu tiên được tìm thấy cũng trong thời Tây Sơn và trống đồng đúc mới cũng được sinh ra trong triều đại oai hùng ấy. Pho biên niên sử Tây Sơn bắt đầu từ Tân Mão (1771) khi tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ dựng cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn. 30 năm sau, trống đồng được đúc lại. Năm 1975 kết thúc chiến tranh, sau 30 năm một chút, trống đồng cũng được đúc lại. Không rõ có gì đó trùng lặp hay không, nhưng kỹ thuật đúc trống đồng ngày nay đã được lưu truyền.

Hiện tại, di sản văn hóa vật chất thời Tây Sơn còn lại không nhiều – TS Khảo cổ học Nguyễn Đình Chiến dùng cụm từ là “lẻ tẻ”. Cũng lưu ý rằng, nhằm kỷ niệm 240 năm khởi nghĩa Tây Sơn (1771-2011), vừa qua, các hiện vật thời Tây Sơn mới được tập hợp lại, công bố và xuất bản thành sách. May mắn thay, dịp này có sự góp mặt của trống đồng Cảnh Thịnh. Trống đồng Cảnh Thịnh không chỉ đại diện cho một triều đại mà giá trị tự thân đã là một bảo vật quốc gia nối mạch cao quý nhiều đời truyền lại.

Trần Thế Vinh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.